"Truyền thống" có là một lý do hợp lệ ?
Bài viết này không phải để nói các bạn hãy vứt bỏ truyền thống, cũng không hề khiến các bạn thay đổi quan điểm.
Hai chữ “truyền thống”, tuy không phải một khái niệm xuất hiện mọi lúc trong suy nghĩ và lịch trình thường ngày của mỗi người, vẫn luôn được lôi ra để nói mỗi khi có dịp. Mọi thế hệ con người, trong mọi xã hội, bất kể Đông Tây, đều nhắc về hai chữ này như thể đó là một “truyền thống”. Những câu kiểu “Giữ gìn nét đẹp truyền thống abc”, “Phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp…”,v.v… vẫn xuất hiện ở mọi nơi có thể, từ các phương tiện truyền thông đại chúng, băng rôn biểu ngữ, cho đến những cuộc trò chuyện trà dư tửu hậu giữa các thế hệ trong một cộng đồng. Phần đông thành viên trong mỗi cộng đồng vẫn chấp nhận “truyền thống” như một điều đúng đắn, một kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động của họ. Đôi khi, điều này được biểu hiện ở mức độ cực đoan hơn, chẳng hạn như lấy lý do “truyền thống”, hoặc “bao đời nay nó thế có ai làm khác đâu mà sai” để đáp lại sự nghi ngờ những quy tắc đã đặt ra, hoặc loại trừ những người không giống với quy chuẩn “truyền thống”, dù chưa chắc họ sẽ trực tiếp gây hại đến lợi ích chung. Song, “truyền thống” có thật sự luôn đúng đắn không ? Thậm chí, liệu có thật sự tồn tại cái gọi là “truyền thống” ? Nội dung bài viết này sẽ phần nào trả lời các câu hỏi trên.
1. Định nghĩa “Truyền thống”:
“Truyền thống” vừa là danh từ, vừa là tính từ. Theo từ điển Cồ Việt, khi được dùng như danh từ, “truyền thống” được định nghĩa là cách suy nghĩ, cư xử, lối sống được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi được dùng như tính từ, “truyền thống” được định nghĩa là “được truyền lại từ các đời trước”. (Theo tudienso về nghĩa Hán Việt, “truyền”(傳) là trao từ bên này sang bên khác, “thống” (統) chính là các đời nối dõi)
Từ tương đương với “truyền thống” trong tiếng Anh và Pháp đều được viết là “tradition” (đọc khác nhau), có nguồn gốc từ “traditio” trong tiếng Latin (“sự trao truyền” hoặc “sự truyền dạy” (đối với kiến thức)), xuất phát từ động từ tradere, “chuyển sang cho người khác, giao, trao lại”.
2. Tính tốt đẹp của truyền thống (từ đây truyền thống sẽ không nằm trong dấu ngoặc kép nữa):
Theo định nghĩa trên, nếu một hành vi, nghi thức hoặc quy tắc được truyền lại nhiều lần từ người trước sang người sau (khoảng 3 đến 4 thế hệ trở lên) và vẫn còn tiếp tục được chấp nhận và thực hiện vào thời điểm hiện tại (hoặc thời điểm được đề cập đến), nó được xem là một truyền thống. Như vậy, tôi cho rằng cái làm nên một truyền thống chính là yếu tố thời gian và sự chấp nhận. Cũng vì điều này, truyền thống có thể bao gồm cả truyền thống tốt (như các nghi thức tưởng nhớ về tổ tiên, hoặc các trò chơi thể thao dân gian nhẹ nhàng), và truyền thống xấu (như tục căng tai của một số tộc người ở Tây Nguyên, tục bó chân của người Trung Quốc, hoặc tàn dư từ những tư tưởng trong xã hội phụ hệ cũ vẫn còn trong xã hội của chúng ta).
Chúng ta vẫn thường nghe “Gìn giữ truyền thống tốt đẹp và “Loại bỏ hủ tục lạc hậu”, nhưng những cụm như “Một số truyền thống không tốt”, “Thay đổi truyền thống” hoặc “Loại bỏ truyền thống” lại ít xuất hiện hơn hẳn. Phải chăng kèo thơm, việc tốt ta mới xem là truyền thống, còn kèo thối, việc không hay ta coi là thứ lệch lạc hủ lậu, không nằm trong truyền thống ? Nhưng chẳng phải nó vẫn còn được lưu truyền và được công nhận bởi một cộng đồng qua nhiều thế hệ sao ? Bởi lẽ, nếu theo định nghĩa, truyền thống chỉ không còn là truyền thống khi nó không còn được lưu truyền và phổ biến nữa.
Mọi vấn đề luôn đi theo gói, mọi văn hóa, tư tưởng luôn có mặt tốt, mặt không tốt và mặt xấu kéo theo. Các truyền thống cũng tương tự vậy. Ta không thể chỉ nhận cái tốt về mình và xem những mặt trái không thuộc phạm vi vấn đề được. Đây chính là trò kèo thơm - kèo thối huyền thoại mà dân cư mạng vẫn hay nhắc tới. Và nó không thể hiện điều gì khác ngoài sự thiếu nhất quán trong tư duy của những người có suy nghĩ kiểu này. (Khá giống cách bọn redpill vẫn thường đổ cho “blackpill” mỗi khi có người lôi ra cái xấu của bọn này)
3. Tính tuyệt đối và trường tồn của truyền thống:
Chúng ta vẫn biết phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, nhưng nó có tồn tại lâu đời hay không, nếu so với một số món khác, như bánh chưng chẳng hạn ? Chắc chắn là không, vì sự xuất hiện của phở như chúng ta biết ngày nay (dù chưa có sự thống nhất) cũng chỉ được ghi nhận trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.
Hoặc một thứ gây tranh cãi hơn, văn hóa tình dục. Nhiều người vẫn xem việc có tư tưởng “thoáng” về tình dục là lệch lạc với truyền thống dân tộc. Song, liệu truyền thống ấy có phải “xưa nay vẫn thế” ? Các điều luật khắt khe và những cấm đoán về tình dục chỉ xuất hiện kể từ khi Nho giáo xâm nhập vào Việt Nam và phát triển mạnh trong giai đoạn thế kỷ 15-18, trong khi tín ngưỡng phồn thực, vốn đã có trước khi các tư tưởng trên du nhập vào Việt Nam, lại có cái nhìn thoải mái hơn về tình dục. [1]
Điều này vốn chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, vì nếu nhìn vào lịch sử xã hội loài người, chúng ta đã và đang thay đổi không ngừng. Có chăng là trước kia họ thay đổi chậm hơn những năm gần đây, thậm chí quá chậm để có thể nhận ra và cảm thấy bất ngờ.
Tôi không biết đây là điều tốt hay xấu, nhưng sự ra đời và phát triển của các phương tiện lưu trữ thông tin, sự xuất hiện của các học thuyết triết học mới, các phương pháp nghiên cứu khoa học ngày càng hoàn chỉnh và có hệ thống hơn, cũng như sự xuất hiện của các cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ đã tác động sâu sắc tới hình thái xã hội, phương pháp làm việc, lối sống cũng như niềm tin của chúng ta. Sự ra đời của nhiều phát minh đã liên tục tạo ra những thay đổi lớn, có tính lâu dài và không thể đảo ngược lên đời sống vật chất, để rồi ảnh hưởng tới đời sống tinh thần. Nhiều tư tưởng, niềm tin, lề thói, phương pháp cũ dần bị thách thức, vì cần được kiểm chứng lại về tính hợp lý (có mâu thuẫn về mặt logic với các tiên đề hoặc với các lý thuyết đã được chứng minh không) và tính xác thực (có đúng với thực tế hay không, đúng trong điều kiện nào), mà các phương pháp y học cổ truyền là ví dụ điển hình nhất [2]. Đặc biệt, nếu nhìn lại toàn bộ lịch sử xã hội loài người, chúng ta đang thay đổi ngày càng nhanh hơn. Nếu cách đây vài thế kỷ, một người có thể sống khoảng 60 năm từ thời điểm sinh ra đến lúc chết đi và vẫn chỉ nhìn thấy một khung cảnh, sử dụng cùng một hệ thống cơ sở vật chất và công cụ cho một số công việc nhất định, chứng kiến và tham gia vào cùng một kiểu xã hội, một hệ thống tập quán sinh hoạt duy nhất, thì hiện nay, một người sinh ra trong giai đoạn nửa sau của thế kỷ 20 hoặc đầu thế kỷ 21 sẽ phải chứng kiến một loạt thay đổi chỉ trong mười năm. Với sự thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất, giao tiếp và tổ chức quan hệ xã hội, những phương pháp và quy tắc 10 năm trước vẫn còn đúng và hiệu quả chưa chắc sẽ còn áp dụng được vào thập kỷ sau. Vậy thì lý do gì để bạn có thể bắt người khác phải tin theo một quy tắc, tập tục cách đó hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm khi nó đã bắt đầu bộc lộ hạn chế trong xã hội mới hơn ?
Một mệnh đề khẳng định, một tư tưởng hoặc phương pháp tồn tại lâu đời không có nghĩa là nó sẽ tồn tại mãi mãi, cũng không có nghĩa là nó luôn đúng. Nó đúng khi và chỉ khi ta có thể chứng minh điều đấy một cách đủ chặt chẽ để không có bất kỳ điểm sai hoặc mâu thuẫn nào được chỉ ra. Một khi tồn tại dù chỉ một trường hợp ngoại lệ, tính đúng đắn sẽ ngay lập tức chấm dứt hoặc khẳng định về nó phải thay đổi. Truyền thống cũng tương tự vậy.
4. Truyền thống và bản sắc - “chúng ta” và “chúng nó”:
Một cộng đồng vốn được tạo nên từ những người có điểm chung về các mặt như đặc điểm hình thể, trải nghiệm, sở thích, thói quen, quan niệm,... Những điểm chung ấy tạo nên bản sắc cộng đồng. Truyền thống, dù không phải một khái niệm tuyệt đối, lại là một trong số những thứ giúp định hướng mọi người giữ gìn những điểm chung ấy theo thời gian. Nó giống như cách để thế hệ trước nhận ra thế hệ sau, người đi sau nhớ về người đi trước. Đồng thời, nó cũng là thứ góp phần tạo nên “danh tính” và “bản sắc”, thứ phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác, phân biệt “chúng ta”, những người trong cộng đồng, và “chúng nó”, những thành phần ngoại bang. Có lẽ vì vậy mà những người ở thế hệ trước, cũng như những người ở tầng lớp trên, với vai trò nắm giữ và điều khiển cộng đồng, hay đặt nặng và nói về truyền thống hơn những người ở dưới.
Mặt khác, còn có những người đề cao hết mực truyền thống và muốn giữ lại bằng mọi giá vì họ hưởng lợi từ nó. Đây thường là những người thuộc tầng lớp tinh hoa trong một xã hội vốn đặt nặng sự tôn ti và đẳng cấp. Việc phá vỡ truyền thống, âu cũng ảnh hưởng không ít tới quyền lợi của họ, cũng như những người có cùng địa vị. Điều này lại được thấy nhiều trong các cuộc cách mạng tư sản và vô sản trước đây.
5. Tạm kết:
Bài viết này không phải để nói các bạn hãy vứt bỏ truyền thống, hay truyền thống luôn là sai. Việc học hỏi, tìm hiểu về truyền thống và lịch sử là tốt. Việc thực hiện chúng hay không cũng chẳng có gì sai, nếu chúng không cản trở đến quyền lợi và sự toàn vẹn của người khác. Những phân tích trên chỉ cho thấy rằng, truyền thống cũng chỉ là một hoặc một nhóm các hành vi hoặc tư tưởng được thực hiện và truyền dạy qua nhiều thế hệ, và rất nhiều trong số đó chỉ đơn giản được tin và làm theo một cách cảm tính. Bản thân các truyền thống cũng có thể thay đổi tùy theo điều kiện quan hệ xã hội trong khoảng thời gian xác định. Vì vậy, những lập luận theo kiểu “Truyền thống nó vậy” hoàn toàn không có giá trị trong việc bảo vệ hoặc hợp lý hóa một suy nghĩ hoặc hành động được đưa lên để tranh cãi. Điều này cần đặc biệt lưu ý trong thời đại các phương pháp lý luận đã và đang phát triển và hoàn thiện dần, khi việc xác định tính đúng sai cần xét đến nhiều yếu tố hơn chỉ đơn thuần là “lâu đời”.
Nguồn:
[2] https://www.facebook.com/teammonsterbox/posts/2934425736838173 (2. Lịch sử của Đông Y ngay tại cái nôi của chính nó)
Tham khảo / Đọc thêm:
"THE IMPACT OF SCIENCE ON SOCIETY" - James Burke, Jules Bergman, Isaac Asimov, 1985
"The Future of Tradition" - Lee Harris (The Future of Tradition | Hoover Institution)
"The Art of Relevance" (Part 3 - Relevance and Community) - Nina Simon
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất