Có lẽ bất cứ ai thích đọc sách hoặc có niềm đam mê, tò mò về lịch đều đã từng nghe qua cuốn sách này rồi và cái tên đó cũng nói lên phần nào đó nội dung của nó rồi nên mình sẽ không giới thiệu dài dòng. Vì cũng lâu rồi mới đọc được một cuốn sách về lịch sử hay và cuốn hút như vậy nên tranh thủ đang có cảm hứng dân trào, hào khí hừng hực, mình quyết định dành ra một ít thời gian ghi lại cảm nhận, bài học của bản thân rút ra được, tất cả những điều mình viết ở đây đều ý kiến cá nhân nên hi vọng nếu ai đã đọc qua cuốn sách hoặc có kiến thức về lịch sử và có quan điểm, đóng góp thì đồ đệ rất mong được lắng nghe và xin phép được các sư phụ chỉ giáo cho ạ! 
1. Từ  câu hỏi “Tại sao A đến B mà không phải là C” tới “Tại sao tôi lại là tôi”?
Ấn tượng đầu tiên mà mình thấy thú vị là xuyên suốt nội dung của cuốn sách, mình không chỉ được giới thiệu về các dấu mốc lịch sử lớn và quan trọng từ khi nền văn minh loài người xuất hiện trên trái đất này, mà còn được nghe tác giả nêu quan điểm của mình để giả giải thích tại sao lịch sử đi theo hướng này mà không phải hướng khác. 

Tại sao trong rất nhiều loài sinh vật trên trái đất này 2,5 triệu năm trước thì loài vượn cổ (tổ tiên của loài người) lại được tự nhiên lựa chọn để trở thành loài động vật có được trí thông minh, dần mở rộng và trở thành loài chinh phục hành tinh này như hôm nay? Theo như các quan điểm tác giả và suy luận của mình thì lí do cũng chỉ là sự đột biến ngẫu nhiên và được chọn lọc tự nhiên ủng hộ mà thôi và có thể ở một vũ trụ khác thì có thể loài gấu, loài chó được lựa chọn và trở thành loài thống trị chẳng hạn, mình thấy khá thú vị với suy nghĩ này. Hoặc tại sao trong tất các người anh em của mình (Homo rudolfensis, Homo erectus, Homo neanderthalensis,…) thì loài Homo Sapiens lại là loài duy nhất còn sống sót đến hiện nay? Và mình cho rằng chắc chắn nó sẽ không diễn ra một cách hoàn toàn hòa bình mà có cả xung đột, giết chóc, diệt chủng. Động lực khoa học nào mà người Đức lại gây nên chiến tranh thế giới thứ II? Rồi còn tại sao các quốc gia châu Âu lại trở thành cái nôi của cuộc cách mạng khoa học và đi xâm lược những vùng đất rộng lớn khắp thế giới mà không phải bất kì đế chế từ những châu lục nào khác? Và còn rất nhiều câu hỏi khác đã được tác giả nêu ra và lý giải. Việc đặt lại dấu chấm hỏi cho những thứ được cho là hiển nhiên và cố gắng tìm câu trả lời cho chúng mình cho là một trong những điều tạo nên sự thú vị của khoa học. Lịch sử cũng giống như quá khứ của một người, bạn nên hiểu được nguồn gốc, lí do mà tại sao mình lại trở một con người người như hôm nay, với ngoại hình này, tính cách này và hoàn cảnh như này. Nó không chỉ cho phép ta cảm thông, khoan dung với bản thân của hiện tại hơn mà còn giúp ta hiểu được các giá trị cốt lõi của bản thân và là ngọn hải đăng soi sáng, dẫn lối cho ta những thời điểm đen tối, thử thách, khó khăn trong cuộc sống này.
2. Không chỉ là một cuốn sách về lịch sử mà còn về tôn giáo, kinh tế, chính trị, sinh học, triết học, thần học?
Điều thứ hai mà mình cho là rất hay nữa là qua cuốn sách mình không biết thêm các kiến thức lịch sử về loài người mà còn lịch sử về tiền tệ, lịch sử của tôn giáo, tại sao có thể nói lịch sử của loài người tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay chỉ nhờ hai chữ “Niềm tin”, niềm tin về các vị thần, niềm tin vào giá trị của đồng tiền, niềm tin vào sự phát triển, niềm vào công lý, đạo đức, quyền con người, niềm tin vào nhà nước, các hệ thống, tổ chức.

Không gì có thể minh chứng sức mạnh của niềm tin tập thể tốt hơn là những dữ liệu lịch sử đã được nghiên cứu, suy luận một cách có khoa học khác hẳn so với một vài cuốn sách self-help ngoài kia. Những niềm tin đó là những thứ vốn đã được ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người hiện đại đến mức ta chẳng còn nhận ra rằng đã có thời kì chúng đã từng chỉ là những thứ ảo tưởng. Thật thú vị khi nghĩ rằng chúng ta và tổ tiên của mình ngàn trăm ngìn năm về trước có thể có hệ gen và ngoại hình không khác nhau là mấy nhưng chỉ với niềm tin đã có thể đưa chúng ta phát triển một cách thần kì đến tận hôm nay. Đoan làm mình cảm thấy thú vị nhất là đoạn giải thích của tác giả về ngân hàng và hệ thống tín dụng vốn dựa vào niềm tin về sự phát triển và các giá trị có thể có được ở tương lai, một sự phát triển vô hạn, đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình khi từng cho rằng kinh tế là trò chơi có tổng bằng 0, từng cảm thấy cắn rứt khi nghĩ rằng ước mơ làm giàu của mình lại chỉ là lấy đi tiền của những người khác và từng bất bình vì hệ thống này quá bất công, bất bình đẳng. Thế nhưng phần  mà mình cho là hay nhất và có ý nghĩa nhất là khi tác giả đặt ra các câu hỏi triết học về ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của tất cả những sự phát triển này là gì, con người chúng ta đang tìm kiếm cái gì? Đây là cũng là những câu hỏi mà mình cũng đã suy nghĩ từ lâu và cố gắng tìm câu trả lời trong suốt cái giai đoạn khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống những năm đầu tuổi 20 và giờ đây được nghe những quan điểm hết sức có ích của tác giả, mình đã chuyển sang chặng đường trả lời cho câu hỏi “Nếu cuộc sống không phải là đuổi theo hạnh phúc tuyệt đối và những ham muốn nhất thời, vậy thì tại sao không cố gắng hiểu bản thân mình một chút, sống sao để mình cảm thấy có ích một chút và sau đó giúp đỡ những người xung quanh mình đi?”. À đây chả phải là những thứ mà đã được quy định trong bộ gen của những loài có tính xã hội cao, trong có loài người hay sao?
3. Trong lịch sử không có cái gọi là cái thiện tuyệt đối và cái ác tuyệt đối, chúng ta chỉ được nghe kể về chúng từ kẻ chiến thắng thôi.
Mình còn nhớ lần đầu tiên mình thắc mắc về lịch sử Việt Nam có lẽ là năm lớp 10, mình đã tự hỏi, bộ lịch sử Việt Nam hào hùng vậy sao? Chúng ta luôn là bên chính nghĩa sao? Đến khi mình để ý suốt hàng thế kỉ bản đồ lịch sử của Việt Nam mình chỉ bao gồm Bắc Bộ rồi sao đùng một phát qua bài vua Lê, chúa Trịnh cái bản đồ lại trải dài ra tận Cà Mau như hiện nay nhỉ, trong bài học chỉ có nhắc đến một lần rằng đó là nhờ “công cuộc khai hoang xuống phía Nam”. Mà chả phải lúc trước mình có học về các nên văn hóa từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam còn có Champa, Chân Lạp sao, họ đi đâu rồi nhỉ? Sau khi tìm hiểu câu trả lời mình mới biết ngoài các công cuộc khai hoang thì phần lớn diện tích từ miền trung trở xuống miền nam đều là từ những cuộc xâm lược từ thời nhà Lý, nhiều tỉnh là kết quả của quá trình đồng hóa, cống nạp của rất nhiều nền văn hóa trước đó. 
Đó là lần đầu tiên mình cảm nhận một cái gam màu xám trong bức tranh lịch sử và hiểu rằng bởi vì mình đang được học lịch sử từ phe chiến thắng nên tất nhiên họ sẽ thường kể tốt về mình rồi. Cuốn sách này đã làm càng củng cố suy nghĩ của mình rằng “Phải luôn nhìn lịch sử từ nhiều hướng khác nhau và đôi khi phải chấp nhận những quan điểm vô lý, khó chịu nhất có thể là quan điểm đúng nhất” Rằng loài người có thể đã từng tàn sát tất cả những người anh em khác thuộc chi Homo của mình để trở thành loài thống trị. Rằng những kỵ sỹ dòng đền đã từng nhân danh chúa đi tàn sát người Hồi giáo để giành lại vùng đất thánh kéo theo cái chết của vô số sinh mạng. Rằng tất cả những thành tựu kinh tế khoa học mà chúng ta nhận được ngày nay đều từng gắn liền với những cuộc xâm lược, mở rộng thuộc địa của các đế quốc châu âu và mồ hôi sương máu của những con người nô lệ. Rằng đã từng có một nhà hóa học người Đức tên Fritz Haber đoạt giải nobel vì đóng góp của ông trong phương thức tổng hợp amonia đã cứu sống hàng triệu người khỏi nạn chết đói, nhưng cũng được mệnh danh là “cha đẻ của vũ khí hóa học” phục vụ cho Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Kẻ được xem là thiên thần ngày hôm nay có thể ngày mai biến thành ác quỷ. Từ đó mình luôn cố gắng tránh lối tư duy nhị nguyên, khi nhìn nhận sự việc và con người, khi nào còn chưa chắc chắn mình đã biết tất cả các khía cạnh của sự việc thì mình sẽ không vội đưa ra phán xét và lẳng lặng lui lại, tiếp tục tìm hiểu học hỏi để tự nâng cao tri thức mình hơn.
4. Lịch sử của loài người đã kéo theo sự tuyệt chủng hàng loạt, nỗi đau khổ cho tất cả các loài sinh vật khác trên trái đất này và điều đó có thể thay đổi
Với giả thuyết rằng nguồn gốc của loài người hiện tại là từ Châu Phi và sau đó di cư dần sang các lục địa khác được đông đảo giới khoa học chấp nhận, tác giả đã nêu ra rất nhiều bằng chứng và lập luận để chứng tỏ rằng bất cứ nơi nào con người đặt chân đến đều xuất hiện sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài sinh vật và sự phá hủy của toàn bộ môi trường sinh thái vốn có tại nơi đó. Điều này có thể dễ thấy ngay cả trong hiện tại, khi ta chẳng còn xa lạ gì những tin tức ngày càng nhiều môi trường bị phá hủy, sự tuyệt chủng của hàng loạt các loài động thực vật hoang dã. Theo tác giả, ngay cả với các loài động vật được con người xem là gia súc, cuộc sống của chúng cũng chẳng khá hơn là bao khi từ những động vật sống tự do trong môi trường tự nhiên, chúng bị con người đưa nhốt vào trong những chuồng trại tập thể nơi mà các bản năng hoang dã và cấu trúc xã hội của loài bị phá hủy. Ngày nay, trong nhiều cơ sở chăn nuôi giống như nhà máy, một con bò có thể sống cả đời trong một chuồng nhốt chỉ vừa đủ cho cơ thể của nó, ăn, ngủ và đi vệ sinh ngay tại chỗ; hàng trăm triệu con gà con chết mỗi năm do phòng hơi ngạt hoặc máy nghiền vụn vì bị cho là không hoàn hảo. 

Mình đồng ý với tác giả và cảm thấy thật sự buồn và thiếu sót khi kể về lịch sử sự phát triển và đong đếm sự hạnh phúc của con người mà quên đi sự mất mát và hi sinh to lớn của tất cả các loài sinh vật khác trên trái đất này. Do vậy để thay đổi điều này mình đã bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất ở bản thân bằng cách tập nấu ăn chay mỗi tuần một lần, duy trì các thói quen thân thiện với môi trường và mình tin rằng cũng đang có rất nhiều con người nhỏ bé khác như mình trên trái đất này đang thực hiện những thay đổi nhỏ bé nhất để cứu lấy môi trường và các loài sinh vật khác, biến trái đất thành một nơi mà con người và tự nhiên có thể sống gần gũi hòa hợp. Bản thân mình chỉ cần cố gắng làm tốt nhất phần của mình và lan tỏa niềm tin này đến mọi người xung quanh thôi, và khi đủ một số lượng lớn con người tin vào điều đó thì mình tin thế giới sẽ tốt hơn.
Đừng đá đổ cả một bàn ăn chỉ vì có một món ăn mà bạn không thích
Sẽ là thiếu sót với một cuốn sách lịch sử hay nếu thiếu đi những phần gây nhiều tranh cãi nhất. Mình đang nói đến chương hai “Cách mạng nông nghiệp” của cuốn sách. Hiện đây là phần đang có nhiều ý kiến trái chiều nhất trên các trang review sách bởi tác giả đem một trong những giai đoạn quan trọng nhất lịch sử nhân loại ra và gọi là “Sự lừa dối lớn nhất của lịch sử”. Sẽ rất khó để có ai chấp nhận nó ngay sau khi đọc cái đề mục này, với mình thì mình cũng không hẳn đồng thuận hay phản đối các lập luận của tác giả bởi vì mình đọc chúng với một tâm lý rằng mình chả biết gì về lịch sử cả, tất cả điều mới và mọi ý kiến đều là những quan điểm thú vị. Gọi Cách mạng nông nghiệp là sự lừa dối lớn nhất lịch sử có thể cũng như một con người chấp nhận một sai lầm trong quá khứ mình bởi vì nhờ nó mà có mình ngày hôm nay, mình không nhớ là mình đã có đọc câu nào mà tác giả nói rằng “Phải chi cách mạng nông nghiệp đừng xảy ra” hoặc phủ định hiện tại hoàn toàn là một sai lầm. Hoặc có thể lúc có suy nghĩ này mình đang cố bảo vệ cho tác giả, mình không chắc nữa. Vậy nên nếu có lời khuyên cho ai đó chuẩn bị đọc cuốn sách này thì mình sẽ không quên nhắc họ cẩn thận với chương này và chuẩn bị một cái đầu mở để chờ đón những gì sắp đến.
Lời kết
 Nhìn chung quy mình vẫn cho rằng đây là một cuốn sách lịch sử rất hay mà bất cứ ai cũng nên đọc. Nó cho mình rất nhiều trải nghiệm, bài học mà chưa trường lớp nào dạy cho mình, nhất là sức mạnh của “niềm tin”. Chắc chắn một ngày nào đó mình sẽ đọc lại cuốn sách này và biết đâu, khi đó sẽ có thêm những khám phá mới về chính mình thì sao. Cảm ơn bất cứ ai đã đọc được đến đoạn cuối của bài viết này của mình. Đây là bài viết đầu tiên của mình nên không tránh khỏi nhiều sai sót, quá nghiêm túc, hoặc nhàm chán nên bất cứ sự đóng góp ý kiến nào của bạn đều là những bài học và những nguồn động lực quý giá của mình, một lần nữa cảm ơn.
Nguồn ảnh: