Nền kinh tế định hướng sản phẩm (Product-Oriented Economy, từ đây mình sẽ gọi là POE) có thể được hiểu là nền kinh tế mà ở đó, tất cả những nhu cầu của  con người hay những khó khăn ta gặp phải sẽ đều được giải quyết bởi một ‘sản phẩm’ nào đó.
nguồn: Unsplash
nguồn: Unsplash

1. Từ góc nhìn cá nhân.

POE sẽ triệt tiêu khả năng suy nghĩ của bạn, cụ thể ở đây là tư duy giải quyết vấn đề từ gốc rễ, nhìn vào bản chất sự việc. Tại sao phải làm như thế trong khi chúng ta có thể mua món đồ A, và mọi chuyện được giải quyết?
Bạn cảm thấy mình không được xinh đẹp cho lắm. POE sẽ kết luận là do bạn đang chưa sở hữu chiếc váy mới nhất này, thế còn chiếc túi xách hàng hiệu này thì sao. Nếu đã có những thứ đó mà vẫn chưa đẹp, thì rất có thể là vì bạn chưa biết đến lọ kem dưỡng da tuyệt vời đến từ châu Âu này.
Bạn cảm thấy tự ti vì không ‘thành công’ như bao người khác ư. Đừng lo vì POE đã chuẩn bị cho bạn một ‘combo thành công’ bao gồm một căn nhà, một chiếc xe và những món đồ công nghệ mới nhất. (hãy nhanh chân đến ngân hàng và ký giấy vay nợ đi thôi).
Bạn cảm thấy áp lực trong công việc và cuộc sống, POE sẽ dẫn bạn đến những khu vui chơi với đủ những sản phẩm sẽ khiến cho bạn ngay lập tức yêu đời trở lại.
Chưa hết, lối suy nghĩ ‘hướng sản phẩm’ này còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ bao giờ mà mối liên kết giữa lối sống và sức khỏe đã dần biến mất. Sự tập trung chuyển dần từ một lối sống lành mạnh sang những gói bảo hiểm để khi có chuyện gì thì cũng đã có bảo hiểm lo, vô tình biến sức khỏe vốn là một trạng thái của cơ thể trở thành một sản phẩm, đóng gói nó và rao bán trên các phương tiện truyền thông.  
Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thôi thì cũng không tệ lắm, nhỉ. Vì nếu như chúng ta có được đủ n sản phẩm để giải quyết tất cả n vấn đề trong cuộc sống, thì POE cũng tốt đó chứ. Không hề, sau khi bạn đã có đủ n sản phẩm mà mạng xã hội và các phương tiện truyền thông ra sức thuyết phục rằng bạn cần chúng, thì cũng là lúc mà POE sẽ ‘lật mặt’, cụ thể là những sản phẩm mới với những tính năng ‘ưu việt’ hơn sẽ ra đời. Và bạn biết gì không, bạn thật sự cần có những sản phẩm mới này đấy, hãy mau đi mua chúng đi.
Tư duy phản biện và logic đã bị thay thế bởi ý kiến của những người nổi tiếng, các chính trị gia, và đáng buồn hơn là của những ‘giang hồ mạng’, những người mà ý kiến đưa ra thường trung lập và chỉ mang tính chất câu view là nhiều; tất cả bởi vì chúng ta thích việc có ai đó suy nghĩ hộ mình hơn là phải tự động não. Những vấn đề trên thế giới thì bị thay thế bởi những bản báo cáo về người nổi tiếng, đơn giản là việc anh ca sĩ nọ ăn gì vào buổi sáng, mặc gì ở đâu giá bao nhiêu thì rất là quan trọng, và chúng ta không muốn bỏ lỡ.

2. Ở góc độ vĩ mô.

Con người chúng ta đã tiến xa trên con đường chinh phục tri thức và hiểu biết về thế giới, thậm chí là vũ trụ. Nhưng chờ đã, có thật là như thế không. Con người đúng là đã đi rất xa trên hành trình tri thức, nhưng đó là xét về góc độ loài, góc độ xã hội.
Con người trong thời đại ‘tiên tiến’ thật ra chẳng biết gì về thế giới cả. Ngoại trừ việc lệ thuộc hoàn toàn vào công nghệ để giải quyết tất cả các nhu cầu, rất ít người thực sự biết làm cách nào mà công nghệ đã mang cho chúng ta những thứ như ánh sáng, nhiệt, thức ăn, xe cộ,... Chính vì chẳng hiểu gì về thế giới, chúng ta-một cách bất an- cố gắng bao quanh mình với những món đồ tốt nhất có thể chi trả để phục vụ cho nhu cầu của mình.
Chúng ta có một mô hình kinh tế dựa trên việc lấy tài nguyên ra khỏi lòng đất, (đa số là) biến chúng thành những sản phẩm chẳng cần thiết, khiến mọi người mua nó bằng cách ra sức thuyết phục họ rằng họ thật sự cần sản phẩm đó, và ngay sau đó thì khiến người ta vứt chúng đi bằng cách nói rằng những sản phẩm đó đã lỗi thời. Điều này khiến cho người ta lại đi mua những sản phẩm mới hơn và vứt những thứ khác đi (trở về lòng đất). Mục đích chính của một chuỗi những hành động dường như vô nghĩa này là để tăng năng suất lao động, làm việc nhanh hơn, và gia tăng GDP.
Chúng ta sống trong một thế giới mà tiền có mặt trong mọi khía cạnh của đời sống, khiến cho chúng ta phải đi làm mỗi ngày trong vài chục năm, nhưng tuyệt nhiên chỉ có các chuyên gia mới hiểu cách hệ thống tiền tệ vận hành.Chúng ta sống trong một thế giới mà thức ăn có thể được hâm nóng trong lò vi sóng chỉ bằng một cái ấn nút, nhưng  tuyệt nhiên chỉ có các chuyên gia mới hiểu được cơ chế hoạt động của lò vi sóng. Tất cả những gì mà ta cần làm là ấn cái nút đó, và điều kì diệu sẽ xảy ra.
Những chức năng của cuộc sống từ đó gắn với những sản phẩm cụ thể, đến nỗi mà đôi khi người viết cảm thấy thật khó hiểu : “tại sao lại có những người thật sự cần đến những thứ này cơ chứ”. Chúng ta mua robot lau nhà thay vì tự mình làm điều đó. Chúng ta mua những sản phẩm tẩy rửa được quảng cáo trên TV mà không biết rằng người xưa từng dùng giấm và baking soda như thế nào. Chúng ta cũng thấy thật khó khăn khi phải gọt táo bằng một con dao, mà thay thế nó với một chiếc ‘máy gọt táo’. Nếu như các bạn nói rằng ‘công nghệ sinh ra là để phục vụ con người và giải phóng sức lao động’ thì bạn đã nhầm. Năng suất làm việc của chúng ta đã tăng chóng mặt kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, nhưng số giờ làm việc thì không có dấu hiệu giảm xuống. Ngay như đại dịch Covid vừa rồi đã khiến cho nền kinh tế thế giới chao đảo vì gián đoạn chuỗi cung ứng. Hay nói cách khác, chúng ta thiếu ‘sản phẩm’ để tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa.
Tóm lại, trong nền kinh tế định hướng sản phẩm, những đứa trẻ lớn lên sẽ chỉ biết một điều duy nhất rằng các vấn đề được giải quyết bằng việc mua những sản phẩm; rằng để mua được những sản phẩm đó thì chúng cần phải có một công việc; mà để có được một công việc thì chúng lại cần có một tấm bằng thật đẹp và những chứng chỉ đắt giá (cũng không khác gì là một sản phẩm có thể được mua).