Với sự mọc lên như nấm của các trang, hội, nhóm dân tộc chủ nghĩa trên Facebook trong thời gian gần đây, mà điển hình nhất là hai cái tên Tifosi và HVPCPĐ, sẽ không khó để bạn bắt gặp những quan điểm nêu cao và nhân danh "truyền thống dân tộc", "văn hóa 'Á Đông'" đến từ các thành phần khác nhau (như thể đang đối lập với những quan điểm có vẻ sính ngoại đã xuất hiện trước đó (?)). Chúng nhìn chung đều lôi cái gọi là "phương Tây" ra như thể Đông và Tây là cặp nhị nguyên đối lập hoàn toàn và không thể hòa hợp. Và nếu bạn đang nghĩ khác, chẳng hạn về một điều bạn cho là “đáng học hỏi” từ phía bên kia, dù chỉ là cái nhỏ nhất, bạn có nguy cơ trở thành "thằng lai căng", "kẻ phản bội" nếu vô tình làm những con người kia khó chịu. Có điều, khi xem xét tính đúng sai của một quan điểm, lý tưởng hay thực hành văn hóa trong thời điểm hiện tại, tôi chưa bao giờ xem nguồn gốc lịch sử và địa lý của chúng là cơ sở cho điều đó cả. Thứ khiến tôi dành phần lớn sự quan tâm chính là cách nó thật sự tác động lên cuộc sống của những người tin và thực hành nó, cũng như những người chịu ảnh hưởng từ họ. Do đó, tôi chưa bao giờ đánh giá cao sự phân biệt "chúng ta" - "chúng nó" và việc cứ chăm chăm làm mọi cách chỉ để "ta" khác "nó", nếu không muốn nói là cực kỳ “chướng” trước sự xuất hiện tràn lan của loại tư tưởng đó.
Tuy vậy, các khái niệm và sự phân chia Đông - Tây vốn không phải là mới. Sự tồn tại dai dẳng của nó cho đến thời kỳ toàn cầu hóa, cùng các vấn đề như bản sắc riêng và sự thống nhất văn hóa, vẫn gây sự tò mò nhất định ở tôi. Chính tôi cũng từng viết một bài để chất vấn tính đúng đắn bất biến và (phần nào) bác bỏ những luận điệu xem “truyền thống” như cái khiên vững chắc để ngăn người khác chất vấn những gì đã và đang diễn ra như một “lẽ thường” trong thời gian dài. [1] Song, vì bài ấy chỉ đánh vào “truyền thống”, “lâu đời”, tức là về mặt lịch sử, nên bài viết này của tôi sẽ tập trung vào mặt địa lý, tức là luận điệu lôi chuyện “Đông - Tây” như đã nêu.
Đông và Tây ?
Đông và Tây ?

1. Từ “Orient” và “Occident” đến “Orientalism” và “Occidentalism”:

Nói về vấn đề phân chia Đông - Tây, chúng ta chắc chắn phải nói về hai chữ O: Orientalism (Đông Phương luận) và Occidentalism (Tây Phương luận).
Đi ngược về quá khứ, khái niệm “phương Đông” (và theo đó là “phương Tây”), trớ trêu thay trong mắt những kẻ bài Tây (hoặc không), lại được tạo ra ở chính “phương Tây”, hay cụ thể hơn, là châu Âu. Người La Mã có thể xem là những người đầu tiên sử dụng khái niệm “phương Đông”. Trong thời gian đầu, vào khoảng thế kỷ thứ 3 và 4, nó xuất hiện trong những cái tên “Dioecesis Orientis” (Giáo phận phương Đông) và “praefectura praetorio Orientis” (tạm dịch: Tỉnh pháp quan phương Đông). Theo thời gian, cùng với sự mở rộng phạm vi khám phá của người châu Âu, định nghĩa về vùng địa lý gọi là “phương Đông” cũng dịch chuyển dần về phía Đông và tiến đến gần Thái Bình Dương hơn, nói cách khác là trở nên gần hơn với cách chúng ta xác định các vùng “Đông” và “Tây” hiện nay. [2]
Như một hệ quả của quá trình xâm chiếm thuộc địa của các nước châu Âu, thứ tạo điều kiện để người Âu có thể tự do đi lại trên các vùng đất bên ngoài “thế giới phương Tây” của họ, những nghiên cứu, ghi chép về vùng bên ngoài ấy dần được phát triển. Đến thế kỷ thứ 19, thứ được xem là Đông Phương luận / Orientalism đã xuất hiện như cách phương Tây nhìn vào thế giới bên ngoài họ. Tất nhiên, cái nhìn ấy thường mang tính giản lược hóa, kỳ thị và định kiến khi xem “bên kia” như phía đối lập của cặp nhị nguyên với những tính chất: xa lạ, bí ẩn, nữ tính, khác thường và chưa văn minh, đồng thời cũng tạo ra những luận điệu hợp lý hóa việc khai thác thuộc địa (khai phá văn minh… *khụ khụ*).
Ở phía bên kia, chính người phương Đông, qua việc tiếp xúc với con người và thế giới phương Tây, cũng dần phát triển nhãn quan của họ về phương Tây. Tất nhiên, nhãn quan của mỗi cộng đồng bên ngoài phương Tây là khác nhau, vì còn phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh, đối tượng và quá trình tiếp xúc của cộng đồng ấy. Song, cộng thêm việc trở thành thuộc địa và chịu ảnh hưởng từ phương Tây trên nhiều khía cạnh, nhãn quan phương Đông về thế giới phương Tây đã tiếp tục được định hình và trở thành cái tương tự như Đông Phương luận, với vị trí “chúng ta” và “chúng nó” của “Đông” và “Tây” được đảo ngược lại. Song, Tây Phương luận không chỉ nhắm vào phương Tây như một thực thể đối lập hay “kẻ phản diện”. Hơn cả thế, nó còn quan tâm tới cả cách hình ảnh phương Đông được xây dựng nên trong mắt người phương Tây. Cũng do đó, chúng ta có một sự việc trái khoáy ở đây: các cộng đồng phương Đông, một mặt phải đi tìm (lại) bản sắc cho mình để thoát khỏi phương Tây, mặt khác lại muốn được công nhận trong cái hệ thống của phương Tây, để “chúng ta” ngang bằng “chúng nó”.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cách nhìn nhận “Đông - Tây” như trên dường như đang xây dựng một hình ảnh về một “phương Đông” / “phương Tây” tưởng tượng trong mắt của bên còn lại, một “bên kia” đơn giản, đồng nhất và đối lập hoàn toàn với “bên này”, trong khi thực tế lại đa dạng và phức tạp, cũng như tồn tại nhiều khoảng chuyển tiếp và chồng lấn. Chưa xét đến Đông và Tây tốt hay xấu ở đâu, tôi muốn hỏi rằng liệu chúng ta có thật sự xác định được lằn ranh giữa “Đông” và “Tây”, cái nào là “Đông”, cái nào là “Tây” không ?
Lấy ví dụ về nước Úc hiện tại. Về mặt địa lý, nó nằm rất xa về phía đông, nhưng về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, liệu nó giống với Malaysia, Indonesia và Singapore hơn, hay giống với Anh và Mỹ hơn ? Hay thậm chí, chúng ta có thật sự xếp được Úc vào một trong hai nhóm trên hay không ?
Hoặc xét trường hợp của người Slav thuộc các nước Đông Âu theo Chính thống giáo. Bạn sẽ xem họ là “Tây” vì họ cũng là người da trắng, nói những thứ tiếng có nguồn gốc Ấn - Âu, theo Chính thống giáo (một nhánh của Kitô giáo) ? Hay bạn sẽ xem họ là “Đông” vì có những người ở Tây Âu và châu Mỹ đặt họ ở vị trí thấp hơn, và vì nhiều nước trong số họ từng đi theo khối Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô và đối đầu với Mỹ dưới trật tự lưỡng cực của Chiến tranh lạnh ?
Cách phân loại và gắn mác như trên rõ ràng đã bỏ qua việc châu Âu của người Anglo Saxon khác với châu Âu của người Latin, của người Slav, của người Hy Lạp, cũng như việc bên ngoài châu Âu thì châu Á cũng khác châu Phi, Đông Bắc Á cũng khác Đông Nam Á và tất nhiên là càng không thể giống Ấn Độ, v.v. Nó cũng bỏ qua việc một số tập quán sinh hoạt của cộng đồng này cũng có thể phần nào được tìm thấy tại một cộng đồng khác, ở một thời kỳ khác (chẳng hạn như lối sống, quan hệ làng xã). Do đó, vấn đề có lẽ chẳng phải nằm ở “phương Đông” hay “phương Tây”, mà chính là cách ta tự tưởng tượng ra hai thứ ấy, rồi gán cá nhân, tập thể, tư tưởng, hành động lên bên này hoặc bên nọ. Chính kiểu tư duy ấy dẫn đến lối suy nghĩ cứ cái gì thuộc “phe ta” thì tốt ráo, không thể sai, vì bao đời nay ta đã làm thế và nó định hình nên “ta”; còn cái gì thuộc “phe địch” thì cứt tất hoặc có cái tốt cũng chỉ là lừa lọc, giả tạo, hoặc không hợp “truyền thống”; ai biện minh gì cũng trở thành lai căng, phản bội mà không cần xem đến cơ sở lý luận, và mục đích tồn tại của chúng. Thật không may, đó là cách mà những kẻ như Tifosi vẫn dùng để biện minh cho sự bảo thủ đến cố chấp của họ.

2. Toàn cầu hóa và sự tôn trọng bản sắc trước những chuẩn mực chung: 

Một điều khiến tôi lưu ý về các thành phần hay lôi “Đông - Tây” ra khè những ai trái ý họ chính là cái lý do hai bên khác biệt, mỗi bên một tập quán nên khác thế này thế nọ. Dù cách phân chia lưỡng cực như trên có quá nhiều sai lầm, thì việc họ đề cập tới sự khác biệt văn hóa giữa các cộng đồng người vẫn phần nào đáng để lưu ý.
Đứng ở vị trí chống lại chủ nghĩa thực dân, sự xâm lăng và đàn áp văn hóa, tôi thừa nhận rằng tư tưởng và văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi khu vực luôn có ít nhiều sự khác biệt so với các cộng đồng khác, và sự khác biệt ấy cần được tôn trọng. Chính Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền cũng đã đề cập tới các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận (điều 19), tôn giáo (điều 18), cũng như quyền tham gia vào đời sống văn hóa cộng đồng (bao gồm cả các tập quán sinh hoạt) (điều 27). Tuy nhiên, cũng trong tuyên ngôn ấy, điều 30, khoản 2 đã nêu: “Khi thực thi và hưởng thụ những quyền và quyền tự do của mình, tất cả mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do pháp luật quy định với mục đích duy nhất là bảo đảm sự công nhận và tôn trọng các quyền và quyền tự do của người khác và để thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.” Dù rằng đạo đức không phải cái tuyệt đối và bất biến, việc đảm bảo quyền lợi và quyền tự do của người khác cũng như lợi ích chung không bị xâm phạm trong quá trình thực hiện quyền của bản thân vẫn là cần thiết ở mọi lúc mọi nơi. Điều này cũng có nghĩa: nếu một thiết chế xã hội, một hệ thống tục lệ, quy định, hay một hành vi làm tổn hại trực tiếp đến các quyền lợi cơ bản của những người bên trong hoặc bên ngoài cộng đồng, nó sẽ được xem là sai, bất kể bạn lấy thứ gì ra để nhân danh và biện hộ cho nó. Chẳng hạn:
Nước Pháp có thể là văn minh, phát triển cùng một chính phủ thực hiện đúng khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” với chính người dân họ (tạm cho là vậy), và nếu vậy những điều đó sẽ được ghi nhận như một tấm gương đáng học hỏi cho các chính quyền khác. Song, nếu họ biến tiêu chuẩn của họ từ một bài học gợi ý thông thường thành một dạng tiêu chuẩn “văn minh” bắt buộc, để rồi hợp lý hóa việc xem nơi khác là thấp kém và thực hiện các cuộc xâm phạm, đồng hóa và triệt tiêu các yếu tố bản địa dưới danh nghĩa “khai phá văn minh”, việc làm đó vẫn sẽ là sai và đáng lên án. Nói cách khác, không phải vì Pháp tốt nên mọi hành động của họ luôn đúng và ngược lại. Đúng sai phải nằm ở chính những hành động cụ thể ấy, cũng như những hệ quả nó gây ra.
Một ví dụ khác là các chính phủ thần quyền Hồi giáo ở Iran và Ả Rập Xê-út. Việc họ có tôn giáo, tín ngưỡng và tập quán sinh hoạt riêng là cái cần được tôn trọng, và những thế lực bên ngoài muốn can dự, đàn áp hay xóa sổ những điều trên là sai. Tuy nhiên, sự tôn trọng đối với các quyền tự do tín ngưỡng, văn hóa của họ không đồng nghĩa với việc chúng luôn luôn đúng và không ai được phép lên tiếng phản đối. Nói vậy là bởi ta còn phải xem xét các thực hành văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ấy có vi phạm vào quyền lợi và quyền tự do cơ bản của cá nhân khác hay không (chẳng hạn như quyền được hưởng nền giáo dục, quyền được lựa chọn, tham gia hoặc từ bỏ tôn giáo, tín ngưỡng,v.v.).
Một trong số những quyền cơ bản nữa (dù tôi chưa thấy trong tuyên ngôn) tôi tin chúng ta cũng cần lưu ý chính là quyền được lựa chọn. Mỗi người cần được đảm bảo quyền lựa chọn ở mức tối đa trên cơ sở:
1. Người lựa chọn có khả năng nhận thức và có đầy đủ thông tin nhất có thể về hệ quả lựa chọn của họ có thể dẫn đến.
2. Sự lựa chọn của cá nhân phải đảm bảo nó không gây ra tổn hại hoặc mâu thuẫn quyền lợi đối với người đang sống khác.
Như vậy, việc một người lựa chọn cách ăn mặc, cách sống, tư tưởng, tín ngưỡng, nếu không can thiệp và gây tổn hại đến đời sống người khác, thì phải được tôn trọng, bất kể người khác có thích hay không. Việc bạn thấy người đó “dị thường”, “gây ngứa mắt” hay “lai căng”, “đi ngược lại truyền thống” trong trường hợp này hoàn toàn chỉ là cảm xúc cá nhân và tiếng nói của bạn không có ý nghĩa gì cả. Ngược lại, nếu cá nhân hoặc tập thể nhân danh “truyền thống” hay “bản sắc cộng đồng” để đàn áp, bịt mồm hoặc thủ tiêu tất cả những người có ý kiến hoặc lựa chọn khác biệt (kể cả khi điều đó không làm tổn hại bất cứ ai), nó sẽ được xem là sự xâm phạm quyền lựa chọn của người khác và đáng bị lên án. Điều đó cũng tệ hại không kém việc nhân danh “văn minh” và “khai sáng” để hạ thấp, hoặc tệ hơn là đàn áp, những tư tưởng và thực hành khác với bản thân.
Tóm lại, tôn trọng sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng khác nhau là điều phải làm, nhưng nó không và sẽ không bao giờ là bức bình phong cho sự lộng hành của những tư tưởng và thực hành mang tính cưỡng bức, làm giới hạn quyền được biết, được lựa chọn và xâm phạm các quyền cơ bản của cá nhân. Cũng vì vậy, bạn không nhất thiết phải (và tuyệt nhiên không nên) quy về việc chọn lấy một phe, Đông hoặc Tây, xứ này hoặc xứ nọ, “độc tài” hay “dân chủ”, cá thể hay tập thể,... để có thể tin điều này, làm điều kia. Cứ chọn tin và làm thôi, nếu bạn thấy đúng và đáng… trừ khi bạn sẵn sàng cho việc bị xoay vòng trong lòng bàn tay của những kẻ lợi dụng sự chia phe vào lợi ích riêng của họ, những kẻ sẵn lòng đá bạn khỏi phe sau khi bạn hết giá trị.

3. Trở về với các hội nhóm dân tộc chủ nghĩa trên Facebook:

Viết vĩ mô các thứ đủ rồi, nên phần này tôi sẽ quay về với các thành phần bài Tây trên mạng (thường thấy nhất là mấy anh dân tộc chủ nghĩa kiểu Tifosi), những kẻ vẫn luôn lải nhải bất chấp logic cái bài ca “Tây lông thế này”, “Tây lông cũng thế nọ”, “chúng ta đối lập với chúng nó nên không học theo cái được” mọi lúc mọi nơi để bịt mồm và gắn mác “lai căng”, “me tây” cho những ai có ý muốn hoặc hành động khác với cái họ, dù đó chỉ là những sự thay đổi nhỏ nhất. Rõ ràng, việc phân chia rạch ròi và nhìn nhận cặp nhị nguyên Đông - Tây như hai thực thể đối lập hoàn toàn, như tôi đã nêu rõ ở phần 1, thật sự rất có vấn đề và hoàn toàn không phản ánh đúng thực tế. Buồn cười hơn nữa, nếu đã thật sự theo chủ nghĩa dân tộc, đã muốn đẩy tinh thần dân tộc Việt Nam lên hết cỡ, tại sao họ cứ phải bám vào các anh Tập, anh Putin, mấy anh thần quyền Hồi giáo Trung Đông để chống lại “thằng Pháp”, “thằng Mỹ” và “lũ phương Tây” ? Bọn Mỹ đã làm nhiều chuyện “mất dạy”, nhưng liệu các anh Tập và Putin có thật sự quan tâm tới sự độc lập của Việt Nam ? Rồi các anh thần quyền Hồi giáo (hay các thành phần từa tựa vậy), nếu qua cai trị Việt Nam, có để cho dân ngoại đạo và vô thần được yên thân không ? Và thái độ của họ với Trung, Hàn, Nhật cũng khó hiểu không kém khi lúc thì họ muốn thống nhất cả “phương Đông” đi theo nền văn hóa “Đồng Văn Hoa Hạ”, lúc lại chê Hàn thế này, Nhật thế nọ, chửi Trung đòi chiếm chỗ này chỗ nọ của ta (Thế mà đòi thống nhất với chả Đông Phương). Mà xét cho cùng, ngay từ đầu sao cứ phải bám lấy mấy anh đấy, cứ phải đu cái “phương Đông” vốn chả ai biết có thật sự tồn tại không, thay vì chỉ tập trung vào Việt Nam và cái “dân tộc Việt Nam” là đủ ?
Tôi không thể hiểu được chính xác đám người này đang nghĩ gì để rặn ra thứ tư tưởng họ đang có, thờ những kẻ họ đang thờ và chống những kẻ họ đang chống. Phải chăng sự toàn cầu hóa và tốc độ thay đổi nhanh hơn khả năng nhận thức của họ khiến họ sợ hãi, lung lay và phải bám vào cái “cộng đồng” và “bản sắc” tưởng tượng và tin rằng nó sẽ bất biến theo thời gian. Hay là truyền thông và sự giáo dục họ nhận được (có thể chính thống hoặc không) đã khiến họ tin rằng phe này phe nọ luôn là kẻ thù và vì thế những ai dám đứng lên chống lại hẳn sẽ luôn là bạn, và do đó phải luôn theo thằng này, bài thằng nọ ?
Những điều trên chỉ là phỏng đoán, và tôi sẽ không bao giờ biết chính xác nguồn cơn của thứ tư tưởng kia. Song, có một điều tôi chắc chắn, nó tuyệt đối không dành cho tôi, và tôi cũng không khuyến khích bạn dính vào nó (cũng là một trong số các lý do tồn tại của bài viết này). Tất nhiên, quyền lựa chọn vẫn là của bạn, và nếu vẫn quyết định chơi trò chọn-phe-mà-bám này, hãy đảm bảo bạn sẽ chết trước khi “phe của bạn” sụp đổ hoặc quay lưng với bạn.
—-----------------------------------------------------------------------------
Dẫn nguồn:
“Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (1948) - Được trích dẫn trong phần 2 của bài viết này
Đọc thêm: