3000 năm trước, Homer sáng tạo ra The Odyssey và trở thành lão hát rong vĩ đại nhất thế giới. Không chỉ phá đảo nghề ăn mày, Homer cũng là ông tổ của ngành Content Marketing, sáng tạo ra vô số lề lối cho văn học phương Tây nói riêng và thế giới nói chung. Một trong số đó là một khái niệm phổ biến ngày nay: Nostalgia - sự hoài niệm.
THE ODYSSEY, illustrated by Kallidad (a music band)
Gốc nghĩa của từ hoài niệm – Nostalgia, đến từ tác phẩm này, xuất phát từ điển tích Odysseus sau khi làm cỏ thành Troy đã mất 10 năm lang thang để trở về và đoàn tụ với vợ là Penelope. Khi đứng trước nữ thần biển Calypso, Odyseus đã nói nguyên văn như sau: “Tôi thừa biết vợ tôi Penelope không thể sánh với nữ thần, vì dù sao vợ tôi cũng là người phàm không cùng cân càng hạng so thế đéo nào được. Nhưng vợ tôi là nhà tôi, mà tôi đã già, đi xa mấy cũng phải về nhà. Vì thế đau khổ vất vả thế nào tôi cũng phải trở về, không về vợ tôi đánh chết”. Những từ Hy Lạp trong bản gốc nhằm diễn tả “trở về” và “đau khổ” lần lượt là nostosalgos. Từ đó chúng ta có từ Nostalgia nhằm diễn tả cảm giác kết hợp của nhớ mong và khao khát trở về, đoàn tụ. Ngày nay khi nhớ mong và khốn khổ không còn là thứ xa xỉ, ai cũng có thể dùng, đôi khi còn là món quà thượng lưu, thì việc hiểu và sự dụng tinh tế Nostalgia là điều cần thiết. Bài viết này sẽ giúp các bạn ít nhiều đạt được điều trên.
I. Bối cảnh
Johann Hofer, Dissertatio Medica, 1688
Nostalgia là một từ gốc Latin, được giới thiệu lần đầu tiên năm 1688 bởi một bác sĩ trẻ người Thuỵ Sĩ tên là Johannes Hofer. Bệnh nhân của ông là các thương nhân, nhà buôn… vì lí do công việc nên dành phần lớn thời gian lênh đênh trên biển nước. Nostalgia có thể là một nỗ lực của Hofer nhằm đưa một khái niệm bình dân là homesickness – nỗi nhớ nhà vào kho tàng y học nhằm phân loại và điều trị. Cùng với Nostalgia, Hofer còn đưa ra các khái niệm về Nostomania, Philopatridomania, Pothopatridecheia… Các triệu chứng được mô tả lại như sau: giữ những suy nghĩ thường xuyên về quê nhà, hay chảy nước mắt, buồn bã, nóng giận, tim đập nhanh, mất ngủ, mất cảm giác… Hofer ghi nhận đây là bệnh thần kinh, và nguyên nhân là do: những dao động nhỏ nhưng đều đặn từ những linh hồn mắc kẹt trong não giữa, đều đặn tiếp vào não những ý tưởng về nơi quê cha đất tổ.
Nối tiếp Hofer, năm 1732, Scheuchzer – một bác sĩ quân y cho rằng trạng thái trên là do sự chênh lệch áp suất trong khí quyển khiến thay đổi huyết áp trong cơ thể, từ đó dẫn máu dồn từ tim lên não gây nên hiện tượng trên. Scheuchzer đã áp dụng lý thuyết trên để giải thích vì sao một tỉ lệ lớn ca bệnh được ghi nhận từ những người lính đánh thuê hay thương nhân đến từ vùng núi Anpơ. Ông cho rằng độ cao của vùng núi Anpơ là điểm mấu chốt của vấn đề. Tuy nhiên một số bác sĩ cùng thời không đồng ý với nhận định trên. Họ cho rằng tiếng chuông nhà thờ hoặc những bài đồng ca đặc trưng của vùng Anpơ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Dù không thống nhất được nguyên nhân, các nhà khoa học của thế kỉ 17 đều thống nhất đây là bệnh thần kinh và do những hoạt động-phản ứng chưa được hiểu hết xảy ra trong não bộ.
Từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, Nostalgia không còn độc quyền của những người vùng núi Anpơ mà lan ra khắp thế giới: từ những đoàn di cư sang Tân Thế Giới vượt đại dương không hẹn ngày về, đến những đoàn quân viễn chinh ngang dọc bề mặt Trái Đất. Trong tiếng Đức, một trong những từ ám chỉ nỗi nhớ nhà là Schweizerkrankheit, có nghĩa là bệnh Thuỵ Sĩ. Các biện pháp nghiêm ngặt được đặt ra, từ việc cấm những bài hát mang nặng nỗi nhớ quê hương đến hạn chế thư từ… 
Thế kỉ 19, các bác sĩ trong quân đội Nga đề nghị chôn sống những binh sĩ có triệu chứng trên. Ở bên kia lục địa thì các bác sĩ Hoa Kỳ tỏ ra nhân đạo hơn. Họ đề nghị chuyển những người có triệu chứng trên về tuyến sau một thời gian, mặc dù điều này (có vẻ như) mâu thuẫn với phẩm chất một người lính. Có 5.200 trường hợp tử vong liên quan đến Nostalgia theo hồ sơ của Tổng cục Y tế Hoa Kỳ (U.S. Surgeon General). Trong thời kì nội chiến Hoa Kỳ, 74 cái chết được ghi nhận vì lí do này. Hẳn người lính đầu tiên chết vì nhớ nhà, nhớ mẹ nhớ vợ, nhớ cây bàng đầu ngõ, nhớ chị hàng xóm nhà bên… phải lãng mạn và dũng cảm lắm. Chết vì nỗi nhớ của mình hẳn là thơ hơn chết vì lý tưởng (bỏ mẹ) của một thằng già nào đó rồi.
Một ghi chép về Nostalgia do Robert Hamilton (1749-1830) mô tả cho thấy phần nào bức tranh toàn cảnh:
“Năm 1781 tại một doanh trại vùng Tinmouth phía Bắc nước Anh, có một một anh lính trẻ được chuyển đến bệnh viện. Anh ta chỉ mới gia nhập trung đoàn được vài tháng, trẻ tuổi và sáng sủa, ngoài ra còn có vẻ được huấn luyện cẩn thận…Tuy nhiên anh ta có vẻ chán đời hơn mức cần thiết và mắt thì thâm quầng như ung thư gan giai đoạn cuối. Anh ta kể với tôi rằng anh ta bị đau nhức toàn thân, tuy nhiên khi tôi kiểm tra thì không có một vết thương nào trên cơ thể. Ngoài ra anh ta còn than phiền về những tiếng ù ù bên tai và những cơn nhức đầu chóng mặt… Vì không có một dấu hiệu nhận biết nên tôi nghĩ anh ta phê thuốc và bịa ra vậy thôi.
Vài tuần trôi qua mà không có phát hiện gì đáng kể, ngoại trừ việc anh ấy gầy đi vì biếng ăn và thiếu vận động. Chúng tôi đã tăng thuốc và cho phép anh ta uống thêm rượu vang, nhưng có vẻ mọi thứ đều không có tác dụng… Sau 3 tháng lăn lóc ở đây, anh ta ngày một héo đi và trông chẳng khác gì một bệnh nhân giai đoạn cuối…
Trong một lần thăm bệnh, tôi hỏi y tá về tình hình của anh ta. Cô ấy nhấn mạnh với tôi rằng anh chàng bệnh nhân này có những suy tư rất mạnh về gia đình và bạn bè. Đó là tất cả những gì anh ta nói. Tôi chưa từng để ý đến điều này, nên tôi vội đến chỗ anh ấy và lựa lời hỏi về gia đình anh… Anh ta hoạt bát hẳn lên, và tôi nhận ra điều này ám ảnh anh ấy thế nào. Sau đó, anh ta hỏi tôi rằng liệu tôi có thể giúp anh ta trở về nhà… Tôi nói với anh ta thấy rằng với tình trạng ốm yếu như này thì anh ta không thể còn sống mà về đến nhà… Tôi hứa với anh ta rằng nếu chịu khó chữa bệnh thì chỉ trong vòng 6 tuần anh ta sẽ được về nhà. Anh ta như hồi sinh sau đó, có cảm giác ăn uống trở lại. Chưa đầy một tuần sức khoẻ anh ta đã có những tiến triển đáng kể…”
Illustration from The New Yorker
Không chỉ nơi đánh nhau xanh cỏ đo ngực người ta mới Nostalgia. Shakespeare trong Sonnet 30 của ông có đoạn miêu tả như sau:
When to the sessions of sweet silent thought
I summon up remembrance of things past,
I sigh the lack of many a thing I sought,
And with old woes new wail my dear time’s waste;
. . .
But if the while I think on thee, dear friend,
All losses are restor’d and sorrows end.
Friedrich Nietzsche, trong quyển The Birth of Tragedy, cũng có đề cập đến cảm giác mong mỏi về một nơi chốn qua câu nói: “One is no longer home anywhere, so in the end one longs to be back where one can somehow be at home because it is the only place where one would wish to be at home”. 
Đến cuối thế kỉ 19 Nostalgia dần dần được coi là một trạng thái tinh thần, là một thể của cảm xúc, giống như buồn, giận, sợ hãi…. Vươn ra ngoài những định nghĩa khô cứng của y học, Nostalgia dần được bàn luận rộng rãi trong các vấn đề xã hội, và được coi là một cách thức phản ứng của con người trước những thay đổi bão tố của thời đại.
Theo dòng thời gian, Nostalgia dần trở thành trào lưu, một phần là do sự toàn cầu hoá đã xoá mờ khái niệm của từ home-nhà. Nếu trước chiến tranh thế giới thứ 2 từ homesickness (và từ tương đương trong ngôn ngữ khác) được sử dụng thường xuyên thì ngày nay, khi mà vé máy bay đã giảm 56 lần so với thời điểm năm 1920, thì homesickness không còn nhiều chỗ đứng. Nostalgia đã chiếm lấy khoảng trống này, dần mở rộng và thay đổi. Giờ đây Nostalgia không còn gắn với một địa điểm cụ thể, mà có thể là một hành động, một ý tưởng, một trạng thái cảm xúc… từng thân quen. Từ điển Oxford đã đơn giản hơn nữa ý nghĩa của Nostalgia: Một nỗi nhớ mong về quá khứ.
II. Nhớ mong để làm gì
Ở đây, chúng ta cùng đảo qua một số nghiên cứu về Nostalgia để làm rõ hai điều: tác dụng và cách thức của Nostalgia.
Đầu tiên là lĩnh vực thần kinh học. Một nghiên cứu gần đây [1] chỉ ra sự Nostalgia có liên hệ giữa phần não phụ trách trí nhớ -hồi hải mã (HPC) với phần cuống não (SN/VTA) và vân bụng dưới não (VS) có tác dụng giải phóng dopamine cũng như liên kết thị giác và khứu giác. Khi đưa ra các cung bậc khác nhau để mô tả Nostalgia, các tác giả chỉ ra sự tương đồng trong hoạt động của 2 vùng hồi hải mã và vân dưới não, khẳng định một phản ứng kết hợp của 2 vùng này. Kết quả cũng chỉ ra Nostalgia là một phản ứng hai tầng: tầng thứ nhất là do các phản ứng của phần đuôi cuống não (SN/VTA) với thuỳ trái hồi hải mã (HPC), hình thành nên các xúc cảm cá nhân. Tầng thứ hai diễn ra sau đó với sự hoạt động động lập của trung não, tạo nên cảm giác mất kết nối với không gian.
Sự tương đồng của Nostalgia với các phản ứng có điều kiện (thí nghiệm con chó của Pavlov) cho thấy Nostalgia nhiều khả năng là một phản ứng “tự-thưởng-rồi-quên-đi”. Tác giả nghiên cứu, thông qua việc lặp lại các trải nghiệm Nostalgia ở tình nguyện viên, chỉ ra rằng với dopamine được dùng như chất liên kết và kích ứng các phản ứng lặp lại, dẫn đến việc các trải nghiệm Nostalgia theo thời gian sẽ mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Mặc dù đây chính là cơ chế gây nghiện (cồn, thuốc, Adrenaline…) các tác giả đưa ra giả thuyết Nostalgia là cách con người tự nghiện một bản thể (được lưu trong trí nhớ) của chính mình, nhằm có thêm động lực để vượt qua nghịch cảnh.
Một nghiên cứu khác [2], thuộc lĩnh vực tâm lý học – xã hội học đi sâu hơn vào bản thể của Nostalgia dưới góc độ sự tự nhận thức cá nhân (coi nhận thức cá nhân là riêng biệt, tách bạch…). Ở nghiên cứu này tác giả chỉ ra Nostalgia là một tập trải nghiệm đa dạng, và thường có xu hướng đi từ buồn đến vui. Nostalgia có xu hướng được kích hoạt từ các trải nghiệm mang tính tiêu cực trong quá khứ, nhưng được xét lại hay chấp nhận ở thời điểm xảy ra. Vì lí do này nên Nostalgia thường được mô tả tích cực và gắn liền với một quá trình thay đổi cá nhân, hay một cái “tôi” khác.
Cũng trong nghiên cứu này tác giả chỉ ra sự cô đơn – hay sự phân tách cá nhân trong môi trường xã hội, đóng vai trò quan trọng khi chiếm số lượng lớn các trường hợp kích hoạt trải nghiệm Nostalgia. Nghiên cứu chỉ ra sự tương đồng của Nostalgia với các trải nghiệm tích cực khác như: yêu, tự hào, vui vẻ… khi tăng cường sự kết nối xã hội, sự tự tin và hài lòng cá nhân… Cuối cùng, nghiên cứu này kết luận rằng Nostalgia là một phản ứng tâm lý có tác dụng tích cực cho cá nhân trong bối cảnh xã hội.
Đó là hai nghiên cứu khoa học về Nostalgia. Ở dưới góc độ kinh tế, vốn cũng phổ biến và có nhiều bài phân tích, thì Nostalgia đơn giản là một nhu cầu (dưới góc độ cá nhân) hay một xu thế (dưới góc độ xã hội). Vòng tròn kinh tế sẽ lặp đi lặp lại: nhu cầu-tạo ra thị trường nhỏ -thay đổi thị trường lớn-tiếp tục tạo ra nhu cầu. Giống như có Nostalgia rồi sẽ có Cộng cà phê và chăn con công. Cộng cà có cái đồng phục hay ghê. Chăn con công thì đẹp hơn chăn IKEA, trừ việc nó nặng như một con công thiệt vậy.
Quay lại với giới trí giả: năm 1981 trong tác phẩm Simulacra and Simulation [3], nhà xã hội học Jean Baudrillard kết luận: Nostalgia bổ sung ý nghĩa và nâng đỡ các giá trị nội tại trong bối cảnh thực tại bất định và không còn nhiều ý nghĩa.

Tranh của hoạ sĩ Đào Quang Huy
Ngày nay, khi khoảng cách giữa các tầng lớp, giai cấp ngày càng lớn, áp lực tăng dần đều và đi kèm đó là cơ hội nở tung trăm bông trăm hoa nhiều như sao trời. Tuy nhiên như sao trời, ngắm được một đêm - hôm sau đã thấy mất rồi, chúng ta thật chẳng bao giờ biết được cái gì hay lúc nào sẽ kết thúc. Đứng trước một giây lớn lao, ta sẽ không bao giờ biết được đâu là lần cuối ta được nhìn ngắm, lắng nghe hay cảm nhận những giây phút như này. Thường chúng ta sẽ không bao giờ biết cái gì là cuối cho đến khi đánh mất nó, và việc xác nhận là nó đã mất, ghi dấu và kỉ niệm điều đó trong lòng, là cách chúng ta xác nhận với thời gian.
Chúng ta xác nhận rằng mọi thứ rồi sẽ mất. Rằng chúng ta rồi sẽ mất. Rồi chúng ta sẽ tập làm quen và sắp xếp những cái mất mát trong lòng. Rồi ngồi yên đó, chờ đến lượt, với hi vọng rằng mọi thứ sẽ không tệ lắm đâu, vì chúng ta đã quen rồi.

---
Trích dẫn
[1] "Memory and reward systems coproduce 'nostalgic' experiences in the brain", Kentaro Oba, Madoka Noriuchi , Tomoaki Atomi, Yoshiya Moriguchi, and Yoshiaki Kikuchi, Social Cognitive and Affective Neuroscience Advance access, June 8, 2015.
[2] "Nostalgia: Content, Triggers, Functions", Tim Wildschut, Constantine Sedikides, Jamie Arndt, Clay Routledge, Journal of Personality and Social Psychology, 2006, Vol. 91, No. 5, 975–993.
[3] Simulacra and Simulation (The Body, In Theory: Histories of Cultural Materialism), Jean Baudrillard. ISBN-13: 978-0472065219.
Bài viết được lên ý tưởng từ bài báo Why Nostalgia Is Our New Normal, và được tài trợ dịch thuật bởi anh Minh Triet Luu, founder Soft Decor với mong muốn đóng góp cho Spiderum những nội dung chất lượng, qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng người trẻ Việt ham học hỏi, văn minh và giàu tri thức.