Câu hỏi gốc: Tại sao Napoleon lại là một chiến lược gia quân sự thông minh đến vậy? Những điều khác biệt mà ông ấy đã làm?
Trả lời bởi Pete Feigal, làm việc tại Artist, Speaker, Director, MPLS, MN

Tôi khá thất vọng với vài câu trả lời ở đây nên phải chen vào một chút.
Người ơi, xin hãy đọc kỹ câu hỏi trước khi định trả lời.
Câu hỏi ở đây là “Tại sao Napoleon lại là một chiến lược gia quân sự thông minh đến vậy”?
Chứ không phải là “Tại sao Napoleon lại là một chiến thuật gia thông minh đến thế”?
“Chiến lược gia,” không phải là “Chiến thuật gia”.
Từ điển Merriam-Webster định nghĩa từ “chiến lược” như sau: “a (1) : khoa học và nghệ thuật của việc sử dụng những nguồn lực về mặt kinh tế, chính trị, tâm lý và quân sự của một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia để tối đa hóa sự hỗ trợ dành cho những chính sách được chấp thuận trong hòa bình hay chiến tranh”.
Từ điển Merriam-Webster định nghĩa từ “chiến thuật” như sau: “a (1): khoa học và nghệ thuật của việc bố trí và điều động lực lượng trong trận đánh”.
Hai thứ hoàn toàn khác nhau. Một bên là tư duy / hoạt động trên quy mô lâu dài / rộng lớn để sự dùng toàn bộ những nguồn lực quốc gia cho mục tiêu cuối cùng.
Một bên là điều khiển / di chuyển các đơn vị trong một trận đánh quy mô nhỏ.
Một vài câu trả lời ở đây là chạm tới được phần tư duy chiến lược nhưng rồi sau đó lại lạc đề khi tập trung vào phần chiến thuật.
Napoleon là một chiến lược gia cực kỳ tệ hại còn đối với kỹ năng chiến thuật của ông, nó có thể từ chỗ cực kỳ thông minh trong trận Austerlitz cho tới cực kỳ tệ hại trong trận Borodino và Waterloo.
Để lấy vài ví dụ, Napoleon chưa bao giờ hiểu được sự cần thiết của một lực lượng hải quân có thể đối đầu được với hải quân Anh dù là để bảo vệ bờ biển, để xâm lăng hay mở rộng sức mạnh của ông ta trên biển.
Đọc thêm:
Ví dụ, chiến thắng của ông trong Trận Kim Tự Tháp là vô nghĩa hoàn toàn khi Đô đốc Nelson đánh bại quân Pháp tại Trận Sông Nile, buộc Napoleon phải bỏ quân đội tại Ai Cập của mình và lẻn về nước Pháp.
Tôi cho rằng ai đó nên bảo với Napoleon rằng tư tưởng CHIẾN LƯỢC là không cử cả một đội quân ra biển Địa Trung Hải nếu trước đó không kiểm soát toàn bộ hoặc ít nhất một phần biển.
Thất bại còn ê chề hơn trước quân Nga cũng minh họa cho sự khiếm khuyết về tư tưởng chiến lược của ông. “Grande Armée” của ông (Đại Quân) cũng là một lực lượng cực kỳ lớn, có khoảng 680 000 binh lính (gồm 300 000 lính Pháp). Đó là số lượng binh lính lớn nhất từng được tập hợp trong lịch sử chiến tranh cho tới thời điểm đó…”-Wiki.
“…Khi tàn quân của quân đội Napoleon đi qua(Trận Berezina - Wikipedia) Sông Berezina (Sông Berezina - Wikipedia) vào cuối tháng mười một, chỉ còn lại 27 000 lính có thể chiến đấu—Wiki. Một trong những thất bại lớn nhất, và có lẽ là thất bại LỚN NHẤT trong lịch sử chiến tranh cho đến thời điểm đó.
Và lại một lần nữa Napoleon rời bỏ tàn quân của mình để lẻn về Pháp.
Tôi cho rằng ai đó nên bảo với Napoleon rằng tư tưởng CHIẾN LƯỢC là khi gửi đội quân lớn nhất, đói khát nhất trong lịch sử vào địa phận đất nước của quân địch, một nơi có thể sử dụng chiến thuật “tiêu thổ” (vườn không nhà trống) với bạn, hoặc có thể có thời tiết khắc nghiệt, ví dụ như mùa đông chẳng hạn, khiến binh lính của bạn hơi rùng mình một tẹo, hoặc gửi đạo quân quá lớn tới mức những đường tiếp tế thông thường có thể bị chặn đứng hoặc phá hủy bởi những đạo lính di chuyển nhanh, ví dụ như người Cossacks hoặc những kẻ có thể thực sự đốt cháy thành phố của chúng để khiến bạn không có chỗ ở. Tất cả những điều đó đều là những ý tưởng tệ hại.
Thất bại hoàn toàn trước người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở trận Wellington cũng cho thấy khiếm khuyết về tư tưởng chiến lược của ông ta.
“Sau đó Napoleon xâm chiếm Bán Đảo Iberia với hi vọng mở rộng Hệ thống Thuộc địa và bóp chết nền thương mại của Anh với đại lục Châu Âu và phong anh trai của mình, Joseph Bonaparte là Vua Tây Ban Nha vào năm 1808. Tây Ban Nha cùng Bồ Đào Nha đã nổi dậy với sự hỗ trợ của nước Anh. Chiến Tranh Bán Đảo đã kéo dài trong sáu năm, trong đó có nhiều cuộc chiến tranh du kích lớn, và cuối cùng kết thúc với chiến thắng dành cho quân Đồng Minh.”-Wiki
Tôi cho rằng ai đó nên bảo với Napoleon rằng tư tưởng CHIẾN LƯỢC là khi soán quyền Vua Tây Ban Nha và thay anh trai mình vào vị trí đó, khủng bố và giết chóc những đồng minh cũ của mình... và rồi đột nhiên họ nổi dậy, tham gia cùng người Anh dưới sự lãnh đạo của Vua Wellington, và dẫn tới cuộc chiến vắt kiệt sức quân đội của bạn trong vòng sáu năm trời và cho phép người Anh tiến vào miền nam nước Pháp, có lẽ ông ta nên để cho anh trai mình điều hành một sàn chơi bowling hoặc làm việc gì đó tương tự nhỉ.
“Vào năm 1813, Phổ và Áo đã gia nhập cùng người Nga trong Chiến Tranh Liên Minh Thứ Sáu (War of the Sixth Coalition - Wikipedia) để chống lại Pháp. Đó là một chiến dịch quân sự kéo dài đến cùng cực, đỉnh điểm là sự kiện cả quân đội Đồng Minh đánh bại Napoleon tại Trận Leipzig (Battle of Leipzig - Wikipedia) vào tháng mười, 1813. Quân Đồng minh sau đó đã xâm lược nước Pháp (Chiến dịch Đông Bắc Pháp (1814) - Wikipedia) và chiếm được Paris vào mùa xuân năm 1814, buộc Napoleon phải thoái vị vào tháng Tư.”—Wiki.
Tôi cho rằng ai đó nên bảo với Napoleon rằng tư tưởng CHIẾN LƯỢC là khi đã chiếm đóng những đất nước mà ông ta đã vừa đánh bại hoặc không thì cũng biến họ trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch của ông ta (?) tức là, cho họ một “miếng bánh” to hơn để ngăn các quốc gia đó không nổi dậy, đoàn kết lại với nhau và cho ông ta một trận.
“Napoleon trốn thoát khỏi Elba vào tháng hai năm 1815 và lại một lần nữa chiếm quyền kiểm soát nước Pháp. Quân Đồng Minh đáp trả bằng cách thành lập Liên Minh Thứ Bảy (Hundred Days - Wikipedia), liên minh này đã đánh bại ông ta trong Trận Waterloo (Battle of Waterloo - Wikipedia) vào tháng Sáu .”—Wiki
Vâng, họ lại làm được đó.
Và về những khả năng chiến thuật của Napoleon. Trận đánh lớn ở Austerlitz thực sự là một kiệt tác đó, một trận đáng được nhiều thế hệ nghiên cứu kỹ lưỡng, trận “Cannae”, “Guagamela” của ông ta cũng thế. Nhưng ông ta chẳng bao giờ đạt được đẳng cấp đó lần nào nữa. Đúng thế, ông ta đã chiến thắng nhiều trận đánh, nhưng chẳng có trận nào đáng tự hào cả.
Theo nhiều cách thức khác nhau thì, bốn trận đánh vĩ đại nhất của ông ta đó là các trận Austerlitz, Borodino, Leipzig và Waterloo.
Mọi trận đánh đều quan trọng cả, nhưng hãy xem trận đánh vĩ đại nhất, Borodino:
Tại trận Borodino, quân đội của ông ta vẫn cực kỳ lớn mạnh dù bị nắng nóng, đói khát và dịch bệnh tàn phá. Ông ta đã chiến đấu trong rất nhiều những trận đánh khác nhau, nhưng giờ đây ông đã có điều mà mình luôn luôn mong chờ: một trận chiến lớn mang tính quyết định với người Nga.
Những trận chiến quyết định đó sẽ quyết định cả một cuộc chiến tranh, và cả sự nghiệp của một vị tướng lĩnh. Rất khó có được những trận chiến như vậy. Nhưng khi chuyện đã rồi, bạn có thể chiến thắng được cả một chiến dịch, thậm chí là cả cuộc chiến tranh.
(Với tư tuy cùng tầm nhìn CHIẾN LƯỢC tốt, người ta sẽ phải nghĩ rằng mình cần xem xét những liên minh thay vì những quốc gia, những quốc gia thay vì các cuộc chiến tranh, những cuộc chiến tranh thay vì các trận đánh, và những trận đánh thay vì các cuộc giao tranh nhỏ.)
Napoleon chỉ có thể hiểu được các “trận đánh”. Alexander Đại đế có thể hiểu được các “liên minh”.
Hannibal đã có được kiệt tác chiến thuật của mình tại trận Cannae, và ông ta nhìn ra được “toàn cục” tốt hơn so với Napoleon. Nhưng sau trận Cannae, ông ta chẳng bao giờ có thể đem về một trận đánh lớn vĩ đại như vậy cho người Roman. Thay vào đó, ông ta đi lang thang khắp nước Ý trong gần một thập kỷ cho tới khi nguồn cung cạn kiệt (cùng những thứ khác). Ông ta phải quay lại Carthage, một nơi đã bị hủy hoại hoàn toàn và rồi ông ta (có lẽ) đã tự sát kèm với đó là việc hạ mình xuống vị trí “từng thống lĩnh” lịch sử quân đội, và tất nhiên chỉ đứng sau “chúa của tất cả bọn họ”, Alexander. Hannibal đã làm được vài điều phi thường nhưng cuộc chiến của ông ta đã kết thúc với sự diệt vong của quê nhà. Vậy thì chiến thắng ở đây là gì nhỉ?
(Một điều nữa khiến tôi phát điên ấy là: mọi người nói đi nói lại về khả năng chiến thuật của Napoleon dù đúng hay sai. Họ không bao giờ nghĩ tới chuyện tiếp theo. Napoleon đã học những chiến thuật đó ở đâu ra vậy? Cyrus Đại đế? Alexander? Scipio? Hannibal? Đầu bếp làm bánh của ông ta? Và ông ta thay đổi, kết hợp và tận dụng những chiến thuật đó ra sao? Chỉ nói tới những chiến thuật đó mà không đề cập đến những vấn đề ấy cũng sẽ dẫn tới một niềm tin sai lầm ấy là Napoleon đã bịa ra tất cả những chuyện đó. Uống nước phải nhớ nguồn chứ. (Ngay cả khi nhiều vị tướng không thích thừa nhận việc này) Hầu hết những chiến thuật đó đều xuất phát từ Alexander bởi ông chính là tướng lĩnh vị đại nhất mọi thời đại. Nhưng ngay cả chính Alexander cũng học được từ người cha của mình, Phillip Đệ Nhị, hoặc có lẽ là Memnon xứ Rhodes).
Alexander đã có thể đánh bại Darius và toàn bộ đội quân Ba Tư khó nhằn của ông ta và dẫn tới một trong những trận chiến quyết định tại Gaugamela. Darius hoàn toàn áp đảo quân số so với Alexander, nhưng điều này cũng chẳng là gì mới mẻ đối với Alexander. Ông ta đã dành toàn bộ sự nghiệp non trẻ của mình để đánh bại những đội quân lớn hơn nhiều quân của mình.
Alexander biết rằng những con số chỉ mang tính nhất thời thôi. Chuyện ông ta bị vượt trội về mặt quân số trong khoảng thời gian chinh chiến cũng chẳng là vấn đề gì. “Tất cả” (!) những gì ông ta cần làm ấy là xé nhỏ đội quân của Darius với đội “Chiến hữu” kỵ binh của mình, đơn vị chiến đấu tuyệt vời NHẤT trong lịch sử, (cùng với quân Mông Cổ,) để giành được ưu thế quân số tại một vị trí duy nhất nào đó trên chiến trường: giữa không gian nhỏ bé tới đáng kinh ngạc của quân đội Darius và rồi sau đó đột phá, len lỏi vào và bóp nát quân Ba Tư từ phía sau.
Ở Borodino, Napoleon đã có thể thực hiện được trận đánh “Gaugamela” của mình. Người Nga đã ở đó, và cơ hội có được chiến thắng quyết định đã nằm trong tầm tay. Vậy ông ta đã làm gì?
Ông ta đã cho đội quân thiện chiến của mình chạy thẳng vào họng súng của quân Nga, đặc biệt là lúc ở Great Redoubt, và đội quân đó đã bị tàn sát. Không cố điều động quân lính, không quay súng đầy kiêu hãnh như ở Austerlitz, không mưu mẹo, cũng chẳng hiện diện để khích lệ binh lính.
Chẳng có gì hết.
Chỉ hành quân một-hai một hai tiến thẳng vào trận địa dựng sẵn của quân Nga. Ông ta cũng giữ Quân Hoàng Gia lại "để dành" cho một ngày nào đó khi cần thiết hơn ?????? “Để dành vào một ngày mưa chăng?” Quân đội Nga đang ở ngay trước mặt họ, một tình cảnh mà có lẽ họ chẳng bao giờ bị vướng vào thêm một lần nữa!!! Phải có ai đó nên hét vào tai Napoleon, “Này, thằng lùn!! ĐANG MƯA KÌA!!!”
Quân Hoàng Gia của Napoleon, đơn vị duy nhất trên chiến trường không tham gia chiến đấu, thực sự đã sẵn sàng hành động nếu được nhận lệnh. Với việc từ chối không dùng tới Quân Hoàng Gia, một vài sử gia tin rằng, ông ta đã mất đi cơ hội hủy diệt quân đội Nga và chiến thắng chiến dịch đó”-Wiki
Cách dùng từ khá đặc biệt, là: “Chiến thắng “chiến dịch,” chứ không chỉ mỗi trận đánh.
“Cuộc chiến có khoảng 250 000 lính và ít nhất khoảng 70 000 người đã bỏ mạng, khiến trận Borodino trở thành ngày chết chóc nhất trong những cuộc chiến tranh của Napoleon. Đại Quân của Napoleon đã thực hiện một cuộc tấn công chống lại quân Nga, đưa quân đội ấy trở lại điểm xuất phát nhưng họ đã thất bại trong việc giành chiến thắng quyết định”-Wiki
Cứ 3 người thì có 1 người bị thương. Những người bị thương cuối cùng gần như đều chết cả. Ngày đẫm máu nhất của thế kỷ 19.
“Cả hai đội quân đều bị kiệt quệ sau trận đánh đó và vào hôm sau người Nga rút khỏi chiến trường. Tuy nhiên, người Pháp chẳng có cách nào để bắt buộc Nga Hoàng Alexander đầu hàng bởi quân Nga chưa bị đánh bại hoàn toàn. Điều đó dẫn tới sự thất bại hoàn toàn của quân Pháp và họ phải rút quân khỏi Moscow vào tháng Mười” – WIKI
Trong một vài cuốn sách, cùng với một vài “chuyên gia” khác, người ta ca ngợi Napoleon vì chiến thắng này. Nhưng tôi thì không đâu. Khi bạn để 35 000 người phải chết trong một trận chiến với kẻ địch không rõ còn bao nhiêu người, bao gồm cả phần lớn quân đội Nga, mất đi 35 000 con người bạn khó có thể để mất, thì tôi không gọi đó là “chiến thắng”. Và ai đó có thể nói rằng Napoleon đã chiến thắng vì ông ta nắm giữ được chiến trường trong khi người Nga phải rút lui (theo thứ tự hay ho đó), điều đó chỉ chứng tỏ rằng một vài người có thể ngu dốt tới mức nào mà thôi: ai quan tâm tới việc bạn vẫn còn đứng được trên một cánh đồng đẫm máu cơ chứ, đằng nào thì ngày mai bạn cũng bỏ đi rồi mà?
“…Sử dụng cùng một cách thức tính toán đối với cả hai đội quân, thì con số thương vong của người Pháp là từ 34 000 – 35 000. Theo báo cáo có khoảng 52 000 lính Nga chết, bị thương hoặc mất tích.”-Wiki
Một số người bênh vực ông ta với lý do rằng Napoleon đang bị sỏi thận nhẹ hay còn bị “lòi ruột”, (trĩ). Có lẽ là thế, nhưng nếu vậy thì đáng lẽ con người yêu dấu ấy phải ngồi trên một cái gối êm ái mới phải.
(Người ta vẫn lấy cái cớ đó khi ông ta lại một lần nữa dùng những thứ kiểu: Chiến thuật Đi tóm chúng nó về đây / Xông thẳng lên phía trước trong trận Waterloo, một trận chiến vĩ đại khác mà ông ta đã thất bại).
Alexander luôn luôn đi đầu, ông là người lính vĩ đại nhất của quân đội mình vào bất kỳ thời điểm nào. Ông đã có 8 vết thương nghiêm trọng, (tìm thử mà xem, đủ để khiến bạn chột dạ đấy) và từng có lần cưỡi ngựa đánh trận khi xương ống chân đang gãy. Ông cưỡi con chiến mã Bucephalus xông vào trận chiến mà tất nhiên là ông đã giành chiến thắng (nhắc lại, ông chưa bao giờ thua trận đánh nào) mà không hề có bàn đạp và phải treo chiếc chân gãy lơ lửng.
Và điều gì đã xảy đến? Sự vụng về của Napoleon đã gây ra điều gì? Nước Pháp có trở thành “siêu cường” ở châu Âu không? Không. Nhưng điều đó có giúp nước Anh trở thành “siêu cường” không? Có đấy. Napoleon có giành được thêm đất đai, tài nguyên hay con người nào không? Chỉ có duy nhất lợi ích ngắn hạn, còn dài hạn, hoàn toàn không.
Vậy điều gì đến tiếp sau đó? Lời học giả nghiên cứu Napoleon: “David Gates ước tính rằng khoảng 5 000 000 người chết trong những cuộc chiến tranh của Napoleon.”-WIKI
5 triệu người chết trong vòng 20 năm giành quyền lực của Napoleon. Để tôi nhắc lại: đã có 5 triệu người chết trong những cuộc chiến tranh của ông.
Còn nước Pháp của Napoleon thì sao, đất nước đó đã có được gì từ “tài năng” của ông?
Đế chế Pháp
• 371 000 người chết trận[1]
• 800 000 người bị chết do bị thương, gặp nạn hay bệnh tật, chủ yếu là trong cuộc xâm lược tàn bạo của người Nga[2]
• 600 000 dân thường[2]
• 65 000 quân đồng minh của Pháp (chủ yếu là người Ba Lan chiến đấu giành độc lập mất năm 1795)[2]
• 1 800 000 người Pháp và đồng minh (chủ yếu là người Đức và Ba Lan) chết trên chiến trường, bệnh tật và mất tích[1]
• 1 700 000 đàn ông Pháp ở “biên giới trước năm 1792"-Wiki
“Tác động của cuộc chiến đối với nước Pháp trong thời gian này là rất đáng kể. Theo lời David Gates, các Cuộc Chiến Tranh do Napoleon gây ra khiến nước Phép mất ít nhất khoảng 916 000 người. Tương đương khoảng 38% số người đi lính giai đoạn 1790–1795. Tỷ lệ này cao hơn khoảng 14% số người mất mát của thế hệ tiếp theo một trăm năm sau đó khi chiến đấu trong thế chiến I với quân Đức” - Wiki
“Người Pháp phải chịu ảnh hưởng dài hạn vì tỷ lệ nam so với nữ khá thấp. Vào thời điểm bắt đầu Cuộc Cách Mạng, số lượng đàn ông và phụ nữ gần như bằng nhau. Cuối cuộc xung đột, chỉ còn có 0,857 nam trên một nữ”-Wiki
“Và cùng với các đạo luật về nông nghiệp dưới thời Napoleon, đòi hỏi chủ đất phải chia đất cho tất cả những người con trai của họ chứ không phải người nào sinh ra đầu tiên, thì dân số Pháp chưa bao giờ cân bằng trở lại. Vào giữa thế kỷ 19th nước Pháp đã đánh mất ưu thế lớn về nhân khẩu học của mình so với Đức và Áo và thậm chí là cả Anh.”-Wiki
(Dù từ thời Napoleon chúng ta CÓ được thịt Spam và TV Dinner (ND: một dạng bữa ăn đóng hộp). Tôi không đùa đâu, thử tìm mà xem. Câu chuyện Napoleon trao giải cho người nào nghĩ ra được cách nào mới để bảo quản thức ăn thực sự là một điều rất hay).
Nhưng tôi luôn ngứa người khi nghe nhiều “chuyên gia” quân sự say mê với Napoleon mà không thực sự hiểu được toàn bộ những ảnh hưởng đối với châu Âu mà kẻ bất tài ham hố quyền lực này đã gây ra. Sự ảo tưởng, ngờ ngệch và thiếu đi tầm nhìn CHIẾN LƯỢC của ông ta đã cho thấy rằng kẻ say mê giết chóc ấy thực sự là một con quái vật.
Theo góc nhìn về quân sự, Napoleon là một kẻ thất bại, dù có được tung hô ca ngợi đến thế nào chăng nữa.
Tôi rất mong chờ những bình luận đấy.
Xin lỗi vì lời lẽ nặng nề trong câu trả lời của mình. Tôi chỉ thấy rất thất vọng khi những người không đủ khả năng trả lời một câu hỏi về lịch sử quan trọng đến vậy, và vẫn được tin tưởng, dẫn tới những câu chuyện khủng khiếp cũng như sự sai lệch về thông tin.