Những đoạn trích có thể giúp bạn ghi nhớ giá trị của im lặng
Có khi nào bạn kết thúc 1 cuộc trò chuyện chỉ để về nhà đập đầu vào gối hối hận với cái miệng mình? Có khi nào bạn bất chợt nhớ lại...
Có khi nào bạn kết thúc 1 cuộc trò chuyện chỉ để về nhà đập đầu vào gối hối hận với cái miệng mình?
Có khi nào bạn bất chợt nhớ lại sự ngập ngừng mở đầu của một người bạn thân, mà chỉ cần kiên nhẫn 1 chút thôi bạn có thể giúp cậu ấy trải lòng, nhưng thay vào đó bạn lại cắt ngang bằng 1 câu chuyện chả mấy liên quan, để khi chia tay rồi người ấy phảng phất 1 nụ cười buồn vấn ưu tư?
Chắc không ai xa lạ với câu nói "Im lặng là vàng", nhưng đôi khi sao thực khó để cảm thấy thoải mái với sự im lặng, phải không bạn?
Trong bài viết này, mình xin chia sẻ với các bạn vài mẩu truyện hay đoạn trích mà mình thấy ấn tượng về giá trị của sự im lặng. Mình thường đọc lại chúng mỗi buổi sáng trước khi làm việc, và đang cảm thấy quen dần với việc giữ im lặng trong khá nhiều những cuộc hội thoại, đặc biệt là hội thoại nhóm, khi mà nhiều chủ đề không thực sự liên quan hoặc có giá trị với bản thân mình. Hy vọng chúng cũng sẽ giúp ích được cho bạn như vậy.
1. Câu chuyện về 4 nhà sư và ngọn nến
Bốn nhà sư ngồi thiền với nhau một cách lặng lẽ, họ quyết định sẽ không mở lời trong vòng 2 tuần. Họ đốt một ngọn nến như một biểu tượng cho việc tu hành và bắt đầu. Vào đêm đầu tiên, ngọn nến chập chờn rồi phụt tắt.
- Nhà sư đầu tiên: "Ôi không! Nến tắt rồi".
- Nhà sư thứ hai: "Chúng ta không được phép trò chuyện!"
- Nhà sư thứ ba: "Tại sao hai vị lại phá vỡ sự im lặng?"
- Nhà sư thứ tư bật cười và nói: "Haha! Tôi là người duy nhất không mở miệng"
Một câu chuyện hết sức đơn giản, trong đó 95% nội dung hội thoại gói gọn trong 2 chủ đề:
1. Người nào đã mở miệng.
2. Những thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bốn nhà sư.
- Nhà sư thứ nhất bị phân tâm bởi một biến cố bên ngoài (nến tắt) và cảm thấy mình buộc phải chỉ ra, trong khi chỉ việc lặng lẽ châm lại cây nến mà thôi.
- Nhà sư thứ hai nhắc nhở mọi người về quy tắc đã bị phá vỡ, trong khi không để ý rằng chính ông lại đang tiếp tục phá vỡ quy tắc. Ông có thể tiếp tục giữ im lặng và thiền định.
- Nhà sư thứ ba không thể kiềm chế và để cơn nóng giận bùng phát, trong khi có thể tiếp tục giữ bình tĩnh.
- Nhà sư thứ tư đã bị cái tôi làm cho xao động, trong khi có thể ung dung tận hưởng sự chiến thắng trong yên lặng.
Điểm chung của cả bốn nhà sư chính là họ chia sẻ suy nghĩ của bản thân mà không sàng lọc chúng. Không ai trong số họ bổ sung bất cứ điều gì để cải thiện tình hình. Nếu ở đó có nhà sư thứ năm khôn ngoan hơn chẳng hạn, nhà sư ấy sẽ giữ im lặng và tiếp tục thiền định. Khi làm như vậy, mỗi người trong số bốn nhà sư kia sẽ tự nhận thấy thiếu sót của bản thân dù chưa lời nào phải thốt ra.
Bạn nói càng ít, bạn càng nghe được nhiều. Lắng nghe cũng chính là học tập. Hơn nữa, khi không mở miệng nói chuyện, bạn có thời gian để quan sát, nhận định tình hình, đến khi phát hiện ra đúng thời điểm quan trọng cần phải cất lời. Chỉ nên nói gì đó khi lời nói của bạn đem lại ảnh hưởng tích cực, vì sự khôn ngoan được nuôi dưỡng trong im lặng.
2. Trích đoạn trong sách "Nếu biết trăm năm là hữu hạn"- Phạm Lữ Ân
Có vẻ như càng ngày chúng ta càng phải dựa dẫm quá nhiều vào ngôn ngữ để có thể hiểu nhau. Khi hỏi thăm một ai đó: "Mọi chuyện sao rồi" và câu trả lời là "Cảm ơn, vẫn tốt" làm chúng ta dễ dàng hài lòng đến nỗi chúng ta bỏ qua những gì có thể nằm sau đó. Sự mệt mỏi nơi khóe môi. Nét buồn trong ánh mắt. Sự nhạy cảm, hay đúng hơn, khả năng thấu hiểu của chúng ta bây giờ giống như chiếc ăng ten bị bỏ quên. Nó vẫn ở đó nhưng không ai dùng nó để bắt sóng nữa.
Chúng ta dựa vào từ ngữ nhiều đến nỗi, khi ai đó nói rằng ta không hiểu gì về họ cả, ta sẽ trả lời rất nhanh: "Bạn không nói làm sao tôi hiểu được" như thể đó hoàn toàn là lỗi của họ.
Sách vở thường viết rằng, hai thế hệ rất khó hiểu nhau, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, đàn ông và phụ nữ không hiểu nhau. Vì chúng ta bày tỏ theo những kiểu khác nhau, diễn giải sự việc theo cách khác nhau, dùng từ ngữ với những ý nghĩa khác nhau.
Tôi tự hỏi, có phải ta đã chấp nhận những lý lẽ ấy như sự biện hộ mà quên rằng vẫn còn một cách khác để hiểu. Rằng sự giao tiếp thực sự giữa con người với nhau có thể vượt qua ngôn ngữ. Đó là cách mà những người yêu thương thường dùng, khi họ thực sự yêu thương.
Biết cách yêu là biết cách bắt sóng cảm xúc của đối phương để vuốt ve, yêu thương và chia sẻ với những cảm xúc thường tìm cách lẩn trốn ấy. Đó là khi ta giao tiếp không phải để bày tỏ chính mình mà để thấu hiểu người ấy. Nói hay thinh lặng không phải là để mở cửa tâm hồn mình mà là tìm đường vào tâm hồn người ta yêu. Đó là khi ta lắng nghe, không chỉ những lời nói, mà lắng nghe một làn sóng, một tín hiệu vô thanh. Những tín hiệu yếu ớt của cảm xúc.
3. Trích đoạn trong sách "Ăn, cầu nguyện, Yêu" – Elizabeth Gilbert
Nói nhiều là 1 thứ tồi tệ cho tâm linh. Yên tĩnh và cô tịch được mọi người nhìn nhận là những thực hành tinh thần, và điều này có những lý do chính đáng. Học cách đưa lời nói vào kỷ luật là một cách ngăn năng lượng không tràn ra khỏi ta qua cái miệng thủng của ta, làm kiệt quệ ta và làm đầy thế gian bằng những từ, từ, từ thay vì thanh bình, yên tĩnh và tuyệt phúc. Swamiji, thầy của sư phụ Liz, là một người rất khắt khe về vấn đề yên tĩnh trong Ashram, nghiêm khắc buộc thực thi nó như một thực hành tín ngưỡng. Ông gọi im lặng là tôn giáo đích thực duy nhất. Thứ quyền lực nhất và xứng đáng để ngự trị, là im lặng.
Ngắt lời người khác, không có cách giải thích nào khác ngoài: "Tôi tin cái tôi định nói quan trọng hơn cái anh đang nói". Hay, chính xác là: "Tôi tin tôi quan trọng hơn anh". Và điều đó cần phải nhất quyết chấm dứt.
4. Những châm ngôn nổi tiếng khác
- A half-filled bottle makes noise, while a full bottle makes none – Chinese Proverb
- I begin to speak only when I’m certain what I’ll say isn’t better left unsaid - Cato
- Những thứ vào miệng con người không độc hại xấu xa. Xấu xa độc hại là những gì từ miệng họ tuôn ra - Nhà giả kim.
Tái bút: Xin lưu ý, giữ im lặng không có nghĩa là bạn thờ ơ với mọi thứ hay mọi điều mà người khác nói, và cũng không có nghĩa là bạn phải "im như thóc câm như hến". Cũng giống như Elizabeth đã viết trong "Eat, pray, love", điều quan trọng hơn là bà ấy đã tự nhận thức được mình là 1 người nói nhiều, và khi mà bà ấy chấp nhận sự thực, nhưng vẫn thường xuyên tự nhắc mình cố gắng duy trì sự im lặng nếu có thể được, đó là lúc bà cảm thấy thanh thản.
A Dreamer
Các bài viết khác của mình
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất