Nhịn ăn từ lâu đã được coi là một liệu pháp chữa bệnh tự nhiên. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ dũng khí để thực hiện. Và cũng không có quá nhiều bằng chứng khoa học để giải thích cho phương pháp này. Nghiên cứu về cơ chế tự thực (autophagy) đoạt giải Nobel về y sinh năm 2016 cho thấy cơ thể của chúng ta có thể tự chữa lành. Quá trình chữa lành này được hỗ trợ nếu chúng ta cho cơ thể nghỉ ngơi hoàn toàn tức là nhịn ăn. Mối liên hệ này khiến cho các nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu kỹ càng hơn về liệu pháp nhịn ăn chữa bệnh. Dưới đây tôi dịch một bài viết về liệu pháp nhịn ăn ngắt quãng và lợi ích của nó trong việc chữa bệnh cũng như duy trì một sức khỏe lành mạnh của tác giả Andreas Michalsen (ông là giáo sư tại trung tâm y tế Đại học Charité-Berlin). Theo tôi phương pháp này rất dễ áp dụng và có thể thực hiện nhằm ngăn ngừa các bệnh mãn tính. 

Nhịn ăn là một trong những xu hướng giảm cân phổ biến nhất trong những năm gần đây. Được xác nhận bởi những ngôi sao hạng A và là chủ đề của một loạt các cuốn sách bán chạy nhất, đây là chế độ ăn kiêng đứng thứ 8 trong danh sách tìm kiếm của Google tại Mỹ trong năm 2018. 

Nhưng chúng ta không nên bỏ qua phương pháp nhịn ăn như là đã từng bỏ qua các xu hướng khác. Tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, tôi đã sử dụng cái gọi là phương pháp nhịn ăn ngắt quãng (intermittent fasting), hoặc ăn uống trong thời gian giới hạn (time-restricted eating), để giúp những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính bao gồm bệnh tiểu đường, huyết áp cao, thấp khớp và các bệnh về ruột, cũng như các hội chứng đau như chứng đau nửa đầu và viêm xương khớp.
Có nhiều cách khác nhau để thực hiện nhưng tôi khuyên các bệnh nhân bỏ một trong hai bữa, bữa tối hoặc bữa sáng, chính vì thế họ không cần phải tiêu hóa thức ăn ít nhất trong vòng 14 tiếng liên tục. Điều này làm cho bữa ăn trưa trở nên quan trọng nhất trong ngày. Nó cũng làm giảm thời gian xử lý thức ăn mỗi ngày và kéo dài thời gian dành cho việc làm sạch và phục hồi các tế bào của cơ thể, cả hai điều này đều có tác động tích cực đến sức khỏe.
Áp dụng phương pháp này không hề khó như bạn tưởng. Nếu bạn ngủ từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng, bạn đã nhịn ăn trong 8 tiếng. Giờ bạn chỉ cần thêm 6 tiếng nữa. Nên tránh ăn khuya để cơ thể của bạn có thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng thay vì thành các chất dự trữ trong cơ thể, vì vậy nếu bạn ăn tối trước 7 giờ thì bạn có thêm 4 tiếng nữa. Với bữa sáng bạn chỉ nên dùng một tách cà phê hoặc trà (có thể kèm theo một vài miếng hoa quả) và biến bữa trưa trở thành bữa ăn đầu tiên chính thức trong ngày. Và như vây, bạn đã nhịn hơn 14 tiếng và không cần phải kiềm chế bản thân: Bạn có thể ăn cho đến khi bạn thấy no. 
Nhà sinh vật học Satchidananda Panda tại Viện Salk của California đã chỉ ra tính khả thi của phương pháp này trong một báo cáo năm 2012 trên tạp chí Cell Metabolism. Ông cho một nhóm chuột ăn chế độ ăn giàu chất béo suốt 18 tuần và hậu quả là chúng mắc bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh về tuyến tụy và tiểu đường. Một nhóm khác cũng được cho ăn cùng một lượng calo mỗi ngày, nhưng tất cả đều chỉ ăn trong khoảng thời gian 8 tiếng. Đáng ngạc nhiên, nhóm thứ hai vẫn mảnh mai và khỏe mạnh hơn trong thời gian dài.
Logic giải thích cho hiện tượng trên là khi chúng ta ăn, cơ thể sẽ giải phóng ra insulin làm gián đoạn quá trình tự thực (autophagy - từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "tự nuốt chửng), qua đó các tế bào dọn dẹp, loại bỏ các thành phần bị hỏng và lão hóa để giải phóng năng lượng và tạo ra các phân tử mới. Quá trình tự thực giúp chống lại sự già hóa của tế bào và tạo ra sự miễn dịch. Nhịn ăn kích thích quá trình tự thực và cho phép hoạt động ở mức độ phân tử xảy ra đầy đủ, đây là một kết quả nghiên cứu năm 2017 của Frank Madeo và cộng sự tại Đại Học Graz của Áo.  
Nhịn ăn cũng có tác dụng tích cực tới sức khỏe của não bộ và sự hạnh phúc. Nhà sinh học thần kinh Mark Mattson, trước đây làm việc tại Viên quốc gia về sức khỏe, đã chứng minh bằng thực nghiệm trong suốt hai thập kỷ về nhân tố tăng trưởng thần kinh (nerve growth factors-NGF) có tác dụng rõ rệt đến sực khỏe của não bộ và cảm xúc tích cực. Ông cũng phát hiện ra nhịn ăn, tiết giảm calo và tập thể dục thúc đẩy đáng kể sự gia tăng của BDNF - một trong những NGF được biết đến nhiều nhất. (BDNF-Brain-derived neurotrophic factor- có vai trò quan trọng trong việc phát triển trí nhớ dài hạn-lời người dịch). 
Thí nghiệm trên động vật của tiến sỹ Mattson cho thấy nhịn ăn ngắt quãng làm giảm rõ rệt nguy cơ phát triển các bệnh Parkinson, đa xơ cứng và Alzheimer. Mặc dầu vậy những kết quả đó vẫn cần thử nghiệm trên người với số mẫu lớn để có thể đi đến kết luận một cách chắc chắn. 
Tất cả các điều trên đưa tới một câu hỏi: nếu chúng ta chỉ nên ăn hai bữa trong ngày, thì bữa nào chúng ta nên bỏ qua? Có lẽ, rất nhiều người biết tới câu nói "Ăn bữa sáng như một vị vua, ăn bữa trưa như một vị hoàng tử và ăn bữa tối như một kẻ bần cùng." Bằng chứng khoa học về  tầm quan trọng của bữa sáng thì hiếm và trên thực tế chúng ta dễ dàng duy trì việc bỏ qua bữa sáng hơn là bữa tối. 
Thay vì ăn bữa sáng như một vị vua thì chúng ta nên ăn bữa trưa như một vị vua. Một bữa ăn trưa thịnh soạn sẽ làm bữa ăn tối trở nên nhẹ nhàng. Một nghiên cứu của Anh được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng của Mỹ (the American Journal of Clinical Nutrition) vào năm 2016 cho thấy 69 người phụ nữ hầu hết nạp calo trong ngày vào bữa trưa giảm hơn 3,3 pound trong 12 tuần so với những người phụ nữ ăn bữa tối nhiều. Thực chất, vào tầm ăn trưa, cơ thể cần lượng năng lượng nhiều nhất để duy trì thân nhiệt. Do đó, ít năng lượng chuyển vào nguồn dự trữ chất béo của chúng ta.
Các nhà nghiên cứu đang tăng cường khảo sát thời gian tối ưu của bữa ăn, thời gian nhịn ăn và các tác động tiềm ẩn khác nhau đối với sức khỏe. Ví dụ, các nhà khoa học tại Đại học Padua đã phát hiện ra rằng các vận động viên trẻ, khỏe mạnh nhịn ăn trong 16 giờ trong 8 tuần có những thay đổi tích cực về quá trình trao đổi chất so với các vận động viên cùng lứa tuổi của họ. Chế độ này làm giảm mức độ của các yếu tố gây viêm trong máu của họ và các yếu tố thúc đẩy quá trình lão hóa, bao gồm cả insulin.
Nhịn ăn có thể có tác dụng ngăn ngừa sự tái phát của ung thư, đây là kết quả ban đầu của một nghiên cứu dịch tễ được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Đại học California tại San Diego, công bố trên tạp chí JAMA Oncology năm 2016. Trong 2400 nữ bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú giai đoạn đầu đã cung cấp thông tin về chế độ ăn của họ có đến 400 người bị tái phát khối u mới trong vòng 7 năm. Nhưng những người có chế độ nhịn ăn ngắt quãng 13 tiếng mỗi ngày giảm nguy cơ tái phát 26% so với nhóm đối chứng. Lý do giải thích cho kết quả trên được đề xuất thông qua kết luận dựa trên số liệu tổng hợp trong vòng 10 năm qua của các thí nghiệm tiến hành trên động vật thực hiện bởi Valter Longo và một nhóm nghiên cứu của Đại học Southern California đó là các tế bào ung thư ít phát triển hơn các tế bào khỏe mạnh trong môi trường thiếu đường. 
Nhịn ăn thực chất không chỉ đơn giản là việc hạn chế calo hoặc dinh dưỡng. Với nhiều người nó còn là một trải nghiệm về tâm linh. Trong suốt cuộc đời, ai trong chúng ta gặp cũng trải qua tình trạng thiếu thốn, có thể là tiền bạc, sự thành công hay tình cảm. Nhịn ăn là một sự từ bỏ có ý thức, một thực hành có kiểm soát trong sự thiếu thốn. Đó là lý do tại sao việc nhịn ăn thành công làm tăng hiệu quả của bản thân — chúng ta vượt qua được nhu cầu bản năng và kết quả là mang lại cho chúng ta sức mạnh cả về thể chất và tinh thần. Trong cuốn tiểu thuyết "Siddhartha" của mình (tiểu thuyết có tên tiếng Việt là câu chuyện dòng sông), Hermann Hesse mô tả điều này một cách tuyệt vời: "Không có gì biểu hiện bởi ma quỷ; không có ma quỷ. Bất cứ ai cũng có thể thực hiện phép thuật. Bất cứ ai cũng có thể đạt được mục tiêu của mình nếu anh ta có thể suy nghĩ, nếu anh ta có thể chờ đợi, nếu anh ta có thể nhịn ăn."
Đọc thêm: