Đang là xu hướng mới của thể thao thế giới, nhưng việc tiếp cận vội vã với MMA khiến nhiều người hiểu lầm về cách tiếp cận hình thức thể thao mới này.

Những định nghĩa, khái niệm không cần thiết                    

MMA – Mixed Martial Arts có thể hiểu là một hình thức tập luyện và thi đấu, trong đó người tập sẽ sử dụng các kĩ thuật ở nhiều môn võ khác nhau. Đây được xem như cách hiểu cơ bản và bao quát nhất về MMA trong nhiều năm qua.
Chính vì được sử dụng kĩ thuật từ nhiều môn võ, nên việc định nghĩa MMA là “môn võ” có phần chưa chính xác. Bởi MMA không có tiêu chuẩn kĩ thuật, hay đi theo khuôn mẫu của 1 hay một vài môn võ cụ thể mà chỉ chia ra các nhóm kĩ năng là striking (đấm, đá…), takedown (vật, đánh ngã…) và grappling (bẻ khóa, khống chế…).
Trên thực tế, việc cố gắng định nghĩa “MMA là gì” không quá cần thiết. Bởi MMA không mang những triết lí cố định được truyền tải qua nhiều đời như các môn võ truyền thống, cũng không có tiêu chuẩn kĩ thuật hay thi đấu như các môn võ hiện đại. MMA đề cao tính “sáng tạo” và “thích nghi” với người tập luyện, chính vì thế, việc gắn một định nghĩa cố định  MMA vô hình chung đi ngược lại tiêu chí ban đầu của nó.
Kết quả hình ảnh cho tony ferguson spin
MMA là đa dạng, sáng tạo, thích nghi và đôi lúc cả kì dị nữa. 

Những hiểu lầm khi cố gắng bắt đầu tập luyện MMA

Ok, phía trên là những câu chuyện lí luận vui mà tôi cho rằng không quá quan trọng. Hãy đi vào phần chính ???
“Xin chào, em muốn tập luyện MMA nên bắt đầu từ đâu ạ”, “Em thích MMA lắm nhưng không có chỗ tập”, “Chỗ em hỏi có phòng tập MMA nào ở …”
Chắc hẳn những câu hỏi trên bạn đã gặp rất nhiều trong các cộng đồng MMA từ lớn tới nhỏ. Thậm chí, nhiều người còn nói đến việc “tập MMA” như một thứ gì đó toàn diện hơn tập Boxing, tập Muay Thái, tập BJJ … Muốn đánh MMA thì phải tập MMA, đúng, nhưng “tập MMA” là thế nào ???
Hãy nhìn vào từng trường hợp, giai đoạn cụ thể.
MMA ở Việt Nam hiện tại là con số 0 tròn trĩnh. Hay đúng hơn, ta đang ở thời điểm khi MMA thế giới bắt đầu hình dung ra được những gì cần thiết và leo tới đỉnh cao, còn chúng ta vẫn chưa có một môi trường MMA thực thụ. Chưa có giải đấu, chưa có nhiều cá nhân có kinh nghiệm …
Trên thực tế, chúng ta vẫn đang cố đến với MMA thế giới một cách nhanh nhất: tiến thẳng tới những nơi có các con người sành sỏi, tiếp cận những giáo trình từ các lò MMA danh tiếng, thử nghiệm ở những giải đấu MMA đâu đó quanh khu vực.
Nhưng đó là câu chuyện từ những khu vực đã phát triển MMA, đó không phải điều tôi muốn nói tới ngay dưới đây.
Vậy nếu không có điều kiện thì sao, đây chính là trường hợp tôi muốn nói tới trong bài viết này và trả lời cho những câu hỏi ở đầu bài …
Khi các bạn chưa có cơ hội tiếp cận với MMA “xịn”, những gì xung quanh bạn chỉ có, xem nào: 1 CLB Boxing ở gần nhà, một lớp BJJ ngay quận kế bên, một lớp Muay Thái đâu đó trong thành phố … Tất cả đều không có cái tên “MMA” mà bạn mong muốn.
Tại sao nhất thiết phải là MMA, nếu nơi đó không có MMA ??? 
Thế nhưng, như tôi đã nói ở mục 1, MMA là “kĩ năng” của từng môn võ khác nhau, chúng tập hợp lại và được đánh ra bởi chính bạn chứ chẳng có gì cao siêu cả. Và nếu vì tấm biển hiệu ở câu lạc bộ bạn tìm tới không phải là “MMA”, đừng do dự - bởi đằng sau tấm biển đó, có những thứ bạn có thể lấy ra và sử dụng trong MMA.
Đa số những câu hỏi đầu bài đều dừng chân trước những “tấm biển” đó cùng suy nghĩ “Ồ, đây là Boxing, Muay Thái, BJJ … không phải MMA, mình sẽ lên mạng và tìm xem có lò MMA nào không và chờ đợi” ???
Nghe thật ấu trĩ, hãy nghĩ xa hơn nhé, nếu bạn chưa bắt đầu, đã có những người chấp nhận bước vào phòng tập đó, rèn luyện từng kĩ năng riêng lẻ. Rồi họ bước ra, tìm thêm cho mình một câu lạc bộ khác, ở kĩ năng khác, và lại rèn luyện. Và khi cơ hội tới, một sàn MMA mở ra, họ chỉ cần lên đó và kiểm chứng. Còn bạn thì sao, vẫn đang “lên mạng hỏi và chờ đợi” một cái gọi là MMA thực thụ ??? Rồi lúc cơ hội tới, giải đấu mở ra, bạn định làm gì ???
Thời kì đầu tiên của MMA, họ đâu có cái khái niệm phức tạp đó khi lên sàn, chỉ là BJJ, Boxing, Muay Thái mà thôi. Đó là tất cả những gì họ có, nhưng điều đó đâu quan trọng ??? 
Nghe có quen không, bởi đây cũng chính là tình trạng thời kì “tiền” MMA trên thế giới đó ??? 
Những con người như nhà Gracie, hay thế hệ đầu tiên của Kyokushin, họ sẵn sàng bắt đầu “với một cái gì đó”, để rồi đem nó ra kiểm chứng cùng thế giới. Sẽ có những người lựa chọn bước ra ngoài, thua cuộc và tìm cách thích nghi, còn có những người lúc đó, thậm chí chẳng chịu bắt đầu.
Có thời điểm, các Wrestler Mĩ đã chiếm lĩnh sàn đấu UFC. Ban đầu, họ cũng chỉ quanh quẩn với Wrestling mà thôi – và khi nhìn thấy những gã Brazil xưng vương xưng tướng trên đất Mỹ, họ quyết tâm tùy biến Wrestling của mình và đẻ ra thứ gọi là Ground-And-Pound đó để dạy cho những gã thích nằm ngửa một bài học (thôi tạm stop, tôi lại phiêu quá rồi …)
Mark Coleman - Wrestler đời đầu mở ra khái niệm Ground-and-Pound
Các võ sĩ đang đứng trên đỉnh cao của MMA thế giới cũng đã và đang như vậy. Khi họ đạt tới đỉnh cao của môn võ nào đó, họ biết rằng mình đã có “vốn” đủ chắc để chuyển sang MMA bằng việc học thêm những kĩ năng mới.
Đó cũng là cách xây dựng bản thân để tiến vào MMA mà tôi cho rằng tối ưu hơn cả. Bởi nó có 2 điểm lợi:
  • Việc bắt đầu, và tập trung cho một thứ bao giờ cũng tiến bộ nhanh hơn làm 2 thứ cùng lúc, đặc biệt lại ở 2 mảng khác nhau là striking và grappling.
  • Bạn sẽ có sự “chắc chắn”, không ngần ngại đối thủ sẽ khai thác điểm yếu ở đó. Thậm chí, còn dùng nó để đe dọa đối thủ khiến hắn lộ sơ hở ở mặt còn lại.
  • Chưa kể đến sự chuyên môn hóa, ở VN thật khó để tìm 1 HLV tự tin nói rằng "tôi biết về MMA", hiểu hết những ưu, khuyết điểm của cả 2 mảng kĩ năng. Vậy tại sao không tìm kiếm những điều đó ở các huấn luyện viên riêng biệt.
Tháng 10 năm 2019, trong buổi talkshow chuyến thăm của Cung Lê tới Hà Nội, có một khán giả đã hỏi Cung rằng anh có ý định cho con trai theo nghiệp MMA hay không. Võ sĩ gốc Việt từng giữ đai vô địch Strikeforce cho biết anh sẽ cho con trai tập Wrestling trước, đấu ở các giải trung học rồi mới cho làm quen với MMA nghiệp dư khi trên 16 tuổi. Lý giải cho việc này, Cung Lê cho biết anh muốn con trai làm quen tốt với các kĩ năng vật, đồng thời tránh được những thương tổn quá sớm.
Kết quả hình ảnh cho cung lê talkshow
Lời khuyên của Cung Lê có thể là sự tham khảo với ai muốn bắt đầu MMA. (Ảnh: Webthethao.vn)
Đúng vậy, bắt đầu với MMA là bạn bắt đầu với môi trường khắc nghiệt về chấn thương hơn, vì thế, không nhiều người chọn cách tiếp cận với MMA từ ban đầu. Thay vào đó, họ chọn những môn vật khóa để tạo nền tảng vững chắc cho mình trước – mà trên thực tế, các võ sĩ vật khóa cũng đã và đang cho thấy sự thống trị trên sàn MMA.
Tôi cho rằng, ví dụ của Cung Lê là dễ hiểu cho việc hãy bắt đầu với một bộ môn nào đó – tiếp thu nó thật nhanh và toàn diện trước khi bắt đầu một thứ gì phức tạp như MMA.

Quay trở ra thế giới

Tôi tin rằng, việc bắt đầu với từng môn võ sẽ có chút lợi thế hơn việc bắt đầu với MMA ngay lập tức. Tuy nhiên, như đã đề cập, MMA thế giới đã qua thời kì “bắt đầu”, và giờ đây họ có một cách tiếp cận khác, bên cạnh cách truyền thống.
UFC – Giải MMA lớn nhất hành tinh, bên cạnh việc chiêu mộ những võ sĩ đã có thành tích ở các môn khác và có kinh nghiệm đánh MMA cơ bản, họ vẫn tìm những tài năng trẻ bắt đầu với MMA ngay từ đầu. Hay thậm chí là lôi kéo các nhà vô địch ở các giải đấu khác về cho mình, bởi thứ họ cần là “MMA chất lượng” chứ không mất công chọn lọc như thời kì sơ khai nữa.
Đây đơn thuần là việc đa dạng hóa đường đi để tìm ra nhiều nhân tố mới và chất lượng hơn. Bởi đôi khi, vẫn có những cá nhân kiệt xuất không có thành tích đơn lẻ quá bá đạo, nhưng khả năng thích nghi với MMA lại cực cao, Jon Jones và Demetrious Johnsons – 2 bức tường thành của UFC là một ví dụ.
Ví dụ của UFC cho thấy, bên cạnh những cá nhân xuất sắc ở từng bộ môn, vẫn có một số lượng bắt đầu ngay với MMA và cả 2 bên đều có những cái tên đáng giá.
Kể như George St Pierre - gã đầu trọc người Canada trở lại UFC năm 2017 đã dành chiếc đai thứ 2 sau 4 năm rời sàn đấu. Trước đó, GSP đã là một võ sĩ MMA quá toàn diện, nhưng để mài bén thêm các kĩ năng của mình, hãy nhìn đội ngũ của anh ta xem


Firas Zahabi (trái): HLV lọc lõi trong làng MMA, người gắn bó với GSP từ đầu sự nghiệp, một trong những cá nhân có cái nhìn toàn diện nhất. 
Jorge Blanco: HLV Striking người được GSP tin tưởng sẽ đưa anh trở lại thời kì phong độ nhất. 
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, GSP quyết định mời thêm 2 cái tên nữa. 
Freddie Roach: người thầy của các huyền thoại Boxing. Chính ông cũng chỉ ra cách để GSP phản lại khả năng Boxing của Michael Bisping tại UFC 217. 
John Danaher: cáo già làng BJJ, cũng đã gắn bó với GSP từ rất lâu, hiện đang là huấn luyện viên hàng đầu của BJJ thế giới.
Như bạn thấy đấy, dù GSP đã leo tới đỉnh cao sự nghiệp, nhưng khi trở lại, anh vẫn cần những cá nhân có góc nhìn toàn diện nhất hỗ trợ cho mình. Họ sẽ thay anh tối ưu kĩ năng của mình một cách nhanh nhất, bởi cả 2 bên cùng hiểu, GSP không có thời gian trở thành một Boxer, một võ sĩ BJJ giỏi nhất thế giới. 
Đó là cách một võ sĩ tiêu biểu trên sàn MMA tìm đường trở lại. Còn với những người đang ở vị trí bắt đầu, cái chúng ta có là thời gian, cái chúng ta thiếu là trình độ. Sau cùng mới là hiểu biết để lắp ghép lại với nhau, vậy tại sao, không bắt đầu từ điểm đầu tiên để sẵn sàng khi gặp một người thầy MMA chất lượng.

KẾT

Mọi chuyện chỉ có vậy, để đến với MMA, chúng ta có thể đi nhiều con đường khác nhau. Vấn đề ở đây khi Việt Nam chưa có một môi trường MMA – nơi có những giải đấu, huấn luyện viên và phòng tập đủ chất lượng, thì việc tiếp cận qua từng môn võ với tư duy “chuẩn bị kĩ năng” sẽ tốt hơn nhiều so với chờ đợi một thứ gì đó gọi là “MMA thực thụ”. Còn tới sau này, khi mà môi trường ở Việt Nam đã hoàn thành những bước đi đầu tiên với MMA, việc bắt đầu với sự phức tạp cũng không có gì là bất khả thi.