Bài viết gần nhất, tôi bắt chước mạch kể chuyện từ tác phẩm này của J. D. Salinger, kiểu đọc xong thấy hay quá nên phải viết liền thứ gì đó. Trên các diễn đàn mạng, người ta chê “Bắt trẻ đồng xanh” theo hai hướng, thứ nhất cốt truyện gốc, thứ hai giọng văn người dịch; tôi thì khoái cả hai, cả cách tác giả miêu tả tâm sinh lý thằng nhóc 16 tuổi Holden Caulfield, cả văn phong bản dịch của Phùng Khánh, được Nhã Nam biên tập lại năm 2008.
Chuyện bên lề một chút thì đây là tác phẩm từng bị kiểm duyệt cắt bỏ nhiều nhất trong hệ thống các trường trung học và thư viện Mỹ [1], có liên quan đến vụ ám sát tổng thống Ronald Reagan năm 1981 [2] và John Lennon năm 1980 [3] - cả hai hung thủ đều có phần đồng nhất hoá bản thân với Holden Caulfield. Một điều chết tiệt là tôi cũng thấy đồng cảm với thằng nhóc này, thấy suy nghĩ của mình không khác với suy nghĩ của hắn bao nhiêu. Cũng thú vị khi thấy suy nghĩ con người không thay đổi đáng kể dù cách biệt khoảng chục năm tuổi tác, cũng có thể là do tôi cắm chốt và thoái lui ở đâu đó trên tiến trình phát triển tâm lý xã hội. Dù sao thì tôi cũng chưa đi ám sát ai cả và cũng chưa có dự định, hy vọng là vậy. Thế nhưng, một câu hỏi nảy ra, điều gì làm một người, sau khi đọc tác phẩm, lại đi ám sát người khác? Hay là như câu cảnh báo kinh điển của giới tâm thần dành cho dân tâm lý - không sử dụng các kỹ thuật phóng chiếu hoặc thân chủ trọng tâm, với đặc điểm là ôm chầm lấy trải nghiệm góc nhìn thứ nhất của thân chủ, cho các bệnh nhân có triệu chứng loạn thần, đặc biệt những người có giọng nói bên trong kêu đi tự sát hoặc xâm kích người khác? “Bắt trẻ đồng xanh” làm điên cuồng tốt trong việc miêu tả thế giới nội tâm của một cậu nhóc có tài văn chương, nhưng trở nên phẫn uất cuộc đời và căm ghét xã hội sau cái chết của đứa em; Con người có những cách khác nhau khi phản ứng lại với sang chấn, việc thay đổi tri giác thực tại, tri giác bản thân, và xáo trộn hệ thống ý nghĩa như trong trường hợp của Holden Caulfield là một cách. Trải nghiệm quá trình J. D. Salinger kể về cậu thanh niên với sự hy vọng sứt mẻ này, những người vốn cảm thấy bất mãn, những người từng trải qua sang chấn, và cả những người mang mầm mống của rối loạn chống đối xã hội hẳn phải thấy mình hiện hữu trong từng suy nghĩ của thằng nhóc kia; Sự vỗ về của tác phẩm mang lại cảm giác tồn tại cho một số đối tượng cụ thể, cũng thì thầm rằng những suy nghĩ lẫn cảm giác của họ rất thật, không cần cảm thấy cô độc, tội lỗi hay xấu hổ vì chúng. Trong một số trường hợp thì cơ chế này có tác dụng chữa lành, trong một số trường hợp khác thì có tác dụng kích động.
Thú thật tôi cũng từng có cái khát khao mãnh liệt về cái việc đi đến bìa rừng mà sống một mình, làm bạn với chó mèo, sóc chuột mà sống hết quãng đời còn lại như Holden Caulfield. Hồi đó, à không, mới năm ngoái thôi, tôi lấy câu chuyện của Dazai Osamu làm thèm muốn; sống cô độc ở một căn nhà nhỏ gần bãi biển bùn lầy, vật vã với sự sống và làm việc để tồn tại, rồi bằng cách nào đó nhìn đám trúc đào ở góc vườn thành những ngọn lửa cháy đỏ phừng phực. Cái sự nhìn gà hoá quốc này không hẳn do thiếu dinh dưỡng hay do tâm hồn nghệ sĩ thích liên tưởng vẩn vơ; nó là kết quả của tình trạng khi con người không thể nhìn thế giới bằng con mắt lãng mạn thân thuộc ngày xưa nữa, mà bằng con mắt thờ ơ, xa lạ, sợ hãi, giễu cợt khi cái tấm màn trình diễn đã bị xé bỏ, để lại một hiện thực nhạt nhẽo và lố bịch quá mức chịu đựng, cũng là cái cảm giác bao trùm khi tôi đọc “Bắt trẻ đồng xanh”. Đừng có nói với tôi rằng đây là một cuốn hồi ký. Không, đây là những trải nghiệm rất trực tiếp, thời gian thực, hoặc nếu bạn thích thì ngay-tại-đây-và-bây-giờ, của Holden Caulfield, nhưng cứ như thể hắn quan sát chính mình từ một thước phim được dựng và chiếu cùng một lúc, điều mà người ta vẫn thường cảm thấy khi muốn trốn chạy khỏi bản thân mình.
Thước phim này không cốt truyện, ít nhất là theo nhiều người nhận xét. Nhưng, nên nhờ vậy mà nó có thể tự do diễn tiến, như thể tác giả sáng tạo ra nhân vật chính, thổi hồn vào, cho đến khi nhân vật đủ sức nói cho tác giả biết điều gì phải diễn ra tiếp theo. Việc cần làm của tác giả là đầu hàng, từ bỏ niềm tin, sở thích, mục đích, tri thức, lý tưởng, mà nghe theo nhân vật viết tiếp câu truyện; Sáng tác là một sự chiếm hữu thần thánh. Có như vậy, một tác phẩm Thực, có tầm vóc lớn hơn cả tác giả mới có thể được sản sinh, không bị gượng ép hay cố quá. Tôi từng đọc những tác phẩm mà ở đó tác giả gắng sức bao gồm những tư tưởng vĩ đại, “Căn cước” của Milan Kundera chẳng hạn; Không ai phủ nhận khả năng miêu tả thiên tài của ông, nhưng thú thật tôi đọc mà chỉ thấy Freud và Sartre, không thấy tác giả ở đâu hết, vì vậy cũng không thấy câu truyện có sức sống và sức ám ảnh cần thiết, nghĩa là tôi không đồng nhất hoá được với các nhân vật (dù sao vẫn phải công nhận đây là một tác phẩm hay). Với niềm tin như vậy, tôi tin rằng “Bắt trẻ đồng xanh” với những tình tiết lặp lại nhưng mang tính tích luỹ, kết cấu nên sự bồi tụ và chuyển biến trong tâm lý của Holden Caulfield rất chân thực và tự nhiên, cứ như những cuộc đời có thể quan sát được hằng ngày nhưng không ai để tâm quan sát vậy.
Dù sao thì, Holden Caulfield không thích sự bộ tịch, nhưng thiếu nó thì không thể tồn tại trong xã hội người lớn, nơi tôn thờ những lối hành xử dễ đoán và những kiểu danh tính rập khuôn, nơi cần làm mờ đi cá nhân tính. Đâu phải người lớn nào cũng được gã lái taxi cuối cùng, tuy thô lỗ một chút nhưng ít nhất cũng biết lũ cá đi về đâu vào mùa đông. Cuối truyện, nhân vật chính, dưới sự thuần phục của đứa em - mọi kẻ bất trị trên đời đều cần một người mà hắn yêu thương thuần phục, cũng quay lại với con đường nhàm chán được sắp sẵn để trở thành một người trưởng thành vận hành đầy đủ chức năng trong xã hội; một cuộc sống bình thường đang chờ đợi, và điều này không nhất thiết phải là chuyện đáng tiếc cho tôi. À nhầm, cho hắn.
----Surphi10, 25/05/2021
P/s: Chỉ là cảm nhận cá nhân khi đọc tác phẩm, không nhất thiết phải đúng ý đồ tác giả. Đoạn 4 khởi sự bàn về văn học, nhưng tôi thì chẳng biết gì về mảng này, chỉ là xem được cái video của thầy Dũng (link dưới), học mót được và khái niệm và suy diễn.
Nguồn: YangziXuArt
Trích dẫn:
[1] Hixon, M. (2009). In Cold Fear: The Catcher in the Rye Censorship Controversies and Postwar American Character (review). Children s Literature Association Quarterly 27(3):167-168. http://dx.doi.org/10.1353/chq.0.1647
Tư liệu học mót: