Giáo dục ở trường học không quan trọng như tôi tưởng
Bài viết chia sẻ quan điểm trên góc nhìn của một học sinh cấp 3 sắp bước vào giảng đường Đại học.
Sau 12 năm đèn sách, tôi nhận ra mình nhận được quá ít từ trường học. Quan trọng hơn, hầu hết các kiến thức tôi có là từ Internet, các lớp học phụ đạo và từ đời sống thường ngày. Điều này khiến tôi tự hỏi rốt cục trường học đóng vai trò gì?
Hôm nay là lần đầu tiên tôi biết đến nền tảng Spiderum, tôi tìm hiểu một chút về Spiderum (nói chính xác là google về nó) và đọc một lượt qua nhiều bài viết về nhiều vấn đề khác nhau trên Spiderum. Tôi bắt đầu thấy hứng thú với nó vì ít nhất tôi cảm thấy mình có thêm nhiều nguồn thông tin, học được nhiều cách lập luận và góc nhìn khác nhau cho nhiều vấn đề. Nhưng cái thực sự thu hút tôi là sự tự do, ở đây tôi được chia sẻ những ý tưởng của bản thân và những ý tưởng đó được truyền tải một cách khoa học với nội dung, bố cục rõ ràng, một điều gần như tôi không thể tìm thấy trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Twitter, Tiktok hay Instagram.
Ban đầu tôi chỉ muốn đọc vài bài viết được chia sẻ trên Spiderum để học hỏi và tham khảo, nhưng càng đọc thì nó càng thôi thúc tôi nên viết một cái gì đó. Chính là viết một cái gì đó bởi tôi chẳng nghĩ được tôi sẽ viết gì, tôi chẳng biết tôi sẽ viết cho ai và viết với mục đích gì. Dù sao thì tôi vẫn mở máy lên và truy cập vào Spiderum, tôi nghĩ về chủ đề mà tôi định viết, chẳng có chủ đề nào mà tôi hiểu sâu về nó như một chuyên gia cả, cũng chẳng có chủ đề nào mà tôi cảm thấy hứng thú hay say mê thực sự. Vậy nên tôi quyết định viết về điều gần gũi với tôi nhất - trường học, giáo dục.
Lí do vì sao trường học lại gần gũi với tôi nhất thì tôi chính là một học sinh. Tính đến hiện tại là một học sinh cấp 3 và có lẽ đến với Spiderum thì hầu như là những anh chị hơn tôi vài tuổi, hay thậm chí nhiều tuổi và vốn hiểu biết của các anh chị sẽ rộng hơn tôi nhiều, nhưng tôi vẫn hy vọng anh chị có thể tìm thấy một chút gì đó ở bài viết của tôi, ít nhất là sự đồng cảm.
Dù bạn sống ở đâu thì có lẽ ít nhiều cũng phải chịu ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19, đặc biệt là với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, hậu quả covid-19 để lại đối với các ngành kinh tế và đời sống xã hội là quá nặng nề, giáo dục cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Bắt đầu từ đầu năm 2020, các trường học trên nhiều tỉnh thành ở Việt Nam (và ở nhiều quốc gia khác) đã đóng cửa để phòng tránh sự lây nhiễm của dịch bệnh và học sinh được tiếp xúc với một hình thức học mới - học trực tuyến. Việc học trực tuyến hiểu nôm na như những cuộc gọi video bạn vẫn thực hiện nhưng với quy mô lớn hơn, không phải 2 người hay 3 người mà tầm cỡ 40 người tham gia vào cuộc gọi bằng 40 tài khoản khác nhau, trong đó sẽ có 1 người thường là giáo viên hoặc lớp trưởng sẽ chủ trì cuộc họp. Lớp học trực tuyến không khác với lớp học trực tiếp là bao, giáo viên vẫn có thể nhìn thấy học sinh trên bàn học (nếu họ yêu cầu học sinh bật camera), giáo viên và học sinh có thể tương tác qua khung chat, qua microphone và dùng hình thức “share màn hình” để chia sẻ kiến thức như tác dụng của bảng đen ở trường học.
Thế nhưng học trực tuyến có một kẽ hở là giáo viên không thể kiểm soát được học sinh, sinh viên của họ đang làm gì (nếu camera không cho phép =)) ). Nhiều học sinh, bao gồm cả tôi, tận dụng điều này để trốn tiết, đặc biệt là những môn học mà chúng tôi không mấy mặn mà. Nhưng dần dà tôi thấy việc “trốn tiết” ngày càng có ích vì thời gian rời khỏi lớp học online ấy tôi dùng để học những gì tôi thích hay tôi cho là quan trọng hơn. Ví dụ tôi học IELTS khi lớp đang trong giờ Công dân vì tôi cho rằng IELTS quan trọng hơn môn Công dân. Tôi nói vậy không phải là tôi coi thường môn công dân, nhưng tôi cho rằng kiến thức mà tôi học được từ các bài IELTS writing hay IELTS reading giá trị và thiết thực hơn môn Công dân. Hoặc là do cách giáo viên dạy môn Công dân của tôi truyền đạt không thú vị lắm. Tôi cũng làm vậy với môn Toán, một môn được coi là môn chính ở hầu hết các ban ở trường. Thay vì học Khảo sát hàm số hay Logarit ở lớp trên trường, tôi dành thời gian để luyện đề chương Nguyên hàm - Tích phân của lớp học phụ đạo. Sau cả 1 học kì học trực tuyến, tôi nhận ra sách giáo khoa hay vở ghi của mình còn mới nguyên, mới lật vài ba trang. Chứng tỏ tôi chẳng học hành gì ở trường, nhưng kiến thức tôi có được thì vẫn bằng bạn bằng bè. Bạn bè mà tôi nói ở đây là những đứa vừa học ở lớp phụ đạo, vừa học ở trường, tôi không có ý nói là tôi tiếp thu tốt hơn chúng nó đâu nhé, tôi không phải đứa có thành tích học tập tốt đến vậy, gọi là đủ dùng và thừa để qua môn thôi. Còn nếu so với những đứa không học phụ đạo, chỉ học các tiết học kéo dài 45 phút ở trường, thì tôi thừa tự tin là hơn chúng nó. Nhưng từ đây tôi nhận thấy, dù tôi chẳng học gì ở lớp, chỉ học lớp phụ đạo mà kiến thức của tôi vẫn đủ, thậm chí đôi khi còn thừa vì có những kiến thức lớp phụ đạo dạy nhưng trường học không dạy, tôi bắt đầu băn khoăn vậy rốt cục trường học đã xây dựng cái giáo trình kiểu gì mà không hiệu quả bằng các trung tâm dạy thêm?
Các trung tâm dạy thêm chạy chương trình sớm hơn trường học tầm vài ba tháng, thời lượng mỗi buổi học gấp 2-3 lần trường học, tất cả để đảm bảo học sinh tiếp thu đủ kiến thức và có đủ thời gian để ôn tập trước các kì thi. Thời nay các trung tâm tiên tiến lắm, học sinh muốn gì cũng có, tài liệu từ các trung tâm luyện thi có khi còn giá trị hơn cả sách giáo khoa do bộ giáo dục biên soạn, tôi thấy không chỉ riêng tôi mà đám bạn cùng lớp, cùng khối hay kể cả em khối dưới cũng chỉ ôm khư khư tài liệu lớp học thêm để ôn chứ chẳng “cày” sách giáo khoa bao giờ. Tôi chỉ đi quanh cái lớp mình thì cũng đúc kết được đôi điều: đứa giỏi nhất lớp học thêm ở Trung tâm luyện thi nổi tiếng nhất nhì cái quận tôi ở còn đứa xếp cuối bảng thì chỉ học mỗi ở trường.
Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ là do cái đứa xếp bét bảng ấy nó lười học. Nhưng không, nó có chăm thì cũng chẳng lấy đâu ra mà giỏi nếu chỉ mò mẫm sách giáo khoa với sách bài tập. Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của sách giáo khoa và sách bài tập, trước hết là nó có tính chính xác cao, nhưng vấn đề là sách giáo khoa hay thời lượng tiết học ở trường là quá ít đối với các đề thi hiện nay. Mỗi tiết học ở lớp kéo dài 45 phút, giáo viên phải đảm bảo truyền tải đủ kiến thức nền, bài tập vận dụng từ thấp đến cao trong 45 phút đối với một nội dung bài học, 1 chương trong sách sẽ được dạy trong khoảng 4-5 tiết, hoặc nhiều hơn tuỳ nội dung nhưng tôi chắc chắn là 1 chương ở lớp phụ đạo họ dạy trong 1 tháng hoặc hơn thế (thường học sinh học 2 buổi học phụ đạo mỗi tuần đối với 1 môn học). Thế nhưng đối với đề thi, ví dụ điển hình là đề thi THPT QG môn Toán với độ dài 50 câu, học nát cái sách giáo khoa, cố mò đủ các loại đề và câu hỏi của sách bài tập, không học phụ đạo, chỉ học 4 tiết mỗi tiết 45 phút hàng tuần mà bạn được 7-8 điểm thì bạn quá giỏi. Nhưng điểm 7-8 cho 1 môn thi Đại học thì bạn không có cửa vào những trường top đầu như Đại học Y Hà Nội, Bách Khoa, Ngoại Thương hay Kinh tế Quốc dân, kể cả sang Học viện tài chính hay Học viện ngân hàng thì bạn cũng phải xếp hàng. Trong khi những đứa “xuất thân” từ lò luyện thi Đại học thì 9+ nhan nhản.
Tôi thật sự không hiểu chương trình giáo dục và đề thi được biên soạn thế nào mà chương trình học không đủ để làm đề thi? Đáng lẽ học sinh không cần phải ra ngoài tìm trung tâm hay gia sư dạy thêm và tập trung học ở trường lớp để đạt kết quả cao mới phải. Vậy nếu trường học không cung cấp đủ kiến thức cho học sinh trong các kì thi, vậy trường học lại là nơi để học sinh giao du, kết bạn, tham gia hoạt động ngoại khoá và lưu giữ kỉ niệm chăng? Tôi không nghĩ như vậy.
Quá nhiều kiến thức ở trường học không thể áp dụng vào đời sống cũng như nhiều kiến thức xã hội không được phổ cập ở trường học, những gì ta cần là 1 chương trình giáo dục tiên tiến, thiết thực hơn chứ không phải những đổi mới cải cách kiểu chắp vá. Học sinh chẳng bao giờ được nói về những bất cập trong quá trình học tập nhưng những nhà lãnh đạo lại thay đổi liên tục dẫn học sinh từ bất cập này sang bất cập khác, nào là phương thức thi, phương thức xét tuyển hay cách tính điểm, mỗi năm, mỗi kì thi lại có một sự thay đổi khác, nhiều năm gần đây còn chăm chỉ thay đổi nội dung sách giáo khoa, in có màu sắc sặc sỡ, hút mắt hơn, nội dung có thay đổi nhưng hầu như đều “giảm tải” chương trình. Tuy nhiên, không có một giải pháp nào cho vấn đề mà các học sinh đang gặp phải: “Trường học không cung cấp đủ kiến thức cho các kì thi”.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất