nguồn: FB/DC Group-VPC, Cafef
nguồn: FB/DC Group-VPC, Cafef
Câu chuyện "Trung Quốc mở hàng loạt tổng kho Giga đặt sát biên giới Việt Nam" không phải bây giờ tôi mới được biết, mà tầm 4 tháng trước đã có video nói chuyện của anh Hoàng Nam Tiến trên youtube nhắc đến rồi. Tôi cũng suy nghĩ về nó trong suốt quãng thời gian ấy, nghe ngóng, tìm kiếm thêm thông tin để có cái nhìn đầy đủ hơn. Câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình là: Nên mừng hay nên lo? Nhưng trước khi đi vào phân tích vấn đề này, chúng ta cần hiểu rõ vấn đề này là gì đã.

Tổng kho Giga là gì?

Có thể hiểu đó là những kho hàng cực lớn, có đủ loại hàng hóa (mà chủ yếu là hàng dân dụng, hàng tại các chợ, siêu thị, sàn TMĐT). Những kho này giúp quãng đường vận chuyển ngắn hơn, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển và thời gian đặt hàng. Kho càng gần thì chi phí càng giảm.

Điều đáng mừng

Đầu tiên là người tiêu dùng được lợi: Giá rẻ, giao hàng nhanh, mua gì cũng có. Thử tưởng tượng thay vì bạn phải đi 5-6km để tới siêu thị thì bây giờ siêu thị đã ở ngay bên cạnh nhà bạn, đi bộ vài bước chân là đến, rồi ở cái siêu thị này cái gì cũng có, giá lại rẻ nữa, thế thì thích quá còn gì. Chưa kể kho Giga này đặt sát biên giới thì các vấn đề đi lại, thông quan cũng sẽ giản tiện hơn rất nhiều so với việc phải đi sâu vào biên giới nước họ. Điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí và thời gian rất nhiều. Giả sử 1 món hàng 100k tiết kiệm được 100 đồng chi phí, thì bạn có biết sức mua hàng online ở VN là bao nhiêu tiền không? Con số dự báo là 20.5 tỷ USD, dự báo tăng lên 45 tỷ USD vào 2025. Bạn có tính ra được người ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền không?
Số to quá cũng khó tính nhỉ? Để tôi tính hộ bạn nhé. Tiết kiệm được cỡ 492 tỷ đồng đấy.
Tiếp đến là các anh chị shipper sẽ có nhiều việc hơn do xu hướng hành vi mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam đang tăng lên. Mọi người có thể đọc thêm ở bài viết sau đây (nguồn này thì uy tín luôn):
hết rồi.

Điều đáng lo

Có ý kiến cho rằng:
có kho hàng lớn như vậy rồi ta không còn phải lo sản xuất hàng tiêu dùng nữa, mà tập trung thời gian và nguồn lực cho những ngành công nghệ đòi hỏi nhiều chất xám, công nghiệp nặng, như thế là đáng mừng mới phải chứ?
Tôi lại thấy điều này đáng lo. Bởi vì hai vấn đề này chẳng liên quan gì đến nhau. Làm sao có thể để người đang có tư duy làm hàng dân dụng - khi họ thất nghiệp - lại bảo họ quay sang làm ngành công nghệ cao, công nghiệp nặng? Cái này có phải muốn làm là làm được đâu?
Ngược lại, việc không "phải" sản xuất hàng tiêu dùng nữa sẽ là một cái bẫy vô cùng nguy hiểm. Đó là sự phụ thuộc vào hàng tiêu dùng nước ngoài. Thử tưởng tượng 1 ngày đẹp trời, khi dân ta đã quá quen với việc mua hàng từ nguồn cung này rồi, thì họ bất ngờ TĂNG GIÁ, hoặc vui hơn thì họ ĐÓNG CỬA KHO. Well... bạn biết phải mua hàng ở đâu không? Khi hàng tiêu dùng đang có sẵn thì bạn không thấy nó quan trọng, chứ đến lúc siêu thị không có hàng, dân tranh nhau đi mua tích trữ vì sợ khan hiếm, thì đến lúc đó cuộn giấy vệ sinh cũng quý giá lắm đấy. Chúng ta đã chứng kiến điều này qua mùa Covid19 rồi mà, đã thấy tắc biên với TQ ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hóa thế nào rồi mà, giờ càng phụ thuộc vào đó nữa thì càng nguy hiểm.
Còn bạn nghĩ: Thương mại tự do, thị trường cung cầu thì làm gì có chuyện họ tự ý tăng giá hay đóng cửa kho thì bạn nhầm đấy. Bởi vì đó là TQ, họ là bên mạnh hơn, chủ động hơn, nắm đằng chuôi. Chỉ cần quan hệ chính trị không tốt cũng dễ dàng có một lệnh cấm biên ngay. Vì vậy việc đặt kho sát biên giới như này mà nói, với tôi, nó nguy hiểm không khác gì đặt quân đội sát biên giới. Đó là chiến tranh thương mại, nơi mà ai kiểm soát được cung cầu thì người đó thắng.
Một điều đáng lo nữa là dòng tiền sẽ chảy về đâu? Nói một chút về chu trình cung-cầu thông thường: Người sản xuất tạo ra sản phẩm => bán cho người buôn hàng => người buôn hàng bán cho nhà bán lẻ => nhà bán lẻ bán cho người tiêu dùng.
Cứ coi TQ là người sản xuất đi, họ sản xuất thì ăn phần sản xuất. Còn nhà buôn, nhà bán lẻ là người Việt thì dòng tiền vẫn xoay quanh thị trường Việt là nhiều. Đó là thứ đã, đang diễn ra tới thời điểm này.
Giờ cuộc chơi sẽ dịch chuyển theo hướng: Nhà sản xuất tạo ra sản phẩm => đưa sản phẩm tới kho => tại kho có người bán (cũng là người của bên nhà sản xuất) => bán cho người tiêu dùng.
Vai trò nhà buôn, nhà bán lẻ bị thay thế vì nhà sản xuất đã có cách dí hàng hóa tới tận tay khách hàng rồi, chỉ bấm nút là có. Thế là dòng tiền chảy thẳng vào túi nhà sản xuất. TQ cung cấp sàn thương mại, cung cấp phương pháp marketing, có khả năng tạo ra bot tự động bán hàng, có hệ thống phân phối tỉ dân, trên một lãnh thổ lớn gấp nhiều lần nước ta, không khó để họ tràn sang VN như một cơn lốc.
Hậu quả của nó là gì? Người dân chỉ kiếm tiền và mua hàng (tiêu thụ), còn họ sản xuất và kiểm soát chuỗi cung ứng. Giá cả và chất lượng sản phẩm do họ quyết định. Nó khá giống với mô hình thuộc địa kiểu mới đấy nhỉ.
Khi dòng tiền bị rút ra khỏi đất nước, nguồn lực cũng sẽ bị suy giảm, bởi làm gì có tiền quay vòng vốn để tái sản xuất, tái đầu tư? Càng in tiền thì càng lạm phát chứ giải quyết được gì đâu? Mấu chốt của một nền kinh tế mạnh là khả năng thu hút tiền từ nước ngoài, quay vòng tiền càng nhanh càng tốt. Nó cũng như máu trong cơ thể ta thôi. Có ai bị rút bớt máu ra khỏi cơ thể mà khỏe lên đâu, lúc ấy làm gì có tâm trí và sức lực để mà làm những thứ "nhiều chất xám" với "công nghệ cao" được nữa? Toàn là thứ đòi hỏi vốn lớn, trí nhiều, sức nhiều, một cơ thể khỏe mạnh, tự cường mới làm được.
Một cái đáng lo nữa là người ta không thấy lo giống như mình. Có phải mình suy nghĩ viển vông, lệch lạc hay không? có phải mình lo lắng thừa thãi không - khi mà còn đó chính phủ, còn đó cả hệ thống sản xuất + phân phối của 1 quốc gia với nhiều tập đoàn kinh tế hùng mạnh đang gánh vác? Có phải mình "ăn rau muống nói chuyện trính chị" hay không? Có phải mình FOMO, mình muốn thể hiện để khiến người ta cũng phải lo lắng giống mình thì mới "vui", mới thể hiện ta đây "có hiểu biết" hay không?

Chốt

Cứ giả sử là điều đáng lo cuối cùng của mình là do tự huyễn hoặc, tự sướng, không có cơ sở đi, thì mình cũng sẽ chỉ vui khi biết tin: "Việt Nam khai trương tổng kho Giga đặt sát biên giới TQ, Lào, Cam". Nếu đặt ngược vấn đề lại như vậy, bạn sẽ có suy nghĩ thế nào?
Người ta cũng cảnh báo: "Các nhà bán lẻ, shop, cửa hàng trong nước nếu như không thích ứng thay đổi thì sẽ sớm bị thua ngay trên sân nhà." Nói từ "thua" là nhẹ lắm rồi đấy, chứ nói thẳng, nói thật thì có lẽ phải dùng từ "Phá sản", "Nô lệ" thì đúng hơn. Nhưng thay đổi kiểu gì? thích ứng thế nào? Nói thì dễ chứ giải pháp mới khó. Ông không phải người buôn bán thì ông hiểu gì mà chém gió?
Thôi thì cứ để ngỏ cái gọi là "giải pháp" ở đây vậy, chờ xem thế sự xoay vần rồi thích nghi thôi, mình có phải người buôn bán đâu mà lo.
16/02/2024
duongAQ