Books seeding - Khi Marketing trở thành kẻ thù của độc giả
Những năm gần đây, "seeding" trong Marketing đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thông hiện đại, đặc biệt là...
Những năm gần đây, "seeding" trong Marketing đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thông hiện đại, đặc biệt là với mảng in ấn, phát hành sách. Nếu các bạn đã từng tham gia bất kì nhóm đọc sách, bình sách hay thảo luận về sách nào trên Facebook, bạn sẽ cảm nhận rõ bộ phận cộng tác viên (hoặc nhân viên) các nhà in ấn đã thực hiện "seeding" mạnh mẽ đến mức độ nào.
Không thể phủ nhận, việc thổi vào các hội nhóm uy tín trên Facebook những bài viết bình luận, khen ngợi những quyển sách vừa được xuất bản đã đem tới lợi thế to lớn cho các nhà xuất bản và ấn hành sách. Đây là cách thuận lợi, an toàn và đem lại độ tin cậy cao cho những chú "mọt" đang tìm kiếm đầu sách hay khi dạo quanh các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, việc tốt cho nhà xuất bản hoàn toàn không thành lợi ích cho chúng ta, nếu không nói là mang lại nhiều tác hại.
Thứ nhất, định hướng dư luận. Mình sẽ không nêu đích danh các nhà xuất bản hay trung tâm phát hành sách nào đang thực hiện phương pháp này. Thế nhưng dạo quanh một vòng các hội đọc sách lớn với số thành viên lên tới hàng vạn, dễ dàng thấy được các bước NXB đã thực hiện. Lúc chuẩn bị phát hành, nếu đây là đầu sách chưa có tiếng Việt và mới được xuất bản lần đầu, sẽ có rất nhiều bài viết khen ngợi quyển sách gốc. Sau khi ấn bản Việt Nam được ra mắt, hàng loạt bài viết từ các thành viên khác nhau sẽ cùng ca ngợi, thưởng thức cái hay của tác phẩm, kèm theo lời kêu gọi hành động khuyến khích mua hàng. Một loạt sách được tiêu thụ từ đây.
Thứ hai, thay đổi định nghĩa "hay" – "không hay". Sau khi những người đọc "thực" mua sách, sẽ có những ý kiến trái chiều (tất nhiên). Mình đã từng chứng kiến những bài thảo luận về sách, các bạn thẳng thắn nêu ra những điểm chưa tốt của tác phẩm này. Sẽ không có gì đáng nói nếu không có một lượng lớn những thành viên của tập thể "seeding" tiếp tục vào phần bình luận phản đối hay "ném đá". Dần dần, lo sợ bị "chống đối" trên mạng xã hội, những bài viết kiểu này ít dần và nhận thức của chúng ta về quyển sách giờ chỉ còn là đường một chiều.
Sau tất cả, mỗi khi đọc một bài nhận xét về sách, mình tự hỏi liệu đây là chiêu trò truyền thông hay là cảm nhận thật của những độc giả khác?
Bài viết này không nhằm lên án những bạn cộng tác viên hay phương pháp của những công ty ấn hành sách. Mình chỉ muốn nhắn nhủ rằng bản chất seeding là không xấu, mọi thứ đều phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng. Nói cho đơn giản, cùng là con dao, nhưng chúng ta có thể cứu người khi phẫu thuật hay tước đi mạng sống của một ai đó trong một cuộc chiến. Sách vốn là để trao tặng tri thức, đừng dùng cách truyền thông quá đà biến chúng trở thành vũ khí để định hình suy nghĩ của người khác. Đọc sách là để mở mang, để hình thành nhận thức nhiều chiều, nhưng chính những NXB, trung tâm phát hành sách lại đang biến tư tưởng của hàng triệu người thành một. Xuất bản sách là một ngành công nghiệp phát triển trí tuệ, định hướng nhân cách; vậy nếu ngành Y có lời thề Hippocrates, vậy lời nguyện ước của ngành sách hiện đang ở đâu?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất