Lời tác giả

Sáu phần đầu tiên của bài viết này được dịch từ bài viết Zhang Yiming’s Last Speech. Zhang Yiming, hay Trương Nhất Minh, là người sáng lập tập đoàn công nghệ ByteDance, công ty đứng đằng sau ứng dụng Tiktok đã trở nên khá quen thuộc với người Việt Nam. Bài viết nguyên gốc là buổi nói chuyện của Trương Nhất Minh với các nhân viên của công ty trong ngày kỷ niệm 9 năm thành lập. Tiêu đề bài viết là "last speech" bởi vì trong tháng 6 vừa rồi, Trương Nhất Minh đã thông báo với toàn bộ nhân viên rằng mình sẽ rút khỏi vị trí giám đốc điều hành của ByteDance vì ông cảm thấy mình "không giỏi xã giao và không hợp làm CEO". Phần cuối cùng sẽ là suy nghĩ và cảm nhận của tác giả - tôi - về những điều Trương Nhất Minh nói; thông qua những trải nghiệm sống và làm việc của bản thân. Một số lưu ý nhỏ: 1. Bài dịch dựa trên ý hiểu của tác giả, vì vậy câu chữ có thể không trùng khớp hoàn toàn với bản gốc. Một số phần liên quan tới biz cũng được lược bỏ để tránh dài dòng. Nếu bạn nào quan tâm có thể truy cập và đọc bài viết gốc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung. 2. Bài viết gốc sử dụng cụm từ "ordinary mind" và tôi không thể tìm được cách để cắt nghĩa gọn gàng trong tiếng Việt. Trong bài viết này, tôi dịch từ "ordinary" là "bình phàm" hoặc "bình thường", và cụm từ "ordinary mind" là "bình tâm". Tuy nhiên, theo cách hiểu của tôi, "ordinary mind" là tổng hợp nghĩa của "tâm trí bình phàm", "tâm trí bình thường", và "tâm trí bình yên". Nói gần gũi hơn thì chính là câu "Hoa rơi cửa Phật, vạn sự tuỳ duyên" trong văn hoá châm biếm của người trẻ hiện nay. Nếu bạn nào có ý tưởng hay hơn để dịch 2 từ này, hãy góp ý dưới phần comment và tôi sẽ sửa để bài viết trở nên phù hợp hơn.

Giới thiệu

Giống như các năm trước, tôi muốn chia sẻ với các bạn về những gì đã xảy ra trong năm qua và những cảm nhận của tôi về chúng ta. Những cảm nhận này đến từ cuộc sống và công việc của tôi, cũng như thông qua việc giao tiếp với đồng nghiệp... Năm 2020 là một năm đặc biệt với tất nhiều sự kiện quan trọng, trong đó bao gồm sự xuất hiện của virus COVID-19. Kết quả của nó là một sự hỗn loạn về mọi mặt của đời sống mà tôi tin rằng ai trong các bạn đã cảm nhận được. Nhiều người trong chúng ta thích một cuộc sống yên tĩnh (dù có đôi chút nhàm chán). Tuy nhiên, tôi cho rằng thế giới xung quanh đang thay đổi rất nhanh chóng. Chúng ta nhìn thấy tin tức và những thứ mới mẻ mỗi ngày, và đôi khi chúng vô cùng phiền toái.
Vì vậy, hôm nay tôi xin nói về chủ đề “bình tâm”. Khi đối mặt với một thế giới luôn thay đổi, chúng ta thường bị cuốn vào những sự hối hận về quá khứ và lo lắng về tương lai. Chúng ta tốn quá nhiều năng lượng để bắt kịp những sự thay đổi. Trước đây, chúng ta có nhiều cuộc thảo luận về việc làm sao để thích ứng với sự thay đổi, và tôi đánh giá cao điều đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong môi trường như hiện nay, giữ một tâm trí bình thường là điều nghe đơn giản nhưng lại quan trọng hơn cả.
Tôi cho rằng những người luôn giữ sự bình tâm thường sống thoải mái, không có sự sự méo mó trong tinh thần, thường quan sát sự vật dưới góc nhìn đa chiều hơn, thực tế hơn, và kiên nhẫn hơn. Những người như vậy thường làm việc tốt hơn số đông. Trong hầu hết các trường hợp, họ thường đưa ra những phán đoán tốt mà không bị mất tập trung hoặc đắm chìm trong hoang tưởng... Chủ đề của lễ kỷ niệm năm nay của chúng ta là "Giữ đôi chân trên mặt đất và hướng tới những mục tiêu cao hơn". Theo tôi, điều đó tương tự với việc giữ sự bình tâm. Chỉ khi tâm trí thông suốt và vững vàng, nó mới khoẻ mạnh hơn. Và chỉ khi đó, chúng ta mới có đủ dũng khí và trí tưởng tượng để làm những điều cao cả hơn.

Khi đói, hãy ăn; khi mệt, hãy ngủ

Khi nói về một chủ đề, điều đầu tiên tôi nghĩ chúng ta cần làm rõ về những điều chúng ta đang và sắp nói. Các khái niệm thường quá trừu tượng, và rất dễ bị hiểu sai. Trong bách khoa toàn thư, "bình tâm" nghĩa là "Không thiên vị và giữ sự khách quan trong mọi hoàn cảnh và hành động". Trong tâm lý học hiện đại, "bình tâm" đơn giản là "luôn cố gắng hết sức có thể, thuận theo tự nhiên, giữ sự bình tĩnh". Nếu lên internet tìm kiếm, các bạn có thể tìm thấy vài nội dung, khái niệm và vài giải thích, đại loại như hãy để quá khứ trôi qua, thuận theo lẽ thường và trực giác, công bình và chân thành. Ví dụ như chúng ta cũng thường nói rằng "trái tim của chúng ta biết điều gì là tốt nhất cho mình". Trong giới công nghệ, cũng có một câu nói phổ biến: "quay trở lại những điều cơ bản, tìm kiếm sự thật thông qua các dữ kiện và chấp nhận sự không chắc chắn" (return to the basics, seek truth through facts, and acceptance of uncertainty).
Vì thế, theo tôi, sự "bình tâm" hiểu theo cách trần tục nhất nghĩa là: Khi đói, hãy ăn; khi mệt, hãy ngủ.

Mọi người đều bình phàm

Điều đầu tiên tôi muốn nói về sự bình tâm là, hãy nhìn bản thân bạn với sự bình phàm. Điều cơ bản nhất là hãy nhận thức được rằng, tất cả mọi người, bao gồm chính bạn, đều là những con người bình phàm. Cánh báo chí luôn muốn tạo drama khi họ viết về các start-up hay các CEO bằng cách kể những câu chuyện mang hơi hướng huyền thoại hoặc kịch tính hoá các trải nghiệm của người được phỏng vấn. Khi tôi được hỏi, người ta thường yêu cầu tôi kể về những bước ngoặt lớn, những cú twists. Tôi trả lời lại rằng chẳng có gì đặc biệt cả. Mọi thành tựu hiện tại đều là kết quả những hành động của chúng tôi trước đây, và không có gì bất thường hoặc đặc biệt khó giải thích. Và tôi tin rằng điều đó không chỉ đúng với tôi. Khi công ty lớn mạnh hơn, tôi được biết tới rộng rãi hơn và tôi được gặp gỡ rất nhiều người, trong đó có những cá nhân rất giỏi, rất đặc biệt, và rất nổi tiếng. Một điểm tôi nhận ra khi tiếp xúc với những người này là, dù họ có sự khác nhau về kiến thức và kinh nghiệm, nhưng từ góc độ con người, họ đều giống chúng ta - những con người bình phàm. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt cơ bản. Với những người đã đạt được những thành tựu to lớn, càng trong những hoàn cảnh khó khăn, họ lại càng trở nên bình phàm. Nói cách khác, nếu bạn giữ sự bình tâm, chấp nhận con người của mình, và đối xử tốt với bản thân, thì bạn thường làm tốt cả những việc khác nữa. Chúng ta chính là những người bình thường làm những việc phi thường.

Kỳ vọng và nhãn mác đều là những sự trói buộc

Khi quá quan tâm đến kết quả cuối cùng, chúng ta thường làm mọi việc trở nên tệ hơn. Ví dụ trong môn bắn cung, những vận động viên giỏi nhất đặt toàn bộ tâm trí của họ vào hồng tâm, trong khi những người khác thường tự nhủ rằng "mình phải bắn vào vòng 10 điểm". Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc sống. Khi có quá nhiều kỳ vọng, một người thường lạc lối và khiến mọi thứ càng phức tạp hơn.
Khi bạn quá quan tâm về những kỳ vọng của bản thân và cả những người khác, bạn sẽ ít nhiều đặt ra những giới hạn cho suy nghĩ và hành động của mình. Mọi kiểu chức danh đều trở nên phiền toái. Lấy ví dụ, khi được gọi là "chuyên gia", chúng ta có xu hướng tự đặt ra những chuẩn mực cho hành động và kết quả của bản thân, trong khi điều thực sự cần làm là quan sát và trải nghiệm sản phẩm của mình một cách sâu sắc hơn. Nếu chúng ta tự cho rằng chúng ta là một "công ty lớn", chúng ta sẽ tự hỏi mình: Một công ty lớn thì sẽ tổ chức các buổi nói chuyện thường niên thế nào? Một công ty lớn thì phải có tầm nhìn và tham vọng, và tất nhiên phải tham gia vào việc định hình lại xã hội nữa... Tất cả những điều đó đều là sự trói buộc dưới vỏ bọc của sự tự mãn.

Tập trung vào hiện tại, nhìn nhận quá khứ và tương lai với sự bình tâm

Hai năm trước, tôi đọc một cuốn sách best-selling có tựa đề "The Power of Now", trong đó có một đoạn trích như sau:
Sự tiêu cực được hình thành bởi việc tích tụ tâm lý theo thời gian và bỏ quên những phút giây của hiện tại. Chúng ta lo âu, căng thẳng, sợ hãi bởi vì luôn nghĩ về tương lai; và chúng ta hối tiếc, buồn bã, cay đắng vì luôn nhìn về quá khứ.
Tôi có thể lấy một ví dụ đơn giản từ chính cuộc sống của mình. Tôi không phải là một người kỷ luật: tôi thường xuyên kiểm tra điện thoại, nghe nhạc, đọc báo, và xem Duoyin và Xigua - khác hẳn so với những gì họ miêu tả ở trên mặt báo. Đôi lúc vào buổi tối, tôi dự định sẽ làm việc, tuy nhiên sau đó nhanh chóng bị xao nhãng và cuối cùng, tôi dành cả buổi tối để xem Xigua. Tới giờ đi ngủ, tôi cảm thấy thật xấu hổ với bản thân vì công việc tôi dự định làm vẫn còn ở đó. Vậy nên tôi quyết định sẽ làm gì đó mục đích trả thù hơn là để hoàn thành công việc, và thức tới tận khuya (đối với tôi, giấc ngủ là tối quan trọng). Ngày hôm sau, tôi sẽ đi tới vài cuộc họp quan trọng với thể trạng cực kỳ mệt mỏi. Nhẽ ra, điều đúng đắn mà tôi nên làm tối hôm qua là đi ngủ đúng giờ. Tới bây giờ, tôi vẫn chưa sửa được thói quen xem Xigua mỗi buổi tối. Tuy nhiên, tôi không còn cảm thấy khó chịu về nó nữa. Tới giờ đi ngủ là tôi sẽ đi ngủ ngay.
"The Power of Now" nói lên một thực tế rằng mọi người hiện nay dành quá nhiều thời gian lo lắng về tương lai và bị ám ảnh bởi quá khứ, trong khi rất hiếm khi thật sự tập trung vào hiện tại, vào những việc phải hoàn thành, về việc ngay bây giờ họ cảm thấy ra sao. Khi chúng ta nói rằng năm vừa qua là một năm đầy những biến động, mỗi người lại có những mối bận tâm khác nhau. Có lẽ chúng ta đã dành quá nhiều thời gian và năng lượng để lo lắng nhưng lại quá thiếu sự tập trung vào những điều quan trọng đang xảy ra trước mắt. Cũng có thể, vì mãi sống trong sự thất vọng vì những mất mát và sai lầm trong quá khứ mà chúng ta bỏ lỡ những cơ hội mới.
Năm ngoái khi chúng ta gặp phải những thách thức và khủng hoảng, tôi đã luôn nói với những người khác rằng "bình tĩnh, kiên nhẫn". Và chúng ta đã làm đúng như vậy. Khi chúng ta không thể kiểm soát được mọi chuyện, hãy bình tĩnh nhất có thể, và đưa ra những quyết định đúng đắn, và thành công thường đến theo cách đó. Một vài công ty có truyền thống bắt đầu buổi họp thường niên bằng việc thông báo rằng kết quả kinh doanh đang rất tốt và chắc chắn sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn trong các năm tới. Riêng tôi, tôi không muốn nói những điều như vậy với các bạn. Việc kinh doanh luôn có những biến động, lúc đi lên và lúc đi xuống. Rất nhiều người hay hỏi tôi những câu như: Làm sao anh đối diện với áp lực? Năm vừa rồi công ty đã tăng trưởng 100%, liệu chúng ta có tiếp tục tăng trưởng 100% trong năm tới không?
Câu trả lời của tôi thường là: vì sao chúng ta phải tăng trưởng 100% trong năm tới? Đúng, chúng ta luôn mong muốn sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng không nên để điều đó tạo nên áp lực cho bản thân. Hiện tại, tốc độ phát triển kinh doanh của chúng ta quả thực rất tốt, nhưng chúng ta không thể đắm chìm trong những thành tựu trong quá khứ, cũng như không thể nán lại ở những sai lầm đã mắc phải... Trong năm tới, tôi hy vọng mỗi người trong chúng ta có thể nghĩ chậm lại, cố gắng bỏ qua những chỉ số kinh doanh ngắn hạn, mở rộng tâm trí của bản thân để hình dung về những mục tiêu dài và xa hơn...

Tha thứ cho bản thân

Một lần trong cuộc họp về các đối thủ cạnh tranh, một người quản lý nói "các đối thủ của chúng ta đang phát triển rất mạnh, chúng ta cần làm gì đó". Tôi đã trả lời "Ngay từ lúc bắt đầu, khi chúng ta bị đối thủ bỏ xa, chúng ta đã nghĩ ra rất nhiều cách để phát triển công ty. Tại thời điểm đó, không có sự phấn khích về mặt tinh thần, chỉ có những ý tưởng táo bạo và hành động táo bạo. Giờ đây, khi chúng ta đang dẫn đầu thị trường, nhưng dường như chúng ta lại không thể làm việc với sự bình tâm được nữa. Chúng ta luôn lo sợ thất bại, và bắt đầu có những hành động méo mó."
Tôi hỏi người đó "Anh có chơi game không? Anh đã bao giờ rơi vào trường hợp cần phải vượt qua 100 levels, nhưng khi anh tới level 99, đột nhiên tay anh trở nên dễ mất kiểm soát hơn, bởi vì anh nghĩ rằng mình đã bỏ ra bao nhiêu công sức để vượt qua 99 levels, vì vậy không được phép một mắc sai lầm nào".
Chúng ta nên đối diện với thành công và thất bại với một sự bình tâm, không nhầm lẫn giữa nguyên nhân khách quan và chủ quan, giữa may mắn và năng lực, và tìm ra nguyên nhân thật sự của tình trạng hiện tại. Khi chúng ta lần đầu tiên làm các video ngắn, sự hưởng ứng của người dùng ở khu vực thành thị không được tốt lắm. Khi thảo luận, một đồng nghiệp cho rằng người thành thị phần đông là các nhân viên văn phòng, làm việc trí óc nhiều, vì thế có thể họ không thích video ngắn mà thích các biểu đồ infographic hơn? Logic này ban đầu nghe có vẻ có lý, nhưng tới giờ chúng ta đã biết nó không phải như vậy.
Tôi không nói rằng các kết luận trong buổi họp đó là sai. Tôi muốn nhấn mạnh rằng: chúng ta phải thừa nhận có rất nhiều điều chúng ta không biết. Con người thường không thích sự bất định, vì thế họ đi tìm những nguyên tắc để giải thích cho mọi sự thành công và thất bại để thoả mãn những tự sự trong lòng. Tuy nhiên, tôi mong rằng chúng ta hãy giữ sự bình tâm. Thành công và thất bại nói cho cùng đều là những chuyện thường tình.
Tôi thường đối diện với thất bại theo 4 bước. Ba bước đầu tiên tôi lấy từ một cuốn sách mà tôi không nhớ tên. Bước đầu tiên là nhận ra những sai lầm của bản thân, để cảm thấy bớt nản chí hơn. Nhận ra sai lầm của bản thân mang lại rất nhiều lợi ích và không phải ai cũng có thể làm được. Tiếp theo, sửa đổi những sai lầm khi có thể, và học hỏi từ những câu chuyện đằng sau những sai lầm đó. Cuốn sách chỉ có 3 bước, nhưng tôi có thêm một bước cuối cùng: tha thứ cho nó (những thất bại). Nếu bạn đã hoàn thành cả 3 bước ở trên, thì hãy để quá khứ trôi qua. Khi đối diện với sai lầm, nhiều người có xu hướng níu giữ sự dằn vặt, nhưng tôi khuyên các bạn rằng: đừng tự trách móc bản thân trong một thời gian quá dài.
Hai năm trước, tôi có xem một bộ phim tài liệu tên là "Free Solo". Tôi đã gặp diễn viên chính, Alex Honnold, khi tôi đang ở California. Rất nhiều người đã chia sẻ câu chuyện của anh ấy, nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất là: leo trèo trên núi thì rất đáng sợ, nhưng điều đáng sợ hơn cả là bạn có một đôi chân quá yếu và một trái tim luôn bối rối. Khi leo núi, bạn không thể nhìn lại quá nhiều và sợ hãi những gì đã trải qua hoặc suy nghĩ về những bước đi sai lầm. Bạn cũng không thể cứ nhìn lên và e ngại vì chặng đường dài phía trước. Có một điều ai cũng nên học hỏi từ Alex: anh ấy tập trung vào giây phút hiện tại, và chỉ hiện tại mà thôi.
Trải nghiệm trong "Free Solo" là điều ít người có cơ hội cảm nhận. Tôi thì có một trải nghiệm khác bình dị hơn nhiều, nhưng tôi nghĩ nó khá tương đồng với Alex. Tôi từng có một thời gian rất khó khăn khi bắt đầu chạy bộ và bơi lội. Chạy khoảng 2km và tôi cảm tưởng mình sắp phải nhập viện đến nơi. Rồi tôi suy nghĩ, điều gì lại khiến việc chạy bộ với tôi khó khăn đến vậy. Tôi nghĩ rằng đó là do sự chán ghét và những lo lắng khiến tôi trở nên bối rối. Sau đó, tôi bắt đầu học cách không suy nghĩ điều gì ngoài việc tập trung vào việc điều tiết hơi thở khi chạy. Tôi cố gắng sử dụng ít cơ, thả lỏng nhiều nhất có thể, và cố gắng không nghĩ tới sự đau nhức ở đầu gối. Bằng cách đó, tôi dễ dàng chạy được từ 3-4km. Tôi cũng áp dụng phương pháp tương tự cho việc bơi lội. Ban đầu, tôi chỉ bơi được 500m, nhưng sau đó tôi có thể bơi 1000m một cách dễ dàng. Không phải bởi vì thể trạng vật lý của tôi đã tốt lên, mà bởi (tôi nghĩ rằng) mình đã giảm bớt được việc tiêu hao năng lượng một cách không cần thiết. Tôi không còn lo lắng là tôi có thể hoàn thành chặng bơi hay không, hoặc là hôm qua tôi đã nghỉ đủ chưa, hoặc là hôm nay trông tôi có cool ngầu không; và như vậy, tôi đã bơi tốt hơn.
Tôi thích xem video trên Douyin về việc người ta chèo thuyền băng qua các đại dương. Tôi không ngụ ý rằng cuộc sống và công việc của con người luôn luôn có những khó khăn, giống như những con sóng ngoài biển khơi. Tôi chỉ muốn lấy đó làm hình ảnh ẩn dụ: bất kể cuộc sống và công việc có khó khăn đến đâu, đó là những thứ bên ngoài. Điều mỗi chúng ta có thể làm là khi bên ngoài luôn có sóng gió, hãy giữ sự bình yên trong nội tại.

Một vài suy nghĩ của tác giả

Tôi tổng hợp những ý chính của Trương Nhất Minh:
1. Người bình phàm là người thành công: càng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, người càng giữ được cái đầu lạnh thì thường sẽ là người thành công nhất.
2. Mọi người đều bình phàm: tôi nghĩ đây là điều quan trọng không chỉ để loại bỏ những giới hạn của bản thân, mà còn để có cái nhìn vị tha hơn khi người khác mắc sai lầm.
3. Kỳ vọng và nhãn mác là những sự trói buộc: vào những giây phút quyết định, chúng ta phải từ bỏ những thứ không quan trọng, nhãn mác cũng như kỳ vọng là những thứ như vậy.
4. Tập trung vào hiện tại và tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân: tôi nghĩ rằng đây là điều quan trọng nhất, và cũng ít người làm được nhất.
"Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" là một chủ đề không hiếm gặp hiện nay. Tuy nhiên, nói chuyện về nó trong một buổi họp mặt công ty như Trương Nhất Minh làm lại không phải một điều thường thấy - đặc biệt là một công ty làm trong ngành công nghiệp phần mềm như ByteDance. Tôi không chắc chắn đó là một việc làm đúng đắn hay không, hay Trương Nhất Minh đã nghĩ gì khi quyết định như vậy. Tuy nhiên, trải nghiệm của tôi về văn hoá làm việc của ByteDance thì khá trái ngược với những gì Trương Nhất Minh nói. Ở đây, mọi người đều làm việc theo tôn chỉ "aim to the highest", và chỉ cần chậm lại một chút thôi là sẽ cảm nhận vô cùng rõ ràng áp lực bị bỏ lại phía sau. Tất nhiên, không có 996 gì đó như mọi người hay tưởng tượng, nhưng không thể phủ nhận rằng áp lực công việc là rất lớn. Tôi nghĩ rằng tôi cần nhiều thời gian hơn để cảm nhận hết văn hoá mà Trương Nhất Minh muốn truyền đạt.
Áo của công ty, tôi từng cứ thắc mắc mãi không biết câu này nghĩa là gì
Áo của công ty, tôi từng cứ thắc mắc mãi không biết câu này nghĩa là gì
Về mặt cá nhân, tôi đã cố gắng làm nhiều việc, có nhiều thất bại và một vài thành công, vậy nên cảm nhận của tôi tương tự như của Trương Nhất Minh. Tôi đặc biệt đồng cảm về những chia sẻ về việc đi ngủ sớm, chạy bộ, và bơi lội. Thời đại học, tôi hay thức khuya chơi game hoặc lướt newfeeds. Bây giờ, tôi không chơi game và rất hạn chế trong việc sử dụng mạng xã hội. Tôi đã chạy bộ được 3 năm và bắt đầu bơi 4 tháng. Tôi đi ngủ đúng giờ, dậy sớm và dành 30 phút trên xe bus để sắp xếp những suy nghĩ trong đầu (tôi bị bệnh hay nghĩ). Những điều rất đơn giản, nhưng khi bắt đầu làm tôi mới nhận ra những năm tháng đại học mình đã bỏ lỡ nhiều thời gian đến thế nào. Tôi cho rằng việc giữ một nếp sống lành mạnh và một thân thể khoẻ mạnh là một cách rất tốt để rèn luyện sự tập trung - thứ tối quan trọng trong thời đại hiện nay.
Cuối cùng là một điều mà tôi cảm thấy rất khó diễn đạt. Tôi biết, ba cái câu chuyện thành công từa tựa self-help này nghe rất tầm phào và vô nghĩa với nhiều người. Từ trải nghiệm của tôi, nếu cố gắng đào sâu mãi để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời con người, cái chúng ta (bàng hoàng) tìm được chỉ là số 0 tròn chĩnh, là sự hư vô, sự "không có gì cả", không có chân lý, không có thiện và ác, không có đúng và sai. Rèn luyện bản thân, giữ sức khoẻ tốt, giữ một tinh thần bình dị chỉ là một cách sống trong vô vàn các cách sống. Và tôi cho rằng đây là một cách sống tốt. Nếu như con người bao gồm 2 phần thể xác và tâm hồn, thì tâm hồn là thứ trừu tượng và khó đoán định (thậm chí đôi khi nó còn không thuộc về bản thân). Mặc khác, thể xác lại vô cùng chân thật, và nó không bao giờ nói dối. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ít nhất với lối sống lành mạnh thì chúng ta sẽ có một thể xác vật lý lành mạnh. Còn tâm hồn, rất khó nói, bởi vì "vạn sự tuỳ duyên".
Cheers.