Cháu tôi năm nay lên 5 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1. Chính vì vậy anh chị tôi đang lo sốt vó làm thế nào cho con vào đúng trường đúng lớp để không thua kém bạn bè.
Anh chị đã nhắm sẵn một trường tư thục nhỏ, tương đối có danh tiếng và quan trọng nhất là học sinh ở đây có tỷ lệ trúng tuyển cao vào trường chuyên của thành phố. Hầu hết đồng nghiệp ở nơi anh chị công tác đều có con theo học trường tư thục này, nên dù thi đầu vào lớp 1 rất khó, anh chị tôi vẫn quyết tâm cho con vào học bằng được.
Để được vào học ở trường, con phải thi 4 vòng. Vòng 1 là quay video clip tự giới thiệu về gia đình, bản thân và thể hiện tài năng. Khi xem những clip các thí sinh năm trước, có thể thấy rất nhiều nhà đầu tư cho con một video xịn xò, không chỉ quay cảnh các con sinh hoạt trong những căn nhà lộng lẫy sang chảnh mà cả cảnh các con chơi những nhạc cụ đắt tiền, phổ biến nhất là piano.
Theo người đồng nghiệp đi trước đã có con đỗ trường này, chị tôi được biết video này không chỉ là cách các giáo viên đánh giá khả năng nói chuyện lưu loát hay tài năng của con, mà còn xem gia cảnh con thế nào, có điều kiện kinh tế hay không. Chỉ cần nhìn qua quang cảnh đồ đạc trong nhà, những món đồ các con sử dụng có xịn không, chất lượng đầu tư video có tốt không, giáo viên có thể biết ngay gia đình con ở mức nào. Và đương nhiên, gia cảnh càng tốt thì tỷ lệ được lọt vào vòng tiếp theo càng cao.
Sau đó, các con còn phải tham gia một khoá học với giáo viên và các bạn thí sinh khác hàng tuần trước khi làm các bài thi đánh giá năng lực IQ khác. Năm nay vì dịch nên khoá học tổ chức online. Mục đích khoá học là để giáo viên trực tiếp đánh giá năng lực và cách ứng xử của con qua từng buổi, nhưng một lần nữa, đó chỉ là trên bề mặt. Cái khó trong việc ứng tuyển vào trường nằm ở chỗ không phải có tiền là vào được. Một gia đình giàu có thôi là không đủ, mà bố mẹ còn phải thể hiện sự quan tâm sao sát con bằng cách ngồi học cùng con, hỏi han cô giáo mỗi ngày về tình hình học của con, thậm chí tận tâm đến chơi nhà giáo viên thì càng tốt.
Dù đã cố gắng hết sức để đạt các yêu cầu của giáo viên và trường, anh chị tôi vẫn rất bức xúc vì con bị cô giáo phân biệt đối xử. Ngay buổi đầu tiên vào học, cô đã quen biết một nhóm các bạn trong lớp và chỉ gọi các bạn đó phát biểu. Nhóm này là những học sinh đã học thêm trước ở lớp riêng của cô ở nhà, nên các em đều đã biết đọc viết thành thạo dù chưa vào lớp một. Còn cháu tôi thì mới bắt đầu biết cộng số và chưa hề biết chữ vì gia đình chủ trương không cho cháu học quá sớm sợ ảnh hưởng đến việc học của cháu trên trường với thầy cô.
Vì vậy, cháu tôi luôn bị chậm hơn các bạn. Nhiều buổi học liên tiếp, cháu cố gắng giơ tay để được cô để ý đánh giá tốt, nhưng luôn phải thất vọng vì thỉnh thoảng lắm mới được cô gọi 1 lần. Cuối buổi cô yêu cầu học sinh điền cảm xúc của mình, cháu tôi bảo chán vì cháu thích học trực tiếp hơn thì cô ngay lập tức chỉnh lại cháu "con học online vẫn được nhìn thấy cô và các bạn này, con có vui không?" Con miễn cưỡng bảo có, cô nói tiếp "thế con nên điền cảm xúc gì hôm nay?" và đương nhiên con phải điền "hạnh phúc."
Khi biết câu chuyện này, tôi cảm thấy ngôi trường này thực sự không ổn. Điểm thứ nhất không ổn là việc phân biệt học sinh dựa trên hoàn cảnh kinh tế gia đình. Tôi hiểu trường tư thục có chỉ tiêu tuyển ít nên họ có quyền kén chọn phụ huynh và học sinh. Nhưng từ góc độ của một người học và làm sư phạm, tôi thấy nó rất phản cảm. Anh chị tôi cũng thuộc diện gia đình khá giả dù không phải là giàu, nhưng cháu tôi đã bị đối xử như thế. Vậy những gia đình có điều kiện kém hơn, các con sẽ còn bị đối xử như thế nào? Khả năng là những đứa trẻ có gia đình khó khăn thì chưa bước tới cổng trường đã bị đuổi rồi.
Nhiều người sẽ nghĩ xã hội có phân biệt đẳng cấp - con nhà giàu học trường giàu, con nhà nghèo học trường nghèo là chuyện bình thường. Nhưng khi ta chấp nhận điều đó là bình thường, chúng ta đang dạy gì cho thế hệ sau? Nếu con may mắn sinh ra trong gia đình giàu có thì con được nâng giấc như vàng như ngọc, con không may sinh ra trong gia đình nghèo khó thì phải chịu thua kém. Vậy những đứa trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi thì cuộc đời chúng sẽ đi đâu, ra bãi rác à? Bây giờ là thế kỷ 21 hay thời Trung cổ vậy?
Tôi biết mình vốn là người tin theo những điều lý tưởng, nhưng tôi mong sao một ngày nào đó nền giáo dục của Việt Nam có thể tiệm cận với giáo dục của Phần Lan. Tôi đã đọc cuốn "Giáo dục Phần Lan 2.0" và đặc biệt bị choáng ngợp bởi tính nhân văn trong nền giáo dục của họ.
Theo cuốn sách, ở Phần Lan không có trường tư thục, tất cả các trường đều là trường công như nhau. Nền giáo dục Phần Lan đảm bảo dù chọn bất cứ 1 trường học nào trên cả nước, học sinh đều được tiếp cận chất lượng giáo dục tốt nhất với những giáo viên giỏi nhất có bằng thạc sĩ trở lên, không có chuyện phân biệt vùng miền, lại càng có chuyện không phân biệt điều kiện kinh tế của bố mẹ.
Đương nhiên chất lượng giáo dục Việt Nam còn xa mới theo được Phần Lan, nhưng tính nhân văn trong phương châm giáo dục của họ là điều rất đáng để hướng tới.
Quay lại với câu chuyện của gia đình anh chị tôi, điểm thứ hai tôi thấy không ổn ở trường này là một người giáo viên chịu trách nhiệm đánh giá và đón học sinh đầu vào của trường mà lại có thái độ phân biệt đối xử với học sinh như vậy. Thậm chí cô còn cố tính gạt bỏ cảm xúc thật của học sinh, ép con nói dối rằng mình hạnh phúc trong khi các con không hề hạnh phúc chỉ để đảm bảo con đánh giá tốt cho buổi dạy của mình. Tôi nói với chị tôi đó là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng.
Một ngôi trường tốt đến đâu mà giáo viên không tốt thì cũng thành dở. Tôi không sợ giáo viên dạy không tốt, mà chỉ sợ giáo viên thiếu đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt với những học sinh cấp 1 đang ở tuổi hình thành tư duy và nhân cách như cháu tôi, việc tiếp xúc với giáo viên mỗi ngày như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cháu về sau. Vì vậy tôi nói với chị tôi hãy tỉnh táo khi lựa chọn. Việc chọn trường là quan trọng nhưng việc chọn giáo viên dạy con mình còn quan trọng hơn gấp bội phần.
Tôi tin ngoài kia còn rất nhiều ngôi trường và giáo viên không chỉ giỏi mà còn có tâm. Bản thân tôi đã may mắn được học với rất nhiều giáo viên như vậy. Họ là những tấm gương sáng cho tôi động lực để theo đuổi ngành sư phạm. Dù nhiều người chửi tôi bị điên khi chọn theo sư phạm dù thừa sức theo các ngành khác, tôi vẫn tin vào lựa chọn của mình.
Với tôi giáo dục luôn là một điều cao cả. Giáo dục là yêu thương con người và đẹp nhất, nó nên yêu thương con người không phân biệt, nâng họ lên, cho họ những điều kiện cần thiết phát triển và cống hiến trong thế giới này, bất kể xuất phát điểm họ ở đâu, cho dù là một đứa trẻ có cha mẹ tỷ phú hay một đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ đi nữa.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet
Đọc thêm: