Thi cử và điểm số đã không khiến mình hạnh phúc trong một khoảng thời gian dài, nó khiến mình chán nản, mệt mỏi và kiệt quệ. Dường như đời sống thường nhật ngày nay khiến mọi người tôn thờ những thành tích quá nhiều, dẫn đến “hustle culture” hiện hữu từ trong phòng ngủ, đến xe bus trên đường và đến cả giảng đường của sinh viên hay nơi làm việc của người trẻ. Mình thấy sự ngộp thở đạt đỉnh điểm vì nhìn đâu cũng thấy những người dù xa lạ hay thân quen đều cùng phải lo lắng về tiền bạc hay đau đầu về cơm áo gạo tiền thật nhiều, đến độ chẳng thể tìm thấy niềm vui trong bất cứ điều gì xuyên suốt khoảng thời gian sống của họ - những khoảnh khắc mà họ chỉ vật vờ, mệt mỏi mà chẳng thực sự sống, được vui vẻ và được mãn nguyện. 
Ảnh: Kalpha 

Đọc thêm:

Đã bao giờ mọi người thử nghĩ đến việc tìm ra những cách thức giúp cải thiện lối sống để sống vui vẻ hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn thay vì tự giam mình bằng cái suy nghĩ “phải nhanh chóng, phải dẫn đầu” hay chưa. Kiểu như là, nếu có thể bỏ một chút gia vị và niềm vui vào trong công cuộc cày cuốc này thì sao nhỉ, giả dụ như “hustle culture” là lối sống không thể tránh khỏi, thì nó có thể sẽ muôn màu hơn, sẽ thú vị hơn, sẽ hiệu quả hơn bằng một vài tips và hacks chẳng hạn. Nói đến đấy, thì mình hoàn toàn nhận thức được rằng, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, chúng ta cũng có những điều kiện tài chính cũng rất khác nhau nên các tips và tricks mang tính phổ thông và bao quát là rất hạn chế. Nhưng mình thấy có một cách thức vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục mà số đông có thể tiếp cận được nhất, đó là qua internet, qua các kênh nghe nhìn và tranh luận. 
Đúng rồi, chính cái phương thức mà bạn thấy trên tiêu đề đó, chính nó đã kéo mình ra khỏi vũng bùn lầy của sự chán nản, và vì thế mình rất muốn chia sẻ cho mọi người những kênh thông tin/ kiến thức như vậy để mọi người có thể tối đa hoá thời gian làm việc và học tập của mọi người hơn, để mọi người có thể tận dụng khoảng thời gian “chết” khi đi xe bus, trong lúc ăn, dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục của bản thân để được trải nghiệm thêm những khía cạnh mới của những điều xa lạ. Lưu ý rằng, tất cả những sự đề cập dưới đây là do trải nghiệm cá nhân của mình, chúng là những sự phát hiện của bản thân mình và mình thấy những thứ sau đây rất “khai sáng” trên góc độ, cái nhìn của riêng mình. Điều đó cũng đồng nghĩa, những thứ sau đây có thể hay, có thể đúng với mình nhưng cũng có thể không phù hợp với quan điểm sống hay giá trị quan của người đọc. Ở series bài viết này mình sẽ chia thành ba mục: 1) Các kênh podcasts; 2) Các kênh Youtube; 3) Khác. Trong đó phần I mình sẽ chỉ nói về các kênh podcasts. 
Bây giờ, mình sẽ chọn ra những kênh podcasts phù hợp nhất đối với đại đa số mọi người, chúng sẽ không quá thiên về học thuật ở một lĩnh vực cụ thể mà sẽ có hơi hướng về thông tin, phương pháp sống hay kỹ năng quản lý tài chính… Chúng ta cùng bắt đầu nhé, và mình thực sự mong những điều mình chia sẻ sau đây sẽ có ích đối với mọi người!

Đọc thêm:

I. Các kênh Podcasts:

Trước hết, mình muốn điểm qua vài app mà mọi người có thể truy cập để nghe podcasts. Vì đồ công nghệ của mình đều xoay vòng bên hệ sinh thái Apple, nên sẽ có một số app không có sẵn trên CHplay để người dùng Android có thể tải. Một trong những app mình muốn kể đến là: 
App “Podcasts” của Apple: Điểm cộng là giao diện app tối giản, dễ quản lý. Vì là app dành riêng cho các kênh podcasts thế nên người dùng rất dễ dàng có thể quản lý các kênh mà họ subscribe hay tìm các kênh podcasts theo từng chủ đề. Điểm trừ là app không cho tua nhanh podcasts (max là x2)
App “Waves”: App này có siêu nhiều podcasts của người Việt, có nhiều kênh mà các app khác không hề có. Rất đa dạng các kênh và cũng là app chuyên dụng cho người chỉ nghe podcasts ạ. Điểm cộng là có nhiều kênh podcasts tiếng Việt hơn đại đa số các app podcasts còn lại
App Waves có nhiều các kênh podcasts đa dạng lắm ạ!


App "Spotify": Ứng dụng nghe nhạc và nghe podcasts không-ai-là-không-biết này cung cấp các tập podcasts cho phép tải xuống offline, kể cả khi mọi người không mua premium thì khi nghe podcast trên spotify cũng không bị “dính” quảng cáo. Điểm trừ là tìm podcasts hơi khó khăn vì các đầu mục chia ra không được rõ ràng lắm, gây khó khăn khi tìm các kênh theo từng chủ đề. Điểm cộng là rất nhiều podcasts tiếng Anh của các hãng thông tấn lớn như The NYT, VOX, The Economists…

Đọc thêm:
Ảnh: Thư viện podcasts của mình trên app “Spotify”

Về cách mình hay nghe podcast, những tiêu chí mình chọn khi nghe phải là: vừa nghe được nhiều, hiểu được dễ dàng hơn mà giúp tiết kiệm thời gian hơn. Cũng vì thế, mình chọn nghe ở chế độ x1.5, x2, x2.5 và thậm chí là x3 đối với những những chủ host nào có tốc độ nói chậm. Việc mình nghe với tộc độ nhanh giúp mình vào "flow" dễ hơn và vì nó có cùng một nhịp chuyển động liên tiếp của sự tập trung cao độ và âm thanh, mình hiểu chọn những gì mình nghe hơn rất nhiều. Mình khuyến nghị người đọc bài này chọn ra tốc độ phù hợp với từng kênh podcasts và nghe theo nhịp phù hợp với độ hiểu của các bạn! Còn bây giờ là các kênh mà mình tâm đắc nhất, trải dài đa dạng các chủ điểm từ quan điểm sống, kiến thức thường thức đến tiền tệ:
Ảnh: Thư viện podcasts của mình trên app “Podcasts”

Oddly Normal: Mình nghe kênh này từ những tập đầu tiên, đây là một kênh mà các hosts bàn luận và trò chuyện về đa dạng các chủ đề mang tính học thuật như AI, thuật toán công nghệ, sinh học, ngôn ngữ, chủng tộc, khế ước xã hội và ngay cả… sao hoả hay truyện tranh manga. Cá nhân mình đánh giá kênh podcast này là một trong những kênh khiến bản thân mình được mở mang nhiều nhất về các kiến thức văn hoá thường thức, nó đã “khai sáng” cho mình rất nhiều ở những chủ đề mà trường học không dạy, truyền thông không bàn. Và hẳn, vì nó quá hay mà, mình đã không bỏ sót bất kỳ một tập nào. 
Chàng ngốc già: Mình hay đọc blog của bác chủ host hơn là nghe podcasts, nhưng dù sao những tập podcasts cũng cung cấp một lượng lớn kiến thức về kinh tế nói chung hay về tiền tệ, đầu tư, bảo hiểm nói riêng. Mình nghe podcasts của bác host lâu lâu mới biết bác là một tiến sĩ về tài chính đã có nhiều bài viết đăng báo và các nghiên cứu học thuật về lĩnh vực này. Nhìn chung, mình khá yêu kênh của bác, chỉ có điểm trừ là giọng bác hơi khó nghe đối với một người miền Bắc như mình;(.
Unlock FM: Hai anh chị hosts là anh Quyền và chị Vi Anh, hai anh chị đều là du học sinh và đều đang làm việc và học tập tại nước ngoài nên các tập podcasts đều mang những sắc màu của phong cách sống mới, những suy nghĩ mới của những con người ở phía bên kia lục địa, của bầu trời Tây. Các chiếc podcasts rất xinh xắn với các khách mời với nhiều background công việc/ học thuật đa dạng, tạo nên một kênh podcast của những người trong muôn nẻo nghề nghiệp. Mình nghe kênh này khoảng giờ này năm ngoái, mình đã không bỏ lỡ bất kỳ một tập nào, cực kỳ khuyến khích những ai đang tìm hiểu về nghề nghiệp và đi du học nghe kênh này ạ!
Bốn chấm không: Nghe tên là đã biết kênh này bàn về 4.0. Đúng là kênh bàn về kỷ nguyên số thật, nhưng nó là các câu chuyện nghề nghiệp của người trẻ làm trong lĩnh vực này nhiều hơn. Các tập của kênh là chuỗi trải nghiệm của các anh chị đã học tập và làm việc trong mảng lập trình, kỹ sư phần mềm, kỹ sư trí tuệ nhân tạo hay khoa học dữ liệu rồi cả phân tích số liệu thống kê… Kênh podcasts này thực sự dành cho những ai quan tâm đến tương lai của nghề nghiệp và muốn tham khảo ý kiến của người đi trước trong lĩnh vực này đó ạ!
The Present Writer: Chị Chi Nguyễn chủ host của kênh là một người phụ nữ rất đáng yêu và tử tế, chị mới làm podcasts nhưng rất tích cực đăng các tập podcasts lên trên tất cả các nền tảng có podcasts. Chị ấy là một tiến sĩ về giáo dục nhưng “đá” sang cả data science và đam mê luôn cả về chủ đề lifestyle và cụ thể là chủ nghĩa tối giản. Kênh podcasts này sẽ phù hợp hơn với những cô gái hơn là các chàng trai. Mình rất yêu thích các chủ đề mà chị Chi chọn lựa để sản xuất nội dung - đó là các mẩu chuyện nhỏ được xuôi chuỗi qua từng trải nghiệm  kể về hành trình từ một học sinh Việt Nam vươn ra thế giới: từ hướng nghiệp, đại học, đến các bậc học cao sau ungrad… Tất cả đề có trong podcast của chị. Chị Chi cũng viết blog và có riêng kênh youtube với nội dung cũng thú vị chẳng kém đó ạ, mọi người có thể xem và trải nghiệm ạ.
Mình có thể nghe podcast khi đang làm những công việc nhẹ.



The Quoc Khanh Show: Mình đến với kênh này vì muốn tìm hiểu về những con người trong giới kinh doanh. Tại đây, khách mời đều là những người đã có sự nghiệp kinh doanh hoặc là nhà đầu tư tương đối có tiếng, họ đều có kiến thức về lĩnh vực của họ rất vững và chuyên sâu, nên mình đều thấy các tập podcasts có nhiều kiến thức về đời sống, tiền tài và danh vọng. Ngoài ra, giọng của anh host còn rất quyến rũ nữa đó ạ :)))!
Ta đi Tây: Nghe tên rất “Tây” nhưng mình lại thấy kênh cũng rất phù hợp với người trẻ ở Việt Nam chứ không nhất thiết là chỉ những bạn nào đi du học. Podcasts cho người nghe một cái nhìn rộng mở hơn về văn hoá Âu Mỹ hay thậm chí là các nước khác ở châu Á, nó có các chủ đề rộng dành cho những người muốn tìm hiểu về cơ hội việc làm ở nước ngoài, đang tìm hiểu về các cơ hội học tập ở nước ngoài hay chỉ đơn giản là về quan điểm về triết lý giáo dục của khách mời chẳng hạn… 
Các kênh podcasts khác cũng rất đáng nghe: The podcast of Khuê - mình bất ngờ vì anh host có những câu chuyện và trải nghiệm hay thậm chí là quan điểm sống tương đồng với mình đến thế, podcast này là về học tập, nghề nghiệp và cuộc sống; Spiderum - kênh mà ai cũng biết rồi đó ạ; Thai Pham - kênh đầu tư nhập môn; Hieu.TV - kênh về quản lý tài chính, tự do tài chính; Ha Chu Works - kênh tuyệt vời cho những ai có hứng thú với marketing; Have a sip - đây là kênh duy nhất mình chưa nghe nhiều nhưng mình thấy có nhiều người khen; Meomeorants - kênh đa dạng chủ đề, chủ yếu là về các kỹ năng và quan điểm sống; Những câu chuyện “ngành” - mọi góc cạnh trong giới marketing; Du và học Podcast - một kênh du học chuẩn chỉnh và chỉ về du học mà thôi; Pronexus - Cố vấn tài chính gia đình - về tiền và tiền; Amateur Psychology - kênh về tâm lý học; Tuan Anh podcast - kênh về mọi thứ trong cuộc sống; Chuyện khởi nghiệp - các câu chuyện kinh doanh; Podcast 25 phút - những câu chuyện về đời sống một ngày của người trong muôn ngành…

Vậy là gần 2 năm “kinh nghiệm” nghe podcasts của mình đã được đúc kết ở trên. Phải nói, những trải nghiệm của mình về việc tận dụng “thời gian chết” đã trở nên sống động hơn bao giờ hết, mình thực sự học được quá nhiều thứ từ những anh chị đi trước, từ những lời khuyên của các anh chị về thị trường nghề nghiệp cũng như phong cách học tập, đầu tư… Và mình thực sự biết ơn vì đã có những người trẻ sẵn sàng bỏ thời gian để tạo ra những kênh nội dung tuyệt vời như vậy. Mình không nói là những kiến thức mà các hosts nói là đúng đắn, nhưng người nghe hoàn toàn có lựa chọn để nghe và góp ý. Bản thân người nghe hãy là những người chủ động trong việc tiếp thu và chắt lọc những gì mang giá trị lớn nhất từ những kênh podcasts đó. Những người chưa thử thì hãy “give it a try”, hãy chọn ra những kênh yêu thích của mọi người và nghe sâu, hiểu về nó. Vì “less is more”, mình tin rằng việc mình liệt kê những kênh podcasts mà mình thấy ấn tượng ở trên đã cho người đọc bài này biết thêm về thế giới của văn hoá nghe, việc của mọi người hiện giờ là hãy tìm những kênh mà phù hợp với mỗi quan tâm của mọi người nhất và rồi enjoy nó!


Tạm kết: 

Mình đã biết thêm được vô vàn những điều mới từ việc nghe podcast trong lúc đi bus và lúc tập thể dục buổi sáng, mình đã cảm thấy “productive” hơn khi bắt đầu một ngày mới bằng việc tập thể dục và podcasts… À và vì học là để mở rộng đầu óc mà, nó không chỉ dừng lại ở trong trường lớp, ở điểm số và vài chứng chỉ chuẩn hoá, mà nó là sự chiêm nghiệm mọi khía cạnh trong cuộc sống và thấu hiểu nó. Podcasts, videos youtube, mạng xã hội (những trang như Monster Box, Người kể chuyện trên Facebook hay vietcetera, vietactivism, cacaomoney, key4.you trên instagram ...) hay sách đã giúp mình tiếp cận với đa dạng các khía cạnh khác nhau của kiến thức dễ dàng như thế, mình đã cảm thấy mình tiến bộ hơn và trở nên tử tế hơn mỗi ngày chút nhiều là vì nhờ những trải nghiệm như vậy. Đối với những người không có thời gian để đọc sách hay xem phim tài liệu, podcast là một sự lựa chọn của mọi người trong lúc lái xe hay hoàn thành những deadline nhẹ nhàng... Sau tất cả, mình mong, người đọc bài này, đến dòng này cũng sẽ có những trải nghiệm lĩnh hội kiến thức mới và thông tin hữu ích hơn thế!