Cách đây 6 năm, sau khi trải qua một chuyến Grab không mấy dễ chịu, tôi âm thầm vote tài xế 1 sao trên app. Khi kể lại chuyện đó, nhiều người nói rằng tôi quá lạnh lùng và tàn nhẫn: “Đó là nồi cơm của họ. Có thể em đã hất đổ chỉ bằng một hành động để thỏa mãn cơn giận dữ của mình”. 
Đương nhiên, nếu là tôi ở thời điểm hiện tại, có thể tôi đã làm khác đi. Rằng tôi sẽ mở lời góp ý bác tài xế một chút về việc không nên chạy xe quá nhanh, không nên vượt tất cả các đèn đỏ và cũng không nên tạt đầu ô tô. Nhưng tôi hào hứng hơn với ý tưởng rằng: cuộc sống này quá ngắn ngủi, không bao giờ chúng ta chịu thay đổi nếu như không phải trả giá. 
Trở lại 6 năm trước, có thể người đàn ông sau khi bị vote 1 sao đã trở nên tức giận, la lối và nguyền rủa tôi. Nhưng có thể ông ta đã không còn dám coi thường tính mạng của người đang ngồi sau xe của mình. Một cách lý tưởng là như vậy. Vì sao không cơ chứ? Nếu cuốc xe đó gây ra tai nạn cho tôi, câu chuyện chúng ta truyền tai nhau sau này sẽ đi theo một chiều hướng khác. Dù sao, khi chúng ta phải trả giá cho một việc gì đó, não bộ chúng ta sẽ phải dừng lại và điều chỉnh. 
Từ chuyện đó, một câu chuyện khác được kể lại bởi bạn tôi…
“Các chuyến xe khách từ Nam ra Bắc đều chật kín người. Một người đàn ông được lơ xe mời gọi:
‘Lên xe đi bác ơi. Còn đầy chỗ đây này’. 
‘Có chắc là đầy chỗ không?’
‘Chắc chứ’.
Người đàn ông tin tưởng leo lên xe. Đi được một quãng, lơ xe lại nhét thêm một người nữa vào từng chỗ ngồi, chỗ nằm. Người đàn ông giận dữ nói:
‘Tôi không trả tiền để vào nằm trong một cái chuồng heo chật ních như thế này. Tôi sẽ gọi cho cháu tôi ở Bộ Công an lên bắt hết các người’. 
Những người trên xe có chút run sợ. Nhưng có vẻ dọa dẫm và thể hiện rằng mình quen biết người này người kia vốn là thói quen của những người nhà quê. Nhưng rồi mấy tiếng sau, cảnh sát giao thông xuất hiện và yêu cầu tài xế dừng xe. Xe chở vượt quá gần 20 người so với số lượng được cho phép. Tài xế bị phạt đến gần 100 triệu đồng cho số người đó. Tài xế xe tím mặt nhưng vẫn bình tĩnh nói với người đàn ông kia:
'Sau này có gì bất mãn. Bác chỉ cần nói với chúng cháu là xong. Cả chuyến xe này được bao nhiêu tiền đâu, vất vả biết mấy ngày trời, bây giờ chỉ một cuộc gọi của bác như vậy, không biết lấy tiền đâu mà bù lỗ'
Người đàn ông nức nở nói:
'Tôi không biết là mất nhiều tiền thế. Cứ ngỡ chỉ vài triệu tiền phạt thôi, ai mà ngờ lại phạt đau thế. Các chú có gì cho tôi bù vào được không?'
Tất nhiên, nạn nhân thì bao giờ cũng thanh cao. Sao lại lấy tiền của một hành khách để bù vào tiền phạt được chứ?
Gần 100 triệu tiền phạt cho một chuyến xe khách quả là một cái giá nặng nề. Nhưng liệu góp ý có làm thay đổi được tình hình không? Hay chỉ đến lúc mất một khoản tiền lớn, người ta mới thực sự cảm thấy đó là vấn đề cần phải giải quyết? Tôi nghĩ chúng ta đều gần như chắc chắn về câu trả lời của mình.
Chúng ta luôn đổ lỗi cho sự nghèo khổ và miếng cơm manh áo buộc chúng ta trở nên "lưu manh". Pháp luật chỉ là thứ để phàn nàn. Còn những người nông dân bao giờ cũng tốt bụng.
Tôi là một phóng viên theo dõi mảng an sinh. Trong nhiều khoảng thời gian deadline dồn dập, tôi bỏ qua việc suy nghĩ xem liệu bài báo của mình có tác động như thế nào đến những thứ mà nó có khả năng tác động. Tôi chọn cho mình một nạn nhân, rồi bảo vệ họ mà không cần suy xét xem họ có đáng được bảo vệ nhất, trong số những người cần bảo vệ hay không?
Việc để yên cho những người làm chính sách thực hiện nhiệm vụ của mình - tôi nhận ra - nhiều khi nó là việc tốt nhất mà một phóng viên có thể làm. Dĩ nhiên không phải tất cả, nhưng sự bình tĩnh và im lặng của phóng viên thực sự quý giá trong nhiều trường hợp.
Hãy để vài người trả cái giá mà họ phải trả, bởi vì khi họ phải trả giá, họ mới biết được điều họ cần làm là gì. Bởi vì, tôi chỉ muốn nói rằng, thiên kiến, lối mòn suy nghĩ, sự bao dung giả tạo ngăn cản chúng ta tiến đến những gì tốt đẹp hơn.