Con người thích sự tiện lợi. Không thích sự phiền nhiễu. Nhưng kha khá trong những phiền nhiễu ấy cũng chính là niềm vui.
– Xin chào, ông hoàng nhỏ nói. – Xin chào, người lái buôn nói. ấy là một người bán loại thuốc có thể làm cho đỡ khát. Mỗi lần uống một viên, và người ta sẽ thấy không cần phải uống nước nữa. – Tại sao ông bán thứ đó? ông hoàng nhỏ hỏi. – Đây là một sự tiết kiệm lớn về thời giờ, người lái buôn nói. Các nhà chuyên môn đã có tính toán. Mỗi tuần lễ ta sẽ tiết kiệm được năm mươi ba phút. – Thế người ta dùng năm mươi ba phút ấy để làm gì? – Muốn làm gì thì làm ... "Ta, ông hoàng nhỏ nghĩ thầm, nếu ta có năm mươi ba phút để làm gì thì làm, ta sẽ bước thật nhẹ nhàng đến một cái nguồn nước..." Hoàng tử bé - chương XXIII, Vĩnh Lạc dịch
Gần đây tôi chuyển nhà. Thế nào mà nhớ nhất trong các sự lại là một quán cà phê. Đó là quán cà phê tôi uống từ năm hai mươi mốt tuổi. Uống liên tục gần bảy năm nay. Coi như một phần tư cuộc đời.
Quán cà phê ấy thuộc một chuỗi lớn. Làm gì có tâm hồn nghệ sĩ nào lại nảy sinh cảm tình với một chuỗi cà phê lớn được cơ chứ? Người ta si tình một quán cà phê cổ lẩn khuất ở góc phố. Người ta phải lòng một quán cà phê u ám nhưng tràn đầy sự phản kháng của tuổi trẻ. Người ta bị cuốn hút bởi một quán cà phê sặc sỡ màu sắc kì dị. Hoặc chí ít quán cà phê đó cũng phải ngập ngụa hoa lá cỏ cây. Chứ ai lại đổ điếu trước bốn mặt tường kính. Cái lối thiết kế hiện đại mà có người so với hệ tư tưởng con đầu đàn, gượng gạo, đơn điệu và thiếu vắng chiều sâu.
Cà phê còn chẳng ngon. Thật ra thì nó dở ẹc. Dở đến nỗi không thể nuốt nổi một ly cà phê đen. Phải bỏ vào trỏng một đống sữa đặc có đường. Vậy là ngày qua ngày tôi uống một ly sữa đặc pha cà-phê-in. Cầu cho nó khều lên được một cặn cảm hứng còn sót lại đâu đó nơi bộ não ì ạch này. Nhưng não tôi có mấy con ốc siết không chặt, mười giờ sáng uống cà phê thì đầu giờ chiều mới làm việc được. Cứ lạch cạch lạch cạch nhiều khi thấy chán.
Trong lúc chờ nóng máy, tôi lại đi dòm ngó mấy người xung quanh. Sao? Đơn giản lắm! Cứ đeo tai nghe mà không mở nhạc là được rồi.
Ở đây có một thanh niên, trạc tuổi tôi, uống ở quán này lâu ngang ngửa tôi. Tôi thấy hắn từ những ngày đầu. Một thời gian sau, hắn có dẫn bạn gái đến cùng học bài. Rồi một thời gian sau nữa lại không thấy đâu. Tôi thắc mắc không biết chuyện gì xảy ra trong mối quan hệ giữa họ. Nhưng, chưa bao giờ, và có lẽ là không bao giờ, tôi nói với hắn câu nào.
Có một tay người Ấn cũng thường xuyên lui tới quán. Tay này thì mới tới quán tầm hai, ba năm nay thôi. Gã thường tới vào các buổi sáng, yên chỗ, lôi chiếc máy tính xách tay ra, và bắt đầu thực hiện một loạt các cuộc gọi bán hàng. Giữa các cuộc gọi, gã lại nghỉ một xíu để xem video, ở đó người ta trải nghiệm những chiếc xe hơi đời mới nhất, chắc là mắc lắm. Đến chiều chiều, vợ của gã là một phụ nữ nhỏ con người Việt sẽ đến với bộ đồ tập gym. Cả hai ngồi với nhau một xíu, nhưng không trao đổi nhiều, rồi dẫn nhau về. Tôi có thói quen ngồi ở một chiếc bàn nhỏ gần bức tường kính, chiếm trọn một cái ổ điện. Một vài lần, tay này khều tôi nhờ cắm giùm dây sạc.
“What are you watching?” – Hắn nhìn vào màn hình của tôi.
“Just some tips to lose belly fat.” – Hồi đó thôi. Giờ tôi ốm tong teo rồi.
À, phải nói tới bà quản lý và bạn trai của bả nữa. Hai người… ờ thì mũm mĩm như nhau. Ông bạn trai ngồi cắm dùi ở quán cả ngày. Chơi game, chỉnh sửa ảnh, có vẻ là một tay chụp ảnh chuyên nghiệp, có nguyên con máy cơ hoành tráng kia mà. Rồi, ổng lại vọc vạch lau chùi mấy chiếc bàn phím. Một lần thấy tôi có con phím xì-tin quá, tới bắt chuyện.
“Anne Pro2 anh à. Switch Cherry Brown. Keycap Milk and Honey Bee, profile XDA.” – Tôi xài chắc đã tầm ba năm.
Còn nhân viên quán này thì cứ tưởng tôi chỉ biết uống cà phê sữa. Lâu lâu gọi món khác, thế mà bị bỏ ngoài tai: “Của anh Phi, cà phê sữa size vừa ba mươi chín ngàn”. Mười giờ mà vẫn còn ngái ngủ? Thôi cà phê sữa cũng được. Đúng là cắm rễ lâu ở một nơi thì mọi sự phiền nhiễu sẽ kéo đàn kéo đống tới.
Nhưng phiền nhiễu nhất cả thảy phải là hai ông bảo vệ. Hai ông này thay phiên nhau, người trực từ sáng tới chiều, người trực từ chiều đến tối. Lúc trước, mỗi khi tôi tới mà gặp ông này, ông này sẽ hỏi: “Lão già biết con không? Mà thôi cầm thẻ đi cho chắc!”. Lần khác, tôi tới gặp ông kia, ông kia sẽ hỏi: “Thằng kia biết con không? Mà thôi cầm thẻ đi cho chắc!”. Sau này, tôi không cần cầm thẻ nữa.
Đó là chưa kể đến vấn đề xưng hô. Hồi sinh viên thì xưng hô con-chú ngọt xớt nghe còn hợp lí. Giờ đã đi làm sáu năm rồi mà vẫn còn giữ nết xưng hô cũ thì thật là kì. Gần ba mươi tuổi, râu còn dài hơn hai ổng, thì con cháu với ai nữa chứ? Mà nghĩ lại, tự dưng đổi xưng hô thì còn kì hơn. Thế là ngày nào tôi cũng phải xưng hô bằng cái danh xưng lấn cấn kia.
Và cái chuyện này thì phiền nhiễu vô cùng. Nhân viên quán cà phê có vòng đời trung bình chỉ từ vài tháng đến cao nhất ba năm. Nơi đây, tôi đã chứng kiến nhiều thế hệ nhân viên đến và đi. Chứ hai ông bảo vệ này ở đó đã suốt bảy năm rồi. Bảy năm phiền nhiễu ròng rã!
*
Dịp nọ, tôi được nghe câu chuyện về các cửa hàng tiện lợi. Đó là một vị chuyên gia quản trị kinh doanh có tiếng. Đầu những năm hai ngàn, vị này khăn gói lặn lội qua nước bạn Singapore để học về thương mại. Thời ấy thì dân mình hãy còn đang so kè với nhau từng bó rau muống: “Bà mua vậy là hớ rồi! Cuốc bộ xuống cuối chợ, có một cụ bán rẻ hơn tận năm trăm đồng một bó!”
Vậy mà hàng xóm của chúng ta, người dân họ sẵn sàng bỏ ra gấp sáu bảy lần để mua một chai bò cụng trong cửa hàng tiện lợi. Khu chợ chỉ cách đó tầm ba cây số.
“Tại sao vậy hở anh?” – Tôi hỏi.
“Đó là giá trị của sự tiện lợi. Xã hội càng hiện đại thì con người càng muốn tiết kiệm thời gian.” – Vị chuyên gia trả lời – “Mà cũng do người ta lười nữa em à. Họ có tiền mà. Họ trả tiền để được lười.”
Giờ là năm hai không hai ba. Tôi không rõ người dân nước mình đã bắt kịp nước bạn chưa. Mọi người có sẵn sàng trả giá gấp sáu lần cho một chai nước giải khát có ga không? Chỉ đơn giản vì nó được bày bán ở trong phòng máy lạnh, dưới ga chân tàu điện sầm uất.
Lần nọ, tôi với vợ trong lúc đi lang thang ngoài đường, thấy một xe bán trái cây nhỏ giữa chợ. Chôm chôm và nhãn ở đây rẻ rề so với cửa hàng thực phẩm tươi sống cách đó tầm năm mươi mét. Bảy chục ngàn, chúng tôi mang về một bịch đầy ụ trái cây.
Những con người sống cả đời giữa lòng thành thị như hai đứa chúng tôi hẳn đã không học được kỹ năng sinh tồn của một bà nội trợ vùng ven. Trái cây chúng tôi lựa về ăn không ngon. Trái nào trái nấy gầy tóp tép. Nếm vị không ngọt. Bỏ trong tủ lạnh được một ngày đã chuyển màu bạc phếch.
“Hay là người ta phun thuốc nên mới hỏng nhanh như vậy?” – Vợ tôi hỏi.
“Không biết nữa. Mà thôi, đã không tin tưởng thì có đừng ăn.” – Hai đứa quăng hết đống trái cây vào sọt rác.
Từ lần đó, hai đứa bảo nhau cứ ra cửa hàng thực phẩm tươi sống mà mua. Dù có mắc hơn nhưng được cái đỡ phải lựa. Người ta đóng sẵn trong bịch rồi, cứ thế huơ đại quăng vào giỏ. Đảm bảo quả nào quả nấy to ú nụ. Tiện lợi thật. Cửa hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh phát đạt ngay giữa khu chợ tấp nập có lẽ cũng vì vậy.
Thằng bạn tôi kinh doanh nông sản, nói rằng: “Đường đi của rau củ quả tại thành phố này chỉ có một. Đầu tiên, thương lái gom mua từ các nhà vườn trên Đà Lạt. Sau đó, theo đường xe tải mà về tập kết tại chợ đầu mối. Cuối cùng, các thương hiệu cử quân nhảy vào mua theo tạ, theo tấn, về đóng gói và mang ra cửa hàng thực phẩm tươi sống bày bán.”
“Vậy là phóng sự hồi trước chỉ bắt quả tang được một thương hiệu?” – Tôi hỏi.
“Đúng vậy.”
Nghe vậy, nhưng có lẽ tôi vẫn tiếp tục mua ở cửa hàng tươi sống kia. Ít nhất thì các thương hiệu cũng cất công ra chợ đầu mối lựa giùm mình. Mắc hơn thật nhưng được cái đỡ phải lựa.
*
Con người thích niềm vui. Thích được can dự. Nhưng kha khá trong những can dự ấy cũng chính là phiền nhiễu.
Tôi lớn lên là một đứa trẻ biết quý trọng thời gian của bản thân. Như các nhà đại tư bản thường chia sẻ, bí quyết thành công là khi bạn học được cách nói không. Tôi đọc được câu ấy trong cuốn sách đầu tư chứng khoán của ba. Vậy là tôi học được cách nói không từ rất sớm.
Khi ai đó nhờ tôi cái gì đó? Phản ứng đầu tiên là chữ “Không”!
Khi ai đó rủ rê tôi làm cái gì đó? Phản ứng đầu tiên là chữ “Không”!
Khi ai đó ngỏ lời giúp tôi cái gì đó? Phản ứng đầu tiên là chữ “Không”!
Tôi sống một cuộc đời không can hệ trong thời gian dài và nghĩ như vậy là hợp lẽ.
Nhưng mà hợp lẽ là như thế nào nếu ta cứ vậy sống cuộc đời như một đường thẳng. Ta cứ thế cặm cụi tiến về phía trước với những dự định của mình. Ta là đóa hồng được tuyển chọn trong một bụi hồng rộn ràng. Người nông dân chăm bẵm ta. Họ cắt tỉa mọi nhành hồng khác để ta hưởng trọn dưỡng chất từ đất mẹ. Nhưng cứ thế mà ta nghĩ rằng mọi chuyện tất yếu phải xảy ra như vậy. Ta quên biết ơn những người đã hỗ trợ ta trên quãng đường dài đó. Bao nhiêu người đã hi sinh cho ta rồi? Ta vẫn cảm thấy không đủ và không bao giờ ngoái lại phía sau. Liệu đường zíc zắc có sống một cuộc đời đáng sống hơn đường thẳng không?
Tôi thường xuyên nói rằng, không có thứ gì trong cuộc đời mình liên quan tới nhau. Nhưng mà có chứ. Thảy mọi thứ đều có một điểm chung. Rằng chúng đều xoay quanh tôi và chỉ mình tôi mà thôi. Tôi đã mang những ai theo hành trình của mình rồi? Và tôi đã bao gồm bản thân mình vào hành trình của ai khác chưa?
Nói ra thì khá buồn cười. Nhưng phải mất một thời gian dài tôi mới học được cách nói cảm ơn khi ai đó mang đến cho mình một cơ hội. Kỳ thật, trước đó tôi có thói quen tạt gáo nước lạnh thẳng vào người đang có ý tốt với mình. Tỏ vẻ như mình bất cần. Như thể tôi sợ mắc nợ người khác. Mà có lẽ là như vậy thật.
Dạo gần đây thì tôi cũng biết cách làm phiền người khác rồi chứ. Khi ngồi bàn ăn, tôi nhờ người này lấy giùm cái khăn. Khi làm việc nhóm, tôi nhờ người kia san sẻ công việc. Khi cảm thấy bế tắc, tôi chia sẻ điều đó mà không nhất thiết cần được giải đáp. Không đến nỗi là tôi nghèo nàn kỹ năng xã hội. Trước kia, tôi vẫn có thể làm những điều ấy. Điểm khác biệt là bây giờ tôi cảm thấy thoải mái hơn.
Và gần đây tôi cũng biết cách để cho người khác làm phiền mình rồi chứ nhỉ. Một dạo vợ nói rằng sợ để tôi chờ đợi. Có lần đồng nghiệp chia sẻ rằng sợ làm tôi mất tập trung. Đợt nọ sếp bảo phải năn nỉ khi muốn giao việc cho thằng này. Uầy, từ khi nào mà tôi trở thành một kẻ hách dịch như thế nhỉ? Trong khi, trông kìa. Mọi người bỏ thời gian ra vì người khác. Dìu dắt nhau tiến bộ và lấy đó làm niềm vui. Nổi lên trong người này điều ý nghĩa khi nâng người khác lên. Dâng lên ở người kia sự an tâm khi biết mình được nâng đỡ trong thế giới này. Sự hạnh phúc của cuộc đời có lẽ gói trọn trong mối tương tác như vậy nhỉ?
Mà để dự phần vào cuộc đời của nhau đâu có khó. Đôi khi chỉ cần bản thân ta chú tâm hơn đôi chút trong cách diễn đạt suy nghĩ của mình. Một kẻ lắm chữ nhiều lúc đánh mất khát khao được nhìn nhận bởi người khác. Bởi vì hắn đã có sách vở của tiền nhân vỗ về, ngạo mạn và thui rút trong thế giới của một mình hắn. Nhưng giả dụ hắn chịu chút phiền nhiễu, lắp ráp ngôn ngữ khác đi một tẹo, quan cách đã trở thành dân đã, đủ để tạo sự khác biệt đầy ý nghĩa.
—-surphi10, 05/08/2023
Leaky Cauldron by JimKay
Leaky Cauldron by JimKay
_____
Vợ tôi hai tuần trước lập một chuyên trang sức khỏe tâm lí trên Facebook mang tên “Cửa hàng không tiện lợi”, coi như cột mốc bắt đầu tuổi hai mươi tám. Hôm kia, tôi cũng vừa mới bước qua hai mươi tám tuổi. Không biết làm gì đây. Hay là đi làm phiền mọi người nhỉ?
Đọc thêm, bài viết tuổi hai mươi sáu: