"Làm thế nào để chúng ta được giáo dục tốt hơn?" - Trước khi trở thành chủ đề chính được bàn luận trong số podcast này, thì đây đã luôn là câu hỏi gây trăn trở cho chị Phoebe Trần - khách mời của tập thứ 4, series Từ Tốn Học.
Chị Phoebe Trần (Trần Mai Phương) là Giám đốc Quốc gia của Crimson Education tại Việt Nam. Chị thường được biết đến với vai trò MC của các chương trình tiếng Anh, trong đó để lại dấu ấn nhiều nhất có lẽ là vị trí host chương trình IELTS FACE-OFF của VTV7.
Thế nhưng, chị Phoebe chia sẻ rằng chị luôn muốn chuyên tâm nhiều hơn cho công việc mà mình yêu thích - mảng phát triển giáo dục - với ước mơ đóng góp sức mình vào sự thay đổi của tương lai của giới trẻ Việt Nam thông qua Crimson Education.
Vậy điều gì đã khiến chị Phoebe, từ một cô gái theo chân ba mẹ công tác, rời Việt Nam từ năm 4 tuổi, trở lại quê hương sau nhiều năm xa xứ, với khao khát được đóng góp cho sự nghiệp giáo dục người trẻ Việt mãnh liệt đến thế? Và theo chị Phoebe thì làm thế nào để người trẻ Việt có thể đứng ngang tầm với người trẻ thế giới?
Trong tập số 4 của podcast Từ Tốn Học, hãy cùng host Nga Levi - CoFounder Spiderum lắng nghe những góc nhìn và chia sẻ của chị Phoebe để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này.

Giáo dục có “địa lợi” ở Việt Nam

Đối với nhiều người, trở thành gương mặt MC quen thuộc với đại chúng là một thành tựu lớn, nhưng đối với chị Phoebe Trần, việc có thể lan tỏa và thúc đẩy giáo dục tới nhiều bạn trẻ hơn mới là thành tựu đáng mừng. Chị Phoebe chia sẻ, việc chị theo đuổi mảng phát triển giáo dục không chỉ đến từ thiên thời - những cơ hội gặp gỡ người giỏi, và nhân hòa - bản thân mình nhận ra mình yêu mến giáo dục, mà còn do yếu tố địa lợi thôi thúc.
“Ở Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để làm giáo dục. Và trong tất cả các quốc gia ở Châu Á, thì người Việt Nam sử dụng phần trăm tài chính của mình để đầu tư cho giáo dục cao nhất. Cao hơn cả Hongkong, cao hơn cả Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và cao hơn cả Ấn Độ. Người Việt Nam rất yêu thích giáo dục và coi nó là một công cụ để mình đổi đời. Đó là yếu tố địa lợi”.
Chị nhận thức được nhu cầu lớn của xã hội, đó là nhu cầu được học, được đắm chìm trong tri thức và nắm vững nó để làm chủ tương lai. Bởi vậy, chị mong muốn có thể góp sức giúp đỡ và phát triển mảng giáo dục cho người trẻ Việt Nam.

Tầm quan trọng của việc biết mình "không thích gì"

Trên con đường nghiên cứu giáo dục, để tìm ra những phương pháp giúp các bạn trẻ Việt Nam phát triển bản thân, đưa ra những lựa chọn đúng đắn, chị Phoebe Trần cho biết, thay vì đi tìm thứ mình thích, thì các bạn hãy thử bắt đầu với việc tìm ra những thứ mình không thích.
"Khi các bạn được tiếp xúc nhiều hơn, được tiếp cận với cả những yếu tố bên ngoài nhà mình, bên ngoài trường học hiện tại của mình, thì các bạn có thể giải được bài toán đó là "Bạn không thích cái gì?" Bài toán "Bạn thích gì?" là một bài toán dài, có khi những người ba mấy, bốn mấy, năm mấy tuổi vẫn còn đang giải. Nhưng mà bài toán "Tôi không thích gì?" thì giải được nhanh hơn, và mình loại trừ càng sớm, thì mình càng có được sự tinh chỉnh trong các sự lựa chọn của mình."
Trái ngược với quan điểm phổ biến đó là "phải tìm cái mình thích bằng mọi giá", thì theo chị Phoebe Trần, việc tập trung vào chuyện tìm ra thứ mình ghét cũng vô cùng quan trọng trong giáo dục và phát triển con người. Chia sẻ trong tập 3 của podcast Từ Tốn Học, chị Phoebe cho biết, việc thấu hiểu bản thân bằng cách mạnh dạn biết mình ghét gì sẽ giúp những quyết định sau này của ta được chắc chắn hơn.
"Trong bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, hay trong bài toán giảm thiểu rủi ro, thì bao giờ cũng là về mình làm thế nào để bài toán đơn giản nhất có thể; và bạn loại trừ được nhiều thứ càng sớm thì điều ấy cũng tốt hơn cho bạn về việc tạo ra những quyết định về sau. Đầu tiên phải là giảm thiểu những gì mà bạn không thích. Biết rõ bằng cách trải nghiệm nhiều hơn, và chắc chắn là bạn nên trải nghiệm bên ngoài gia đình, bên ngoài trường học của mình hiện tại. Tìm các cơ hội đó, ở tất cả thành phố ở Việt Nam thì đều có cơ hội đó để cho bạn trải nghiệm".

Ai cũng có một giá trị đặc biệt

Trong việc phát triển và giúp một người trẻ khai phá hết tiềm năng của bản thân, việc đối mặt với những lúc các bạn yếu đuối vì cạnh tranh và áp lực là không thể tránh. Đối với chị Phoebe, người Việt rất giỏi và hoàn toàn có thể cạnh tranh với thế giới một cách sòng phẳng, song trước hết, cần phải loại bỏ suy nghĩ “Mình không có gì đặc biệt cả”.
“Tất cả mọi người đều có giá trị riêng của mình, và giá trị ấy có thể mang lại lợi ích cho bản thân cũng như cho xã hội. Ngay cả khi thành tích học tập chưa tốt hoặc có những sở thích như chơi game tưởng chừng không tích cực, điều đó vẫn có ý nghĩa riêng. 
Thực tế, những bạn mê game thường sở hữu các kỹ năng đặc biệt, như tư duy chiến lược. Khi áp dụng những chiến lược ấy vào các lĩnh vực khác, chẳng hạn như kinh tế, các kỹ năng này chắc chắn mang lại lợi ích. Mỗi người đều có giá trị đặc biệt của mình và giá trị ấy xứng đáng được phát huy tối đa.”

Hãy rộng mở đón nhận những nguồn lực từ xung quanh

Để làm nên một người trẻ toàn năng, bản thân hoàn toàn được khai phá, thì bên cạnh yếu tố nội lực, còn cần phải có yếu tố ngoại cảnh song hành. Ở phần cuối của podcast, host Nga Levi có đặt ra một câu hỏi thú vị và thực tế liên quan tới yếu tố này, đó là “Đối với những bạn trẻ không quá nổi bật, gia đình có thể làm gì để hỗ trợ và thúc đẩy các em tiến xa hơn?”
Khách mời Phoebe Trần chia sẻ: “Đối với những gia đình chưa có quá nhiều tài nguyên, hay khả năng để giúp cho các bạn, thì điều đầu tiên mà các gia đình nên làm, là cho các bạn làm những gì các bạn thích, và thật sự hỗ trợ để giúp cho các bạn làm những gì các bạn thích. Mặc dù những cái các bạn thích có thể là những cái ba mẹ không thích. 
Đây là điều quan trọng, vì khi các bạn có thể đứng vững trong cái mà các bạn thích rồi, thì các bạn sẽ dần dần làm rất tốt. Và việc càng ngày càng làm tốt những gì mình thích, thì sẽ tạo ra những giá trị cộng hưởng. Đấy là bước đầu tiên. 
Còn những gia đình đọc nhiều, biết nhiều, đi nhiều, thì có thể đưa tài nguyên của họ cho các con. Việc ba mẹ đưa tài nguyên cho các con rất là tốt. Nhiều bạn sẽ không muốn nhận tài nguyên của ba mẹ, đó là một suy nghĩ cũ rồi, và mình nên thay đổi. Mình nên đón nhận tất cả các tài nguyên có thể đón nhận, để bản thân mình tốt hơn. Đây cũng là concept của việc tư vấn. Bất kỳ nguồn lực nào có thể tiếp nhận, hãy rộng mở đón nhận và trân trọng, để sau này ta có thể tiếp tục chia sẻ và lan tỏa những giá trị ấy đến người khác.
Tương tự như cách gia đình trao truyền tài nguyên cho con cái, Crimson Education cũng đóng vai trò là người đồng hành, cung cấp nguồn lực đa dạng để các bạn trẻ phát triển toàn diện. Từ các chương trình tư vấn cá nhân hóa đến sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia quốc tế, Crimson giúp học sinh xây dựng hồ sơ, hoàn thiện kỹ năng và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong quá trình xét tuyển; Chương trình như Crimson Rise và Indigo Research còn giúp các em nhỏ tuổi trau dồi kỹ năng học tập và tư duy chiến lược, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. 
Giáo dục là công cụ, là phương tiện mạnh mẽ nhất để giúp người trẻ Việt Nam tiến xa hơn, gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Cùng với sự nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng, người trẻ Việt có thể tự tin bước ra thế giới, cạnh tranh sòng phẳng và khẳng định giá trị của bản thân.
Trên đây là những chia sẻ của chị Phoebe Trần trong tập thứ 3 của podcast Từ Tốn Học. Vẫn còn rất nhiều chỉ dẫn hữu ích và thú vị khác. Cùng xem phiên bản đầy đủ tại: 
______________
Crimson Education là một tổ chức cố vấn du học hàng đầu thế giới, Crimson đã từng giúp học sinh Việt Nam vào được các trường Đại học danh tiếng như: Harvard, Yale, Princeton, Columbia, Stanford, Oxford, Cambridge, UCL, KCL, UBC, Uni of Toronto, McGill, v.v.
Không chỉ tạo dựng uy tín với các dịch vụ tư vấn giáo dục xuất sắc, Crimson Education Việt Nam còn ghi dấu ấn bởi tâm niệm giúp các bạn học sinh chạm tới tiềm năng của mình. Với sự tận tâm trong việc thiết kế các chương trình cá nhân hóa, Crimson Education tìm hiểu sâu về nhu cầu học tập và khả năng phát triển của từng học sinh Việt Nam, giúp các em khám phá và phát huy tối đa tiềm năng trong môi trường học quốc tế.
Xin chân thành cảm ơn Crimson Education đã cùng Spiderum mang đến những kiến thức giá trị và thú vị về giáo dục và phát triển bản thân dành cho học sinh Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, qua sự hỗ trợ chu đáo từ Crimson Education, các em sẽ tự tin tiến bước ra thế giới, khẳng định giá trị của mình và góp phần xây dựng một cộng đồng quốc tế đầy nhiệt huyết và bản lĩnh.
_____
Đây là một dự án của Spiderum Media.