Lúc mình ra trường đi làm, đó cũng là năm dịch bệnh bùng phát và giãn cách dài ngày nhất. May mắn hơn các bạn cùng trang lứa, mình tìm được công việc ngay từ khi chưa bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Đi làm gần một năm, mình cũng tiết kiệm được 30 triệu-số tiền mình có khi rời thành phố.
Mình vẫn nhận công việc online để kiếm thêm thu nhập, tự nhủ rằng số tiền đó để phòng thân, nếu không quá cần thiết sẽ không dùng đến. Thời gian đầu mình vẫn kiếm đủ tiền cho những sinh hoạt thường ngày.
Sau khi ra mắt sản phẩm nước súc miệng trầu không nhận được phản hồi tốt, mình nghĩ phải sắm một thiết bị chưng cất chỉn chu để phát triển lâu dài. Mình tìm đến các công ty cung cấp thiết bị, phát hoảng vì giá quá cao. Có dùng hết số tiền tiết kiệm thì cũng chưa đủ. Mình không đủ máu liều để đi vay tiền, sợ bị mang danh "vỡ nợ vì start-up". Mình được chia sẻ rằng có con đường an toàn và bền vững hơn là: có bao nhiêu dùng từng đó, lấy ngắn nuôi dài, đi chậm thôi cũng được. Hơn nữa là nếu có vay thì cũng chỉ biết tìm đến bố mẹ và người nhà-mình hoàn toàn không muốn điều đó. Bạn bè thì mình cũng không nghĩ được sẽ vay ai-họ đều mới ra trường đi làm, không dư dả gì.
Cuối cùng, mình quyết định tìm đến các xưởng cơ khí để hỏi giá gia công. Bạn biết không, cái giá mà họ đưa ra khiến mình sung sướng như được bay lên trời-quá rẻ, rẻ hơn 5-6 lần. Họ gia công và tính tiền theo giá nguyên liệu, khi làm xong thì cân lên để tính tiền.
Hồi đại học, chuyên ngành của mình là kỹ thuật sinh học, nhưng vì một lý do nào đó, Bách Khoa bắt chúng mình học tất tần tật các thế loại vật lý, kỹ thuật điện, hóa công, đồ họa, thiết kế thiết bị trong công nghệ sinh học,...thậm chí là pháp luật, tâm lý học, quản trị kinh doanh,...Lúc đi học mình chẳng hiểu vì sao phải học mấy môn chẳng có gì liên quan đó, thầy cô thì cứ khẳng định "việc phải học mấy môn đó chính là sự khác biệt của kỹ sư Bách Khoa", mình không tin lắm, nhưng vẫn phải cày cho qua môn.
Nói thật là thi xong thì mình quên sạch mới kiến thức đó rồi, nhưng mình vẫn biết tìm lại tài liệu ở đâu để tham khảo. Nhờ được học mấy thứ đó mà mình biết cách lên bản vẽ kỹ thuật cho một thiết bị. Mình tự thiết kế thiết bị chưng cất rồi đặt thợ làm, với chi phí rẻ gấp 6 lần, tiết kiệm hơn rất nhiều.
Kể chuyện đi đặt làm nồi chưng cất thì cũng buồn cười (và xấu hổ).
Quê mình có nghề nấu rượu nên có một vài xưởng làm thiết bị chưng cất, mà nồi nấu rượu thì khác nồi chưng cất tinh dầu nên mình phải vẽ chi tiết những điểm cần lưu ý trong chế tạo.
Mình làm bản vẽ kỹ thuật chi tiết, ghi chú rõ ràng vì thực lòng không tin tưởng mấy ông thợ cơ khí lắm, kiểu rất ra vẻ ta đây là kỹ sư, còn các ông chỉ là thợ. (ôi sự non trẻ của tôi!?!)
Thế mà lúc đến xưởng, mình bảo muốn là thiết bị chưng cất tinh dầu, đưa bản vẽ ra, ông thợ gạt ngang, bảo đọc chiều dài chiều rộng được rồi, cứ rách việc.
Nhìn ông ấy tầm thước to lớn, săm trổ các thứ, mình như kiểu bị át vía nên vội vàng đọc chiều dài chiều rộng.
Mà ông ấy ghi vào sổ "chiều dộng" khiến mình hoang mang quá, người ghi "chiều dộng" liệu có thực sự làm được thiết bị chưng cất nhiều chi tiết rối rắm thế này không đây. Nhưng lúc ấy, kiểu bị át vía rồi nên mình chỉ lắp bắp giải thích một số chỗ cần lưu ý, bảo thế cháu cứ để bản vẽ ở đây nhé bác cứ xem nhé.
Bác ấy bảo ôi dồi rách việc tao học hết lớp 5 thôi nhưng làm nghề này 30 năm rồi. Ngày kia ra xem không vừa ý khỏi trả tiền.
Nghe yên tâm hẳn nên mình đi về, thấp thỏm chờ ngày ra xem thành quả. Mà mọi người biết không, bác ấy làm quá là chỉn chu, nhiều chi tiết tinh tế hơn bản vẽ của mình nhiều. Bác ấy bảo nồi chưng tinh dầu ít cho người đặt làm nhưng bác ấy cũng gặp nhiều rồi, xong còn mang bản vẽ của mình ra khoanh mấy chỗ "vẽ thế này mang về bảo bố mày làm cho nhé! mang bằng kỹ sư về treo chuồng gà!"
Ôi quê quá, hồi xưa đi thông bản vẽ thầy mình cũng mắng nhưng mà nhẹ nhàng hơn, thầy chỉ bảo thi xong thì giấu bản vẽ đi đừng để thợ cơ khí nhìn thấy nhé! Lúc ấy mình cứ nghĩ thầy nói đùa hehe
Nhớ lại bài học lúc sắp tốt nghiệp, thầy dặn bọn mình không bao giờ được coi thường công nhân, thứ họ có là kinh nghiệm-và nó sẽ đè bẹp kiến thức non nớt của mấy anh chị. Đến giờ thì mình mới thấm bài học này.
(Note lại đoạn này, mình thấy khi về quê mình không chỉ là thay đổi nơi sống mà còn là thay đổi cách sống nữa. Người ở quê, nhất là những người lớn tuổi đôi khi có cách ăn nói rất bề trên, rất mất lòng nhưng phần lớn là họ không ý xấu. Nếu mình quá để ý đến cách nói thì mình stress quá, cứ vui vẻ trả lời, nếu không muốn trả lời thì cứ cười bỏ qua là được).
Thế là mình có được tài sản cố định đầu tiên: chiếc nồi chưng cất. Mình sung sướng lắm, như kiểu đã thực sự dấn thân vào con đường này rồi, triển thôi!
Sau gần một tháng mở bán, bắt đầu có người lạ hỏi mua hàng. Với mình thì đây là dấu hiệu tích cực vì vòng tròn bán hàng của mình không còn là người thân và bạn bè nữa rồi.
Giàn trầu không khởi đầu cho con đường của mình
Giàn trầu không khởi đầu cho con đường của mình
Lúc này thì mình bắt đầu lo đến nguyên liệu đầu vào: Phải thu mua trầu không ở đâu và làm sao để kiểm soát được chất lượng.
Và mình cũng mong có một khu vườn riêng để tự trồng trọt nữa. Những mong muốn đó thôi thúc mình mỗi ngày, và thực sự, chắc cho niềm mơ ước đó mãnh liệt quá, nên vũ trụ lại góp sức giúp mình lần nữa.
Mình sẽ kể về cơ duyên với mảnh vườn của mình sau nhé.
(Còn nữa)
Bạn có thể đọc phần trước tại đây: