Có lẽ đây là cái tên ngành học được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây với danh xưng “Ngành top triển vọng”, thế nhưng chắc hẳn nhiều bạn vẫn còn băn khoăn về ngành học này.
Logistics...đó là ngành gì vậy? Ngành Logistics được hiểu, đó là một phần của việc quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Hiểu một cách đơn giản, Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hoạt động của Logistics bao gồm vận tải hàng hóa được xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung - cầu, hoạch định sản xuất, đóng gói sản phẩm,...

Với sự xuất hiện của thương mại điện tử (E-commerce), thuật ngữ “logistics” bỗng càng trở nên “sốt xình xịch” trên thị trường việc làm.

Ngành Logistics có mặt tại Việt Nam trong khoảng nhiều năm trở lại đây với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng. Khi nền kinh tế quốc gia ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Logistics sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc vô vàn cơ hội việc làm sẽ mở ra cùng với nhu cầu lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. 
Những dữ đoán hiện tại cho thấy, đến năm 2025, con số người lao động mà ngành Logistics Việt Nam cần thêm khoảng sẽ là 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, trong khi đó hiện tại số lượng nhân sự chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nhân lực toàn ngành.

Sau khi ra trường, sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp nào?

Với tấm bằng đại học trên tay, cử nhân ngành Logistics có thể làm tại các doanh nghiệp chuyên về dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung. Các phòng ban nghiệp vụ phù hợp chuyên môn gồm: kế hoạch, khai thác, marketing, dịch vụ khách hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán.
Cụ thể về các ngành nghề của Logistics, các bạn có thể làm việc tại một trong số nhiều mảng của Logistics, trong đó chia làm 3 mảng chính là kho bãi, giao nhận và vận chuyển. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dịch vụ cho thuê kho bãi và lưu giữ hàng hóa, dịch vụ đại lý vận tải, dịch vụ tiếp nhận, lưu kho,...
Điểm danh một số ngành nghề cho các bạn sinh viên mới ra trường:
- Nhân viên thu mua
- Nhân viên hoạch định sản xuất
- Nhân viên quản trị tồn kho, kho bãi
- Chuyên viên tư vấn và phân tích
Dưới đây là một số trường Đại học bạn có thể cân nhắc lựa chọn, dựa theo sự yêu thích và khả năng của mình.
- Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội
- Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM
- Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở 2
- Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
- Trường Đại học Quốc tế – ĐH Quốc Gia TP.HCM
- Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM
- Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam
Bài viết được đăng tải lần đầu trên https://hellodaihoc.com.