Những cái chết vẫn chưa đủ để thức tỉnh cả một thế hệ?
Trái tim tôi đã quặn thắt lại khi đọc được bình luận trên của một tài khoản clone trên Facebook khi nói về sự việc các em học sinh...
“Việc tự sát cũng chỉ là một hành động hèn nhát”.
Trái tim tôi đã quặn thắt lại khi đọc được bình luận trên của một tài khoản clone trên Facebook khi nói về sự việc các em học sinh tự sát. Tôi đã tự hỏi sao con người lại máu lạnh đến thế, tôi thấy người ta chà đạp lên động vật, huỷ hoại thiên nhiên nhưng đến cái chết của một sinh mạng cũng không đủ để làm họ rung động dù chỉ 1 giây ư?
Tôi đã đọc rất nhiều bài viết về vụ việc đau thương của các em, ban đầu tôi không định viết gì, vì sao thì tôi chẳng biết, chỉ là tôi không muốn viết về nó, có lẽ là tôi không muốn nhắc đến những sự mất mát ấy. Nhưng có quá nhiều “người lớn”, điển hình là những thầy cô giáo, có tư tưởng rất lệch lạc về sự ra đi của các em học sinh. Nổi bật nhất có lẽ là bài viết của một cô giáo tên Tạ Mai Hương làm tôi nổi da gà, tệ hơn là ngày hôm qua, một cô giáo hiện đang giảng dạy tại ngôi trường tôi theo học, tại chính ngay bục giảng lớp tôi, một cô giáo mà tôi kính trọng lại chia sẻ bài viết của cô Tạ Mai Hương và nói với các học sinh “Đây là bài viết đáng suy ngẫm”. Tôi không hiểu nó đáng suy ngẫm ở đâu và suốt từ ngày hôm qua đến hôm nay, tôi quyết định sẽ viết một bài viết gửi đến người lớn, tôi sẽ cố gắng phân tích từng chút một cái tư tưởng “nhàu nát” của thế hệ cũ.
Có thể bài viết của tôi sẽ bị nhiều “người lớn” đánh giá là suy nghĩ còn non, hay chưa thấu sự đời, tôi cũng xin chấp nhận, vì tôi chưa phải người lớn, tôi chỉ là một thiếu niên 17 tuổi đang cố gắng hiểu người lớn mà thôi.
1. Mọi thứ phải đến từ hai phía?
Tôi thấy câu nói trên thật sự vô lí. Nếu con cái phải biết quan tâm cha mẹ thì mới được đòi hỏi, vậy những đứa trẻ sơ sinh có được ăn cháo và bú sữa không? Chúng đâu biết quan tâm cha mẹ? Tôi ủng hộ việc con cái phải biết quan tâm đến cha mẹ, phải biết thấu hiểu cho cha mẹ, nhưng đó là khi đứa trẻ nhận được sự quan tâm từ cha mẹ trước. Bọn trẻ sẽ không biết phải mở lòng với cha mẹ ra sao, phải tâm sự thế nào nếu cha mẹ không mở lòng trước. Mối quan hệ này luôn là như vậy và sẽ mãi là như vậy, chẳng đứa con nào thích tâm sự với một ông bố bà mẹ mang tư tưởng cổ hủ và áp đặt. Tâm lí, nhận thức và tư tưởng của trẻ ảnh hưởng rất nhiều bởi các bậc phụ huynh, cha mẹ cởi mở, con cái cởi mở, cha mẹ bảo thủ, con cái bảo thủ! Rất hiếm đứa trẻ nào ít bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của cha mẹ và hầu hết những đứa trẻ này thường ít giành thời gian ở cùng cha mẹ. Bởi tầm ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái là rất lớn, trẻ em có xu hướng tin những gì cha mẹ mình nói là đúng, và những niềm tin này là gốc rễ cho tư tưởng của chúng sau này. Tôi hiểu cha mẹ có rất nhiều áp lực không kém gì con trẻ, hay thậm chí nhiều hơn. Nhưng hãy nhớ, những đứa trẻ ấy còn non nớt lắm, sức khoẻ của chúng có thể hơn bố mẹ mình ở độ tuổi trung niên nhưng tâm lí sao có thể vững bằng? Cha mẹ chịu nhiều áp lực được thì không có nghĩa con cái cũng phải chịu áp lực mới là sự công bằng.
2. “Trẻ con thời này yếu đuối hơn mình ngày xưa”
Tôi thấy không ít phụ huynh có khẳng định như trên, thậm chí chính bố tôi cũng từng nói vậy. Tôi cũng hiểu, đây là một tư tưởng hệ luỵ của thời bao cấp, khi mà đời sống vật chất khó khăn, ai cũng nghèo. Thời ấy cái ưu tiên hàng đầu của họ là miếng cơm manh áo nên kể cả ai có tâm bệnh thì nó cũng không được ưu tiên chữa trị, hay thậm chí chẳng được công nhận. Đối với họ bệnh tật cứ phải là ung thư, tiểu đường, nhìn vào cơ thể cứ phải nằm một chỗ hay phải đau đớn lắm mới là bệnh, còn một người ủ rũ sống khép kín, ngày đêm mất ngủ, ăn không ngon, sống bơ phờ thì vẫn là khoẻ mạnh chán. Nhưng bây giờ là thế kỉ 21 và xã hội Việt Nam không còn là thời bao cấp nữa, chúng ta tiếp xúc với Internet và hàng loạt nguồn tin trong hay ngoài nước mỗi ngày, chẳng phải mỗi người lớn đọc sách báo mà trẻ em cũng đọc chẳng thiếu thứ gì từ truyện anime, trinh thám đến tiểu thuyết văn học, nhiều thanh thiếu niên đọc cả sách về khoa học hay chính trị, kinh tế, và vì thế người lớn phải bước ra khỏi cái kỉ nguyên xưa cũ ấy, và mở lòng với những tư tưởng mới.
Ở cái thời buổi phát triển này, cái ăn cái mặc nó là cái thiết yếu và quá cơ bản của cuộc sống chứ không phải điều đắt giá như trước đây nữa, thế nên các bậc phụ huynh hãy thôi nói câu “Bằng tuổi mày, tao vừa học vừa phụ ông bà bán hàng từ sáng đến khuya vẫn đứng nhất lớp, bây giờ mày mỗi học cũng không xong”. Sự so sánh quá kệch cỡm! Thời này có phải đến trường học chỉ để lấy tấm bằng học sinh giỏi rồi đơn thuần đỗ vào 1 trường đại học tầm trung là dạng hiếm có khó tìm đâu, trẻ con bây giờ còn thi để vào lớp 1, tụi cấp 2,3 học thêm tối ngày để lấy các chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT, MOS. Sinh viên thì đua nhau học bổng các trường đại học top thế giới như G8 của Úc hay Ivy League của Mỹ, ra trường thì tranh nhau bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Mọi thứ đều không hề dễ dàng mà cần sự đầu tư về thời gian, công sức và tiền bạc vô cùng lớn. Cũng vì vậy mà áp lực của trẻ cũng tăng và nhờ điều kiện sống phát triển, người ta có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về những vấn đề tâm lí, mà trong đó căn bệnh trầm cảm là vô cùng nguy hiểm. Nhiều bạn trẻ bây giờ được chẩn đoán là mắc chứng trầm cảm do tâm lí học phát triển hơn chứ không phải căn bệnh ấy đến bây giờ mới có. Đáng buồn thay, trong xã hội Á Đông, những vấn đề tâm lí vẫn bị xem nhẹ, bao gồm cả Việt Nam.
3. Tự tử là sự lựa chọn của những kẻ yếu đuối, hèn nhát
Người lựa chọn tự tử chắc gì đã muốn chết, ai sinh ra mà không muốn sống hạnh phúc? Nhưng mỗi người một khác. Tôi không nói tự tử là đúng, nhưng nếu tâm lí có vấn đề do những áp lực đè nén lâu ngày (như trong tâm thư em đã viết) thì suy nghĩ của họ khác lắm, những người như vậy có xu hướng nghĩ mọi vấn đề khá tiêu cực và bạn không thể nói mồm là “nếu bạn nghĩ tiêu cực, bạn phải dừng việc đó lại là nghĩ tích cực hơn”, giống như việc nói với một người bị què hãy đứng lên để đi vì nó dễ mà, ai cũng làm được. Tự tử đôi khi chỉ là một cách để giải thoát cho bản thân họ khỏi cuộc sống bức bối thôi, nếu sống một cuộc sống không được là chính mình, sống trong áp lực, đè nén liệu sự sống ấy có còn giá trị không hay chỉ là sự tồn tại đơn thuần? Bạn phải đặt mình vào hoàn cảnh ấy để nói 1 cách có tình người với 1 người đã ra đi.
4. Có nhiều cách để giải thoát, sao phải chọn tử tự? Bỏ nhà ra đi không phải dễ hơn sao? Cất công nuôi một đứa con mà không được trả ơn.
Nhiều người cho rằng bỏ nhà ra đi thì hay ho hơn là tự tử, lố bịch thật. Ngày bé tôi từng nghĩ sống trên đời này, cái chết là điều đáng sợ nhất, ta làm mọi thứ để đảm bảo sự sống và né tránh cái chết. Nhưng lớn lên tôi mới hiểu, có nhiều điều còn đáng sợ hơn cái chết, sống trong sự tra tấn về thể xác hay tinh thần trong khoảng thời gian dài, đến khi con người ta không còn sợ hãi trước cái chết nữa và chủ động tìm đến nó. Khi cuộc sống mà họ cho rằng không còn ý nghĩa nữa thì đi đâu cũng vậy, không còn tìm thấy lí tưởng của cuộc đời, trái tim họ không còn rạo rực trước ánh bình minh thì sự sống là vô nghĩa, cái chết ấy có lẽ còn giá trị hơn vì nó giải thoát họ khỏi cái địa ngục trần gian mà họ đang mắc kẹt. Tôi thấy đây chính là hình ảnh của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, anh tìm đến cái chết để giải thoát chính bản thân mình, như một cách để chấm dứt chuỗi bi kịch của cuộc đời mình. Ở năm 1941 mà nhà văn Nam Cao đã có tư tưởng rất hiện đại về đời, về nguyên nhân đằng sau hành động tự sát, là sự giải thoát, thế nhưng ở năm 2022, nhiều bậc “trí thức” vẫn mắc kẹt trong cái suy nghĩ lỗi thời.
Sự ra đi của các em học sinh, tôi lấy làm tiếc cho số phận các em, tiếc cho cả cha mẹ và gia đình các em vì sự mất mát to lớn của những người ruột thịt, nhưng có những kẻ khóc mướn đau thuê một cách đáng khinh đến lạ.
Đọc bình luận trên xong tôi cảm thấy group này chắc sắp sập luôn quá vì quá nhiều người có quan điểm như trên chỉ trích các em học sinh. Tôi không biết người viết ra câu bình luận trên có con hay không, tôi chỉ mong đứa trẻ không phải nghe những câu nói ấy, tôi cũng không biết sau khi viết câu đó người đó ăn ngon ngủ ngon không, nhưng tôi đọc, thì tôi phát ớn. Ớn về tư tưởng đạo đức và về trình độ hiểu biết của người đó. Từ bao giờ sự tồn tại của một con người lại ảnh hưởng đáng kể đến hiệu ứng nhà kính hay hiện tượng biến đổi khí hậu ở nhiều khu vực vậy? Chưa kể các em ấy chỉ mới 15-17 tuổi, còn tôi không hiểu những người lớn cho rằng họ sống có nghĩa còn các em ấy là vô nghĩa, còn họ là có nghĩa (chỉ vì họ không tự tử trên lan can nhà họ, họ vượt qua bao khó khăn bằng tinh thần thép) ấy đã có giải pháp nào cho nạn đói ở châu Phi, hiện tượng nóng lên toàn cầu và làm giảm ô nhiễm môi trường chưa nhỉ?
Tôi càng không hiểu vế sau của cái bình luận trên, làm sao mà tự tử lại là không biết ơn vậy? Người lớn biết trách lũ trẻ là bồng bột thiếu suy nghĩ, nhưng quên nhìn lại bản thân họ là những người trưởng thành, phát triển toàn diện lại giàu kinh nghiệm, những vẫn mắc nhiều sai lầm trong việc giáo dục con cái. Tôi không trách họ mắc sai lầm, ai cũng là lần đầu làm người lớn cả, bố mẹ cũng là lần đầu làm hố mẹ, tôi trách là trách người lớn nhưng không lớn chút nào, tránh né lỗi lầm và đổ lỗi cho những bạn trẻ từng sống trong sự bức bối ấy. Bằng chứng là sự chia sẻ và ủng hộ rộng rãi từ bài viết của cô giáo Tạ Mai Hương.
Trẻ con chúng con chấp nhận người lớn được quyền phạm sai lầm, nhưng không chấp nhận việc không dám nhận sai
Tôi không biết rằng cha mẹ sinh con ra lại chỉ vì mong chúng báo đáp và nuôi dưỡng họ khi về già đấy. Con cái có trách nhiệm hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ là đúng, nhưng hãy xét về cái lí trước cái tình một chút. Con người sinh con đẻ cái trước hết là để tiếp tục sự tồn tại của loài người, sau đó mới đến tình cảm gia đình, khi cha mẹ yêu thương nhau, họ muốn xây dựng và vun đắp một gia đình hạnh phúc, họ muốn có một đứa trẻ để tượng trưng cho sự gắn kết đôi bên cũng như vun vén cho tổ ấm của mình. Nhiều cha mẹ thật hạnh phúc khi có con cái luôn yêu thương và chăm lo cho họ khi già cả, nhưng cũng tiếc cho nhiều bậc phụ huynh không được như vậy. Chẳng đứa trẻ nào đòi được sinh ra cả nhưng bố mẹ có quyền quyết định sinh con và nuôi con như thế nào. Vậy những đứa con không biết ơn cha mẹ có đáng trách không? Có, đáng trách chứ. Nhưng biết làm sao vì con cái sinh ra vốn dĩ không phải cái cần câu cơm của cha mẹ khi về già, về mặt tư tưởng, những người đã làm cha mẹ hay sắp có con cái, tốt nhất đừng bao giờ nghĩ như vậy. Vậy những bạn trẻ tự sát kia thì sao? Chúng có đáng trách không? Tôi e là có, vì chúng để lại vết thương đau đớn nhất trong lòng của những người yêu chúng nhất, những gia đình ấy họ mất đi máu mủ của họ chứ không phải mất cái “cần câu cơm” như những kẻ mạnh miệng chẳng chịu mày mò tìm hiểu gì nhưng luôn thao thao bất tuyệt dưới nút comment trên Facebook (Mạng xã hội gần như có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, phần lớn già trẻ tiếp xúc với các tin tức từ Facebook).
Sống, trước hết là vì bản thân mình, sau đó mới đến những người xung quanh, sống đã không được là chính mình, nhiều áp lực quá lớn ở độ tuổi quá nhỏ, tôi không dám chắc, nhưng sống mà cuộc sống chẳng giá trị thì cái chết không quá đáng sợ đâu, vậy nên nếu em ấy đã bức bối đến nỗi không thể sống vì bản thân và lựa chọn ra đi, thì đó cũng không phải là một điều gì đó quá ích kỉ hay bồng bột.
NHỮNG ĐỨA TRẺ MANG ÁP LỰC RA DOẠ CHA MẸ?
Không thể phủ nhận là sau sự ra đi của những bạn trẻ trung học, nhiều đứa con lấy đó làm cái cớ để doạ cha mẹ nhằm giảm tải áp lực học hành. Cũng phải thôi, những đứa trẻ ấy không phù hợp với việc học hành và nhân cơ hội này các ông bố bà mẹ hãy cho chúng nói lên điều chúng muốn đi. Còn với đứa trẻ thực sự muốn học, chẳng cái gì cản được chúng đâu, mặc dù việc học chẳng dễ dàng gì, nhưng tôi là một đứa thích học lắm, không quá chăm chỉ nhưng xem việc học là quan trọng và học có giờ giấc chuẩn chỉnh lắm. Dù vậy tôi vẫn ủng hộ nhiều người … “bỏ học” nếu xét thấy việc học không quan trọng quá với họ. Bây giờ có nhiều việc làm hơn, nhiều ngành nghề hơn, không học đại học cũng làm được đầu bếp, youtuber, tiktoker… mà thu nhập vẫn cao, ổn định miễn là họ thực sự phù hợp thôi. Các bậc phụ huynh nên nghĩ thoáng hơn về vấn đề học tập và quan điểm về việc học để tránh những mất mát về sau.
KẾT: LỖI CỦA AI?
Cuối cùng bài viết tôi chỉ muốn phê phán những người có tư tưởng sai lệch về vấn đề tự sát của các thanh thiếu niên. Tôi không trách các em sai hay cha mẹ các em sai, họ đều là nạn nhân, nạn nhân của tư tưởng cổ hủ trong xã hội cũ, nạn nhân của vấn nạn thành tích. Giáo dục cần có những bước tiến mới hơn và hiệu quả hơn, vấn đề cấp thiết không phải các phương thức thi hay chương trình học nữa, mà tư tưởng của những người làm giáo dục, những người thầy người cô phải thay đổi để từng ngày xoá bỏ vấn nạn thành tích.- Larant -
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất