Ở Việt Nam, chúng tôi có một câu nói: “Không thầy đố mày làm nên” mà có lẽ ngay từ thuở tấm bé, người Việt nào cũng đã nằm lòng câu tục ngữ đó. Nghề giáo ở Việt Nam để mà nói, luôn là một trong những nghề được kính trọng bậc nhất bởi mọi tầng lớp xã hội. Bởi một người làm nghề giáo ở Việt Nam, thì không chỉ dừng lại ở dạy cái chữ cái văn, mà còn phải là một người dạy cái nhân cái lễ cho lớp lớp học trò. Như vậy chữ “nên” kia đâu chỉ dừng lại ở trí tài, cơ đồ sự nghiệp, mà “nên” còn là thành người, một người có đức, lễ và độ. Hay nói cách khác, một nhà giáo cũng giống như một người cha hay người mẹ thứ hai, cùng song hành dìu dắt đứa con thơ trên hành trình “mọc đủ lông đủ cánh”, cứng cỏi tiến về phía tương lai.
Nên ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đối với người Việt Nam để mà nói, thì cũng giống như Tết vậy, nhưng mà là “Tết thầy”. Cứ đến những ngày này, là nhà riêng của các thầy cô giáo lại tấp nập người ra vào. Có thể đó chỉ đơn giản là phụ huynh qua nhờ thầy cô giúp đỡ, gửi gắm con nhỏ. Đó cũng có thể là những cô cậu học trò cấp 2, cấp 3, đã “nhớn” một tí, biết đến thăm, trò chuyện, chia sẻ niềm vui với cô thầy. Một phần đông bên cạnh đó là những tốp học sinh cũ, vừa mới bước chân vào biển lớn cuộc đời, quay về tìm nguồn cội, để nói lời cảm ơn dưỡng dục bao năm. Đôi khi, trong cuộc sống tấp nập bộn bề, vẫn có những người tóc chẳng còn xanh lắm, vào ngày này vẫn tìm về lối cũ cổng nhà người giáo già năm xưa, đã gõ đầu mình, dạy mình khôn, dắt mình lớn. Những ngôi nhà của thầy cô đợt này, có thể sẽ vang dội tiếng cười tiếng nói hồn nhiên của lũ con thơ đang lớn lên, có thể sẽ dịu dàng, trầm lắng của những mẩu chuyện ôn lại kỉ niệm xưa cũ của thầy và trò. Hoa tươi đến dịp lại ngập tràn căn phòng khách chiếm cả ghế ngồi, và những nụ cười tươi rạng rỡ đến dịp lại ngập tràn hạnh phúc đến từ những người thầy cô. Bởi họ biết mình đã làm được, đã trồng và nuôi lớn thành công một cái cây, để bây giờ được hưởng trái ngọt. Bởi họ còn biết bao năm tháng song hành cùng các lứa học trò, bên cạnh những bài học sách vở, lễ nghĩa cuộc đời, chúng ta còn có chung những kỉ niệm, những tình cảm đậm đà không thể dễ dàng quên đi cùng tháng năm. Đó mới là điều trân quý nhất của nghề nhà giáo. 
Bên cạnh đó, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày mà không chỉ thầy cô giáo là người chờ ngóng, mà chính học sinh cũng là những người trông mong không kém. Một ngày lễ mà không chỉ dừng lại ở dịp tri ân thầy cô, tri ân tấm lòng nhà giáo, mà còn là dịp cho lớp trẻ được sống trọn vẹn với tinh thần của tuổi trẻ nhất. Phải bắt đầu từ cuối tháng 10, đầu tháng 11, giới học đường đã rục rịch náo nức. Lớp học có phần chậm rãi của ngày thường bắt đầu tăng tốc bằng những bảng điểm thi đua, quen thuộc với cái tên “Bảng hoa điểm tốt”. Khi mà các tiết mục trả bài trở nên sôi động hơn, thầy cô cũng tăng cường ưu ái cho điểm tốt các bạn học sinh, để khuyến khích học sinh ghi nhiều hoa điểm tốt, học hành chăm chỉ hơn. Nhưng ở phía của tụi học trò, thì bảng hoa điểm tốt còn là danh dự của bản thân, cũng như của lớp mình đặt trong phạm vi toàn trường. Hoa đỏ là điểm 10, hoa xanh là điểm 9, còn hoa vàng là điểm 8, càng nhiều hoa nở, chứng tỏ cá nhân ấy, hay lớp học ấy càng phổng mũi tự hào. Đó chỉ là một trong muôn vàn phong trào thi đua, bên cạnh thi đua vở sạch chữ đẹp, trường lớp ngăn nắp khang trang hay báo tường độc đáo nhất, … Nhưng trong lòng đám học sinh, văn nghệ mới là hoạt động mà chúng mong đợi nhất. Văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo từ lâu đã vượt ngoài khuôn khổ là để chuẩn bị cho một ngày lễ lớn, mà còn có ý nghĩa là một dịp để khoe tài khoe sắc của từng trường từng lớp với nhau. Ở một số trường, còn là những màn tranh tài thể thao nảy lửa đến từ những tuyển thủ “ao nhà” cừ khôi nhất. Cứ đến những ngày này, lớp học nào cũng lao xao và có phần… tan tác. Nhóm này lo phong trào học tập, nhóm kia lo phong trào thể thao, nhóm ấy thì văn nghệ, nhất định quyết thắng. Thanh xuân đời người tự hỏi được mấy lần thắm lại cảm giác rạo rực của tuổi trẻ không âu lo?
Ở đất nước này, nhịp sống vẫn vậy, vẫn đang vội vã, xoay vần như vũ bão. Nhưng bỗng chậm hơn chút chút với sự có mặt của ngày 20/11, với những tin nhắn họp lớp, lời nhắc thăm thầy, thăm cô, khiến cho người Việt cảm giác như trẻ lại, như yên bình lại mấy phần trong lòng. Một ngày lễ đầy ý nghĩa với không chỉ những người đang làm thầy và trò, mà còn cho những người đã từng trải qua khoảng thời gian đứng bảng đen phấn trắng, hay từng mặc tấm áo trắng thêu đồng phục tinh tươm.
Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày của những người vĩ đại biết mấy, ngày kéo gần hơn người Việt lại cùng nhau!