Nhìn nhận tác phẩm "Chiến binh cầu vồng" thông qua góc nhìn phúng dụ dân tộc (National Allegories)
Chiến binh cầu vồng (The rainbow troops) là tác phẩm của nhà văn Andrea Hirata người Indonesia. Đây là tác phẩm đầu tay của ông...
Chiến binh cầu vồng (The rainbow troops) là tác phẩm của nhà văn Andrea Hirata người Indonesia. Đây là tác phẩm đầu tay của ông và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2005. Tác phẩm đã bán được trên 5 triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng và là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại. Ở Việt Nam, tác phẩm đã được dịch từ bản dịch tiếng anh của Andrea Hirata bởi Dạ Thảo và được xuất bản lần đầu năm 2012. Ngoài ra Chiến binh cầu vồng còn được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình, nhạc kịch. Bộ phim Chiến binh cầu vồng cũng đạt doanh thu kỉ lục ở Indonesia đồng thời dành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh những năm 1970, viết về cuộc sống của 10 học sinh tại một ngôi trường nghèo tên Muhammadiyah trên hòn đảo Belitong – một hòn đảo có thật của Indonesia. Toàn bộ câu chuyện được thuật lại qua lời kể của nhân vật “tôi” khi cậu cùng những người bạn của mình, thầy hiệu trưởng Harfan và cô Mus đã cùng nhau vượt qua sự khó khăn về vật chất, cuộc sống nghèo khổ, những trở ngại luôn rình rập để có được kiến thức, giữ gìn quyền giáo dục cho chính mình. Họ là những con người dám ước mơ trong một vùng đất đầy những con người sinh ra chỉ biết làm cu li, dám chiến đấu trong khi trong tay họ chẳng có gì ngoài niềm tin mãnh liệt.
Tuy nhiên giá trị của cuốn sách không chỉ dừng lại những trải nghiệm, suy ngẫm của nhân vật “tôi” trong hành trình tìm kiếm tri thức. Nếu như soi chiếu, phân tích Chiến binh cầu vồng dưới góc nhìn phúng dụ dân tộc (National allegory) của Fedric Jameson, ta sẽ thấy được nội dung, hình ảnh và những chi tiết mà tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm đều phản ánh một sách sâu sắc về đất nước, xã hội Indonesia giai đoạn sau 1970.
Kể từ khi giành được độc lập từ năm 1945, nền kinh tế của Indonesia đã suy giảm nghiêm trọng vì sự bất ổn chính trị, một chính quyền còn non trẻ không có kinh nghiệm, và chủ nghĩa kinh tế quốc gia yếu kém dẫn tới tình trạng đói nghèo đáng báo động. Sau sự sụp đổ của chính quyền Sukarna vào năm 1966, chính quyền Trật tự Mới đã đưa ra những chính sách kinh tế để nhanh chóng hạ lạm phát, ổn định tiền tệ, giãn nợ nước ngoài, thu hút viện trợ và đầu tư nước ngoài. Kết quả là Indonesia đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trung bình trên 7% từ năm 1968 đến năm 1981. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như vậy, ẩn sau nó là rất nhiều những yếu điểm cơ cấu của nền kinh tế. Đó là tham nhũng trầm trọng, mắc nợ công do quản lý yếu kém lĩnh vực tài chính, sự cạn kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên thiên nhiên1. Điều này đã tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân Indonesia và cụ thể hơn là người dân của hòn đảo Belitong mà tác giả đã đề cập trong tác phẩm. Có thể nhìn thấy rõ điều này qua cuộc sống của những đứa trẻ trong tác phẩm. Cuốn tiểu thuyết mở đầu với bối cảnh là một buổi khai giảng đầu năm học của ngôi trường Muhammadiyah. Khác với những buổi khai giảng chúng ta thường thấy với sự nô nức, náo nhiệt của thầy và trò, không khí bao trùm của buổi khai giảng đặc biệt này lại mang một màu sắc u ám khi thầy hiệu trưởng Harfan “đã âm thầm chuẩn bị bài diễn văn đóng của trường học”, bởi theo chỉ thị của Sở Giáo dục và Văn hóa: Nếu Trường Tiểu học Muhammadiyah năm nay có ít hơn 10 học sinh mới thì ngôi trường sẽ bị đóng cửa. Trong khi đó thầy hiệu trưởng, cô Mus và 9 em học sinh đã đợi đến quá trưa nhưng vẫn chưa đủ 10 em học sinh. Trái ngược lại với tâm trạng đau lòng của những đứa trẻ khi biết rằng khát khao được đi học của chúng sẽ không thể thành hiện thực, thì lại là những luồng suy nghĩ khác của những phụ huynh rằng thật tốt nếu chúng không phải đi học, sẽ có thêm sức lao động trong gia đình, sẽ giảm đi phần nào gánh nặng tài chính. Lý do họ có mặt trong buổi hôm nay vì họ sợ chính quyền địa phương sẽ khiển trách nếu như không đưa con em họ đến trường. Có thể thấy cuộc sống quá nghèo khổ khiến họ không còn tin vào việc học hành của con cái sẽ giúp ích được gì cho tương lai. Họ chỉ có thể lo cho cuộc sống trước mắt rằng liệu bữa ăn ngày hôm sau có đủ hay không. Bên cạnh những ngôi nhà sàn cũ kĩ của người dân nơi đây, lại là sự lộng lẫy, xa hoa của Điền Trang và ngôi trường PN được tài trợ từ những mỏ thiếc khai thác thiếc từ chính mảnh đất, quê hương của họ. Những người dân bản địa trở thành những cu li cho Điền Trang với đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống của họ, họ hoàn toàn bị thao túng bởi những nhân viên ở Điền Trang, bởi những chính trị gia mà họ không bao giờ biết tới. Việc khai thác với quy mô chóng mặt nhanh chóng làm lớn mạnh nền kinh tế của đảo Belitong, nhưng một thực tế hết sức mỉa mai là những chủ nhân thực sự của hòn đảo ấy – là những người dân vẫn không thể khấm khá hơn.
Các tuyến nhân vật trong tác phẩm được tác giả khắc họa đều là những nhân vật có cuộc sống khó khăn, bao gồm các nhân vật như 10 đứa trẻ của nhóm chiến binh cầu vồng, cô Mus, thầy hiệu trưởng Harfan. 10 đứa trẻ nghèo tại ngôi trường làng siêu vẹo dường như chẳng được ai biết tới, chúng mang trong mình niềm đam mê được học tập dù hoàn cảnh đôi khi cản trở chúng rất nhiều. Giọng văn của tác giả khi miêu tả những đứa trẻ ấy rất tươi mới và tràn đầy hi vọng khiến người đọc thấy được khả năng, thực lực của chúng thực sự có thể mang tới 1 tương lai tươi sáng cho cuộc sống sau này. Nhưng thực tế vẫn luôn hà khắc, sau nhiều năm chiến đấu thì những ước mơ cháy bỏng của chúng vẫn không thắng nổi cái nghèo đói bao đời. Hiện thực cho thấy rằng vòng xoáy của cơm áo gạo tiền đã ngăn cản chúng đạt được tới ước mơ. Còn đối với cô giáo Mus, một người yêu nghề, tâm huyết với học trò cũng đã phải tạm gác lại đam mê dạy học của mình để trở thành người thợ may. Thầy hiệu trưởng Harfan sau hơn 51 năm cống hiến với nghề mà không hề nhận được một đồng lương nào, đã ra đi vì bệnh suyễn trong khi sự nghiệp đấu tranh cho một nền giáo dục chân chính vẫn còn dang dở. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với tôi chính là cậu bé Litang thông minh và tài năng. Litang sinh ra trong một gia đình miền biển đông anh chị em, cha cậu là trụ cột chính trong nhà. Nhà cậu nghèo đến nỗi, để có thể được đi học, mẹ cậu đã quyết định để cậu bán đi chiếc nhẫn cưới của mình để lấy tiền mua một sợi xích mới giúp cậu có thể đạp xe đến trường. Cậu bé dù lốp xe đạp có mòn, dù hai lượt đi về từ nhà tới trường là 80km, phải đối mặt với đầm lầy và cá sấu tấn công, cậu vẫn chiến đấu tới cùng, luôn là người tới sớm nhất và về muộn nhất lớp. Cứ ngỡ sau cơn mưa là cầu vồng xuất hiện, nhưng không, cuối cùng, cũng chẳng thể nào thắng nổi nỗi lo miếng ăn của mười mấy con người trong gia đình cậu mà nghỉ học. Nỗ lực được đi học, được thoát nghèo, được trở thành một nhà toán học của Lintang đã không thể thoát khỏi định mệnh của cái nghèo dai dẳng ấy. Thực tế cuộc sống ác nghiệt đến mức bóp tan tành và vùi dập giấc mơ của một đứa trẻ, để rồi lời hứa cuối cùng của Lintang khi nói với Ikal bạn mình rằng: “Buồn làm gì Ikal, ít nhất thì mình cũng đã giữ lời hứa với cha, là mình sẽ không làm nghề đánh cá.” Có thể thấy những nhân vật đáng thương trong tác phẩm này chính là hiện thân của người dân Indonesia lúc bấy giờ. Mặc dù đất nước của họ đã hoàn toàn độc lập nhưng họ lại bị thống trị theo một kiểu khác, đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp. Những người lao động bị bóc lột đến kiệt sức, trẻ em nghèo không được tiếp cận với giáo dục. Theo như lời nhân vật “tôi” nói “chúng tôi được giải phóng, nhưng chưa được tự do”. Làm sao những người dân thấp cổ bé họng này có thể được tự do khi cái nghèo, cái dốt cứ bủa vây lấy họ?
Đan xen trong cuốn tiểu thuyết là một loạt những hình ảnh phúng dụ mang nhiều tầng ý nghĩa. Đầu tiêu là hình ảnh ngôi trường tiểu học Muhammadiyah. Đối lập với hình tượng con người được tác giả khắc họa lấp lánh, rực rỡ, đầy nhựa sống thì ngôi trường lại hiện lên với nét thiếu thốn, hoang tàn. Đó là ngôi trường xập xệ đến mức có thể đổ sập bất cứ lúc nào, mái nhà có nhiều lỗ thủng đến mức khi trời mưa, cả lớp phải che ô trong lớp học, nền xi măng cũng bị mủn ra. Lớp học được tả lại với sự thiếu thốn đến mức thương cảm, không có lịch, không có ảnh Tổng thống, Phó Tổng thống, quốc huy, đây đều là những điều bắt buộc tại bất cứ trường học nào tại Indonesia. Khi ngôi trường ấy sụp xuống trước thế lực của PN trong việc khai thác thiếc, mọi nỗ lực của thầy và trò trường Muhammadiyah cũng tan biến chỉ trong chốc lát, “họ đã khụy xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất”. “kẻ thù đó chính là chủ nghĩa thực dụng”. Andre Hirata mở đầu cuốn tiểu thuyết với hình ảnh ngôi trường có nguy cơ bị đóng cửa ngay trong ngày khai giảng đầu năm và kết thúc với hình ảnh ngôi trường đã sụp đổ hoàn toàn. Mặc cho xuyên suốt tác phẩm, những con người nhỏ bé trong ngôi trường ấy đã cố gắng, đấu tranh hết mình để bảo vệ mái nhà thứ hai của họ. Hình ảnh ngôi trường chính là hình ảnh ẩn dụ cho khát vọng của người dân Indonesia trong thời kỳ Trật tự Mới. Ngay từ đầu, ước mơ được có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của họ đã rất mong manh. Xã hội Indonesia lúc bấy giờ vì mải chạy theo những giá trị vật chất mà đã bỏ lại phía sau những người dân của mình. Đặt vật chất lên trên tất cả những giá trị khác kể cả giáo dục và thực tế nghiệt ngã cũng đã cho thấy rằng giáo dục chẳng thể thay đổi được số phận của những đứa trẻ nghèo trên hòn đảo xinh đẹp này.
Hình ảnh phúng dụ tiếp theo chính là ngôi trường PN – nơi chỉ nhận những con em của nhân viên sống tại Điền Trang. Ngôi trường mà mọi đứa trẻ nghèo đều khao khát được miêu tả đầy quyến rũ, với những trang thiết bị đầy đủ và hiện đại nhất. Tuy nhiên theo như tác giả nhận xét, “Đây không còn là nơi để xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và có quyền lực”. Hình ảnh ngôi trường PN chính là sự hiện hữu của chủ nghĩa thực dụng. Việc đặt hai hình ảnh đối lập nhau giữa một bên là ngôi trường PN xa hoa, lộng lẫy với một bên là ngôi trường Muhammadiyah đang xiêu vẹo cũng đã thể hiện sâu sắc việc phân biệt đối xử trong xã hội Indonesia. Những đứa trẻ nghèo không được phép bước chân vào trường PN cũng giống như những người dân lao động không thể bước qua khỏi ranh giới giữa giàu và nghèo.
Có thể thấy cuốn sách đã phơi bày được hiện thực khốn khổ của con người Indonesia những năm 1970. Tuy nhiên khi đọc tác phẩm, tôi có thể thấy một điểm sáng, một điểm khác biệt trong cách xây dựng nhân vật của Andrea Hirata so với các nhân vật thường được xây dựng trong văn học của thế giới thứ 3 (Thiếu logic, thiếu khách quan, không hành động, …). Những nhân vật mà tác giả xây dựng hoàn toàn ý thức được hoàn cảnh của họ, của đất nước Indonesia, ý thức được sự phân biệt đẳng cấp, sự thối nát của bộ máy chính trị và quan trọng nhất là họ đã hành động và đấu tranh đến cùng. Thầy và trò của trường Muhammadiyah ý thức được giáo dục là con đường ngắn nhất có thể giúp họ thay đổi số phận. Qua rất nhiều những thử thách khó khăn, họ vẫn giữ vững được quan điểm của mình và chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Điều này thể hiện rằng, người dân Indonesia khi ấy cũng đã tìm được hướng đi cho mình, can đảm hành động để giành lấy quyền lợi thuộc về họ.
Lịch sử đã ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ, ca ngợi những chiến thắng vĩ đại của Indonesia khi giành độc lập. Những ghi chép và số liệu cũng đã ghi lại việc nền kinh tế của Indonesia phát triển nhanh chóng ra sao sau khi thoát khỏi sự thống trị của người Hà Lan và Nhật Bản. Nhưng có lẽ người ta đã quên ghi lại thực tế cuộc sống của những người dân diễn ra như thế nào. Thông qua tác phẩm Chiến binh cầu vồng, tác giả đã kể về câu chuyện cá nhân của những con người bình thường nhưng lại ẩn chứa trong đó cái nhìn mang tính thời đại về hiện thực đất nước Indonesia trong giai đoạn phát triển kinh tế những năm 1970. Đó là hiện thực về cuộc sống nghèo khó và sự thờ ơ của chính phủ đối với người dân cùng với đó là chủ nghĩa thực dụng của bộ máy nhà nước Indonesia.
-HẾT-
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất