Thế giới báo chí dạo gần đây, cụ thể trong vòng nửa năm đầu 2023 và trong 2022 trước đó, luôn giật những tít báo rất khủng về trí tuệ nhân tạo (AI). Lợi dụng tâm lý thích phim kinh dị và các trò chơi mạo hiểm (nói gọn là những điều nguy hiểm xảy ra trong tình trạng an toàn hoặc những điều nguy hiểm không xảy ra cho bản thân) được cài sẵn trong đầu óc con người, các nhà báo cài cắm click-bait vào AI như thể chúng ta sắp bị tiêu diệt đến nơi rồi, viễn cảnh những con Sentinels bay bay tiêu diệt sạch bách loài người và chỉ có những người biến dị mới cứu được thế giới bằng cách quay ngược thời gian cứ như thể sắp diễn ra tới nơi.
Sentinels. Nguồn ảnh: X-men Wiki Fandom
Sentinels. Nguồn ảnh: X-men Wiki Fandom
Nhưng, gượm đã.
Tạm không bàn tới việc AI sẽ hủy diệt con người theo cách nào (nếu có thì phải nhanh lên vì theo cái tốc độ tăng nhanh chóng của sự vô lí trong các quyết định của mình, con người đã hủy diệt nhau sạch sẽ trước khi AI kịp làm điều đó), việc tạo ra được các Sentinels bay lượn vù vù trong không trung, là một chuyện mà tôi chắc chắn (tầm 70%) là không thể nào xảy ra trong thời gian gần. Vì – mô phỏng chuyển động, hay nói cụ thể hơn: phiên dịch các cảm giác (sensory) – sau đó xử lý thông tin rồi ra lệnh cho vận động (motor) là một việc cực kỳ phức tạp.
Cấu tạo cơ thể của chúng ta là một điều kì diệu tới mức rõ ràng chỉ có Đấng Siêu Nhiên sống trong không gian 5 chiều mới có thể tạo ra.
Có một câu nói đã gây ấn tượng mạnh với tôi khi tôi bắt đầu học Medical NeuroScience: chúng ta được điều khiển bởi một thứ vừa mù vừa điếc bị nhốt trong một căn phòng kín mít tối tăm và mãi mãi tĩnh mịch – bộ não. (Và tủy sống – trong một cơ số lớn các phản xạ không-kịp-về-não như co tay lại khi chạm phải bề mặt nóng, nhưng cứ nói như thế để tăng tính hấp dẫn của vấn đề đi) Cả cơ thể chúng ta hoạt động thông qua cơ chế truyền điện (action potential) giữa các tế bào (các tế bào trong não thì gọi là neuron). (Gần như) tất cả mọi hoạt động của cơ thể đều được các thụ thể (receptors) nhận và mã hóa thành các dạng dòng điện với tần số khác nhau và truyền đến não thông qua các dây thần kinh, từ đó não phiên dịch ra rồi phản hồi phù hợp. Dù bạn đang làm chuyện đơn giản như ngắm nhìn cái ly nước màu xanh của mình, cho đến việc bạn với tay ra lấy nó rồi ngửa cổ uống ừng ực, cho đến việc bạn nghe thấy tiếng chó sủa nhà hàng xóm rồi nghĩ xem có nên đi mách ban quản lý chung cư rằng nhà họ nuôi chó hay không – tất cả, đều được tạo ra thông qua các tín hiệu điện.
Xin chào, có thể bạn không nhận ra, nhưng mình là sếp bạn đó - não said. 
Nguồn hình: Blue Door Media
Xin chào, có thể bạn không nhận ra, nhưng mình là sếp bạn đó - não said. Nguồn hình: Blue Door Media
Decode não, nghĩa là tìm hiểu: khu nào của não chịu trách nhiệm cho việc gì, sợi dây thần kinh nào chịu trách nhiệm cho việc gì, cụm nhân neuron (body cell) nào quản lý cái gì… là một nhiệm vụ vừa mê hoặc vừa tuyệt vọng của các nhà khoa học thần kinh. Nó giống như tham vọng bay về phía mặt trời bằng đôi cánh bằng sáp của Icarus, bởi vì, thứ mà chúng ta dùng để nghiên cứu về bộ não là chính bộ não. Thật là kỳ cục. Lá gan đâu có tự nghiên cứu về nó, trái tim đâu có tự nghiên cứu về nó, quả thận cũng đâu có tự nghiên cứu về bản thân mình. Hà cớ sao bộ não lại tự nghiên cứu về nó? Điều này tạo thành một hiện tượng kỳ quặc, nguy hiểm và đầy quyến rũ.
Giả dụ, nếu một ngày nọ, chúng ta hoàn toàn có thể decode được cách mà bộ não hoạt động (việc này tương đương với việc khám phá toàn bộ đại dương hay là khám phá toàn bộ vũ trụ), thì chúng ta sẽ hoặc là tự hủy, hoặc là trở thành thần.
Tôi nghĩ, khi các vị "thiên tôn" trong các bộ truyện tu tiên bế quan để thăng cấp, nhiều khi họ đang cố decode não thật đấy. Và vị nào thành công decode bộ não thì vị đấy sẽ Đăng Vũ luôn. 
Nguồn ảnh: Micheal Chishala
Tôi nghĩ, khi các vị "thiên tôn" trong các bộ truyện tu tiên bế quan để thăng cấp, nhiều khi họ đang cố decode não thật đấy. Và vị nào thành công decode bộ não thì vị đấy sẽ Đăng Vũ luôn. Nguồn ảnh: Micheal Chishala
Tại sao lại nói như vậy ư?
Đơn cử nhé, NeuroLink của Elon Musk nêu cao sứ mệnh của họ là: giúp các bệnh nhân bị liệt tứ chi, không thể cử động toàn thân, điều khiển máy tính chỉ bằng suy nghĩ của họ. Nhiệm vụ này được tách nhỏ ra thành: decode các đường dẫn thần kinh liên quan đến việc vận động. Ví dụ như khi bạn dùng ngón tay vuốt màn hình xuống khi đọc những dòng này, hoặc dùng tay lăn chuột trong trường hợp bạn đọc bằng laptop, thì bây giờ - nếu NeuroLink làm được sứ mệnh của họ, bạn chỉ cần nghĩ tới việc kéo màn hình xuống, là màn hình tự kéo xuống. Họ làm điều này bằng cách cấy chip vào các đoạn của dây thần kinh liên quan đến đường dẫn thần kinh vận động (motor pathway) và chip sẽ tự decode các tín hiệu thần kinh rồi gửi nó đến máy tính.
Vì liên quan đến Elon Musk nên sứ mệnh nào nghe cũng như một giấc mơ (xe tự động dậm chân tại chỗ, Doge coin thì chán chả buồn nói, v.v.)… Nhưng cái sứ mệnh này mà được hoàn thành thì thực sự chẳng khác gì khi Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng: That's one small step for man, one giant leap for mankind. Vì, hãy tưởng tượng, nếu chúng ta decode được motor pathway, thì việc gì chúng ta phải động tay nữa – các tác giả nghĩ về đoạn văn, và máy tính sẽ tự động type vào (cộng thêm grammarly và các AI viết nữa thì chúng ta có ngay cây viết tự động của Rita Skeeter trong Harry Potter), nếu có thể dùng ý nghĩ để lăn chuột thì, hey, sao không gắn hệ thống bay lượn giống như fly cam vào những thứ xung quanh và khi chúng ta cần tới, chúng ta chỉ cần Accio chùm chìa khóa thì nó sẽ tự động bay đến tầm tay chúng ta (thật là một sự cứu rỗi cho những người dành phân nửa tuổi thanh xuân để đi tìm chìa khóa), chúng ta nghĩ về ai đó, và điện thoại chúng ta kết nối, không cần hey siri nữa, và – đến lúc đấy lắm khi chúng ta đã cấy luôn điện thoại vào đầu mình rồi, chúng ta sẽ trở thành các giáo sư X khi có thể truyền ý nghĩ cho nhau.
Viễn cảnh đó, đối với những người đang vật lộn với mớ dây nhợ thần kinh loằng ngoằng rối rắm gấp tỷ lần mối quan hệ của mình và ex của next của bff, là một giấc mơ hơi bị viễn vông.
Có một điều khá ngược ngạo trong việc tạo ra các cỗ máy thông minh: những nhiệm vụ càng phức tạp với con người thì càng dễ dàng với máy tính, và ngược lại, những nhiệm vụ mà chúng ta coi thường vô cùng, lại gần như bất khả thi hoặc rất nặng nề. Máy tính có thể tính ra 1287643x976352 trong một sát na, nhưng rất khó để một cái máy nhận ra chữ a viết tay chính là chữ a, trong khi con người (biết chữ) làm được điều này mà không cần huấn luyện (hoặc các trải nghiệm trong cuộc sống của chúng ta đã lén lút huấn luyện chúng ta và tạo nên một loại kiến thức ẩn tàng mà chúng ta không nhận ra).
Bạn có thể dễ dàng đọc hiểu bức thư tay này với vốn tiếng Anh cơ bản. Nhưng phải mất rất nhiều thời gian công sức cài đặt để các cỗ máy nhân tạo quét được các chữ trong này. 
Nguồn ảnh: shutterstock.
Bạn có thể dễ dàng đọc hiểu bức thư tay này với vốn tiếng Anh cơ bản. Nhưng phải mất rất nhiều thời gian công sức cài đặt để các cỗ máy nhân tạo quét được các chữ trong này. Nguồn ảnh: shutterstock.
Con người, khi đặt dưới góc độ máy móc hóa, là một cỗ máy tinh vi, phức tạp, và có nhiều điểm quái dị mà chúng ta không ngờ tới được. Ví dụ sơ bộ - hãy ngắm nhìn cấu tạo của phần inner ear, nơi các sóng âm thanh được chuyển thành các tín hiệu điện truyền tới não, và nơi giữ cho chúng ta có thể đi-đứng-ngồi một cách thăng bằng. Nó thật đẹp, đẹp một cách vô cùng quái dị.
Chúng ta sẽ quay lại với cái ốc tai inner ear này sau trong bài viết về cách chúng ta nhận biết âm thanh và không gian. 
Nguồn ảnh: wikipedia
Chúng ta sẽ quay lại với cái ốc tai inner ear này sau trong bài viết về cách chúng ta nhận biết âm thanh và không gian. Nguồn ảnh: wikipedia
Khi học Medical NeuroScience, theo thống kê trực giác của chính tôi, câu nói mà tôi nghe được nhiều nhất là: “hiện giờ chúng ta vẫn chưa rõ rằng…” Nghĩa là, bộ não cũng giống như vũ trụ, chúng ta không biết chắc chắn một điều gì. Có một hiện tượng thường xuyên xuất hiện trong giới khoa học não, là: một nhà khoa học não khám phá ra công năng của một vùng não – và cả giới khoa học ăn mừng vì chúng ta cũng đã decode được một phần não nào đó, sau đó vài năm đến vài chục năm thì một người khác tung ra bằng chứng phủ nhận điều đó, mà bằng chứng vô cùng xác đáng mới đau. Thế là, lại quay về vạch xuất phát. Ví dụ như hạch hạnh nhân (từ nay sẽ được gọi là amygdala vì tôi sính ngoại trong mấy nghiên cứu khoa học, tôi cảm thấy cách đặt tên tiếng Anh dễ nhớ và hợp lý hơn nhiều) – thứ được xem là “ngôi nhà của sự sợ hãi”. Cụ thể các nghiên cứu như sau:
Một phụ nữ được gọi là "SM" mắc một căn bệnh di truyền - amygdala của cô dần dần bị teo nhỏ và mất đi trong quá trình trưởng thành, căn bệnh này được gọi là bệnh Urbach-Wiethe. Nhìn chung, SM đã (và vẫn) khỏe mạnh về mặt tinh thần và cô có trí thông minh bình thường, nhưng trong các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm, người ta phát hiện rằng mối quan hệ của cô ấy với nỗi sợ hãi dường như khá bất thường. Các nhà khoa học cho cô ấy xem các bộ phim kinh dị như The Shining The Silence of the Lambs, đưa cho cô những con rắn và nhện còn sống, và thậm chí, họ đưa cô đến một ngôi nhà ma, nhưng cô nói rằng bản thân không hề cảm thấy sợ hãi. Khi người ta đưa cho SM những tấm hình với cấu hình gương mặt có đôi mắt mở to trong bộ hình ảnh của phương pháp cảm xúc cơ bản, cô ấy khó mà phân biệt tấm nào là sợ hãi. SM vẫn có thể cảm nhận những cảm xúc khác (vui vẻ, buồn bã, tức giận…) một cách bình thường.
Các nhà khoa học đã thất bại trong việc dạy cho SM cảm thấy sợ hãi: họ sử dụng một quy trình thông dụng có tên là học cách sợ. Họ cho cô xem một bức tranh, rồi ngay lập tức thổi một tiếng kèn lớn có cường độ 100 decibel để làm cô giật mình. Âm thanh này vốn sẽ kích thích phản xạ sợ hãi trong SM (nếu cô ấy có loại phản xạ này). Trong lúc đó, họ cũng đo đạc độ dẫn điện trên da của SM, thứ mà nhiều nhà khoa học tin rằng là thước đo mức độ sợ hãi và có liên quan đến hoạt động của amygdala. Sau nhiều lần cho cô xem bức ảnh và nghe tiếng kèn, họ chỉ đưa cho SM bức ảnh rồi đo phản ứng của cô ấy. Những người có amygdala còn nguyên vẹn sẽ học cách liên kết hình ảnh với âm thanh khiến họ giật mình, vì vậy nếu chỉ cần cho họ xem hình ảnh, não của họ sẽ dự đoán tiếng kèn và độ dẫn điện trên da của họ sẽ tăng lên. Nhưng dù các nhà khoa học đã liên kết bức tranh với tiếng kèn bao nhiêu lần, độ dẫn điện trên da của SM vẫn không tăng lên khi cô chỉ nhìn thấy bức ảnh. Các nhà thí nghiệm đã kết luận rằng SM không thể nào học được cách sợ hãi những thứ mới mẻ.
Nói chung, SM không hề sợ hãi bất kỳ thứ gì, và lý do có lẽ là nằm ở amygdala bị tổn thương của cô. Từ việc này và những bằng chứng tương tự, các nhà khoa học đã kết luận rằng một amygdala khỏe mạnh sẽ đóng vai trò là trung tâm của não bộ để phân tích và nhận ra cảm xúc sợ hãi.
Nhưng sau đó, có một điều buồn cười đã xảy ra. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng SM có thể nhìn thấy nỗi sợ hãi trong tư thế cơ thể của người khác và cô cũng nghe ra được nỗi sợ hãi từ giọng nói của họ. Họ thậm chí có thể tìm ra một cách khiến SM cảm thấy kinh hoảng: yêu cầu cô hít loại không khí có nhiều CO2. Khi không còn giữ được mức độ oxy bình thường, SM hoảng loạn. Do đó, SM hoàn toàn có thể cảm thấy và cảm nhận được nỗi sợ hãi trong một số tình huống, mà không cần đến amygdala của cô ấy.
Nếu một mình SM là chưa đủ, thì chúng ta vẫn còn thí nghiệm trên một cặp sinh đôi giống hệt nhau, họ cùng bị mất amygdala vì bệnh Urbach-Wiethe. Cả hai đều mắc bệnh này từ 12 tuổi, họ có trí thông mình bình thường, và học đến trung học. Mặc dù có DNA giống hệt nhau, có mức độ tổn thương não như nhau, và sống trong một môi trường giống nhau từ nhỏ đến lớn, cặp song sinh này có phản ứng rất khác nhau đối với nỗi sợ hãi. Một người – BG – khá giống với SM: cô bị thiếu hụt sự sợ hãi nhưng vẫn có thể trải nghiệm nỗi sợ khi hít loại không khí nhiều CO2. Người còn lại – AM, thì có phản ứng bình thường đối với nỗi sợ hãi: những mạng lưới khác trong não bộ đã thay thế cho amygdala của cô ấy. Vì thế, chúng ta có một cặp song sinh, DNA giống hệt nhau, cùng chịu một tổn thương não giống hệt nhau, sống trong một môi trường rất giống nhau, nhưng một người thì bị thiếu hụt cảm giác sợ hãi và người còn lại thì không.
.
Tuy khá là vô vọng (cho tới hiện nay) trong tham vọng decode toàn bộ não bộ (hoặc decode hoàn toàn một pathway nhất định), thành quả các nhà khoa học não đạt được gần như đã là một phép mầu. Họ phân tách từng hoạt động nhỏ nhất – ví dụ như nghiêng đầu về bên phải, thành các hoạt động siêu tinh vi ở cấp độ tế bào. Tinh vi tới nỗi khiến người ta xuýt xoa không tin vào mắt mình / tai mình.
Và tìm hiểu về những cơ chế đó là một điều vô cùng hấp dẫn.
Và vô cùng thư giãn. Thư giãn tới mức nó gần như là một lối giải thoát tinh thần cho những người gặp vấn đề gì đó về tâm lý.
Hãy tưởng tượng: khi mình tức giận tới mức muốn đập phá cáu xé thứ gì đó, đột nhiên, mình phát hiện ra rằng: à, hẳn là do một loại chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmiter) đang tác oai tác quái trong đầu mình, suy nghĩ này lập tức khiến mình dịu đi khỏi cơn tức giận. Bạn có thể tự quan sát rằng: tim mình đang đập nhanh, mình đang thở gấp, cả người mình như có một lực đẩy về phía trước, khi đủ hiểu về các pathway và các hệ thần kinh giao cảm (sympathetic và parasympatheic), thì chúng ta có thể tách ra khỏi chính mình để quan sát chính mình – một hiện tượng gọi là mindfulness, tâm thức, và mindfulness này lại gắn với khoa học, có cơ sở hẳn hoi nên chúng ta sẽ dễ dàng tin tưởng hơn so với các chia sẻ trải nghiệm chủ quan của người từng trải. Các fact khoa học khách quan sẽ xoa dịu và trấn an sự hoài nghi của những con người đòi hỏi bằng chứng cho tất cả mọi thứ (thí dụ như tôi).
Bình tĩnh lại Hulk, chẳng qua Norepinephrine đang hơi nhiều thôi.
Nguồn ảnh: DevianArt.
Bình tĩnh lại Hulk, chẳng qua Norepinephrine đang hơi nhiều thôi. Nguồn ảnh: DevianArt.
Hãy tưởng tượng một hiện tượng hay gặp trong xã hội dư thừa vật chất hiện tại: chứng nghiện. Chúng ta nghiện đủ mọi thứ - từ thuốc/chất cấm (ma túy, thuốc lá, cồn – bia rượu), nghiện mạng xã hội, nghiện đọc truyện online (ví dụ như tôi hồi cách đây 6 tháng đến 1 năm), nghiện ăn, nghiện trà sữa (1 biến tướng của việc nghiện thức ăn), nghiện xem phim, nghiện xem các show thực tế, nghiện idol, và – nghiện mua sắm. Nếu bạn cảm thấy không vướng phải bất kỳ thứ nào trong danh sách này thì hoặc là bạn là thành phần hiếm có, hoặc là danh sách của tôi chưa đủ mà thôi. Và để cai nghiện bất kỳ thứ gì, mindfulness là một bước cực kỳ quan trọng. Khi bạn hiểu rằng, hành vi nghiện của mình đến từ việc não sẽ sản sinh dopamine cực nhiều trong quá trình thực hiện hành vi đó, thì mỗi lần ngứa tay ngứa chân muốn thực hiện hành vi đó, bạn sẽ tự nhắc rằng – chẳng qua là do dopamine thôi, và mình hoàn toàn có thể kiểm soát việc này. Dùng chính dopamine để kiếm soát dopamine (công cụ hấp dẫn này sẽ được nói tới một cách chi tiết hơn về sau).
Cho nên, bài viết này sẽ là mở đầu cho một chuỗi các bài viết về cái cách mà não bộ và các tay chân của nó (theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) nhận biết về thế giới xung quanh chúng ta và qua đó - điều khiển chúng ta. (còn về phần “chúng ta” cụ thể là cái gì khi tách rời với bộ não, thì đấy là thuộc phạm vi triết học và thần học, nếu có).
Viết tới đây thì tôi cảm thấy thật kì quặc khi bộ não của tôi lại nói về bản thân nó như thế.
Và càng kì quặc hơn, khi nó nhận ra điều này.
.
Bài viết này có nội dung tham khảo từ How Emotions Are Made của Lisa Feldman Barrett, và The Molecule of More của Daniel Z. Lieberman.