Titanic đã chìm như thế nào? (Theo góc nhìn của người trong cuộc)
Quá trình chìm tàu Titanic theo miêu tả của một trong những người may mắn sống sót.
Titanic. Đã hơn 1 thế kỷ kể từ ngày nó kết thúc cuộc hành trình ngắn ngủi, nhưng dư âm để lại thì chưa bao giờ phai mờ.
Một con tàu với những thông số gây choáng vào đầu thế kỷ 20: Dài hơn 269 m, rộng gần 30m, cao 30m và nặng tới hơn 52000 tần. 2453 hành khách lên tàu có cơ hội tiếp cận với những trang thiết bị tiện nghi và sang trọng chẳng kém gì khách sạn hạng sang trên đất liền. Quầy bar, bể bơi, thư viện, nhà hàng, phòng tập gym, xông hơi, tất cả đều đủ, chẳng thiếu thứ gì.
Ngày Titanic rời cảng Southampton của Anh Quốc để hướng đến New York hoa lệ, ai cũng nghĩ chuyến hải trình sẽ thành công tốt đẹp, và danh tiếng của con tàu này, cũng như công ty hàng hải White Star Line sẽ lên đến tận mây xanh.
Nào ngờ, mới chỉ xuất phát được 4 ngày, Titanic đã hứng chịu số phận nghiệt ngã. Toàn bộ con tàu cùng hàng tấn hàng hóa chìm xuống đáy đại dương.
1517 người ra đi mãi mãi.
Đã có rất nhiều bài báo, phóng sự, tài liệu nghiên cứu mổ xẻ về tai nạn của Titanic. Nhưng, chúng đều chỉ là góc nhìn từ người ngoài cuộc. Vậy, những hành khách trên tàu thực sự cảm thấy gì vào đêm định mệnh? Liệu quang cảnh và những cảm xúc vào thời điểm đó có giống như truyền thông mô tả?
Để giải đáp những câu hỏi trên, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng trải nghiệm lại những thời khắc cuối cùng của Titanic, dưới góc nhìn của Lawrence Beesley, một nhà báo, giáo viên người Anh, và cũng là một trong những người may mắn sống sót sau tấn bi kịch vào tháng 4/1912.
Bài viết sau đây được biên tập, và lược dịch từ cuốn sách “The Loss of the SS. Titanic” do chính Beesley chấp bút, xuất bản 9 tuần sau khi ông trở về từ vụ tai nạn thảm khốc. Nội dung trong bài được trích từ chương III và IV của cuốn sách, mô tả kỹ những gì đã xảy ra trước, trong và sau khi Titanic chìm.
Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về Titanic cũng như hành trình của nó, link dẫn đến nội dung cuốn sách được đính ở cuối bài viết.
Còn bây giờ, hãy cùng nghe những tâm sự của Beesley nào.
23H15 NGÀY 11/4/1912 - 30 PHÚT TRƯỚC VỤ VA CHẠM
Tôi may mắn giữ được một phòng có giường tầng cho riêng mình - D56. Phòng tôi khá gần quầy rượu, quả là điều kiện tuyệt vời để thăm thú và tìm hiểu thêm về Titanic. Trong một con tàu bự thế này, bạn nên cân nhắc ở khoang D, bởi nó chỉ cách boong tàu cao nhất có 3 tầng.
Sau khi thay quần áo, tôi leo lên giường đọc sách. Trong khoảng thời gian này, tôi thấy tàu rung lắc hơn nhiều, nhưng chỉ nghĩ là do tăng tốc độ từ khi nhổ neo ở Queenstown thôi. (Chú giải: Queenstown - Một thị trấn thuộc New Zealand, và là một trong những điểm đến của tàu Titanic).
Giờ nghĩ lại, tôi nhận ra đó chính là nguyên nhân dẫn đến cú va chạm. Có hai cơ sở dẫn tôi đến kết luận này.
Thứ nhất, khi tôi ngồi trên sofa để thay quần áo, tôi đã thấy tiếng rung dữ dội ở động cơ bên dưới. Và thứ hai, khi đọc sách trên giường tầng, tôi thấy tấm nệm cũng rung lắc nhiều hơn bình thường.
Từ hai quan sát này, và giả định rằng tốc độ cao sẽ dẫn đến độ rung lớn, tôi cho rằng khi chuẩn bị va chạm với tảng băng trôi, chúng tôi đã di chuyển với tốc độ cao nhất kể từ khi bắt đầu hành trình.
Thế rồi, tôi dán mắt vào những trang sách trong màn đêm tĩnh mịch, bên tai chỉ là những âm thanh líu ríu lọt qua ống thông khí, khi những nhân viên phục vụ nói chuyện và rảo bước dọc hành lang. Gần như tất cả hành khách đã lui về buồng của họ; người thì say giấc, người đang trút bỏ xiêm y.
23H45 NGÀY 11/4/1912 - TITANIC VA CHẠM VỚI TẢNG BĂNG TRÔI
Đoạn, tôi cảm thấy một chấn động gì đó. Nhưng, nó chỉ như máy tàu làm việc nặng thêm một ít, và tấm niệm rung lắc hơn chút đỉnh. Không có âm thanh va đập gì cả. Bấy giờ, tôi chỉ nghĩ là tàu chạy nhanh hơn một chút thôi. Nói cách khác, khi Titanic bị tảng băng trôi đâm toạc, khiến nước tràn vào thân máy, chúng tôi không cảm nhận được chút dấu hiệu nào.
Tôi cứ vô tư như vậy mà đọc sách tiếp. Những âm thanh thầm thì vẫn phát ra từ hành lang và các phòng kế bên, chẳng có gì khác cả. Không một tiếng khóc, không một hồi chuông báo động, không một ai sợ hãi.
Nhưng, chỉ ít lâu sau, động cơ chậm dần, rồi dừng hẳn. Những chuyển động rung lắc mà chúng tôi đã dần quen sau 4 ngày lênh đênh trên biển cũng dần biến mất. Đó là dấu hiệu bất thường đầu tiên. Chúng tôi đều cảm thấy tim mình bị hẫng một nhịp. Tiếng đồng hồ khi trước chẳng ai để tâm, giờ lại ồn ào đến lạ.
Vậy là phần động cơ của con tàu đã đưa rất nhiều hành khách băng qua biển lớn đã ngừng hoạt động.
Quyết tìm hiểu thêm cho yên tâm, tôi nhảy khỏi giường, khoác áo choàng bên ngoài bộ đồ ngủ, rồi đi ra sảnh lớn ngay gần quầy rượu. Một anh chàng phục vụ tựa mình ở cầu thang, chắc đang đợi đến khi phòng hút thuốc tắt đèn để đi ngủ. Tôi yêu cầu được lên boong tàu để kiểm tra tình hình. Anh ta chỉ mỉm cười đầy bao dung khi tôi băng qua, và nhắc nhở rằng trên đó lạnh lắm.
Tôi leo hết ba cầu thang, mở cánh cửa lớn dẫn tới boong trên cùng. Ngoài trời lạnh khủng khiếp, đến mức khoác áo choàng rồi, tôi vẫn thấy như cắt da cắt thịt.
Thông qua cửa sổ của một căn phòng hút thuốc, chúng tôi thấy một nhóm người đang chơi bài, xung quanh còn có nhiều khán giả. Tôi bèn nhập hội, hỏi thử xem họ có biết gì đáng chú ý không.
Nhóm tay chơi cảm thấy tàu di chuyển nặng nề hơn đáng kể, nhưng họ cũng không ra ngoài để xem xét thêm.
Trước đó, có người đã nhìn thấy tảng băng trôi khổng lồ vượt quá cả boong tàu. Anh ta kêu gọi sự chú ý của cả bọn. Tất cả nhìn tảng băng trôi khỏi tầm mắt, và ván bài lại tiếp tục.
Tôi tiếp tục hỏi về chiều cao của tảng băng. Chín người mười ý, người bảo hơn 30m, người lại nói hơn 18m. Thế rồi, một tay kỹ sư cơ khí lên tiếng:
Chà, với tư cách một người có kinh nghiệm đo đạc, tôi cho là nó cao từ 24 đến 27m.
Phán đoán ấy khá là đáng tin. Nhờ đó, tôi có thể đưa ra phỏng đoán về sự cố với Titanic. Dường như mạn phải của tàu đã sượt qua một tảng băng trôi. Vì vậy, thủy thủ đoàn phải dừng lại gấp, để xem có vấn đề gì không.
“Tôi đoán là tảng băng đã cạo mất một miếng sơn.” Một người nói. “Chừng nào tàu chưa được sơn lại, thì thuyền trưởng sẽ không cho chúng ta đi đâu.”
Thảy đều phá lên cười trước câu đùa đó. Tội nghiệp thuyền trưởng - chỉ có ông ấy mới biết sự tình đang nghiêm trọng thế nào.
Xong xuôi câu chuyện, tôi vẫn ở trên boong, đi bộ lòng vòng cho ấm người, và kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường nào khác không.
Thế rồi, Titanic tiếp tục di chuyển thật chậm trên mặt nước, hai bên mạn tàu trải dài bọt trắng. Thôi thì đi chậm còn hơn không.
Tôi trở xuống buồng của mình. Trên đường ra cửa lớn, tận mắt tôi thấy một sĩ quan đang treo mình bên chiếc xuồng cứu hộ cuối cùng ở mạn trái. Anh ta dỡ bỏ tấm bạt phủ, nhưng chẳng ai chú tâm. Rõ ràng, không một hành khách nào nghĩ họ phải rời Titanic đột ngột đến vậy. Nãy giờ làm gì có biến căng đâu. Êm đềm đến vậy, thấy hoảng mới là lạ.
Lúc chuẩn bị xuống cầu thang, tôi nhìn lại và thấy rõ ràng tàu bị nghiêng về phía trước. Tuy nhiên lúc đó, độ nghiêng là không đáng kể, nên ít người để tâm. Đến lúc bước xuống, tôi mới thấy rất lạ - đó là cảm giác mất thăng bằng, không thể di chuyển tự nhiên.
00H NGÀY 12/4/1912 - QUÁ TRÌNH CỨU HỘ BẮT ĐẦU
Tôi trở về phòng, mặc thêm đồ lót, rồi ngả ra sofa đọc sách. Đâu đấy được 10 phút, thì nghe tiếng người di chuyển như thác đổ. Một tiếng hét vang vọng từ bên trên: “ Tất cả hành khách mau mặc áo phao, và di chuyển lên boong tàu!!”
Tôi bèn cất hết sách, khoác áo phao, rồi nhanh chóng di chuyển theo tiếng gọi. Đến nơi, tôi đã thấy rất nhiều gương mặt. Người thì áo ấm, khăn khố kín bưng, sẵn sàng cho mọi tình huống. Người chỉ khoác vội tấm áo mỏng - rõ ràng là thiếu thốn trong cái rét thấu xương thế này.
May là không có cơn gió nào lùa vào quần áo chúng tôi, vì Titanic đã yên vị trên mặt biển. Nó điểm tĩnh, lặng im, thậm chí còn chẳng đung đưa theo từng cơn sóng vỗ. Mặt biển Đại Tây Dương cũng thật phẳng lặng, hiền hòa, như muốn vỗ về con tàu lớn. Một quang cảnh khiến người ta thật an lòng.
Ngay lúc ấy, dấu hiệu cho một cuộc thảm họa lại rõ ràng hơn bao giờ hết: Qua cột khói lớn, những lò đốt rống rít lên thống thiết. Không gian nhanh chóng bị bao trùm trong tiếng ồn khủng khiếp, đến mức đứng sát nhau mà vẫn khó nói chuyện. Cứ tưởng tượng 12 đầu máy xe lửa rồ lên cùng lúc, có lẽ bạn sẽ hình dung được thứ âm thanh tràn vào màng nhĩ của chúng tôi.
Ai cũng biết tàu hỏa sẽ xả khói khi nghỉ ngơi ở sân ga. Thế thì tại sao Titanic không làm điều tương tự? Lời giải thích hợp lý nhất, là lò đốt đã bị nổ rồi. Vậy mà chẳng có ai bàn tán về chuyện đó. Tôi chỉ có thể nghĩ là nhiều người đã biết quá rõ, đến độ không cần bàn luận thêm nữa; bởi từ lúc tôi đặt chân lên boong tàu, cho đến khi chiếc xuồng cứu hộ thứ 13 xuất phát, rất ít hành khách nói chuyện với nhau.
Tôi không nói quá đâu. Không một cảnh báo nào được đưa ra, không một tiếng khóc sợ hãi, không ai chạy đi tìm hiểu ngọn ngành vấn đề, hay là thắc mắc vì sao toàn bộ hành khách lại phải mặc áo phao và di chuyển lên boong tàu. Chúng tôi chỉ đứng chôn chân, nhìn thủy thủ đoàn chuẩn bị từng chiếc xuồng cứu hộ. Hàng dài người, cả đàn ông và phụ nữ, đều im lặng chờ lệnh.
00H20 NGÀY 12/4/1912 - XUỒNG CỨU HỘ CHUẨN BỊ RỜI TITANIC
Khi đội cứu hộ đang khẩn trương làm việc, một vị sĩ quan bước ra từ khoang hạng nhất, ra lệnh rất lớn và dõng dạc:
Tất cả phụ nữ và trẻ em mau xuống xuồng cứu hộ, còn đàn ông lui lại phía sau!
Đoàn người nhanh chóng làm theo. Có vài người phụ nữ không muốn rời xa chồng, nhưng rồi cũng xuống thuyền. Bấy giờ, hàng dài xuồng cứu hộ và thủ tục phân chia nam nữ đã khiến chúng tôi nhận ra nguy hiểm đang cận kề. Nhưng, tinh thần của mọi người vẫn y nguyên: Tất cả đều sẵn sàng nghe lệnh, và chuẩn bị cho những bước tiếp theo. Có điều, tôi không nghĩ mọi người đều hiểu chuyện. Họ chỉ hành động theo bản năng đã được lập trình về việc tôn trọng và thực thi luật pháp.
Và rồi, một sự kiện xảy ra khiến chúng tôi bừng tỉnh. Một tia sáng lóe lên từ đầu tàu, tạo ra thứ âm thanh cao vút, thu hút ánh mắt của tất cả hành khách. Một quả pháo bắn thẳng lên không trung, hướng về phía những vì sao lấp lánh. Nó lên cao, cao mãi, rồi phát nổ, như muốn xé bầu trời làm đôi. Rồi đến quả thứ hai, thứ ba..
Ai đó lí nhí:
Pháo sáng..
Chúng tôi đều hiểu điều đó nghĩa là gì. Titanic đang thật sự gặp nguy, và tín hiệu cầu cứu đang được phát cho bất cứ ai đủ gần.
Thủy thủ đoàn lên xuồng cứu hộ trước. Sau đó, mỗi chiếc lại được thả xuống khoang B để đón phụ nữ và trẻ em. Khi xuồng đã đủ người, nó sẽ từ từ tiếp cận mặt biển. Chẳng mấy chốc, đã có 4 xuồng sẵn sàng xuất phát.
Chỉ ít lâu sau, tôi đã thấy vài chiếc xuồng từ từ di chuyển xa khỏi Titanic. Thủy thủ đoàn đều nắm chắc tay chèo. Họ chìm vào bóng tối, im lặng và dứt khoát.
Chợt, bên dưới tôi vọng lên tiếng ai đó nói mà như rên:
Còn chị em nào chưa lên xuồng không?
Tôi đánh mắt xuống dưới, và thấy chiếc xuồng thứ 13 đang treo lơ lửng bên khoang B. Hành khác, thủy thủ đoàn đều đủ cả, phụ nữ thì hơn một nửa. Dù xuồng đã quá tải đến nơi, nhưng người thủy thủ vẫn gặng hỏi xem có còn sót nữ hành khách nào không.
Tôi trả lời: “Không.”
Anh thủy thủ nói vội: “Thế thì anh nên nhảy xuống luôn đi.”
Tôi bèn leo vắt vẻo lên mạn tàu, ném áo choàng, rồi thả mình xuống phần đuôi xuồng.
Sau khi hạ cánh an toàn, tôi lại nghe thấy ai đó nói: “Khoan đã. Còn hai quý cô nữa này.”
Hai người phụ nữ trèo xuống ngay lập tức. Một người ngồi cạnh tôi, một người ngồi ở phần thân xuồng. Hai người đều đến từ những khoang dưới. Họ không leo lên khoang B bằng thang bộ thông thường, mà qua những chiếc thang tay ngoài trời vốn chỉ dành cho thuyền viên. Đến giờ họ mới xuất hiện, vì một trong hai người không được dẻo dai. Cô ấy phải mất nhiều thời gian lắm mới trèo hết được chiếc thang tay.
Cuối cùng, xuồng của chúng tôi đón thêm một gia đình với hai vợ chồng và một đứa trẻ sơ sinh nữa, rồi mới chính thức rời Titanic.
Thành viên thủy thủ đoàn trên xuồng của chúng tôi toàn là đầu bếp và nhân viên phục vụ, nhưng đầu bếp thì nhiều hơn. Những tấm áo trắng của họ sáng rực trong đêm tối.
Cứ hai người một tấm mái chèo, chúng tôi cố gắng di chuyển tới khu vực an toàn. Nhưng than ôi, trên xuồng toàn là tay mơ. Mái chèo liên tục bị va đập, rồi mắc kẹt vào nhau. Nếu chúng tôi phải nhanh tay mới được an toàn, thì mọi chuyện hẳn đã tệ đi rất nhiều.
Cả xuồng chỉ biết gào thét, hỏi nhau giờ đi đâu, làm gì. Không một ai có kiến thức để xử lý tình huống kiểu thế này. Cuối cùng, câu hỏi được đặt ra là: “Ai sẽ đứng lên dẫn dắt đây?”
Không ai xung phong. Chúng tôi đành tiến cử anh chàng thợ lò ngồi phía cuối. Kể từ đó, anh ấy điều hướng, giao tiếp và giữ liên lạc với những nhóm khác. Thế nhưng, chúng tôi vẫn không biết phải làm gì.
Một kế hoạch đơn giản được đưa ra: Tất cả xuồng cứu hộ phải di chuyển gần nhau, và xa khỏi Titanic nhất có thể, cho đến khi có ai đó ứng cứu. Thủy thủ đoàn đã trao đổi qua bộ đàm trước cả khi rời Titanic, nhưng họ chỉ nói về Olympic, như thể chắc chắn rằng con tàu ấy sẽ đến cứu mọi người.
Giải thích của người dịch: Olympic là con tàu của công ty White Star Line, cha đẻ của Titanic. Tuy ra đời sớm hơn Titanic, nhưng con tàu này lại có thời gian hoạt động lâu nhất, từ 1911 - 1935. Tàu Olympic còn được sử dụng trong thế chiến thứ nhất, và đã từng bắn hạ chiến hạm U- 103 của quân Đức.
Ngược lại, chúng tôi không nghĩ cô chị của Titanic là hy vọng duy nhất. Chắc chắn tín hiệu kêu cứu đã được truyền đi khắp nơi, và chỉ đến chiều mai thôi, xung quanh đây sẽ xuất hiện rất nhiều tàu giải nguy. Quả đúng như vậy. Có đến 8 con tàu cách chúng tôi khoảng 300 dặm, gần hơn Olympic rất nhiều.
Khi xuồng cứu hộ trôi xa dần, chúng tôi mới ngoái lại nhìn Titanic. Trời ơi, đó là quang cảnh vừa hùng tráng, vừa bi thương, mà cả đời này tôi sẽ không quên. Thật sự không một từ ngữ nào miêu tả hết được.
Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức, để giúp các bạn mường tượng.
Trước hết, điều kiện thời tiết phải nói là phi thường. Màn đêm đẹp đến huyền ảo: Trời không một gợn mây, để lộ hàng ngàn vì tinh tú. Sao sáng, và dày đến mức che mờ cả sắc tối của nền trời. Mỗi lúc, chúng lại gần hơn, rực rỡ hơn. Tôi cứ nghĩ về cảnh những vì sao trò chuyện, thông báo rằng một con tàu siêu hiện đại ở Trái Đất vừa gặp nạn, và chúng không thể kiềm lòng, mà phải chạy xuống xem sự tình thế nào.
Trời đêm nhưng không một gợn sương còn tạo ra một hiện tượng độc nhất vô nhị: Đường chân trời bỗng nhiên thật rõ ràng, thẳng thớm, hệt như một lưỡi dao. Nhờ đó, nền trời và mặt nước nghiễm nhiên chia thành hai phần tách biệt. Những vì sao có xuống sát mặt biển, trông vẫn thật lộng lẫy.
Khi thủy triều lên, đường chân trời như cắt những đốm sao thành đôi. Chúng tiếp tục phát sáng dù chỉ còn phân nửa, và soi rọi chúng tôi từ mãi đằng xa.
Trời đẹp là vậy, nhưng không khí thì lạnh vô cùng. Lại là một trải nghiệm chưa từng có. Không một cơn gió nào lướt qua, nhưng ai cũng rét run cầm cập. Hãy thử hình dung bà chúa tuyết không bay nhảy nữa, mà chỉ đứng im, bất động, phả hơi lạnh tứ phía, đó chính là cảm giác của tất cả chúng tôi.
Ở trung tâm của cảnh tượng đó chính là Titanic. Nó hoàn toàn bất động, như thể cú va chạm với tảng băng trôi đã rút cạn dũng khí, nên nó cần được nghỉ ngơi để tự cứu mình.
Nhưng, ngay cả biển cả cũng không thể xoa dịu nó. Titanic cứ thế chìm dần, chìm dần xuống lòng nước như con thú hoang mắc bẫy.
Chỉ vài tiếng trước thôi, biết bao người đã đọc sách, thưởng rượu, tận hưởng âm nhạc đầy vui sướng trong sự bao bọc của nó. Vậy mà giờ đây, tất cả phải chèo thuyền ra thật xa, vì con tàu vĩ đại ấy sắp chìm vào hư vô.
Càng lúc, Titanic càng lún sâu xuống đại dương, đầu tàu chúc xuống, đuôi tàu hướng lên trên. Rõ ràng, nó không còn nhiều thời gian. Thấy vậy, thuyền trưởng của chúng tôi bèn yêu cầu đưa xuồng ra xa nhất có thể. Một quyết định khôn ngoan, bởi hai lý do:
Thứ nhất, khi tàu chìm, nó sẽ tạo ra cơn sóng nuốt gọn những vật thể xung quanh. Chúng tôi sẽ không thể chống chọi trước dư chấn đó, vì trên xuồng toàn là người không biết chèo thuyền. Thứ hai, vụ nổ lò hơi sẽ bắn những mảnh vụn ra ngoài với bán kính tương đối lớn. Đứng gần có khi hứng trọn.
2H15 NGÀY 12/4/1912 - CÁI CHẾT CỦA TITANIC
Khoảng 2 giờ 15, chúng tôi đã cách Titanic khoảng 1 đến 2 dặm, và lênh đênh trên biển được tiếng rưỡi, trên một chiếc xuồng chật ních. Ngoảnh đầu nhìn lại, con tàu khổng lồ vẫn nằm trong tầm mắt.
Lúc này, nước đã tràn hết vào boong lái. Chúng tôi chỉ còn được thấy Titanic vài phút nữa là nhiều. Tất cả lặng thinh quan sát, có người gục đầu vào vai nhau.
Một cảnh tượng kinh hoàng xảy ra. Titanic dựng đứng lên, cho đến khi thân tàu tạo thành góc 90 đô với mặt nước. Toàn bộ hệ thống đèn chỉ kịp nháy lên trong thoáng chốc, rồi phụt tắt. Một âm thanh vang lên, nhiều người cho đó là vụ nổ, nhưng tôi không nghĩ vậy.
Đó là tiếng của động cơ, máy móc bị long khỏi ốc vít và chốt bám. Chúng rơi tự do, nghiền nát mọi thứ trên đường đi. Tiếng thét, tiếng rên, tiếng kim loại lạo xạo, và tiếng va đập, tất cả trộn lẫn vào nhau. m thanh đó, nó không nổ ra đột ngột rồi thôi, mà kéo dài trong khoảng 15 đến 20 giây, khi những phần máy móc nặng nhất dần trôi xuống. Hẳn là chúng đã phá vỡ đầu tàu.
Tiếng động ấy, chắc chưa ai từng nghe, mà nghe một lần thôi cũng là quá đủ. Nó choáng váng, dữ dội, như thể ai đó chất hết đồ đạc nặng nhất trong nhà lên tầng cao rồi ném xuống vậy.
Tiếng động ấy, chắc chưa ai từng nghe, mà nghe một lần thôi cũng là quá đủ. Nó choáng váng, dữ dội, như thể ai đó chất hết đồ đạc nặng nhất trong nhà lên tầng cao rồi ném xuống vậy.
Một tấn thảm kịch chưa từng có. Con tàu bị gãy làm đôi, và nửa thứ hai dựng đứng trên mặt nước. Có người đã thử phác họa lại hình ảnh ấy trên tàu cứu hộ Carpathia, nhưng với tôi, nó không thể mô tả lại những gì đã diễn ra.
Âm thanh kinh hoàng kia cuối cùng cũng chấm dứt. Chúng tôi chỉ còn thấy phần đuôi tàu của Titanic dựng đứng đầy cô độc trong bóng tối. Nó giữ nguyên tư thế đó chừng năm phút, rồi nhanh chóng thu minh xuống mặt biển. Chẳng còn lại gì nữa. Chúng tôi vừa tận mắt chứng kiến thời khắc cuối cùng của R.M.S Titanic.
Nỗi cô đơn đến vô hạn chợt xâm chiếm chúng tôi. Không còn Titanic, chúng tôi chỉ là hạt cát dễ vỡ giữa không gian bất tận.
Titanic chìm rồi, nhưng chẳng có đợt sóng dư chấn, hay mảnh vụn nào bắn ra. Đổi lại là thứ âm thanh thật tang tóc mà chúng tôi chỉ muốn quên đi: Đó là tiếng khóc của hàng trăm người bạn đồng hành đang phải vật lộn dưới biển khơi lạnh giá.
Thật sự không thể tin nổi. Từ khi rời Titanic, chúng tôi đâu có nghe thấy gì bất thường. Thực ra, chúng tôi cũng không hề biết có bao nhiêu chiếc xuồng cứu hộ. Thủy thủ đoàn có thể biết hoặc không. Mà kể có biết, họ cũng chẳng nói lấy một lời.
Những tiếng khóc vang vọng giữa đêm đen khiến chúng tôi như chết đứng. Ai cũng muốn quay đầu ứng cứu, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Nhưng rốt cuộc, chúng tôi không thể. Xuồng đã chật đến mức chỗ đứng còn chẳng có, quay lại thì lật úp mất.
Vì thế, anh thuyền trưởng bất đắc dĩ buộc phải hạ lệnh chèo xuồng ra xa nhất có thể. Chúng tôi cố cất tiếng hát để xua tan suy nghĩ về những người xấu số, nhưng làm gì còn tâm trạng mà ngân nga.
Những tiếng khóc bi thương, ban đầu còn dày đặc và vang vọng, rồi nhỏ dần, nhỏ dần. Trời quang, nước lặng, nên những tiếng khóc than phải vang xa nhiều dặm, hơn khoảng cách giữa chúng tôi với nơi từng là vị trí của Titanic rất nhiều. Nhưng, không ai đến kịp.
3H NGÀY 12/4/1912 - DƯ CHẤN
Khoảng 45 phút sau khi tàu chìm, tiếng khóc đã ngưng. Áo phao có thể cho người ta thêm nhiều giờ đồng hồ, nhưng lòng nước buốt giá thì không.
Về phần những người may mắn sống sót trên xuồng, tất cả đều có chung ý nghĩ, rằng sẽ làm mọi thứ, đánh đổi tất cả để ngăn tấn thảm kịch tương tự tái diễn, không chỉ vì những người đã mất, mà còn cho chính họ nữa.
Thử nghĩ mà xem. Chỉ cần có thêm vài chiếc xuồng đơn giản, làm từ gỗ mộc với giá cả phải chăng, là tất cả hành khách đã về nhà an toàn. Sẽ không có bầu không khí đau thương nào nữa, và những dòng tâm sự này cũng chẳng cần phải viết ra.
Lời người dịch
Titanic chìm vào khoảng 2 giờ 20 đến 2 giờ 30 sáng ngày 12/4/1912. Mặc dù những phương tiện xung quanh đã nhận được tín hiệu cầu cứu từ khá lâu trước đó, nhưng họ mất rất nhiều thời gian mới tìm thấy nạn nhân.
Vậy là, đến 4 rưỡi chiều hôm sau, Lawrence Beesley cùng những người khốn khổ khác mới được đặt chân lên con tàu Carpathia để trở về đất liền. Dù vậy, họ vẫn may mắn hơn rất nhiều so với hàng dài người bỏ mạng ngay giữa Đại Tây Dương. Có người ra đi mà mặt tím tái, môi khô quắt lại. Có người hoảng sợ tột cùng, không kịp nhắm mắt.
Và có người vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu.
Kết
Đó là cái kết bi thảm của Titanic, theo góc nhìn của người tận mắt chứng kiến. Trên thực tế, Beesley còn tường thuật lại cảm giác của những người không thể lên xuồng cứu hộ, nhưng bài đã dài, nên mình xin phép dừng lại ở đây.
Nếu mọi người muốn nghe thêm về câu chuyện đó, hoặc là những khía cạnh khác, như là sự hoành tráng của Titanic, ngày mà con tàu này ra khơi, hay là những bài học đắt giá sau vụ tai nạn, thì hãy để lại bình luận nhé, mình sẽ tiếp tục nghiên cứu cuốn sách của ông Beesley để tường thuật thêm.
Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã đọc đến đây.
Link nội dung cuốn The Loss of The SS.Titanic
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất