Không ít các trung tâm du học buộc phải vẽ ra một bức tranh du học đầy màu hồng, để các phụ huynh và các bạn học sinh an tâm nộp hồ sơ đi xứ người. Điều này, dù về mặt kinh doanh thì đúng, nhưng lại dễ làm các bạn du học sinh vỡ mộng, bị khớp trong thời gian đầu ở Úc, cụ thể là ở Melbourne. 
Nhân dịp sắp có đợt nhập học mới ở Melbourne (vào tầm cuối tháng 2), đồng nghĩa với việc có nhiều bạn chuẩn bị sang Melbourne, mình xin chia sẻ kinh nghiệm 5 năm thực tế sinh sống, học tập và làm việc ở đây với tư cách là đàn anh đi trước nhé. Ai có câu hỏi gì xin để comment bên dưới. 
*DISCLAIMER: mình không làm cho bên trung tâm tư vấn du học/di trú nào. 

Image result for du học úc

I/ Trước khi sang

1, Tiếng Anh: cần trau dồi tiếng Anh thật tốt từ ở nhà, đặc biệt là tiếng Anh giao tiếp. Đừng chủ quan khi bạn đã có IELTS 6.0 trở lên. Những audio trong IELTS là những audio format chuẩn, giọng chuẩn Anh hoặc Mĩ và chất lượng rất tốt, nghe rõ tiếng, trong khi tiếng Anh ở Úc bao gồm nhiều accent, chất lượng âm thanh trong giao tiếp, cũng như ở các giảng đường, sẽ không thể tròn vành rõ chữ như khi thi IELTS. Có nhiều bạn sang đây với IELTS 7.0 vẫn bị stress do không thể nghe hiểu bài giảng ở giảng đường. Vì vậy, hãy chăm nghe nhạc, đọc báo, xem phim, xem TED, và nếu có điều kiện tìm một nhóm speaking giao tiếp hoặc một người bạn Tây để thực hành. Một phần khác là từ vựng. Nhiều bạn đã quen việc sử dụng những từ academic trong IELTS, nên khi giao tiếp thực tế, hoặc là dùng từ quá formal so với ngữ cảnh, hoặc là phải nghĩ quá lâu để diễn tả một sự vật, sự việc một cách vòng vèo, trong khi thực tế vốn dĩ chỉ cần vài từ đơn giản. Đọc sách, báo tiếng Anh sẽ giúp các bạn cập nhật vốn từ vựng đời thường và cải thiện điều này.
Với các bạn IELTS từ 6.0 trở lên, có thể nói các bạn có thể đọc và hiểu phần nào tài liệu học tập được cung cấp, nhưng sẽ gặp trở ngại trong việc giao tiếp thực tế. Với các bạn IELTS từ 6.0 trở xuống, thực sự hãy cố gắng chăm chỉ học hơn để ít nhất đạt được 6.0. Tiếng Anh dưới 6.0 sẽ hạn chế bạn rất nhiều ở Úc, từ việc học tới đi làm, nói chung là khổ hơn RẤT nhiều so với việc bạn có tiếng Anh ở mức ổn. 
Đừng trông cậy nhiều ở các khóa học tiếng Anh 'dự bị'. Thường các trung tâm ở VN có nói nếu không đủ điều kiện tiếng Anh có thể học khóa tiếng Anh của trường rồi mới vào học chuyên ngành. Tuy nhiên, trong thực tế, khóa tiếng Anh này không thực sự có hiệu quả, bởi nhiều lý do. Thứ nhất, bạn sẽ không được dạy những thứ nền tảng như ngữ pháp, phát âm như ở VN, mà sẽ học theo kiểu giao tiếp "ăn xổi ở thì", cốt sao người khác hiểu là được. Điều này dễ dẫn tới việc hổng kiến thức, có nhiều thói quen xấu khi giao tiếp. Thứ hai, bạn sẽ phải học chung với những người cũng kém tiếng Anh như mình (hoặc tệ hơn mình), như vậy không có điều kiện phát triển. Thứ ba, những khóa học tiếng Anh như vậy thường rất dễ dãi trong việc cho học sinh qua môn, làm bạn khó nhận thức được trình độ chính xác của mình. Nếu để học tiếng Anh nền tảng thì học ở VN là tốt nhất. Hãy nắm vững ngữ pháp và cách phát âm từ nhà, sang đây chỉ rèn luyện thôi.
2, Kỹ năng: Ở Úc, du học sinh (dhs) sẽ được làm việc 20h/tuần hoặc 40h/2 tuần có trả thuế. Có trả thuế tức là, tiền lương của bạn sẽ được trích một phần nhỏ ra để trả thuế, và thu nhập của bạn sẽ được ghi lại trên sở thuế. Nếu bạn làm nhiều hơn số giờ cho phép, bạn sẽ bị cảnh cáo, sau đó nếu vi phạm tiếp sẽ bị hủy visa. Vì vậy, đa phần dhs ở đây hay chọn làm không trả thuế, (hay còn gọi là 'làm chui') tiền lương ít hơn nhưng làm bao nhiêu giờ cũng được vì không bị ghi lại. 
Dù là làm có hay không trả thuế thì bạn cũng nên có những kỹ năng đi làm nhất định trước từ VN để nhanh chóng xin được việc làm thêm bên này. Pha chế cà phê, làm móng, cắt tóc, hay nếu bạn giỏi một kỹ năng nào đó đặc biệt như ngoại ngữ, chơi nhạc cụ cũng sẽ giúp bạn sẵn sàng khi sang Úc.
Ngoài ra, hãy học và có được bằng lái xe ô tô ở VN trước khi sang. Điều này cực kỳ cần thiết. Bằng lái VN được phép sử dụng ở Úc. Tuy lái xe ngược phía nhưng lái ở Úc dễ hơn ở VN rất nhiều. Khi bạn không còn sợ việc lái xe thì chỉ cần học ít luật là bạn good to drive ở Úc rồi. Bên này ô tô cũ khá rẻ, khoảng AUD 4-6000 (từ 67-100 triệu VND) là bạn có thể mua được chiếc xe đủ tốt để đi hết 3 năm đại học mà không phải sửa chữa gì rồi. Nhiều bạn chọn lựa mua ô tô để tiện đi lại, nên nhớ nên có bằng lái VN trước khi sang nhé.
3, Đồ đạc: đồ dùng sinh hoạt bên Úc rất rẻ, bát đũa nồi niêu xoong chảo hay bàn tủ, nên bạn không nhất thiết phải mang sang cho phí kg kí gửi (chưa kể có thể bạn sẽ được dùng chung với mọi người trong nhà). Nếu mang đi thì bạn nên mang quần áo có sẵn. Nên mang quần áo cả cho mùa nóng và lạnh, vì Melbourne 1 ngày bốn mùa, sáng có thể lạnh, nhưng trưa lại nóng hừng hực, và tối lại lạnh. Giữa mùa hè trưa 46 độ nhưng chiều có thể mưa đá ngay. Nếu bạn mới sang lần đầu có thể mang theo ít mì tôm (đừng mang cả thùng mì nhé) phòng những ngày đầu bạn không có đủ đồ dùng nấu ăn hoặc không ăn hợp đồ ở đây. Các đồ ăn tươi thì chỉ có thể mang chả cá là an toàn nhất. Vẫn có một số cách lách luật để mang sang được những đồ khác, nhưng bạn mới sang lần đầu thì nên ngoan ngoãn làm đúng luật. Sau này cáo rồi thì liều sau ^^ Đồ ăn thì nên hút chân không, dán nhãn ghi rõ là đồ gì. 
4, Tài chính: khi bắt đầu sang bạn nên mang trong mình ít tiền mặt. Mình nhớ ko nhầm thì số tiền tối đa được phép mang vào Úc mà không phải khai báo là AUD 10,000 (nên check lại). Tiền đó dùng để trả tiền taxi nếu bạn không có ai đón ở sân bay, hay những chi phí khác phát sinh mà bạn cần trả khi chưa có thẻ ngân hàng ở đây. 
5, Đồ đạc gửi nhờ: TUYỆT ĐỐI KHÔNG NHẬN ĐỒ GỬI NHỜ, trừ phi đó là người mình biết RẤT rõ. Nếu vì một lý do nào đó mà bạn khó có thể từ chối người ta, phải cho người ta biết rằng bạn sẽ kiểm tra đồ đó rất kĩ càng, bởi nhận đồ gửi nhờ là bạn đang nhận rủi ro sẽ phải ngồi tù và không bao giờ được quay lại Úc nữa nếu thấy chất cấm trong đó.
5.5, Đồ mang lên máy bay: những thứ dễ gây cháy nổ, sắc nhọn hay chất lỏng quá 100ml/chai không được mang trong hành lý xách tay (có thể tự đọc quy định trên mạng). Điều này tưởng đơn giản nhưng một số bạn hay quên, lại bỏ cả kéo vào (để tiện cắt giấy bọc ra khi cần phải mở). Máy tính xách tay không được tính vào cân của hành lý xách tay. Dhs lần đầu đi thì có thể mang đồ nặng hơn quy định (40kg ký gửi, 7kg xách tay) một chút, từ 1-2kg. Tốt nhất là mang vừa đủ để đỡ phải xin xỏ, lỡ gặp người khó tính bắt bỏ bớt đồ trong cái thùng đồ đã bọc kín thì cũng mệt lắm. 
6, Thuê nhà: lựa chọn lý tưởng nhất là bạn thuê/ở nhờ nhà người quen 1-2 tuần để được hướng dẫn với đường xá, cách sử dụng public transport, và mở các loại tài khoản. Sau này khi bạn đã thông thạo rồi thì tìm nhà khác chuyển ra cũng được. Nếu bạn không có ai quen ở Melbourne, cố gắng sang trước ngày nhập học ít nhất 1 tuần với lý do tương tự. 
Nhớ rằng khi bạn đi du học thì cũng là lúc mà nhiều bạn khác cũng có cùng đợt nhập học giống mình => rất nhiều người cùng tìm nhà. Vì vậy nếu có visa sớm thì cố gắng tìm nhà sớm. Đăng bài lên hội sinh viên, nêu các thông tin như mình học trường nào campus nào, cần tìm nhà/phòng gần trường hay xa trường, fully furnished (đầy đủ các đồ cơ bản như giường, bàn, tủ quần áo) và xem có ai có phòng không. Yêu cầu được xem ảnh phòng nếu không nhờ được ai đi xem phòng trực tiếp được cho mình. Hỏi rõ tiền bond (tiền đặt cọc, sẽ được trả lại vào cuối thời gian thuê nhà) là bao nhiêu, nhà có bao nhiêu người ở cùng, bill sinh hoạt chia thế nào, trung bình bao nhiêu 1 tháng để ước lượng chi phí sinh hoạt hàng tháng. Lưu ý: nhà/phòng xa trường thì rẻ hơn nhưng mất nhiều phí đi lại hơn. Nên tự cân nhắc tổng chi phí.
Vì thuê nhà gần đợt nhập học này rất khó, nên nếu bạn may mắn tìm được căn phòng/nhà ưng ý, nếu có điều kiện có thể bạn sẽ đành chấp nhận đặt cọc hẳn 1 tháng tiền nhà để giữ chỗ đó (tùy chủ nhà mà tiền giữ chỗ sẽ khác nhau). Xin địa chỉ nhà, check trên google maps xem từ nhà tới trường đi hết bao lâu (không cần xem cách bao xa, vì quan trọng nhất vẫn là thời gian đi lại), cần đi mấy chuyến train/bus/tram, xung quanh có những cơ sở vật chất gì thuận tiện cho việc sinh sống không (siêu thị, ga tàu, trạm buýt).
Sau khi đã chốt được nhà rồi thì hẹn trước người ta là khoảng mấy giờ mình sang tới nơi để người ta sắp xếp người ở nhà mở cửa cho bạn. 
Hai hội sinh viên VN lớn nhất ở Melbourne là:
Bạn có thể đăng bài lên hai group này tìm người cung cấp dịch vụ đưa đón dhs ở sân bay, cung cấp thời gian máy bay hạ cánh xuống Melbourne để người ta sắp xếp lịch đón. Dịch vụ này rẻ hơn taxi, và cùng là người Việt thì dễ nói chuyện hơn. Lưu ý: khi bạn sử dụng dịch vụ này, bạn nên nhờ người ta hướng dẫn bạn sẽ ra đứng đón ở đâu sau khi ra khỏi sảnh sân bay. Nếu bạn nhờ người ta đỗ xe và vào tận trong sảnh đón bạn, bạn sẽ phải trả phí đỗ xe sân bay cho người ta - rất đắt. 

II/ Sau khi sang

1, Ở sân bay: trước khi nhập cảnh Úc, bạn sẽ phải điền phiếu nhập cảnh, trong đó có mục hỏi về những gì bạn mang đi trong đống hành lý của bạn. Nếu bạn tick vào mục "Có mang đồ ăn tươi" (<= mình nhớ đại ý), họ sẽ bắt bạn mở đồ ra, chỉ cho họ đồ đó. Họ sẽ hỏi là đồ gì. Nếu bạn nói chả cá, và họ thấy giống thì họ sẽ cho đi. Nếu họ nghi ngờ, họ sẽ cho chó ngửi xem có phải hải sản hay không. Tất cả những thứ khác họ coi là không hợp lệ đều bị vứt bỏ. Nên (Phải) khai báo thành thật. Như mình nói, lần đầu đi đừng liều vội :))) Ra tới sảnh rồi, bắt wifi và gọi cho người đã hẹn từ trước để confirm là họ có ở nhà đón bạn.
2, Ra khỏi sân bay: Có người đón thì tốt, còn không thì tự bắt taxi hay dịch vụ đưa đón tận nhà. 
3, Về tới nhà: sau khi sắp xếp đồ dạc vào phòng, điều đầu tiên bạn cần nhớ phải làm là đọc hợp đồng thuê nhà. Thông thường, nếu cùng là sinh viên ở với nhau, không yêu cầu đóng bond thì không cần hợp đồng nhà, cứ đúng hạn thì đóng tiền rent, trước khi chuyển ra thì báo trước 2 tuần-1 tháng. Còn nếu có đóng tiền bond thì dù họ có bảo không cần cũng yêu cầu làm 1 bản, ghi rõ đã đóng bond bao nhiêu, ngày nào, điều kiện trừ/nhận lại tiền bond là gì. Nếu bạn đóng bond mà không có bằng chứng, tới khi bạn dọn ra mà người ta không trả lại bạn tiền bond thì bạn không kiện người ta được đâu.
4, Settle Down: Xong xuôi hợp đồng thì bạn ổn định lại phòng ốc, sau đó nhờ người cùng nhà dẫn đi mở tài khoản ngân hàng và bỏ tiền mặt vào đó càng sớm càng tốt. Không nên giữ quá nhiều tiền mặt quá lâu trong một nhà toàn người lạ, nhưng cũng nên để lại vài trăm tiền mặt để chi tiêu trong lúc chờ thẻ ngân hàng gửi về (thường là 5 business days kể từ ngày mở tk). Rồi nhờ họ đưa đi đăng ký sim điện thoại. Nếu bạn hài lòng với điện thoại bạn đang dùng thì chỉ cần đăng ký gói Sim Only, chỉ trả tiền mạng (Sim ở đây luôn có 4G, tốc độ nhanh và data thường lên tới vài chục GB/tháng tùy vào plan). Còn nếu bạn muốn thay máy mới luôn, thì bạn ký Phone Plan, tức vừa trả tiền máy mới (trả góp hàng tháng), vừa trả tiền sử dụng mạng, đắt hơn Sim Only plan. Sau đó nhờ họ dạy cách sử dụng thẻ Myki (giống thẻ xe buýt của mình), cách đi ra trạm tàu/bus gần nhất, cách tra cứu những thứ cơ bản như tra giờ tàu/bus chạy, tra maps, sử dụng những trang web quen thuộc như gumtree, group hsv, whirlpool.... Thậm chí tự đi thử public transport từ nhà tới trường và ngược lại, vừa để làm quen, vừa để tham quan. Sau khi bạn đã có tài khoản ngân hàng, thẻ Myki, biết sử dụng public transport, biết tra maps và có số điện thoại ở Úc (có sử dụng đc 4G), thì bạn đã xong bước Ổn định rồi đấy :D
5, Làm quen với cuộc sống mới: Mình khuyên là nên dành ra ít nhất 1 tháng để cảm nhận hết những cái mới ở nơi đất khách. Chịu khó ra ngoài nhiều, đi lại nhiều để mình trở thành thật quen thuộc, chí ít là quanh khu mình sống, trước khi chính thức nhập học. Đừng quá căng thẳng trong việc phải đi xin việc làm ngay lập tức. Sẽ tốt hơn nếu bạn đi xin việc trong tâm thế tự tin, hỏi gì cũng biết hơn là với tâm lý lo lắng, nói gì cũng ngu ngơ.
6, Tương tự với việc học. Nếu điều kiện cho phép, hãy dành ra hẳn 1 kỳ chỉ học thôi, không đi làm, để nắm rõ cách hệ thống trường học hoạt động, biết rõ 1 kỳ có bao nhiêu môn, đăng ký môn thế nào, mỗi môn được phân bố thế nào, có tốn nhiều thời gian không, học có khó không, bao nhiêu assignment, điểm tổng kết tính thế nào, kỳ thi được tổ chức ra sao, kỳ thi có khó không v..v.... Sau khi bạn đã tự tin rằng, với khối lượng học tập như vậy, mình vẫn còn nhiều thời gian để đi làm mà không gây ảnh hưởng tới việc học, thì lúc đó mới tính tới việc làm thêm. Nhớ là mục đích cuối cùng của mình khi đi du học là học. 
Mỗi trường đều tổ chức Orientation Day trước ngày chính thức học nhằm giới thiệu về trường và hướng dẫn dhs sử dụng hệ thống quản lý học tập của trường (Learning Management System - LMS), cũng như làm các thủ tục nhập học. Hệ thống này vô cùng quan trọng. Mọi thông tin về các môn học và khóa học của bạn đều được báo trên đây (và không có chuyện bị lag như ở VN đâu ^^). Ngày Orientation Day nên đi, và nếu được thì nên đến trường làm thủ tục nhập học trước ngày đó cũng được (cho đỡ đông), tới ngày OD thì chỉ đến nghe thôi.
Trong quá trình học, hãy làm sao để cả trợ giảng lẫn giảng viên chính đều nhớ mặt (tên được thì càng tốt) bạn. Bạn có thể làm điều này bằng việc giơ tay phát biểu hoặc đặt nhiều câu hỏi hay trong những buổi tutorial hay lecture. Làm được điều này, không những bạn có thể dễ dàng xin thư giới thiệu nếu sau này bạn cần xin việc hay học bổng, mà bạn còn có chance cao hơn nếu chẳng may bạn được 49 điểm trong một môn học nào đó (50 là pass) và bạn muốn năn nỉ xin thêm 1 điểm. (Hên xui nhé. Đương nhiên phải học sao để ko bị fail ngay từ đầu).
Quan trọng hơn cả là KHÔNG NGỪNG trau dồi tiếng Anh. Chưa nói tới lợi ích về giao tiếp thực tế hay đi xin việc, việc bạn liên tục bồi bổ từ vựng, ngữ pháp và giao tiếp ngay từ khi mới sang sẽ giúp bạn dễ dàng ôn thi IELTS hay PTE sau này. Chắc chắn khi kết thúc khóa học, nếu muốn xin gia hạn visa, bạn sẽ buộc phải có các chứng chỉ tiếng Anh. Nếu bạn bỏ bê t.a suốt thời gian học, rồi ôn vội vã lúc sắp hết hạn visa thì kết quả khó mà được như mong muốn.
7, Đi làm thêm: Nếu bạn đã làm các bước chuẩn bị cho tiếng Anh và kinh nghiệm làm thêm như mình nói ở trên, thì hãy tự tin đi gửi resume ở các nhà hàng/cửa hàng Tây. Lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, có môi trường rèn luyện ngôn ngữ cũng như mở rộng mối quan hệ.
Còn nếu không, thì xin làm ở chỗ người Việt là lựa chọn còn lại. Hầu hết chỗ làm có chủ là người Việt chỉ nhận trả tiền mặt, từ đó tạo điều kiện cho các dhs làm nhiều giờ. Tuy nhiên, vì vậy mà lương trả sẽ thấp hơn, chỉ khoảng $10-15/h. Ngược lại, chủ Tây thường chỉ trả thuế, lương rơi vào tầm $21-23/h (sau thuế còn khoảng $18-19/h. Chỗ thuế này bạn có thể lấy lại được 95-100% vào cuối năm tài chính tùy vào thu nhập). Còn về vụ bị bóc lột hay quỵt tiền thử việc thì trước giờ nhiều trường hợp chủ Việt 'có tiếng' rồi. Trả tiền mặt nên khó có thể chứng minh được là người ta chưa trả tiền cho mình. Không chụp mũ tất cả nhưng nếu bạn đã lựa chọn làm với chủ Việt thì rủi ro bị như vậy sẽ cao hơn. 
Hầu hết dhs đều có thể tự trang trải sinh hoạt phí (rơi vào khoảng AUD 1000-1200 nếu tự nấu ăn) với các công việc làm thêm của mình. Những ai có ý định cover cả tiền học thì sẽ phải đi làm rất nhiều => hy sinh sức khỏe và kết quả học tập. Vậy nên mình khuyên các bạn khi đã đi du học thì nên lựa chọn hy sinh thông minh.
8, Cuộc sống: Melbourne còn được gọi là Meo-buồn. Ở đây trừ thứ 5 thứ 6, các ngày còn lại các shopping centre đều đóng cửa lúc 5.30pm. Trong trung tâm thành phố, các hàng quán nhỏ lẻ bên ngoài thì vẫn mở muộn, nhưng nhìn chung sau 5.30pm thì các loại hình giải trí chỉ gồm có: Cafe, rạp phim và bar/club. Nếu hợp cạ với các bạn cùng nhà thì có thể tổ chức nhậu nhẹt, sát phạt bài bạc, hay làm rạp chiếu phim/karaoke trong nhà. Nếu không có thì cuộc sống của bạn sẽ chỉ quanh quẩn đi học, đi làm rồi về nhà thôi, khá buồn đấy.
Melbourne nhìn chung là an toàn và sạch sẽ. Một số vùng có nhiều tệ nạn hơn các vùng khác, nhưng đầu gấu ở đây nhát hơn ở VN nên cũng không sợ bị đánh bầm dập. Chỉ cần cứng với nó hoặc hét ầm lên là bọn nó chạy (Vẫn có những thành phần táo tợn, nhưng ít thôi). 
Văn hóa ở đây là cởi mở và thẳng thắn. Nên hãy tranh thủ thời gian ở đây để làm những điều từ trước tới giờ bạn muốn làm nhưng sợ sức ép của dư luận, của gia đình mà không dám làm. Hãy dám đứng lên nói lên quan điểm của mình. Quan trọng nhất là đừng giấu dốt - Người Úc thường có tư duy mở, không biết thì hỏi, và họ không thấy việc đặt câu hỏi là việc gì đáng xấu hổ. Bạn có thể mặc bộ đồ ngủ tới trường (đại học) mà không sợ ai đánh giá. Bạn có thể ngồi giữa giảng đường nói với giáo sư rằng ông ấy sai mà không sợ bị trù dập. Bạn có thể nói bạn không đồng tình với cách làm của sếp mà không sợ bị đuổi việc. Và bạn có thể hỏi một cậu bé học lớp 5 điều bạn không biết mà không sợ cậu bé hay những người xung quanh coi thường bạn.
Khá nhiều địa điểm du lịch, với điều kiện bạn phải có xe. Cuối tuần tự lái xe đi tham quan cùng lũ bạn khá vui đấy.
Nếu sau khi trừ đi thời gian đi làm và học tập, bạn vẫn còn thời gian rảnh, thì chịu khó tham gia các đoàn, hội hoặc volunteer cho các sự kiện của trường hoặc của các hsv để mở rộng quan hệ và làm đẹp hồ sơ xin việc sau này. Không thì tự học một kĩ năng nào đó đặc biệt. Bạn không bao giờ biết được một tài lẻ nào đó có ích thế nào trong tương lai đâu. 
Tưng đây chắc cũng cover kha khá những điều cần làm rồi. Ai muốn hỏi thêm gì cứ comment bên dưới nhé.
Đọc thêm: