~~ Tổng quan về Nostalgia ~~


Nostalgia dịch sang tiếng Việt là sự hoài cổ, hoài niệm. Hoài cổ có nghĩa là cảm giác nhớ nhung những khoảng thời gian, những nơi chốn, những con người, những kỷ niệm đã qua.
Sự hoài niệm đã luôn xuất hiện như một hiện tượng tâm lý của con người. Vào thế kỷ 17, Johannes Hofer, một bác sĩ người Thuỵ Sĩ, đã coi sự hoài niệm như là một dạng rối loạn tâm thần. Trong vòng 200 năm, niềm tin ấy đứng vững trong nhận thức của mọi người. Rồi tới năm 1999, Constantine Sedikides, một giáo sư tại University of Southampton, qua những nghiên cứu của mình về tâm lý học, đã dần xoá đi ý nghĩa tiêu cực của sự hoài niệm trong con mắt xã hội, và mang lại cho nó sự trung tính về ý nghĩa và mục đích.
Một điểm khá trớ trêu của sự hoài niệm là nó hay xuất hiện cùng các cuộc cách mạng, điều mà vốn dĩ mang ý nghĩa xoá bỏ cái cũ và lập nên cái mới. Điển hình là cách mạng Pháp với việc người Pháp tìm đến những giá trị của nền Cộng Hòa La Mã cổ đại làm nền tảng cho lý tưởng cách mạng. Và gần đây, trong cuộc cách mạng kỹ thuật số với internet và toàn cầu hoá, con người trở nên hoài niệm về giai đoạn của tivi analog và băng từ.
Bài viết này sẽ tập trung nói đến xu hướng hoài niệm về những thập niên 70s, 80s và 90s trong văn hoá đại chúng hiện nay.

~~ Ví dụ của xu hướng hoài niệm ~~


Tại phương Tây, hay còn là văn hoá Âu - Mỹ, nơi sản sinh ra internet, ảnh hưởng của xu hướng hoài niệm được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm văn hoá, từ phim ảnh, âm nhạc, tới thời trang. 
Về phim ảnh, có thể thấy được các hãng lớn ráo riết remake lại các bộ phim nổi tiếng của họ, ví dụ như Lion King, The Incredibles. Họ còn sản xuất những tác phẩm mang âm hưởng của văn hoá những năm 70s đến 90s như Ready Player One, Stranger Things, Wonder Woman 1984, Guardians of the Galaxy, etc. Về âm nhạc, nhiều ca sĩ đem trở lại trào lưu disco, rock và đồng quê trong cả âm nhạc và MV của họ.
Chút minh hoạ về cottagecore
Rồi xuất hiện khá nhiều style ăn mặc đậm chất vintage, lấy cảm hứng từ thời trang của 20 - 30 năm trước, hoặc một số phong cách đặc biệt như cottagecore hay countrycore, lấy cảm hứng từ vùng nông thôn châu Âu. Trên internet, rất nhiều người thể hiện sự yêu thích đặc biệt với những bài nhạc cũ, kể cả bản gốc hay là bản đã remix.

MV Mùa hè của em - Vũ, với quần áo và đồ đạc đầy tính retro 
Ở Việt Nam, văn hoá hoài niệm cũng là một nét văn hoá đang dần len lỏi vào cuộc sống. Giới trẻ yêu thích những bộ phim về cuộc sống thời trước thống nhất hoặc thời bao cấp và văn hoá tập thể. Ví dụ như bộ phim Tháng Năm Rực Rỡ đã cho thấy những lát cắt của cuộc sống miền Nam trước giải phóng. Một số ca sĩ đã ra mắt những tác phẩm mang màu sắc những năm 90s cùng với MV lấy bối cảnh cuộc sống ở những khu tập thể cũ, ví dụ như MV Đi Đu Đưa Đi của Bích Phương đậm màu disco, hay Mùa Hè Của Em của Vũ và Em Dạo Này của Ngọt với bối cảnh cuộc sống những năm 90s - 2000.
Ngoài ra, giới trẻ khá chuộng những phong cách vintage như quần bò thụng, sơ mi ca rô, quần sọc xắn gấu, váy chấm bi. Nhiều quán cà phê trang trí theo phong cách Hà Nội xưa thu hút được rất nhiều khách hàng trung thành nhờ cảm xúc mà không gian đánh vào tâm trí họ.
Quán Cầm, trang trí theo phong cách Hà Nội xưa

~~ Vài yếu tố của cảm giác hoài niệm ~~


Hoài niệm có 2 nhân tố chính: tính phục hồi (restorative) và tính phản chiếu (reflective). Tính phục hồi được định nghĩa bởi sự thôi thúc có lại được những ngày tốt đẹp đã qua, còn tính phản chiếu lại là sự tiếc nuối về một bản thể của chính mình mà chúng ta biết sẽ chẳng thể quay trở lại.
Về tính phục hồi, cảm giác hoài niệm như một chuyến xe trở về thuở thiếu thời. Khoảng thời gian này, trong tâm trí nhiều người, được gắn liền với một cuộc sống ít gánh nặng và một thế giới quan đơn giản và mơ mộng. Khi xã hội không ngừng thay đổi, quá khứ là thứ mang lại chút cảm giác của sự bất biến và ổn định cho chúng ta. Nỗi hoài niệm làm ta nhớ về những người đã ở bên và cùng ta trải nghiệm một phần của cuộc sống. Quá trình lớn lên đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ dần đánh mất họ. Thế giới nhỏ bé của ta thì luôn dần to lên, và ta trở nên ngày càng nhỏ bé trong đó. Khi xem lại một đoạn phim đi cùng tuổi thơ, dù chỉ trong một chút thời gian ngắn ngủi, ta như được đoàn tụ với những người ta từng yêu quý, và dẫu ngắn ngủi nhưng như thế có lẽ là đủ để chữa lành chúng ta.
Còn về tính phản chiếu, sự hoài niệm phần nào đó giống như tấm gương ảo ảnh trong Harry Potter. Nó cho ta thấy được một bản thể với những suy nghĩ và mong ước đã qua. Nó cho ta thấy một tấm phim chụp của bản thân ta những ngày xưa cũ. Sự hoài niệm dần nhen nhóm một chút khủng hoảng nhân dạng trong bản thân chúng ta, và chúng ta thấy được chút gì đó liên quan tới Thuyết con tàu Theseus lúc này: liệu mình có còn là mình, sau ngần ấy thời gian?

~~ Tại sao văn hoá hoài niệm lại trở nên rộng rãi ~~


Có khá nhiều lý do cho sự nổi lên của văn hoá hoài niệm trong thời đại hiện nay. Có thể kể đến một số lý do tiêu biểu như nhu cầu được trốn chạy và được chữa lành tâm lý, sự đồng nhất và tách biệt của văn hoá thời tiền-internet, sự xuất hiện sau đó của internet và sự tiếp quản của thế hệ Millennials (thế hệ từ đầu 8x đến giữa 9x).
Đầu tiên là khuynh hướng thoát ly thực tế (escapism) của nhiều người trẻ. Như đã nhắc đến ở trên, họ cần sự hoài niệm để nhớ về một thời đã qua, thường là thời thơ ấu hoặc thiếu niên của họ. Họ gọi đó là những ngày tháng tươi đẹp (the good old days), khi họ chưa có quá nhiều lo toan về cuộc sống, công việc và tiền bạc. Cuộc sống lúc đó chẳng khác nào lavie en rose. Họ cần một góc nhỏ xưa cũ để tạm thời trốn khỏi thực tại ngày càng nhiều áp lực. Kỷ niệm về cái thời vô tư vô lo có thể phần nào giúp tâm lý của họ được chữa lành.
Máy nghe nhạc Walkman
Một lý do khác làm cho việc hoài niệm trở nên rộng rãi là sự đồng nhất trong văn hoá thời kỳ trước khi internet bùng nổ. Lúc đó mọi người chưa có quá nhiều lựa chọn về những sản phẩm văn hoá để tiêu thụ: phim và hoạt hình được chiếu trên một số kênh TV trong những khung giờ cố định hoặc được phát hành qua dạng băng VHS, âm nhạc tồn tại dưới dạng đĩa than hoặc đĩa CD để bật trong những con máy Walkman cầm tay. Vô hình trung điều này làm một lượng lớn những người cùng hoặc gần thế hệ với nhau có kha khá những trải nghiệm giống nhau về văn hoá đại chúng. Nhưng một mặt khó khăn của văn hoá đại chúng thời đó là sự phân mảnh trong trải nghiệm và khó tiếp cận giữa các cộng đồng với nhau. Họ có thể có những trải nghiệm na ná nhau, nhưng họ không biết được điều đó do chưa có các nền tảng mạng xã hội. Rồi thì trước khi có internet, những sản phẩm văn hoá vừa và nhỏ, như là sản phẩm của các ban nhạc nội địa hay những bộ phim không-phải-bom-tấn sẽ cần sự lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp người-với-người: bạn bè cho nhau mượn đĩa nhạc đĩa game, phim của nước này sẽ cần một công ty phân phối để tới nước khác.
Và internet xuất hiện như một chất xúc tác cho nhu cầu chia sẻ và tìm những người có trải nghiệm tương tự của con người. Một người có thể chia sẻ trên Facebook về những trải nghiệm thơ ấu của họ và sẽ có nhiều người có thể biết đến và thấy được mình trong câu chuyện đó. Ngoài ra, internet còn lan truyền những sản phẩm văn hoá tưởng như khó có thể thoát khỏi giới hạn về địa lý: một người Uganda có thể tìm nghe một ban nhạc năm 90s nào đó ở New Zealand nhờ vào YouTube, Spotify, Soundcloud, hay một người Trung Quốc có thể tìm hiểu văn hoá hiphop những năm 80s ở Mỹ đã hình thành và phát triển như thế nào.
Tháp Babel
Thêm vào đó, internet đã thay đổi cách mà con người trải nghiệm văn hoá đại chúng. Trải nghiệm internet dần trở nên cá nhân hoá hơn: các thuật toán liên tục học hành vi người dùng để gợi ý cho họ những thứ họ có thể thích, người dùng không cần quá phụ thuộc vào bạn bè hay người quen để tiếp cận những sản phẩm văn hoá xung quanh nữa. Từ đó, trải nghiệm tiêu thụ văn hoá của mỗi người dần rẽ nhánh thành những phiên bản cá nhân và độc nhất, vì thế họ dần có ít điểm tương đồng với nhau hơn. Và sự hoài niệm xuất hiện như một giải pháp, gắn kết mọi người này qua những trải nghiệm tương đồng của tuổi thiếu thời. Nó giống như tháp Babel vậy: gợi nhớ về một thời con người nói chung một ngôn ngữ, trước khi bị rải rác khắp thế gian với hàng ngàn ngôn ngữ khác biệt.
Một nhân tố cũng rất quan trọng là sự trưởng thành dĩ nhiên của thế hệ Millennials. Họ lớn lên, gia nhập thị trường lao động và trở thành những mắt xích quan trọng trong nền kinh tế và văn hoá. Họ mang theo mình những kỷ niệm ngày xưa, biến nó thành những sản phẩm văn hoá ngày nay, hay chính họ trở thành những người tiêu thụ những sản phẩm đó. Họ làm điều này một phần là cho chính họ. Điều này đã đưa sự hoài niệm vào phim ảnh, âm nhạc và thời trang như đã nói ở trên.
Trong năm 2020, COVID đã ngăn cản con người khỏi phần lớn hoạt động giao tiếp xã hội. Vì vậy, họ ít có cơ hội tạo ra những trải nghiệm mới ngoài đời, nhưng lại có nhiều thời gian hơn để nghĩ lại về bản thân. Tâm trí họ bù đắp vào đó bằng cách bủa vây họ với những trải nghiệm và ký ức cũ. Một cách nào đó, năm 2020 là năm mà xã hội cảm thấy hoài niệm, cô đơn và tiếc nuối hơn bao giờ hết.
Chắc nhà ai cũng từng có cái này
Ở Việt Nam, một nhân tố khá đặc thù của sự hoài niệm là việc đi lên của mức sống. Đã qua rồi những ngày tháng xem tivi đen trắng, đi con xe đạp thống nhất cà tàng hay là đổi dép lấy kem. Bây giờ, do cuộc sống đủ đầy hơn và đồng thời cũng bận rộn và áp lực hơn, mọi người mới muốn ôn lại chỉ những cảm xúc tích cực được sàng lọc (cherry pick), như là niềm vui nhỏ nhoi khi được ăn kem lần đầu hay tình yêu giản dị sau yên xe đạp, và tạm thời quên đi những phần thiếu thốn của cuộc sống hồi đó. Nếu như cuộc sống vẫn giống như thời kinh tế khó khăn, chắc hẳn chẳng mấy ai rảnh rang để mà mơ mộng về một quá khứ không khác mấy so với thực tại.

~~ Có thực sự chỉ toàn ký ức? ~~


Ready Player One
Sự hoài niệm, mặc dù hướng về những ký ức nguyên bản của quá khứ, nhưng qua bàn tay của nghệ thuật và văn hoá đại chúng, đã được thêm nếm những yếu tố hiện tại và viễn tưởng tương lai. Ví dụ điển hình là những biểu tượng văn hoá thập niên 80s - 90s như trò chơi điện tử, phim, nhạc trong Ready Player One đã được đặt trong một thế giới hậu tận thế bị kiểm soát bởi công nghệ tân tiến, hay Stranger Things với người ngoài hành tinh và yếu tố thế giới song song đầy tính viễn tưởng. Nền văn hoá đại chúng đã dùng những ký ức quá khứ của chúng ta để tưởng tượng ra một tương lai mới. Việc này cho ta thêm nhiều góc nhìn mới mẻ về những thứ đã định hình nên nhân dạng chúng ta hiện tại.
Dù sao thì, có hai lựa chọn cho những hoài niệm về quá khứ: một là chấp nhận rủi ro việc chúng sẽ rơi vào quên lãng, hai là thêm cho chúng những giá trị mới để tiếp tục tiến lên và tồn tại. Sự mong mỏi quá khứ hoàn toàn có thể cùng tồn tại với sự thay đổi, chỉ cần chúng ta bớt níu chặt vào những thứ đã qua.

~~ Lời kết ~~


Văn hoá hoài niệm được Gen Y (Millennials) tạo ra từ những tâm sự của chính họ. Nó cho chúng ta một lối thoát, xa khỏi bộn bề cuộc sống, để trở lại làm một đứa trẻ đúng nghĩa, dù chỉ là tạm thời.
Có người sẽ bảo sự hoài niệm là ăn mày quá khứ, nhưng có những lúc, kẻ ăn mày đó lại có một mái ấm trong tâm hồn.

References: