Nguyễn Tuân, Tô Hoài, thắng càn, cát bụi chân ai
Nghĩ về nhan đề “Thắng càn” (mà tôi chưa đọc, đến cả hình cái bìa của ấn bản năm 1953 do Văn Nghệ xuất bản tôi cũng chưa thấy qua,...
Nghĩ về nhan đề “Thắng càn” (mà tôi chưa đọc, đến cả hình cái bìa của ấn bản năm 1953 do Văn Nghệ xuất bản tôi cũng chưa thấy qua, nhưng tôi biết trong toàn tập mà Nguyễn Đăng Mạnh soạn có), tôi nhớ một đoạn Tô Hoài kể Nguyễn Tuân trong cái đêm đi theo tiểu đoàn 54 công đồn Đại Bục ở Yên Bái, mở màn cho chiến dịch Sông Thao. Có đoạn Nguyễn Tuân đánh trống ngũ liên thúc trận. Tôi thấy Nguyễn Tuân trong tình huống sinh tử ấy có vẻ nghiêm túc và thành kính, khác hẳn sự chán chường những ngày ở Hương Cảng. Mặc dù vậy, tôi vẫn không ngăn được suy nghĩ rằng cách mạng với Nguyễn Tuân có đôi phần giống cái cảm giác hồi hộp, sợ hãi nhưng thống khoái của một trò chơi trẻ con được tăng gia phần hiểm nguy và sinh động. Nguyễn Tuân không giống một người trong quân ngũ. Nhưng nếu ném Nguyễn Tuân vào chiến trường, ông vẫn sẽ tìm thấy những thứ để viết ở chiến trường. Nguyễn Tuân của giai đoạn 1947-1954, trong khói lửa bom đạn, thực ra có khác mấy Nguyễn Tuân trước kháng chiến đâu? Có lẽ, như Trương Chính nói, “cuộc thoát xác của ông thật ra chẳng có gì gian khổ cả”.
Lại nói về Tô Hoài, gần đây tôi đọc được rằng Nguyễn Văn Bổng là người đã góp ý tên sách cho Tô Hoài, đổi từ “trên các dấu chân ai” thành “cát bụi”, sau Tô Hoài chốt hạ đặt là “cát bụi chân ai”. Vậy “cát bụi chân ai” là cát bụi chân ai? Cái ý tứ của nhan đề hẳn đến từ chi tiết cuối cùng của sách, nói về những dấu chân người trên cát ở bãi tắm Cát Cò, Hải Phòng. Đó là một buổi sáng (hoặc trưa hay chiều) sau khi Tô Hoài nghe tin Nguyễn Tuân mất (thời gian trong Cát bụi chân ai rất lộn xộn, ”he died today, or maybe yesterday, I don’t know”). Nghe tin đó, Tô Hoài viết:
“Tôi nghĩ như vẫn buổi tôi ngồi uống một mình ở nhà ông trước hôm đi Cát Bà, như Nguyễn Tuân vẫn nằm yên từ buổi sáng hôm ấy. Nguyễn Tuân! Nguyễn Tuân ôi. Ô hô? Ô hô!”
Cuốn sách đó của Tô Hoài bắt đầu với Nguyễn Tuân (”Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi”) và cũng kết thúc với Nguyễn Tuân. Một người phải có ý nghĩa với ta như thế nào, để ta có thể viết nhiều về người đó trong cuốn sách của mình như vậy? Nguyễn Tuân đã để lại một ấn tượng sâu sắc như thế với Tô Hoài, lúc này cũng đã không còn trên cõi đời, cũng như Aki, như Két, như những con người khác mà Tô Hoài đã gặp trong cuộc đời của mình. Họ chỉ còn là những dấu chân trên bãi biển, rồi đây sẽ bị sóng xoá mờ đi. Cái chết của Nguyễn Tuân, với Tô Hoài, có tính cách biểu tượng, nó như thể sự cáo chung của một thế hệ, cũng như cái chết của Xuân Diệu với Nguyễn Tuân là “như có mang theo một quãng đời văn của tôi…”.
Tôi tưởng tượng hình ảnh một ông già trên má có mấy vết đồi mồi ngồi một mình trên bãi biển, sau khi nghe tin một người bạn đã qua đời, ông nghĩ về những kỷ niệm và nhiệt huyết tuổi trẻ, thấm thía chuyển động của thời gian. Tôi muốn đến và ngồi cùng ông ấy một lúc.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất