Mình vừa đọc một nghiên cứu về thói quen học tập hiệu quả được thực hiện trên 675 sinh viên y khoa
5 "thói quen" học tập của sinh viên top 1%

Mình vừa đọc một nghiên cứu về thói quen học tập hiệu quả được thực hiện trên 675 sinh viên y khoa tại Saudi Arabia
(và xem video giáo sư Andrew Huberman bình luận về nó)
Dưới đây là 5 thói quen học tập tối ưu được đúc kết từ nghiên cứu, cùng với bình luận của cá nhân mình:
Note: như mọi khi, bài viết khá dài và nhiều thông tin, bạn có thể lưu lại để suy ngẫm kỹ hơn
1. Họ chú trọng đến các phương pháp quản lý thời gian.
Cụ thể, những phương pháp được nhắc đến trong nghiên cứu là đặt ra một tác vụ ưu tiên trong ngày, đặt lịch cố định để học mỗi ngày, và tránh các sao nhãng (điện thoại, bạn bè, gia đình) trong lúc học.
Có thể thấy, những sinh viên có điểm số cao thường rất xem trọng thời gian học của họ.
Họ luôn đảm bảo mình phải học mỗi ngày, và lúc học phải thật tập trung. Thêm nữa, trung bình một sinh viên điểm cao học từ 3-4 tiếng một ngày.
Mình biết, những điều này chắc ai cũng hiểu, nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi trong cuộc sống thường có rất nhiều “sự cố” xảy ra khiến ta không thể tập trung học. Bạn bè nhắn tin, bố mẹ gọi điện,… Có nhiều người phải kiêm cả công việc mưu sinh nên không có quá nhiều thời gian.
Song, thật sự, nếu bạn muốn đạt thành tích vượt bậc, không chỉ trong trường lớp mà trong bất cứ lĩnh vực nào đang học, bạn phải chấp nhận đánh đổi những đầu việc khác để ưu tiên giờ học tập của mình.
Nếu bạn chưa có thời gian dể học từ 3 - 4 tiếng thì ít nhất hãy bắt đầu với 30p mỗi ngày.
Thà bạn học 30 phút nhưng 30 phút đó bạn tập trung hoàn toàn, còn hơn học 3 tiếng nhưng hễ 3 phút lại check tin nhắn và lướt mạng xã hội.
Cá nhân mình thường có 4 tiếng tập trung học mỗi ngày, 2 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi chiều. Trong khoảng thời gian này, mình sẽ để chế độ không làm phiền để không ai liên lạc được, trừ số điện thoại người thân và bạn bè. Nhưng người thân và bạn bè của mình cũng hiểu là không nên gọi mình trước 12h trưa và trước 4h chiều nếu không có việc gì quan trọng, vì đó là thời gian mình tập trung.
Ngoài ra, lúc học mình cũng sẽ có một tờ giấy trắng bên cạnh để ghi hết tất cả tác vụ mình chợt nhớ đến trong lúc học. Sau khi học mình mới đọc lại, tránh sao nhãng trong lúc học.
2. Họ học một mình
Những người có điểm GPA cao có xu hướng học một mình chứ hiếm khi học nhóm (tận 85% người tham gia khảo sát trong nghiên cứu cho biết họ thích học một mình).
Thực ra, mình cũng không biết đây là nguyên nhân hay hệ quả, tức là họ học giỏi do họ học một mình, hay vốn dĩ những người đạt GPA cao đã có xu hướng thích suy ngẫm tự thân.
Vả lại, đây cũng là khảo sát dành cho những sinh viên trường Y, nên có khả năng cao những người chọn ngành này tự thân họ đã thích ở một mình rồi.
Tuy nhiên, từ trải nghiệm cá nhân, mình thấy học một mình sẽ hiệu quả hơn nếu bạn muốn tập trung tiếp thu kiến thức. Lý do đơn giản là bởi học với người khác vui thật, nhưng kèm theo đó là “nguy cơ” bị sao nhãng.
Trừ phi cả nhóm có quy luật gắt gao ,còn không rất dễ để một đứa học, đứa kia lướt top top; hoặc đang học tự dưng có nhã hứng tâm sự mỏng
Với mình, học nhóm = vui chơi lành mạnh + thay đổi không khí.
Mình chỉ học nhóm khi mình đã hiểu bài sơ bộ và muốn cùng bạn mình ôn tập, hoặc đơn giản là lấy cớ để gặp mặt chúng. Còn nếu đã thực sự muốn học sâu, mình sẽ luôn chọn học một mình.
Điều này tùy bạn thử nghiệm và đưa ra quyết định.
3. Học đa nguồn.
Khi học, mình sẽ không bao giờ chỉ đọc mỗi một cuốn sách giáo khoa. Mình luôn tìm thêm các nguồn khác trên internet, thậm chí với một chủ đề mình hứng thú, mình sẽ mua nhiều cuốn sách liên quan để đọc.
Kỹ thuật này còn có tên gọi là Syntopical Reading - Đây là cấp độ cao nhất của việc đọc được nhắc đến trong cuốn sách “How to read a book” của Mortimer Adler.
Cụ thể, Syntopical reading chỉ kỹ thuật đọc và so sánh kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó rút ra được kiến thức chính xác và cô động nhất.
Giả dụ, khi tìm hiểu về khoa học của việc học tập, mình sẽ không chỉ dừng lại ở một cuốn sách, mà mình sẽ tìm hiểu quan điểm từ nhiều cuốn sách như “learn like a pro”, “tôi tự học”, “make it stick”,…
Ngoài ra, mình cũng xem video của những người như Justin Sung, Benjamin Keep, Andrew Huberman, và đọc hàng chục bài báo khoa học. Khi tìm hiểu thông tin, mình sẽ tìm điểm giống và khác nhau của các nguồn.
Mình sẽ chú ý những điều mà các nguồn mình tìm hiểu đều đồng ý, ví dụ như học cần phải cảm thấy được thử thách, tầm quan trọng của việc tự kiểm tra bản thân, so sánh và liên kết thông tin,… Đây là những điều mình chắc chắn sẽ áp dụng khi học tập.
Còn những điều mà nguồn này ủng hộ nhưng nguồn kia phản đối, mình sẽ suy xét thêm bằng nhiều câu hỏi phản tư, chủ yếu tập trung vào tính ứng dụng của phương pháp đó với hoàn cảnh cá nhân của mình.
Chung quy lại, việc học từ nhiều nguồn và nghe nhiều ý kiến khác nhau sẽ giúp ta có cái nhìn đa chiều về chủ đề mình học. Còn nếu chỉ học từ sách giáo khoa hoặc một cuốn sách bất kỳ, ta vẫn đang bị bó hẹp bởi góc nhìn của riêng tác giả ta đang đọc.
4. Dạy kiến thức cho người khác
Cái này nghe thì trái ngược với điều hai - học một mình, nhưng thật ra chúng lại bổ sung cho nhau.
Tức là, theo mình, những học sinh điểm cao sẽ lựa chọn học một mình trước, và sau khi đã hiểu được kiến thức, họ sẽ giảng lại cho những người bạn của mình.
Việc giảng lại cho người khác sẽ giúp chúng ta vừa củng cố những gì mình học, vừa tìm ra điều mình chưa thực sự hiểu lắm, từ đó bổ sung kiến thức của bản thân.
Bản thân mình sau khi học về một chủ đề nào đó, mình sẽ tổ chức một workshop hoặc viết một bài về nó.
Tỉ như, sau khi đọc tiểu sử Benjamin Franklin của Walter Isaacson, mình ngay lập tức xin tổ chức workshop “Lessons from the life of Benjamin Franklin” tại ĐSQ Mỹ (các bạn vẫn có thể thấy Flyer của workshop trên trang U.S. Embassy in Hanoi). Mình cũng viết một đoạn ngắn về kỹ thuật học tập của Benjamin Franklin và đăng lên Facebook.
Đã có hẳn một kỹ thuật khá nổi tiếng liên quan đến việc dạy người khác là Feynman Technique, các bạn có thể tự tìm hiểu hoặc đợi những bài viết sau của mình ^^
5. Thích học
Cái này không hẳn là thói quen, nhưng vẫn được nhắc đến ở trong nghiên cứu. Mình nghĩ mình không phải giải thích lợi ích của việc thích học để đạt được điểm số cao. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để tạo động lực nếu ta không thích những gì mình đang học?
Mình thường áp dụng 3 phương pháp sau :
Lấy động lực từ bên ngoài. Nếu quá chán một môn học, chúng ta có thể gắn việc học môn đó với một hành động mình thích. Giả sử sau khi học môn hóa sẽ được mua một cây kem, hoặc tạo một playlist nhạc không lời mà bạn chỉ nghe mỗi khi học Vật Lý”.
Dù cách này khá nổi tiếng trong giới habit-building, mình khuyên bạn chỉ nên sử dụng nó khi đã quá chán một môn học, bởi nếu dựa vào tác động bên ngoài quá nhiều, bạn sẽ dễ mất hứng thú một khi bạn đã chán cả tác động bên ngoài đó (e.g: nghe bài nhạc đó quá nhiều, ngấy ăn kem vì sợ béo)
Nghĩ cách áp dụng những gì được học vào đời sống: Thông thường, chúng ta thấy một vùng kiến thức chán bởi nó khó hiểu hoặc không liên quan gì đến cuộc sống hiện tại của ta. Thế nên, mỗi khi bắt đầu cảm thấy chán học, mình sẽ cố tìm ra mối liên hệ giữa kiến thức này với cuộc sống hiện tại của mình.
Chẳng hạn, khi học về thiên văn học, thi thoảng mình lại liên hệ nó với những câu có thể dùng để “văn thơ” như “Chúng ta vốn là những bụi sao trời, được tạo ra từ vụ nổ của một vì sao, nhiều khả năng anh và em đến từ những hạt bụi đã ở cạnh nhau được 13,6 tỉ năm, ngay từ phút giây bắt đầu của sự sống” =)))
Chấp nhận chán nản là một phần của quá trình học. Thực ra ngoại trừ những người có năng khiếu hoặc sự yêu thích bẩm sinh cho một môn học, đa số chúng ta đều không yêu thích một môn chỉ sau hai ba lần học.
Lúc đầu, cảm giác học sẽ rất chán nản, bởi cái gì trông cũng có vẻ khó. Nhưng sau một thời gian tích lũy kiến thức nền, bạn sẽ dần thấy mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
Đến một mức độ tốt hơn, bạn sẽ được người khác khen về khả năng của mình. Vừa học hiểu, vừa nhận được phản hồi tích cực từ người khác, đó sẽ là lúc bạn trở nên thích thú với lĩnh vực của mình. Mình cam đoan đấy.
...
Các bạn có thói quen học tập nào mà bản thân thường áp dụng không? Hãy chia sẻ cho mình biết nhé ^^
Follow mình để xem thêm những nội dung chất lượng về phương pháp học tập.
Be curious,
The learning enthusiast

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
Mình rất đồng quan điểm với đoạn :
" Lúc đầu, cảm giác học sẽ rất chán nản, bởi cái gì trông cũng có vẻ khó. Nhưng sau một thời gian tích lũy kiến thức nền, bạn sẽ dần thấy mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra cũng rất thích thú với việc sẽ có một tờ giấy trắng bên cạnh để ghi hết tất cả tác vụ mình chợt nhớ đến trong lúc học. Sau khi học mới đọc lại, tránh sao nhãng trong lúc học.
Thật sự là 1 cách hay ho