Phê bình giả thuyết Khu rừng Đen tối trong bộ Chuyện cũ Trái Đất của Lưu Từ Hân
Phê bình giả thuyết Khu rừng Đen tối trong bộ Chuyện cũ Trái Đất của Lưu Từ Hân trong 2500 chữ.
Chuyện cũ Trái Đất, vẫn thường được gọi dân dã là Tam thể, là bộ truyện khoa học viễn tưởng của tác giả người Trung Quốc, Lưu Từ Hân. Bộ này khá nổi tiếng trong giới đọc khoa học viễn tưởng, và cái nổi tiếng nhất trong bộ truyện chính là giả thuyết Khu rừng Đen tối (Dark Forest hypothesis). Do bộ truyện thuộc dạng hard sci-fi (tức truyện khoa học viễn tưởng nhưng vẫn đề cao tính chính xác và logic của khoa học trong truyện) nên tôi sẽ phê bình giả thuyết ấy bằng các kiến thức khoa học trong thực tế.
Do đó, bài viết này không đánh giá toàn bộ bộ truyện, mà chỉ tập trung vào giả thuyết Khu rừng Đen tối do Lưu Từ Hân đề ra trong truyện mà thôi. Trước khi đọc hết bộ Chuyện cũ Trái Đất, thi thoảng tôi vẫn thấy các ý kiến mà một số bạn trẻ khi bàn luận về bộ truyện này cho rằng: Người hiện đại hiền quá nên không đủ sức đề kháng trước các biến cố cuộc sống, đặc biệt là khi nổ ra chiến tranh; nói tóm lại, xã hội nhân văn cao là xã hội đi ngược với mong muốn sinh tồn, do đó dễ tuyệt diệt.
Hồi đó vì chưa đọc hết bộ Chuyện cũ Trái Đất nên tôi không hiểu gì, giờ đọc xong mới hiểu nguồn gốc của suy nghĩ nông cạn trên đến từ tập 2 và 3 của bộ truyện.
Tuy nhiên nếu đánh giá về cả bộ truyện này, tôi vẫn thấy là nó hay và đáng đọc. Cái hay nhất của Chuyện cũ Trái Đất, theo tôi thấy, là Lưu Từ Hân thấu hiểu và tiên đoán rất đúng hành vi của con người trong biến cố toàn cầu. Những gì ông ấy viết ra ở tập 2 có nhiều điểm trùng khớp với những gì xảy ra hồi COVID, trong khi ông ấy viết từ 2008. Ở tập 1, Lưu Từ Hân cho rằng tư tưởng chán ghét loài người là độc quyền của giới trí thức và tinh hoa, nhận định này là thứ tôi đánh giá cao.
Giả thuyết Khu rừng Đen tối dựa trên hai tiên đề:
1. Sinh tồn là nhu cầu cao nhất và phổ quát của mọi nền văn minh.
2. Tài nguyên trong vũ trụ là hữu hạn, trong khi dân số của mọi nền văn minh có thể tăng vô hạn.
Và hai khái niệm quan trọng:
1. Chuỗi ngờ vực: Các nền văn minh không bao giờ tin tưởng nhau.
2. Bùng nổ công nghệ: Nếu có đủ thời gian, nền văn minh nào cũng có thể đạt tới trình độ khoa học cao đến mức chế tạo được vũ khí huỷ diệt cả vũ trụ.
Giả thuyết Khu rừng Đen tối cho biết rằng, sở dĩ các nền văn minh (NVM) khó tìm thấy nhau trong vũ trụ, bởi các NVM luôn muốn giấu mình. Nếu để lộ mình, chắc chắn sẽ bị NVM khác tiêu diệt, vì dựa trên hai tiền đề và hai khái niệm nêu trên: Nếu đã không thể tin tưởng để hợp tác với nhau, kết hợp với sự tranh giành tài nguyên hữu hạn của vũ trụ, thì tiêu diệt nhau là tất yếu; và phải tiêu diệt ngay vì bùng nổ công nghệ có thể khiến đối thủ mạnh hơn mình bất cứ lúc nào.
Lưu Từ Hân ví von vũ trụ là khu rừng đen tối và các NVM là thợ săn, ví von này có nhiều điểm khập khiễng nhưng nó giúp người đọc dễ hiểu hơn, và cái tên Khu rừng Đen tối cũng từ đây mà ra.
Vấn đề đầu tiên của giả thuyết này là nó dựa trên hệ tư tưởng lỗi thời Malthusianism. Malthusianism được công nhận trong các trường lớp là đã không còn áp dụng được kể từ sau Cách mạng Công nghiệp.
Thời xưa, người ta nhìn thế giới như một cái bánh, ai lấy miếng bánh quá to đồng nghĩa với sẽ có người phải lấy miếng bánh quá nhỏ. Do vậy mà các tôn giáo và văn học dân gian thường coi người giàu là tội nhân. Nhưng với sự ra đời của tín dụng và chủ nghĩa tư bản, chúng ta được thấy là tất cả mọi người đều có thể giàu hơn, cái bánh càng ngày càng lớn chứ không hữu hạn.
Sự phát triển của công nghệ sẽ còn ảnh hưởng sâu sắc hơn. Thực tế hiện nay là những người và quốc gia càng giàu càng ít sinh sản lại, họ ưu tiên hạnh phúc cá nhân hơn sự phát triển của loài. Mà trong Chuyện cũ Trái Đất, khoa học của người Tam Thể đã có thể tái tạo nguyên một người chỉ từ bộ não, có thể nói con người thời ấy gần như bất tử.
Tinh thần nhân văn cao, vật chất dư dả nhờ bùng nổ khoa học, kết hợp với hiểu biết rằng quá tải dân số có thể dẫn đến chiến tranh vũ trụ, thì ắt hẳn việc kiểm soát dân số dễ làm hơn nhiều, và cũng là khả năng dễ xảy ra nhất. Lúc ấy ngay đến cái chết cũng không phải thứ đáng sợ, vì nó sẽ chỉ xảy ra khi một cá thể cảm thấy nhàm chán với cuộc sống và tự nguyện an tử để nhường chỗ cho một cá thể mới ra đời.
Điều này không đi ngược với tiên đề thứ nhất, bởi chính việc kiểm soát dân số là thứ giúp loài người sinh tồn dài lâu, và ngay cả trường hợp buộc phải kiểm soát bằng cách cưỡng bách (không cứ là dùng bạo lực, có thể dùng máy thao túng niềm tin – thứ đã tồn tại trong Chuyện cũ Trái Đất), thì vẫn đơn giản hơn và hoà bình hơn so với viễn cảnh chiến tranh vũ trụ.
Nói tóm lại, một khi đã cân bằng được giữa dân số và khả năng sản xuất nhu yếu phẩm – tài nguyên đã không còn là vấn đề vì thế giới trong truyện dùng năng lượng mặt trời – vấn đề còn lại chỉ là tuổi thọ của một ngôi sao. Mà việc khai thác năng lượng mặt trời không khiến Mặt Trời chết nhanh hơn được. Mặt Trời rồi sẽ chết, nhưng là chết đúng theo tuổi định sẵn. Khi nào một ngôi sao chết thì đành di cư sang hệ sao khác thôi.
Hành động tiêu diệt NVM bằng cách tiêu diệt ngôi sao – mà tác giả dùng trong truyện – hoàn toàn không giải quyết được vấn đề này.
Vấn đề thứ hai của giả thuyết Khu rừng Đen tối là tác giả phóng chiếu quá nhiều đặc điểm của con người cho người ngoài hành tinh (NNHT). Rất có thể NNHT không hít oxy mà quang hợp, không ăn protein mà ăn kim loại, thậm chí giống như symbiote, NNHT không cạnh tranh mà chỉ cần cộng sinh với chúng ta. Vậy thì áp dụng Malthusianism vào đây là hoàn toàn vô nghĩa.
Nhưng ngay cả khi chúng ta chấp nhận sự phóng chiếu thái quá của Lưu Từ Hân, thì hành động tiêu diệt NVM khác vẫn không hề hiệu quả với sinh tồn.
Có thể chắc chắn rằng Lưu Từ Hân đã tham khảo Song đề Tù nhân (Prisoner's Dilemma) khi viết Chuyện cũ Trái Đất, và hẳn cũng biết rằng Song đề Tù nhân nếu chỉ được chơi một lần, người chơi luôn lựa chọn phản bội nhau; nhưng nếu được chơi nhiều lần, người chơi sẽ tự khắc hợp tác với nhau để đôi bên cùng có lợi. Chắc chắn ông ấy biết, vì cuối tập 3 ông ấy cho một NVM kêu gọi cả vũ trụ hợp tác, khi mà cả vũ trụ đã toang hoác.
Thực chất, tính vị tha của các loài cũng được hình thành như vậy trong cuộc tiến hoá. Tính vị tha được bắt nguồn, từ sâu xa, chính ở tính vị kỉ. Làm điều tốt cho tha nhân cũng bởi vì nó cũng tốt cho bản thân mà thôi.
Nếu đã phóng chiếu NNHT cũng là động vật bầy đàn như chúng ta, cũng trải qua tiến hoá như chúng ta, thì chắc chắn họ sẽ tìm cách hợp tác chứ không phải tuỳ tiện tiêu diệt.
Ngay cả trong trường hợp khoa học của chúng ta quá thấp, không có gì đáng để họ học hỏi cả, thì việc tiêu diệt chúng ta vẫn hại nhiều hơn lợi cho họ. Bởi, vẫn đang tư duy theo giả thuyết Khu rừng Đen tối, hành động tiêu diệt một hệ sao chính là đang làm lộ vị trí của các NVM trong vũ trụ. Công nghệ thăm dò luôn đi trước công nghệ du hành, những NVM bậc cao có lẽ đã gửi Hạt Trí tuệ đến từng hành tinh, vẽ được bản đồ vũ trụ chi tiết đến từng thành phố. Việc cả một hệ sao bị tiêu diệt dĩ nhiên không qua mắt được họ.
Điều này chính xác khi áp dụng luôn vào vũ trụ trong truyện. Ngay từ tập 1, đã suýt có người Trái Đất giải được bài toán tam thể nhằm giúp hệ sao Tam Thể sống yên ổn rồi, vậy nên ngay từ tập 1 người Tam Thể vốn dĩ có lựa chọn hợp lí nhất là hợp tác. Ở tập 3, người Trái Đất có thể xây dựng thành phố không gian để sống ở mọi nơi trong Hệ Mặt Trời, công nghệ này cũng hoàn toàn giúp được người Tam Thể, ít nhất giúp họ sống phân tán ở nhiều nơi trong một hệ sao, không bị tuyệt diệt vì “bỏ hết trứng vào một giỏ”.
Nói chung cả hai phương án trên đều hiệu quả hơn phương án tiêu diệt nhau. Vì trong truyện, sau khi lộ vị trí vì đánh nhau qua lại, cả hai hệ sao đều chết chùm. Sau đó, với đòn tấn công hạ chiều không gian thì cả vũ trụ chết chùm.
Rõ ràng đánh nhau không phải là chiến lược sinh tồn tốt.
Vấn đề thứ ba, toàn bộ khung giàn cho cuộc chiến vũ trụ ở bộ truyện Chuyện cũ Trái Đất đều dựa trên học thuyết Đảm bảo Huỷ diệt Lẫn nhau (Mutual Assured Destruction – MAD) mà thôi. Kế hoạch vĩ đại của người diện bích La Tập cũng là học theo cái này (và do đó, sự phản đối dành cho người diện bích Rey Diaz trở nên thiếu logic đến ngớ ngẩn).
Cái mà MAD cho chúng ta thấy nhất không phải là thế giới nên sống hoà bình, mà là thế giới nên tuyệt đối tránh xa chiến tranh hạt nhân, vì đó chắc chắn sẽ là một cuộc tự sát tập thể.
Và cuộc chiến vũ trụ trong Chuyện cũ Trái Đất về bản chất chỉ là phiên bản ngoài không gian của cuộc chiến ở Trái Đất mà thôi, bởi vì phóng chiếu nhiều quá nên thật sự không hề có “tính vũ trụ” nào ở đó cả, ngoài tàu vũ trụ.
Nhưng nếu đã như vậy thì mọi thứ trong Chuyện cũ Trái Đất nên diễn ra giống với mọi thứ ở đời thực. Đó là các bên có thể có nhiều cách để gây chiến với nhau (qua văn hoá, kinh tế, khoa học) nhưng tuyệt đối không thể nổ ra chiến tranh bằng vũ khí huỷ diệt.
Chuỗi ngờ vực trong Chuyện cũ Trái Đất thực chất cũng là những gì đang diễn ra ở đời thực mà thôi. Các quốc gia hiện không gây chiến với nhau không phải vì tin nhau lương thiện, mà chỉ vì tin rằng đối phương có thể huỷ diệt hoàn toàn mình nếu mình manh động. Vậy nên các quốc gia chọn hoà bình.
Người Tam Thể cũng có niềm tin tương tự trước hành động răn đe để cả hai cùng chết của người Trái Đất, nhưng người Tam Thể vẫn chọn chiến tranh. Thật khó hiểu.
Các liên minh bảo an ở Trái Đất được hình thành cũng dựa trên MAD, nhưng trong bộ Chuyện cũ Trái Đất không có liên minh vũ trụ nào cả, đây cũng là một điểm bất hợp lí.
Vấn đề cuối cùng, dường như Lưu Từ Hân đang đánh giá thấp chủ nghĩa nhân văn, qua việc xây dựng các nhân vật nhân văn đều làm hỏng việc vì yếu đuối, những người làm được việc đều là người từ thời Công nguyên.
Nhưng như đã nói về MAD, người nhân văn không gây chiến không phải vì không đánh nhau được, mà vì họ nhìn thấy nhiều lựa chọn tốt hơn là đánh nhau.
Cuộc sống phát triển như trong Chuyện cũ Trái Đất chắc chắn sẽ sinh ra một nhóm người yếu đuối, thậm chí vô dụng vì thất nghiệp, do mọi thứ đều có máy móc làm, nhưng đấy là quần chúng, chứ giới lãnh đạo chắc chắn không như vậy, thậm chí còn phải cáo già hơn để chăn được bầy cừu vô dụng kia.
Ngoài ra cũng phải hiểu rằng có những cuộc cách mạng một khi đã nổ ra là không thể đảo ngược được, chủ nghĩa nhân văn nằm trong số đó. Con người một khi đã được biết đến tự do và nhân tính thì khó có gì khiến họ chịu đánh đổi để từ bỏ. Do đó, việc Lưu Từ Hân miêu tả con người trong Chuyện cũ Trái Đất có tính nhân văn rất cao, nhưng cuối cùng khi thảm hoạ đến vẫn ăn thịt và giẫm đạp nhau để sống, thế là không logic và không chính xác với thực tế.
Thảm hoạ toàn cầu gần đây nhất là COVID, những nhóm người sẵn sàng từ bỏ nhân tính để tìm chút an toàn đều là người ở các quốc gia đang phát triển kiểu Việt Nam. Ở các quốc gia phát triển họ còn biểu tình để không bị bắt đeo khẩu trang (tức bị xâm phạm vào quyền tự do), trong khi đó ở Việt Nam thì không chỉ bị bắt đeo khẩu trang mà, nặng nề hơn thế, còn bị giam lỏng trong nhà. Thế nhưng Việt Nam vẫn có được hạng người sẵn sàng đấu tố những ai đi ra đường.
Mỗi một loại “nhân tính” sẽ dẫn đến một kết quả chống dịch khác nhau, tôi đang không bàn về kết quả chống dịch, mà chỉ đang nói rằng: Trước cái chết không phải ai cũng cư xử như ai.
Có những người sẵn sàng thà chết để giữ được nhân tính.
Có những người sẵn sàng đấu tố cả cha mẹ để giữ chút an toàn.
Nói tóm lại, bộ Chuyện cũ Trái Đất có rất nhiều điểm sáng, đặc biệt là những đoạn về tâm lí con người trong biến cố toàn cầu, bài viết này của tôi chỉ phê bình sự vô lí của giả thuyết Khu rừng Đen tối, và một khía cạnh nhỏ trong cách tác giả viết về những người nhân văn mà thôi.
Tôi cũng ý thức rõ rằng với tác phẩm giả tưởng thì tác giả có thể không tin, hoặc không đánh giá cao, hoặc không mean những gì họ viết. Rất có thể nhiều đoạn vô lí được tác giả cố ý viết vào để tạo giật gân cho câu chuyện (chẳng hạn đoạn về người diện bích Rey Diaz), chứ không phải do tác giả kém quá nên mới viết ra thứ vô lí.
Khá trớ trêu, nhưng bỏ giả thuyết Khu rừng Đen tối ra thì bộ Chuyện cũ Trái Đất hay và logic hơn nhiều, thế cũng có nghĩa là bộ sách này nên dừng ngay ở tập 1.
TORNAD
21/04/2024
Hình ảnh được tạo nhờ AI
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất