Nostalgia: Hoài Niệm Quá Khứ Khi Tương Lai Bất Định?
Cảm giác hoài niệm, hoài cổ có sự liên kết chặt chẽ với biến động xã hội. Càng trong bối cảnh thế giới bất an, tương lai bất định, con người lại có xu hướng tìm sự ổn định, bình yên mang bóng hình quá khứ.
Bài viết gốc được đăng tải trên Slow.vn
Trước khi bắt đầu bạn có thể chuẩn bị một tách trà, bởi bài viết này có thể sẽ hơi dài một chút.
Theo bạn thì phần lớn chúng ta đang mong muốn điều gì nhất ngay lúc này?
Một sự ổn định, được quay trở lại trạng thái “bình thường” bình thường, được làm những điều giản đơn vô cùng như chúng ta vẫn làm trước kia: xem phim, tập gym, đi bơi, đi ăn khuya, du lịch… Có lẽ so với hồi đó (nghe có phần xa xôi…), mong muốn của chúng ta bỗng trở nên bình thường và giản dị hơn rất nhiều. Và điều đó phần nào phản ánh trạng thái đang diễn ra bên trong: bất an, tù túng, lo lắng bất định, chỉ cần một sự khẳng định chắc chắn.
Trong một cuộc nói chuyện gần đây với bác mentor làm trong ngành xuất bản sách, Ann được biết bắt đầu từ khi đại dịch nổ ra, nhu cầu đọc sách kinh điển của thời đại, những cuốn sách đã được khẳng định tên tuổi, được xuất bản từ cách đây khá lâu bỗng nhiên tăng vọt (với trường hợp NXB của bác). Tuy không hoàn toàn mang yếu tố quyết định nhưng cảm giác bất an về tương lai có lẽ đã tác động đến nhu cầu tìm về quá khứ một cách rất tự nhiên. Và nhìn từ khía cạnh khoa học, điều này hoàn toàn có thể hiểu được.
Nhìn rộng ra và xa hơn một chút, những năm gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều hơn những sản phẩm, dịch vụ được thiết kế mang hơi hướm hoài cổ, hay những “cổ vật” được phục chế lại có thể điểm qua như máy chơi đĩa than, xe đạp, scooter retro, thiết kế sử dụng phông chữ, tông màu từ những thập niên trước, những bộ phim lấy bối cảnh thế kỉ trước, máy ảnh polaroid, vân vân. Đây không đơn giản chỉ là xu hướng, mà ẩn sau đó là những diễn biến thay đổi về văn hóa xã hội, tâm lý cá nhân trong khoảng thời gian này. Một mặt, hiện tại chúng ta có nhiều điều kiện hơn để kế thừa và phát triển hơn những sản phẩm văn hóa đã bị một thời bị lãng quên như hát bội, những họa tiết dân gian truyền thống, giấy dó,... Nhưng trước đó, hẳn phải có điều gì thôi thúc chúng ta tìm lại về những điều đẹp đẽ trong quá khứ, tạo thành nhu cầu và dần dà lan tỏa thành xu hướng như hiện tại?
Nostalgia - Cảm Giác Hoài Niệm
Trước khi mang hơi hướm lãng mạn như hiện nay, nostalgia - cảm giác hoài cổ, vào thế kỉ 17 được xếp vào một chứng bệnh tâm lý, được phát hiện ở những quân lính chiến đấu xa nhà, trong doanh trại quân đội Thụy Sĩ. Trải qua thời gian và rất nhiều nghiên cứu, phạm vi xuất hiện của nostalgia cũng rộng hơn và cũng… mơ hồ hơn, bởi đây là một hiện tượng tâm lý có tính biến đổi, xóa nhòa ranh giới thời gian-không gian và quá khứ-hiện tại-tương lai.
Ở thể đơn giản nhất, nostalgia - hoài cổ, có thể được định nghĩa là “longing for the vanished past” - cảm giác hoài niệm, một cảm giác rất đỗi mơ hồ, vừa buồn vừa ngọt ngào hướng về một điều gì trong quá khứ đó đã trôi ngoài tầm tay mà có lẽ ai trong số chúng ta cũng đã từng trải qua (2). Quá khứ ấy bạn có thể trực tiếp trải nghiệm hoặc không - nhưng luôn có cảm giác buồn man mác, bồi hồi khi nghĩ về.
Điều thú vị là sự hoài niệm lại thường trực trong những khoảng thời gian bất định, bất ổn nhất của xã hội. Nói cách khác, khi cảm giác hoài cổ nổi lên bề mặt với sự xuất hiện của rất nhiều những sản phẩm khai thác chủ đề này, đây có thể là dấu hiệu cho thấy có sự khủng hoảng liên quan đến cảm nhận về thời gian (temporality) - điều thường xảy ra khi có sự chuyển dịch về thế hệ, thể chế chính trị, chiến tranh, bất ổn kinh tế,... Và cảm giác hoài cổ là phản ứng của con người khi đối mặt với sự phát triển nhanh, đột ngột về công nghệ với mục đích làm chậm, từ tốn lại sự thay đổi đó; đồng thời cũng có thể là sự “trốn chạy” tạm thời, phiêu lưu vào thế giới mà ranh giới thời gian, không gian bị nhòa đi (3). Nói một cách đơn giản, hoài cổ là phản ứng thường thấy để tìm bến đỗ bình yên tạm thời, trong bối cảnh thế giới xung quanh đầy biến động và phát triển quá nhanh.
Lùi Một Bước Để Tiến Nhiều Bước
Thoáng qua có nghe ai đó nói hướng về quá khứ, hoài cổ là cảm giác ủy mị, yếu đuối. Nhưng có thật sự như thế? Mỗi một cảm giác, dù buồn, dù vui, dù tích cực, tiêu cực, luôn là dấu hiệu cho chúng ta hiểu nhiều hơn về bản thân mình và thế giới xung quanh, đồng thời cũng là cơ hội để thay đổi, để phát triển hơn. Cảm giác hoài cổ cũng vậy, miễn là chúng ta lưu ý tránh để rơi vào sự so sánh giữa quá khứ và hiện tại.
Là Liều Thuốc Chữa Lành Sự Cô Đơn, Buồn Chán, Bất An
Cảm giác hoài cổ là chất keo gắn kết đưa mọi người gần lại nhau hơn. Khi hoài cổ, con người ta có xu hướng ít đề phòng hơn, họ trở nên cởi mở hơn với những người xa lạ. Và nếu bạn để ý, khi cùng chia sẻ một kỉ niệm chung về một thời xa vắng, dù vốn là những người xa lạ, chúng ta có bỗng có thấy có một sự kết nối đặc biệt như thể có một luồng điện chạy qua. Và trong những ngày đông ảm đạm, bước chân vào một căn phòng với những đồ vật mang hơi hướm xưa cũ luôn mang lại một cảm giác ấm áp khó tả. (1)
Là Cảm Giác Thuộc Về
Thuộc về một nơi nào đó, một thời đại nào đó, một nhóm người cùng sở thích nào đó,... ai cũng muốn có cảm giác “thuộc về”, nhất là khi bỗng một ngày thế giới xung quanh biến đổi quá nhanh, tương lai bất định. Và việc tìm về những bộ phim, những sản phẩm mang hơi hướm của thời đại, của thành phố đó như một lời khẳng định âm thầm rằng: tôi từng thuộc về một thời, một nơi nào đó - và quá khứ ấy đẹp đẽ ấy có thật, gói gọn trong hai từ “diễm xưa”.
Là Sự Động Viên Tiến Bước
Khi cảm thấy thuộc về một nơi, một thời đại nào đó trong quá khứ, vô hình chung cảm giác đó khiến chúng ta tự tin hơn về nguồn cội, và có động lực để bước tiếp trên cuộc hành trình có phần nào vô định.
Theo nghiên cứu Nostalgia and the shapes of history, cảm giác hoài cổ là sợi dây vô hình liên kết giữa quá khứ và hiện tại, vừa có ý nghĩa nhấn mạnh sự hoa lệ của quá khứ, vừa mang tính thúc đẩy tập trung vào hiện tại bởi khi hoài niệm, tiềm thức chúng ta ý thức được cái gì của quá khứ là của quá khứ, và cái gì của hiện tại là của hiện tại. Ý nghĩa này phần nào được tái hiện qua bộ phim Midnight in Paris (2011) của đạo diễn Woody Allen. Gil, một nhà văn - nhân vật chính trong bộ phim, luôn hoài cổ về những năm 1920 và cho rằng mình sinh ra nhầm thời. Khi có cơ hội lên cỗ xe thời gian trở về thời kỳ vàng của văn chương tại kinh đô Paris hoa lệ, anh đã bị cuốn vào thế giới này và bỏ quên hiện tại. Cho đến khi anh nhìn thấy hình bóng của chính mình ở một cô gái sống ở thời kỳ đó, cũng hoài niệm về một thời đại còn xa hơn nữa và cô quyết định không trở về thế giới của mình, anh mới giật mình tỉnh giấc. Anh vẫn yêu những cái đẹp của quá khứ, nhưng trân trọng nó theo góc nhìn của một vị khách và tập trung hơn vào hiện tại, biến nó trở thành cuộc sống mà anh vẫn hằng mơ ước, thay vì mãi hướng về một quá khứ mà anh chưa bao giờ thực sự nếm trải.
Là Nguyên Liệu Cho Sự Phát Triển
Hẳn bạn đã từng nghe qua hai từ retro và vintage - hai khái niệm hay được sử dụng cho những đồ vật, phong cách mang hơi hướm xưa cũ. Vintage thường được sử dụng cho những đồ vật cũ, có niên đại dưới 20 năm (nếu xa hơn nữa thì được coi là antique - cổ vật). Còn với retro, đó là những sản phẩm lấy cảm hứng từ những thời đại trước - và không nhất thiết phải là đồ vật cũ, ví dụ như thiết kế loa bluetooth lấy cảm hứng từ máy quay đĩa than. Ở sản phẩm retro, ta có thể thấy sự cải tiến nhất định, có những sự thay đổi về tính năng để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Yếu tố hoài cổ ở đây mang ý nghĩa bảo tồn nhưng không bảo thủ, là sự trân trọng vẻ đẹp quá khứ, đồng thời được cách tân mang hơi hướm thời đại hiện tại.
Như vậy, ở khía cạnh retro, cảm hứng hoài cổ có thể được coi là là một nguyên liệu cho sự phát triển của những sản phẩm, dịch vụ có sự giao thoa yếu tố thời đại.
Lấy Lại Bình Yên, Niềm Tin Vào Tương Lai Từ Cảm Giác Hoài Niệm
Không có một quy chuẩn nào về cách “hoài cổ”, bởi đây là cảm giác mang tính cá nhân. Mỗi người có thể rung động với những chi tiết xưa cũ rất khác nhau, cho dù họ sinh ra trong cùng một thời đại. Bạn có thể thấy bản thân kết nối với phong cách văn chương, gu âm nhạc, hay mơ hồ hơn là bầu không khí ở một thời đại cụ thể, dù bản thân chưa hề trải qua. Đó là điều kỳ diệu đẹp đẽ ở cảm giác này. Trong những nghiên cứu về nostalgia, có nhiều yếu tố tác động và khơi gợi cảm giác hoài niệm, dưới đây là một vài gợi ý bạn có thể tham khảo để có thể sử dụng nó như một cái neo lấy lại bình yên và niềm tin trong khoảng thời gian đầy biến động này:
Âm Nhạc
Là đề tài nghiên cứu yêu thích của những chuyên gia về nostalgia, âm nhạc là một trong những cách nhanh nhất đưa bạn “xuyên không”. Nhịp sống quá nhanh, hàng tá email cần bạn trả lời, tin nhắn chưa đọc đầy nhóc, số lượng thông báo chưa check lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn,... Có vẻ như không chỉ sếp, đồng nghiệp, đến cái máy cũng học cách thúc giục bạn. Hãy thử chậm lại bằng cách tắt wifi, để điện thoại xa tầm với, cắm tai nghe và bật một playlist giúp bạn quay trở lại thời đại mà bạn yêu thích. Tưởng tượng bạn đang ngồi ngẩn ngơ một mình trên một toa tàu ốp gỗ kiểu cũ, chạy đầu máy hơi nước, ngang qua những thành phố châu âu còn vắng vẻ người qua lại. Ngay lúc này, bạn chỉ cần thả lỏng và để cho cơ thể, tâm trí bạn nghỉ ngơi trong sự miên man về thời gian, không gian ấy.
Phim Truyện, Phim Tài Liệu
Bạn có để ý thấy chúng ta thường có xu hướng hào phóng hơn với những bộ phim có chất liệu hoài cổ? Không chỉ hào phóng hơn khi thưởng thức bộ phim, mà hào phóng hơn với chính bản thân mình, cho phép bản thân chậm lại và đắm chìm trong sự yên bình. Thỉnh thoảng hãy dành thời gian để xem lại bộ phim cũ bạn từng yêu thích, hoặc phim tài liệu về một quá khứ đã xa nào đó. Dù đã trải qua thời kỳ đó hay chưa, bộ phim cũng đem đến cảm giác như bạn đã sống ở một thế giới khác - giúp bộ não tách khỏi những dòng suy nghĩ miên man về sự bất định, và khiến chúng ta cảm thấy có một sự kết nối vững chắc hơn với dòng chảy của cuộc sống, với chính bản thân mình.
Trò Chuyện Với Người Lớn Tuổi
Nhiều người lớn tuổi có sự điềm tĩnh nhất định, bởi họ có một kho tàng đa dạng những trải nghiệm trong quá khứ. Trò chuyện với người lớn tuổi, nghe những câu chuyện từ họ - có thể mới, có thể cũ - đem đến một sự bình tâm đến kì lạ. Họ là những sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại theo cách hiện thực nhất. Tuy những sự kiện, biến cố ở mỗi thời đại là riêng biệt, nhưng tinh thần để vững tâm, vượt qua những biến cố đó, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi và được động viên từ rất nhiều người ở thế hệ đi trước.
Chơi Retro Game
Tuy việc ở nhà một thời gian dài sẽ khiến chúng ta thấy tù túng, nhưng nếu bạn ở cùng gia đình hoặc bạn bè, đây có thể là cơ hội để cùng ôn lại những trò chơi thuở bé: bầu cua tôm cá, cờ tỷ phú, cá ngựa, rút gỗ,... Chúng ta ít nghĩ tới những trò chơi này ở cuộc sống hiện tại, bởi nếu như bình thường có lẽ sẽ chẳng có mấy buổi tối cả nhà tụ tập đông đủ, hay nếu có cũng thường xem phim hoặc mỗi người sẽ lại chìm đắm vào màn hình điện thoại của mình. Khi nhìn thấy những bộ cờ thuở bé, hẳn người lớn cũng sẽ thấy háo hức: “À, thì ra cũng có thời mình từng như thế này”, còn trẻ con cũng thấy mới mẻ bởi những trò chơi không cần tới thiết bị điện tử mà mọi người cùng quây quần như thế này.
Hy vọng chúng ta sẽ bình tâm để vượt qua khoảng thời gian đầy thử thách này.
Tham Khảo
(1) What Is Nostalgia Good For? Quite a Bit, Research Shows, John Tierney, The NY Times (2013).
(2) Nostalgia and its disciplines: A response, Nicholas Dames, Memory Studies (2010).
(3) Les crises financières comme conflit de temporalités, Boyer R., Vingtième siècle, revue d’histoire (2013).
(4) Nostalgia and the shapes of history, Nadia Atia and Jeremy Davies, Memory Studies (2010).
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất