Học lịch sử mới là yêu nước!
Khoảng từ đầu tháng 4 đến nay báo đài rất “chăm chỉ” cập nhật những tin tức mới về vấn đề thi cử vì một năm học cũ sắp qua đi, mùa...
Khoảng từ đầu tháng 4 đến nay báo đài rất “chăm chỉ” cập nhật những tin tức mới về vấn đề thi cử vì một năm học cũ sắp qua đi, mùa thi sắp đến và những người làm giáo dục tiếp tục chào đón những khoá học sinh sau bằng các công văn về việc đổi mới. Và sắp tới đây chúng ta sẽ chứng kiến một sự đổi mới mang tính đột phá, một bước ngoặt của nền giáo dục nước nhà, đó là việc học sinh lớp 10 sắp tới sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương và sẽ được phép lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Cá nhân tôi cho rằng việc lựa chọn như vậy là hoàn toàn hợp lí bởi giáo dục trung học phổ thông là giáo dục hướng nghiệp, hiểu đơn giản là giáo dục bậc trung học phổ thông sẽ xây dựng những kiến thức nền tảng cho việc lựa chọn ngành nghề phù hợp sau này của học sinh, giống như việc các trường cấp 3 vẫn phân chia ban tự nhiên và ban xã hội như trước đây, nhưng với hình thức này thì học sinh sẽ có sự phân loại rõ rệt hơn. Việc lựa chọn tổ hợp để học có thể giúp các em giảm bớt áp lực học tập, phát triển thế mạnh của bản thân và điều một đứa học sinh như tôi thấy thích nhất chính là học sinh không cần phải dành quá nhiều thời gian vào những thứ bản thân không đam mê. Tuy nhiên có nhiều người không nghĩ giống vậy, họ cho rằng việc tự chọn các môn học là không thể vì các môn học đều đóng vai trò quan trọng, học sinh không được phép hổng kiến thức ở bất kì mảng nào, đặc biệt là với môn Lịch Sử - một môn còn được gọi với tên gọi khác là “Môn Yêu Nước”.
Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra để khẳng định vai trò của môn Lịch Sử trong việc củng cố tình yêu nước của học sinh và hiển nhiên những vấn đề gây tranh cãi thì luôn thu hút, không chỉ ở học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh mà cả nhiều bậc “tinh hoa” khác trong xã hội cũng góp mặt. Tôi đọc trên nhiều diễn đàn để xem góc nhìn của mọi người về vấn đề này ra sao và kết quả đã làm tôi bất ngờ. Phần lớn mọi người đi ngược lại với quan điểm của tôi, họ cho rằng môn Lịch Sử không nên bị đưa vào làm môn học tự chọn nhưng lí lẽ họ đưa ra mới thật sự làm tôi thất vọng. Những lí lẽ mang nặng tính lí thuyết, đọc cứ như ai cũng copy từ chung một quyển văn mẫu ra vậy, trên hết là sự vô căn cứ.
1. Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Dựa vào câu nói trên nên nhiều người mặc định phải biết tường tận lịch sử mới là yêu nước. Có người từng nói như sau: “Yêu nơi bạn sinh ra và lớn lên, yêu tiếng nói, yêu con người, yêu đất nước và quan trọng là YÊU NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG của dân tộc”. Ôi một câu nói đặc mùi văn mẫu! Vậy những Việt kiều sinh sống ở nước ngoài, họ không học lịch sử Việt Nam ở các trường Tây nhưng vẫn trở về thăm quê hương, luôn tự hào vỗ ngực nói tôi đến từ Việt Nam thì không yêu nước sao? Tôi cho rằng người ta có rất nhiều cách để yêu nước chứ không phải là học lịch sử và thuộc vanh vách từng ngày của những cuộc kháng chiến. Tôi chẳng biết khái niệm yêu nước được định nghĩa ra sao nhưng tôi hay chép văn mẫu thì nó thường là cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, rèn luyện sức khoẻ, sẵn sàng khi Tổ quốc cần, tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội… Nhiều vô kể và sự thật là tất cả những hành động được coi là thể hiện tinh thần yêu nước thì đều là những việc làm tốt.
Vậy hiểu đơn giản thì chỉ cần là người tốt đã là một việc yêu nước rồi, bạn không cần phải là những kẻ vĩ đại tạo ra cả một thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế để đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu mới là yêu nước, chỉ cần ngày mai bạn thức dậy gửi tiền ủng hộ cho những hộ gia đình khó khăn ở vùng sâu vùng xa đã là một việc tốt cho đất nước rồi dù là con số ấy có nhỏ hay đơn giản hơn là bạn chỉ cần không trở thành gánh nặng cho xã hội, sống có văn hoá và có đạo đức, đúng với pháp luật thì cũng là yêu nước.
Việc yêu nước không nên được định nghĩa hay hiểu là một điều gì quá cao xa vĩ đại, xa vời bởi người lớn hay trẻ em đều cần phải biết yêu nước, vậy nên việc yêu nước nó phải xuất phát từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất trước khi nói về khía cạnh lịch sử của nước nhà. Một người yêu nước trước hết là không làm cản trở sự phát triển của đất nước, sau đó mới đến đóng góp cho sự phát triển ấy.
2. Yêu nước, yêu lịch sử chưa chắc đã thích học Lịch Sử.
Để miêu tả về môn Lịch Sử thì học sinh chúng tôi hay dùng 2 từ “dài” và “khô khan”. Tôi không chắc nó có khô khan với bạn không nhưng chắc chắn là rất dài. Sách giáo khoa Lịch Sử thì tôi thấy không dài, bạn có thể đọc sách giáo khoa Lịch Sử 12 chỉ trong một buổi tối, vậy muốn tóm gọn kiến thức Lịch Sử trung học phổ thông thì đọc sách 10,11 và 12, và bạn sẽ không mất quá 1 ngày để đọc chúng. Sách giáo khoa Sử có thể đọc nhanh như vậy nhưng tại sao học sinh cứ than dài? Chính là vì cách học và thi của bộ môn này. Các đề kiểm tra được thiết kế để học sinh phải học thuộc các sự kiện mới có thể làm. Thuộc ngày tháng và năm của các sự kiện, thuộc tên nhân vật và nhiều thứ khác phải thuộc. Đọc sách, hiếu và nhớ thì không khó, nhưng để thuộc thì cực khó và vì vậy môn học này đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh.
Tôi thấy nhiều bạn bè mình, kể cả tôi, thích được nghe kể về những câu chuyện lịch sử, chúng tôi cũng tụ tập để xem và bàn luận về nhiều nội dung lịch sử được lồng ghép vào phim ảnh rất sôi nổi, nhưng nhắc đến môn Lịch Sử thì chúng tôi im thin thít, vì chúng tôi sợ phải học thuộc. Tôi không cho rằng giỏi về lịch sử làm thuộc lòng các sự kiện, các nhân vật, hay diễn biến từng trận chiến, người yêu thích và giỏi về lịch sử phải là người am hiểu về gốc rễ của từng vấn đề lịch sử, biết cách nhìn nhận và đánh giá các sự kiện ấy, khi nhắc về lịch sử không phải là những kẻ có thể đọc vanh vách quyển sách giáo khoa mà là những người có đủ trình độ để đưa ra những lời nhận xét và bàn luận về nó.
Bản thân cách kiểm tra và học môn Lịch Sử như hiện tại đã không đúng với mong muốn của những người yêu thích lịch sử. Họ có thể học về nó nhưng không được bàn luận và nhận xét theo quan điểm của họ mà thay vào đó là phải học thuộc theo sự đánh giá của người khác. Tôi biết điều này có thể sẽ rất khó nhưng các bài kiểm tra học thuộc nên bị bỏ, bởi học sinh có thể học thuộc lòng bài ngày hôm nay nhưng sớm muộn cũng sẽ quên nếu không dùng đến, tôi nghĩ học sinh nên làm những bài thuyết trình, thời hạn có thể vài tuần hay 1 tháng, nghiên cứu về các vấn đề lịch sử qua nhiều nguồn tin và trình bày lại với giáo viên. Quá trình nghiên cứu ấy đòi hỏi các em phải đọc rất nhiều, nhiều hơn sách giáo khoa, việc này sẽ khiến các em hiểu rõ bản chất vấn đề hơn so với việc ghi chép tóm tắt bài trong sách ra vở rồi học thuộc, việc hiểu rõ và hiểu sâu vấn đề còn giúp các em ghi nhớ lâu hơn. Cho dù môn lịch sử có là môn tự chọn hay không, nhưng nếu cách học và kiểm tra môn học này không thay đổi, nó vẫn sẽ là một môn học đáng sợ với nhiều học sinh.
3. Không phải học Lịch Sử là có thể hiểu hết về lịch sử, có những thứ còn không được sử sách ghi lại hay đưa vào giảng dạy.
Thời nay chúng ta có cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn tin khác nhau và tôi tin là các bạn đã từng nghe nhiều câu chuyện lịch sử mà chương trình giáo dục không hề đề cập đến. Có nhiều lí do cho những nội dung như vậy, thường thì do nó không phù hợp với độ tuổi học sinh hoặc do những lí do nào khác mà có những nội dung gần như không được truyền bá rộng rãi, bạn chỉ có thể bắt gặp trên các nhóm kín hoặc nghe truyền miệng. Vậy nên không phải cứ học lịch sử thì bạn có thể hiểu gốc rễ của các sự kiện lịch sử - “tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
4. Thiếu kiến thức về môn lịch sử cũng chỉ là thiếu kiến thức về một lĩnh vực mà thôi.
Cũng như Vật Lí, Hoá Học hay Địa Lí, Lịch Sử cũng là một lĩnh vực mà thôi, rất là bình thường nếu bạn gặp một người không am hiểu một lĩnh vực nào đó và bạn phải chấp nhận chứ không có quyền phán xét lòng yêu nước của họ, cụm từ “mất gốc lí” hay “mất gốc hoá” nghe thì chẳng sao nhưng nếu nói “mất gốc sử” thì có lẽ bị tẩy chay ư?
5. Điều quan trọng nhưng tôi nói sau cùng!
Các nhà lãnh đạo yêu cầu học sinh phải học Lịch Sử đến hết bậc trung học cơ sở kia mà? Vậy có nghĩa là dù lên cấp 3 các em không chọn môn Lịch Sử làm môn tự chọn thì vẫn có kiến thức về lịch sử rồi mà? Sao nhiều người tranh cãi nảy lửa như thể môn Lịch Sử sắp “tiêu” luôn rồi vậy? Chưa kể nhiều học sinh lựa chọn nghỉ học sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, vậy những em đó cũng sẽ không học gì về môn lịch sử sau này, và liệu đây có phải là một vấn đề quá to tát không khi những em học trung học phổ thông không chọn môn sử thì bị lo sợ sẽ đánh mất lòng yêu nước, còn đối với những em rời khỏi ghế nhà trường thì chẳng thấy ai đề cập đến việc mở lớp “bổ túc lòng yêu nước”?
Lời nhắn
Tôi không ủng hộ việc không chọn môn Lịch Sử, cũng không phản đối, bởi nếu đưa môn Lịch Sử vào làm môn học bắt buộc thì cũng chưa chắc học sinh đã chịu học, hàng chục năm qua có mười mấy môn học bắt buộc và học sinh vẫn mất gốc nhiều môn, nên không có lí gì môn Lịch Sử sẽ là ngoại lệ cả. Tôi chỉ phản đối những người thích nói “lời hay ý đẹp” nhưng đậm mùi văn mẫu và vô căn cứ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất