Làm gì khi người khác tổn thương mình?
Dạo gần đây mình trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Đặc biệt là khi nghe những lời phán xét, chê bai vô ý tứ của người khác. Tại sao...
Dạo gần đây mình trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Đặc biệt là khi nghe những lời phán xét, chê bai vô ý tứ của người khác.
Tại sao mình gọi là "vô ý tứ"?
Bởi mình biết họ đều là những người bạn tốt của mình. Họ từng giúp mình nhiều điều và mình rất biết ơn vì điều đó. Nhưng đôi lúc, vì họ không đủ tinh tế để hiểu mình (có ai là hiểu nổi mình, ngoài chính mình đâu chứ) nên họ lỡ buông lời không hay, đụng chạm đến những nỗi niềm bên trong.
Mình cũng đã từng là người như thế.
Khi có những đối tượng "easy target", mình đã buông lời chọc ghẹo. Trong thâm tâm, mình nghĩ đó chỉ là một trò đùa và nó còn giúp mình và đối phương kết nối thân thiết hơn. Mình chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ cố ý làm tổn thương ai cả.
Thế nhưng... biết đâu bất ngờ.
Khi mình bất đắc dĩ trở thành "nạn nhân" của những trò đùa vô thưởng vô phạt ấy, mình lại cảm thấy khó chịu vô cùng.
Mình khó chịu vì đa số nó là những lời dìm hàng người nghe. Lấy người nghe ra làm trò đùa để mua vui.
Mình khó chịu vì đa số nó là những lời vô cùng chủ quan. Người nói bằng những giới hạn của trí tuệ, đã nói như thể họ hiểu mình lắm.
Mình khó chịu vì đa số nó là những lời kết luận từ quá khứ. Họ đã từng nhìn thấy những thất bại của mình trong quá khứ và đem nó ra để dán nhãn cho mình.
Hóa ra khi trở thành người nghe, mình mới biết nó không hề vui tí nào. Thậm chí đa phần còn có tính sát thương, công kích.
Bởi vậy qua đó mình tự nhủ với lòng, sau này có nói chuyện với ai cũng sẽ nỗ lực ý tứ hơn để không phạm phải những sai lầm khiến cho xa cách lòng người như thế.
Mình thường nói với người yêu: "Chất lượng mối quan hệ đến từ nỗ lực xây dựng của cả 2 chiều".
Đối với bạn bè cũng thế. Bởi vậy không thể nào mình chỉ có thể đổ lỗi cho đối phương để rồi hờn trách, lạnh nhạt và mất dần mối quan hệ này được.
Về phía người nghe, mình có thể làm gì để mối quan hệ có thể hàn gắn lại với nhau?
Theo mình, đó là cần sự phản hồi từ người nghe. Vì đa số người nói ra những lời bông-đùa-nhưng-có-gai ấy thường không nhận thức được là họ làm mình buồn khổ.
Nên mình cần báo động để họ biết, nhận ra và điều chỉnh.
Trong quyển "How to love", thiền sư Thích Nhất Hạnh có chia sẻ một "phương thuốc" chữa lành mang tên Asking for help.
"Khi bạn đau khổ, bạn thường muốn đi vào phòng, đóng cửa và khóc. Thậm chí khi người làm tổn thương cố gắng tiếp cận, bạn thường vẫn còn giận dữ mà né tránh.
"Khi bạn đau khổ, bạn thường muốn đi vào phòng, đóng cửa và khóc. Thậm chí khi người làm tổn thương cố gắng tiếp cận, bạn thường vẫn còn giận dữ mà né tránh.
Nhưng để làm nhẹ đi niềm đau này. bạn phải đi đến gặp người làm bạn tổn thương và nhờ sự giúp đỡ. Thành thật với bản thân 100%. Hãy mở lời và nói bằng cả con tim và sự tập trung của bạn rằng bạn đang đau khổ và bạn cần hỗ trợ.
Nếu bạn quá khó khăn để bình tĩnh nói, bạn có thể viết một tờ giấy note và đặt vào nơi người ấy sẽ nhìn thấy. Sau đây là 3 câu nói có thể giúp:
1. "Bạn ơi, tôi đang đau khổ, tôi đang giận dữ, và tôi mong bạn biết nó."
2. "Tôi đang làm điều tốt nhất có thể." Điều này có nghĩa bạn đang thực tập chánh niệm trong từng hơi thở và hành động, và quan trọng là bạn đang cố gắng ngăn lại những hành động hoặc lời nói có thể phát ra từ sự giận dữ.
3. "Làm ơn giúp đỡ tôi vượt qua nỗi niềm này."
Mình nghĩ, đa phần chúng ta gặp khó để thực hành bài tập này. Bởi xu hướng tâm lý sẽ thấy họ đã làm tổn thương mình thì mình không xả giận đã là may rồi, cớ sao lại cần sự giúp đỡ.
Cái tôi của một "nạn nhân" luôn vùng vẫy, kiêu ngạo và cố gắng khư khư giữ lấy ranh giới phân biệt như thế.
Hoặc, một cách khác, có thể cái tôi ấy đã vốn sợ hãi sự tổn thương nên càng không dám phơi bày đi vết thương bên trong lòng ra.
Vì biết đâu được, người ta liệu có thể phán xét và tấn công mình nữa hay không?
Thực ra, như mình nói, với vai trò là từng là người "gây hại", mình luôn biết rằng thực tâm mình hoàn toàn không có ý đồ gì xấu xa cả đâu. Cho nên, nếu khi mình nhận được phản hồi từ đối phương rằng bạn ấy buồn, bạn ấy không vui khi nghe những lời đó thì mình sẽ hoàn toàn xin lỗi ngay và cố gắng để xoa dịu bạn ấy.
Chúng ta nhiều lúc mải mê với trò đùa của mình mà không lường trước tác hại của nó. Vì mê mờ mà ta mới vô tình làm đau nhau. Nếu có thực tập sự tỉnh thức thường xuyên, mình tin sẽ không ai muốn làm phiền lòng người khác cả.
Cho nên, mình nghĩ rất cần lắm sự chủ động từ đôi bên. Đặc biệt là người "bị hại". Sẽ không dễ để có thể làm được việc này dễ dàng.
Bản thân mình dù rất tâm đắc với lời dạy của Thầy Thích Nhất Hạnh. Nhưng đến khi đụng chuyện thì phải nói là khó vô cùng.Mình phải nỗ lực từng chút một. Đầu tiên là hít thở để tĩnh lặng cho bản thân. Sau là sắp xếp lời lẽ để phản hồi cho phù hợp - mình thường chọn kênh giao tiếp qua con chữ vì rất ngại mở miệng nói những chuyện này.Có nhiều lúc, khi đã viết xong và gửi cho đối phương, mình hồi hộp vô cùng. Mình thấy được rất nhiều nỗi sợ bị phán xét dâng trào lên. Người mình thì thậm chí còn run rẩy, nổi cả da gà.Nhưng khi từng bước từng bước nhận được câu trả lời và sự thấu hiểu đôi bên, mình mới có được trạng thái nhẹ nhàng, bình an và hạnh phúc vô cùng.
Một lý do nữa để bạn áp dụng bài thực hành "Asking for help".
Khi bạn và đối phương đã thấu hiểu nhau hơn nhờ nói ra nỗi lòng, bạn cũng đồng thời thông báo cho họ biết ranh giới của chính bạn. Nó như một cái vòng an toàn để người khác không xâm phạm đến. Bạn chắc hẳn mong muốn điều này, phải không?
Khi có được thông tin này, đối phương sẽ có ý có tứ hơn mỗi khi giao tiếp với bạn. Họ sẽ ý thức hơn trong mỗi lời nói để không phạm phải sai lầm.
Và mình tin, chính bản thân họ cũng sẽ rất vui vì được bạn cung cấp cho thông tin quý giá này đấy. Vì thực lòng chẳng ai muốn "tạo nghiệp" với người khác cả, đúng không!
Mình cũng xin lưu ý luôn, đây không phải là cầu xin hay bản thân đứng ở thế dưới.
Đối với mình, một mối quan hệ chất lượng luôn phải là mối quan hệ hàng ngang, không có cao thấp kẻ trên người dưới. Người tổn thương không phải là người chiếu dưới và người lầm lỡ không phải là người chiếu trên.
Vả lại, một mối quan hệ luôn là kết quả của sự hai chiều, qua lại với nhau. Nó cần sự chung tay và vun đắp của cả 2 bên. Nếu chỉ có một bên bồi và một bên phá thì bạn cũng sớm hiểu và lựa chọn dừng lại ở đây được rồi. Càng rất xứng đáng và thích hợp để kết thúc nó.
Bởi vậy, nếu bạn chẳng may rơi vào trường hợp cảm thấy bị "công kích" vì lời nói của đối phương, khiến cho bạn phiền lòng, đau khổ thì bạn hãy thử trải nghiệm thực hành phương cách Sư Ông chia sẻ.
Chúc bạn và mình sẽ bình an, vững chãi và có được dũng khí để yêu cầu giúp đỡ mỗi khi đụng chuyện nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất