Lời đầu tiên, đây chỉ là 1 bài chia sẻ cách tiếp cận để 1 người với trình độ tiếng Anh trung bình khá có thể xử được bài test IELTS 1 cách dễ dàng với mức nỗ lực/ thành quả hợp lý nhất có thể. Các đối tượng khác có thể đọc cho vui; nhưng mình không chịu trách nhiệm nếu các bạn quá yếu kiến thức cũng như thiếu nền tảng bắt chước theo rồi ra đi 4,750,000 1 cách oan uổng. Cuối cùng bài này không giúp các bạn đi từ khá tiếng Anh lên giỏi tiếng Anh, nó chỉ giúp các bạn đạt được 6.5-7 IELTS nhẹ nhàng hơn 1 chút thôi.
Đầu tiên nói sơ qua về bản thân thì mình xuất thân không phải dân thành phố, cấp 3 học chuyên Toán-Tin, học đại học tại đại học Kiến trúc TPHCM; điều đó có nghĩa là mình gần như mất gốc tiếng Anh hoàn toàn. Mãi đến 2016 mình mới bỏ hẳn 1 năm (2 học kỳ tiền tốt nghiệp và tốt nghiệp) để tập trung vào học lại toàn bộ căn bản tiếng Anh: Vocabulary – Pronunciation – Grammar – Formal Writing. Nhờ may mắn gặp được 1 người thầy tâm huyết và chịu khó uốn nắn tư duy nên có thể nói nền tảng ngôn ngữ của mình khá vững, nhưng để sử dụng thành thạo và tự tin thì nó vẫn là 1 quá trình dài sau này chứ không thể chỉ sau 1 năm từ mất gốc mà có thể trở thành con người khác ngay được.
Sau 3 năm thì có 2 chuyện khiến mình quay lại thử sức với IELTS: 1 là chứng chỉ TOEIC cũ vừa hết hạn, 2 là mình đã có đủ kinh nghiệm làm việc bước đầu rồi và cần IELTS cho những dự định khác lớn hơn. Thế là quẩy thôi!
Nhưng quẩy kiểu gì bây giờ? Lúc trước còn không đâu vào đâu, bỏ hẳn 3 năm thì quên sạch về bài kiểm tra này rồi. Chưa kể tính mình vừa cheap vừa lười, trước kia bỏ quá nhiều tiền và thời gian để lấy lại nền tảng rồi nên giờ các trung tâm đố mà moi được tiền của bố nữa. Cái khó ló cái khôn, nhờ kinh nghiệm lười biếng được trau dồi suốt thời đi học mà mình nhận thức được rằng: mọi kỳ thi hay bài kiểm tra đã được chuẩn hóa đều có những thứ rập khuôn để mình bẻ gãy và ăn gian. Không dài dòng nữa bắt đầu đi vào phần chính nào.
1. IELTS là gì?
IELTS viết tắt cho International English Language Testing System, tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế với 4 kỹ năng Nghe (Listening), Nói (Speaking), Đọc (Reading) và Viết (Writing). Ở đây chú ý rằng IELTS là một bài kiểm tra chứ không phải một bài thi, bạn hoàn toàn không phải vượt qua hay loại bỏ các thí sinh khác. Vậy nên nếu bạn được yêu cầu được 6.5 thì mục tiêu là 6.5, yêu cầu 7 thì nhắm đến 7. Nếu không có nhu cầu tự vươn lên chứng tỏ bản thân hay lấy cái mác để đi gõ đầu trẻ thì bạn hoàn toàn không có lý do gì để nhắm đến những mức điểm cao hơn cả.
Mình chỉ mới kiểm tra IELTS đúng 1 lần duy nhất và làm trên máy vi tính nên thứ tự các phần kiểm tra sẽ là:
  1. Nghe (30 phút)
  2. Đọc (60 phút)
  3. Viết (60 phút)
  4. Nói (sẽ tiến hành kiểm tra tách riêng vào trước hoặc sau khi đã hoàn thành 3 kỹ năng kia)
Mình không có kinh nghiệm làm kiểm tra trên giấy nên không rõ thứ tự hay thời gian cho mỗi kỹ năng có khác gì hay không nhé. Cái này mấy bạn nên tự tìm hiểu thêm.
2. Cùng làm nhanh 1 vài phép tính
Theo mình biết, thông thường các trường ở nước ngoài nếu không chuyên về Ngôn ngữ, Văn học, Luật, Xã hội học… thì sẽ yêu cầu mức điểm tối thiểu 6.5 (không có kỹ năng nào dưới 5) để theo học bậc sau đại học. Vậy nên với trường hợp của mình mục tiêu nhắm đến sẽ là 6.5. Có 1 kẽ hở có thể tận dụng được ở đây đó là nếu tổng điểm dư 0.25 thì làm tròn lên 0.5, tương tự dư 0.75 sẽ làm tròn lên 1.0
Vậy nên tổng điểm cả 4 kỹ năng mình cần tối thiểu là: Sum = 6.25 x 4 = 25
Đấy, nếu các bạn không để ý kẽ hở này thì sẽ cho rằng cần đến 26 điểm mới đạt được 6.5 overall; nhưng sự thật là hoàn toàn có thể ăn gian hẳn 1 điểm. Nghe qua có vẻ không nhiều nhưng 1 điểm khá là quan trọng cho cả chiến lược lười biếng súc sinh sau này của mình.
Như vậy sau khi tự làm 1 vài mock test và nhắm chừng năng lực của mình nếu không bỏ tiền ra đi học trung tâm thì điểm của 2 phần kỹ năng Nghe và Đọc (là 2 thứ chắc kèo có thể tự đánh giá được, không phập phù như Nói và Viết) sẽ rơi vào khoảng:
a) Đọc: 8-8.5
b) Nghe 7-7.5
Tổng 2 cái này trong trường hợp xấu nhất là 15, vậy 2 cái kia (Nói và Viết) mình chỉ cần tối thiểu là 2 con 5 để pass. Lúc này yếu tố tâm lý đã bắt đầu thoải mái ra rồi hê hê, bắt tay vào lên kế hoạch ôn tập thôi.
3. Lên kế hoạch cho từng kỹ năng riêng lẻ nào
Nghe:
Không có cách nào hiệu quả bằng nghe nhiều, dĩ nhiên rồi. Mình xuất thân tai trâu mất gốc (những lần đầu làm mock test toàn 6-6.5) nên phải luyện nghe cho bài kiểm tra này theo 1 chu trình khá cực đoan:
  • Trước khi bắt đầu 1 mock test trong Cambridge, mở cả transcript ra đọc trong khi nghe tapescript để biết được người ta nói cái gì trong đó (nhớ đừng đọc câu hỏi trước để tránh hình dung ra mình sẽ bắt đáp án ở đâu)
  • Sau khi xong xuôi thì bật tapescript ở tốc độ x1.25-x1.5 để làm qua 1 lần
  • Tiếp theo là kiểm tra xem mình sai những câu nào, tổng hợp lại những lỗi sai. Dần dần sẽ nhận ra CÁ NHÂN mình hay phạm phải lỗi nào để vào phòng thi nghe có mùi lừa lọc là thoát ra được (điều này rất quan trọng vì mỗi người có những lỗi riêng biệt, không thể lên mạng đọc tổng hợp những lỗi hay mắc phải mà đem vào áp dụng cho bản thân rồi bỏ bê luyện tập được đâu)
  • Cuối cùng là cứ làm nhiều lên thôi tự khắc sẽ sinh ra những bản năng sinh tồn né các bẫy hay gặp. Ví dụ, có nhiều khi mình tin chắc vào tai mình nghe được đáp án là số ít nhưng linh tính mách bảo chỗ này phải số nhiều thôi không là ăn lol, thế là hóa ra không tin vào lỗ tai lại đúng đắn vl.
Kết quả là sau khi cày hết Cam 10 – Cam 14 (tổng cộng là 20 bài nghe) theo phương pháp đó thì điểm có cải thiện rõ rệt từ 6-6.5 lên 7-7.5. Tai mình vẫn trâu, xem phim vẫn cần sub nhưng điểm thì lên hẳn, vậy là được.
Đọc:
Nó lại là dễ vl, thề! Tin mình đi, nếu trước giờ đã đọc nhiều và quen đọc thì 60’ là hơi nhiều cho phần kiểm tra kỹ năng đọc của IELTS. Nhưng nếu bạn vẫn muốn ăn chắc mặc bền tăng điểm kỹ năng này càng cao càng tốt thì mình vẫn có phương pháp cho bạn.
Đầu tiên, phần này sẽ có tổng cộng 40 câu hỏi chia (không đều) cho 3 đoạn văn có chủ đề khác nhau. Vậy nên yếu tố đầu tiên không được quên đó là: không bao giờ nhảy sang đoạn khác nếu chưa giải quyết hết toàn bộ những câu hỏi của đoạn này. Bởi vì sau này nếu muốn quay lại xử lý nốt những câu còn sót, bạn sẽ phải mất thêm thời gian đọc lại các đoạn khác nhau. Đó là 1 trong những thứ khiến cho 60’ dường như là không đủ.
Thứ nhì, quên skim-scan đi. Mình thấy có nhiều bạn tôn thờ nó lên một cách quá đáng, lúc mới bắt đầu làm quen với bài kiểm tra này mình cũng hí hửng skim-scan các kiểu thấy nó time saving vl, tiện lợi vl trời ơi sướng quá. Dần dần hình thành nên thói quen cực xấu là vừa nhận bài đọc đã đọc câu hỏi rồi tìm từ khóa rồi bắt đầu ngồi vạch lá tìm sâu. Bỏ đi mà làm người bạn ơi!
Bản chất của việc đọc đó là hiểu mình đọc cái gì đúng không, lại bảo không đúng đi? Mình nhận ra điều đó nhờ va chạm với GMAT, ở bài kiểm tra đó thì phần đọc của nó là Reading Comprehension chứ không phải chỉ là Reading, và họ không phải là tỉ phú thời gian nên không cho mình 60’ để hoàn thành chỉ 3 bài đọc với 40 câu hỏi đâu mà là mỗi phút 1 câu với những bài đọc còn chua loét hơn cả của IELTS. Vậy nên nếu đem cách skim-scan của IELTS áp dụng qua thì bảo đảm là không bao giờ có thời gian để ngồi tìm ra được keyword đâu. Thế là mình buộc phải tập đọc nhanh, và kể từ đó cách tiếp cận của mình với phần đọc của IELTS cũng thay đổi hẳn. Những ngày cuối (last minute preparation), mình làm mỗi ngày 1 set Reading theo kế hoạch sau:
  • Canh đồng hồ 40’ cho 40 câu
  • Đọc thật kỹ từng bài đọc, ghi chú ra đại ý từng đoạn cũng như những detail hay ho như tên nhân vật, sự kiện… sau khi xong xuôi hết mới bắt đầu xem câu hỏi hỏi về cái gì. Lúc này thì chả cần skim-scan nữa bởi vì bạn đã biết được ý nào ở đâu cả rồi, phần trả lời câu hỏi lúc này lại rất nhanh. Mình có chia nhỏ thời gian từng bài ra để dễ tracking thì thấy thường mình sẽ dành 7-10’ cho bài đọc số 1, 10-13’ cho bài đọc số 2, và khoảng 15-20’ cho bài đọc số 3. Tổng thời gian không bao giờ vượt quá 40’ và điểm thì luôn ở 8-8.5
  • Cuối cùng vẫn là làm đều đặn để lấy pace làm bài, bởi vì ép bản thân chơi hardcore nên cố gắng đừng thả lỏng quá nhiều ngày trước khi test sẽ dễ bị mất guồng.
Chốt lại: đọc phải hiểu mình đọc cái gì, không phải chơi dò mìn.
Viết:
Bỏ qua part 1 đi vì nó dễ vl, tất cả những gì bạn cần làm là học thuộc mấy cái từ chỉ xu hướng (tăng/giảm/ổn định) với lại đọc văn mẫu rồi tập viết theo vài bài là xong. Nó không chiếm nhiều tỉ trọng trong tổng điểm kỹ năng nên đừng sợ viết không hay; chỉ cần viết sao cho giám khảo đọc xong tự vẽ lại biểu đồ là được.
Còn part 2, cái này mà ra mướn giáo viên sửa bài cho thì chết tiền, mà viết IELTS chỉ có 250 từ nên tính ra cũng không học được gì nhiều thêm về cách viết những thứ học thuật; như vậy đối với mình bỏ tiền ra để thuê giáo viên sửa bài viết cho là 1 thứ đầu tư kém hiệu quả (lý do thực sự thì vẫn là do mình quá cheap ki bo kẹt sỉ thôi). Thay vào đó mình bắt đầu tự tìm hiểu thì nhận thấy:
- Chỉ có 8 dạng câu hỏi chính được chia thành 5 thể loại:
  • (O)PINION: agree/disagree, to what extent, positive/negative
  • (D)ISCUSSION: advantages/disadvantages (benefits/drawbacks)
  • O + D: discuss both views + opinions, do advantages outwrigh disadvantages
  • (C)AUSES – (E)FFECTS – (S)OLUTION: câu hỏi sẽ chọn 2 trong 3 để hỏi
  • (C)AUSES + (O)PINIONS
Như vậy tất cả những gì mình làm chỉ là ngồi đọc thật nhiều bài sample band 8, tìm ra 1 thân bài chung cho tất cả mọi loại câu hỏi (Ví dụ mình chuộng chia thân bài thành 2 đoạn, mỗi đoạn cho 1 ý). Còn lại mở bài và kết bài thì kiếm 1 câu hay ho cho mỗi dạng câu hỏi rồi học thuộc (Ví dụ với câu hỏi positive/negative thì câu mở bài của mình sẽ là: this development is … (thanks to/due to) the (benefits/drawbacks) which have been brought to human life). Well, sau khi bỏ thời gian đọc và tổng hợp tất cả mọi thứ có thể thì mình bắt đầu tìm 2 đề cho  mỗi dạng câu hỏi với topic khác nhau để tập viết cho quen tay. Như vậy vào phòng kiểm tra mình viết part 2 cực nhanh vì đã nắm cấu trúc + thuộc hết mấy câu hoa hòe hoa sói (chiếm gần 1/2 bài viết) rồi. Và bảo đảm là có gặp topic khó thì mình chỉ bị ngu từ vựng học thuật cho topic thôi chứ mấy thứ trang trí tô vẽ thì nó lại là ổn vl cả rồi, nếu có kiến thức phổ thông tốt thì không sợ điểm viết thấp hơn 6.
NOTE: Mình có 1 file pdf tự tay tổng hợp nhưng mình sẽ không thể chia sẻ được bởi vì sau này có thể mình và thằng em còn dùng lại. Nhỡ may giám khảo vô tình đọc được 2 bài hành văn y chang nhau thì chết nên khuyến khích các bạn tự bỏ thời gian ra đọc và tập hợp cho riêng mình 1 bộ bí kíp riêng. Ở bên Tàu mấy lò luyện cũng gà cho học sinh học thuộc văn mẫu cho từng dạng nên bên đấy chúng nó hay có mấy vụ giám khảo speaking hay writing thấy 1 loạt bài giống hệt nhau là auto hạ điểm hết, vậy nên bọn Tàu học tủ hay đăng ký kiểm tra IELTS ở mấy nước lân cận là để né vụ đi test gặp đồng môn đấy.
Nói:
Mình ngu nói vl, thứ nhất là ko quen chém gió tơi bời hoa lá hẹ, thứ nhì là chưa có phản xạ tốt nên bị chậm khâu tìm từ vựng đĩ thõa để thể hiện ý. Vậy nên tương tự như Viết, mình tiếp tục tìm kẽ hở để nhồi tủ. Trong phần kiểm tra kỹ năng nói thì:
- Phần 1: Chào hỏi chém gió mấy thứ vớ vẩn liên quan đến bản thân. Phần này có gì nói vậy nhưng phải đảm bảo trả lời phải từ 2-3 câu. Ví dụ: Em có thích đi bộ hay không? Ồ em thích đi bộ vãi lol. Em thường hay đi bộ từ nhà tới công ty mỗi sáng và nó lấy của em 30’. Cố gắng giải thích hay chém gió nhiều ra, giám khảo không cần biết bạn xạo chó hay không nhưng nghe hợp lý và thích cái lỗ tai là được.
- Phần 2: Cái này khá chua khi bạn sẽ bị đấm vào mặt 1 topic, chuẩn bị dàn ý trong 1 phút và sủa liên tục trong 2’ tiếp theo. Nhưng không sao mình vẫn có cách nhồi tủ cho bạn, tin mình đi mình đã lừa các bạn bao giờ chưa. Trước hết phải nói qua rằng phần 2 bạn sẽ phải MÔ TẢ lại 1 trong những thứ sau:
  • 1 đồ vật
  • 1 người
  • 1 sự kiện
  • 1 nơi chốn
  • 1 sở thích/ 1 kỷ niệm thơ ấu
Bạn không thể học thuộc bài nói mẫu cho riêng từng loại câu hỏi đúng không? Nhưng nếu kết hợp hết chúng vào 1 bài thì sao? Ví dụ:
“Well hôm nay em sẽ chém gió về cái quần què được yêu cầu. Trở về những ngày tuổi trẻ khi em còn là 1 thanh niên 17 tuổi đang theo học trung học tại Sài Gòn thì em học hành rất là căng thẳng. Một hôm bạn em ghé ngang trong lúc em đang học bài và rủ em đi dự 1 sự kiện. Sự kiện này là abc do xyz đứng ra tổ chức tại khách sạn InterContinental nằm ở Quận Nhứt. Tại đây em may mắn gặp được idol của mình, idol của em tên là xxx, nổi tiếng trong lĩnh vực yyy và đã gặt hái nhiều thành tựu như zzz. Ban đầu em hơi ngập ngừng nhưng cũng chủ động bắt chuyện thì nhận ra idol rất thân thiện và tụi em đã có 1 cuộc nói chuyện rất gần gũi. Trước khi ra về idol còn offer cho em 1 món quà đó là…”
OK dừng lại em ơi, hết cmn 2 phút rồi. Giám khảo sẽ không quan tâm bạn đã hoàn thành bài nói hay chưa nhưng cứ hết 2’ là họ sẽ thỏa mãn. Như vậy chỉ với 1 bài kiểu như vậy mình đã có thể áp dụng để describe cả 4 thứ: đồ vật (món quà idol tặng), người (mô tả kỹ idol 1 chút), sự kiện (xoáy sâu vào sự kiện 1 chút), nơi chốn (xoáy sâu vào nơi chốn 1 chút, có thể không phải là khách sạn mà là 1 buổi tiệc bbq ở sân sau hướng ra bờ sông nhà 1 ai đó… đại khái là chém gió sao cho nghe có vẻ vô lý nhưng lại cực kỳ thuyết phục là được)
Còn những topic không thể văn vở theo mẫu được thì chịu khó kiếm bộ đoán đề (đầy trên các group), ngồi đọc lướt sample rồi ghi nhớ ý chính, tổng hợp lại những câu hỏi lạ có thể ra là được.
- Phần 3: Cái này thì tùy vào nhân phẩm và năng lực, nhưng 1 khi đầu xuôi thì đuôi cũng lọt thôi không có gì phải ngại. Chắc chắn không thể dưới 5 được nếu bạn làm ổn 2 phần trước, chỉ trừ khi bạn mù chữ thì mới sợ thôi.
4. Vậy nên luyện tập với những nguồn nào?
Mình chỉ bám vào đúng 2 nguồn cho phần Đọc và Nghe đó là: Sách Cambridge và trang web https://ieltsonlinetests.com/. Chỉ sợ không có thời gian mà cày hết thôi chứ không sợ thiếu đề. Đừng có suốt ngày lê la tìm “tổng hợp 10 trang luyện nghe siêu hiệu quả” hay “top 10 cụm từ ăn điểm band 8 band 9” làm gì bởi theo kinh nghiệm là bookmark xong đếch bao giờ đụng vào lại đâu. Cứ nhớ đây là 1 bài kiểm tra, không phải 1 bài thi để cố sống cố chết nâng điểm bằng mọi giá. Có dùng từ vựng hay ngữ pháp band 8 band 9 mà mù chữ điếc tai, triển khai ý kém thì cũng 5-6 điểm thôi, vậy thì tại sao không ăn chắc mặc bền ngay từ đầu hê hê?
Còn đối với phần Nói và Viết thì tham khảo sample từ các nguồn uy tín như Simon, Liz...
(Riêng phần Nói mình được chia sẻ 1 tài liệu rất xịn là sách hướng dẫn Speaking của Mat Clark có thể tìm được trong link này cùng với rất nhiều tài liệu hay ho khác từ bạn Đoàn Thế Vũ)
Như vậy để chốt lại thì mình có cái tl;dr sau:
  1. Luyện đọc quan trọng là phải đọc nhanh hiểu kỹ
  2. Luyện nghe quan trọng là review kỹ
  3. Luyện nói và viết thì quan trọng là phải đọc nhiều để nắm được người ta làm gì, có những gì để nhồi tủ được (nói vậy chứ bỏ ra chừng 1-2 buổi ngồi đọc là xong hà không mất nhiều thời gian đâu)
  4. Đừng sa đà vào mánh mẹo
  5. Đừng làm 1 nhà sưu tập tài liệu thay vì 1 người làm test
  6. Vạch rõ mục tiêu của mình càng chi tiết càng tốt, không cần phải cố gắng thể hiện gì cả vì đây chỉ là bài test và tiếng Anh là công cụ (trừ khi bạn là nhà nghiên cứu ngôn ngữ thì bài này mình không viết cho bạn nên đừng bắt bẻ mình)
  7. NỀN TẢNG! NỀN TẢNG! NỀN TẢNG! (Cái gì quan trọng nhắc lại 3 lần)
Tóm lại mình không dạy IELTS, mình cũng không múa rìu qua mắt thợ. Các bạn đã và đang dạy thì cứ hướng học sinh của mình đến 1 con điểm thật đẹp càng cao càng tốt đó là lựa chọn của các bạn cũng như học viên của các bạn. Còn mình chỉ vạch ra lộ trình cho những đứa vừa lười vừa ki bo như mình để vượt cạn thôi. Cuối cùng chúc các bạn sắp thi ăn no ngủ kỹ nhưng vẫn dư xăng qua nhẹ ải này.
(3484 chữ)
Sài Gòn, 4/3/2020.