19 quy luật để có một cuộc đời tốt đẹp từ Hoàng đế Marcus Aurelius
Dành cho những bạn đọc chưa biết, người được mệnh danh là vua triết gia, một trong ba trụ cột của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - Hoàng đế La Mã...
Dành cho những bạn đọc chưa biết, người được mệnh danh là vua triết gia, một trong ba trụ cột của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - Hoàng đế La Mã cổ đại Marcus Aurelius chưa bao giờ tự nhận mình là một người theo đuổi triết học Khắc Kỷ. Tuy nhiên trong tác phẩm “Suy tưởng” (Tên Tiếng Anh: Meditations) của mình, Marcus Aurelius thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của trường phái triết học này đối với cuộc sống của mình và cách ông đối diện với thế giới xung quanh.
Gregory Hays, một trong những dịch giả xuất sắc nhất về các tác phẩm của Marcus Aurelius, viết trong phần mở đầu của cuốn sách "Suy tưởng" rằng: "Nếu Marcus Aurelius phải đưa ra một lựa chọn rõ ràng về một trường phái triết học để theo đuổi, chắc chắn Chủ Nghĩa Khắc Kỷ sẽ là lựa chọn của ông. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghi ngờ rằng nếu được hỏi Marcus Aurelius nghiên cứu về điều gì, câu trả lời của ông có lẽ sẽ không phải là Triết học Khắc Kỷ mà chỉ đơn giản là “triết học.'"
Dịch giả Gregory Hays muốn nhấn mạnh một quan điểm rằng, trong thế giới cổ đại, "triết học" không được nhìn nhận giống như cái cách mà chúng ta đang nhìn nhận nó ở thời điểm hiện nay. Vào thời điểm đó, triết học đóng một vai trò khác biệt hơn rất nhiều. Hays viết: "Triết học không chỉ là một chủ đề để viết hay tranh luận mà nó còn là một điều gì đó có khả năng cung cấp một “kế hoạch sống”, hay có thể hiểu rằng nó giống như một bộ quy tắc để con người có thể dựa vào."
Đó chính là điều mà triết học Khắc Kỷ mang lại cho chúng ta: Một kế hoạch cho cuộc sống. Giống như một trụ cột khác của triết học Khắc Kỷ - Lucius Seneca đã từng viết: "Cuộc sống mà không có kế hoạch sẽ trở nên lạc hướng."
Vậy, những quy tắc nào mà Marcus Aurelius đã áp dụng trong cuộc sống của ông? Hãy cùng tham khảo ngay sau đây:
1. Luôn luôn đặt người khác lên trước bản thân bạn
Câu chuyện sau đây về Marcus Aurelius diễn ra trong giai đoạn tăm tối của dịch bệnh Antonine, một đại dịch khủng khiếp ở La Mã cổ đại đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Thời điểm đó, nền kinh tế của La Mã sụp đổ hoàn toàn, xác chết của người dân ở khắp mọi nơi. Tất cả mọi người đều cảm thấy rằng mọi thứ chẳng thể nào tồi tệ hơn được nữa. Vậy Hoàng đế Marcus Aurelius đã làm gì? Ông đi dạo xung quanh cung điện và bắt đầu đánh dấu các đồ vật để chuẩn bị mang đi bán. Hai tháng sau, trên bãi cỏ của cung điện, ông bán đồ trang sức, đồ nội thất và các tư trang cá nhân của hoàng gia. Thông qua việc này, Marcus Aurelius đang gửi gắm một thông điệp rằng: “Tôi sẽ không đặt lợi ích của mình lên hàng đầu. Tôi không cần những thứ xa hoa này - đặc biệt là khi người dân đang phải vật lộn vì dịch bệnh.” Việc này giống như một vị CEO chịu cắt giảm lương của bản thân khi thị trường đang trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Nó cũng giống như một cầu thủ bóng đá quyết định đàm phán lại hợp đồng của mình, chấp nhận giảm lương để đội có thêm quỹ lương tuyển dụng cầu thủ mới. Đấy là hành động của một người lãnh đạo sẵn lòng hy sinh, chịu khổ cực và đặt lợi ích của người dân mình phục vụ lên trên sự thoải mái của bản thân. Đó đơn giản là sự vĩ đại.
2. Đừng bao giờ để người khác nghe thấy bạn phàn nàn. Kể cả đó là lời phàn nàn bạn tự nói với chính mình.
Trong tác phẩm “Suy Tưởng”, Marcus Aurelius nói đi nói lại về quan điểm này rất nhiều lần rằng: “Hãy nhìn vào bên trong, không phải bên ngoài. Đừng phàn nàn. Đừng xen vào chuyện của người khác.” Khi bạn thấy ai đó có những hành động mà bạn coi những hành động đó là không đúng, hãy nhớ lại những thời điểm mà chính bản thân bạn cũng từng làm như vậy. Người theo trường phái triết học Khắc Kỷ không có thời gian để phàn nàn về người khác vì họ còn quá nhiều điều cần cải thiện trong chính mình. Khi bạn phân biệt được điều gì nằm trong tầm kiểm soát của mình và điều gì không, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra chỉ có quyết định, hành động, lời nói và suy nghĩ của chính bạn mới đáng để chú ý. Mọi thứ khác đều là việc của người khác.
3. Chỉ làm những điều thiết yếu
Đây là công thức đơn giản dành cho sự năng suất và hạnh phúc. Marcus Aurelius nói: "Nếu bạn tìm kiếm sự yên bình, hãy làm ít đi." Ông giải thích thêm rằng điều này không đồng nghĩa với việc không làm gì cả, đây là làm ít hơn và chỉ làm những điều thiết yếu. Nó sẽ mang lại cho bạn niềm vui kép: làm ít đi nhưng làm tốt hơn. Hãy áp dụng lời khuyên này mỗi ngày.
4. Đừng tốn thời gian lo lắng tới ý kiến của người khác
Chúng ta thường là những người ích kỷ nhưng lại quan tâm tới ý kiến của người khác về mình nhiều hơn ý kiến của chính mình. Marcus Aurelius viết về điều này như sau: “Chúng ta yêu bản thân mình hơn người khác, nhưng lại chú ý tới ý kiến của họ hơn so với ý kiến của chính ta." Nguyên tắc cơ bản của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ là chúng ta chỉ tập trung vào những thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình. Ý kiến của người khác không nằm trong tầm kiểm soát đó. Đừng tốn thời gian lo lắng về những điều người khác nghĩ.
5. Ngừng đau khổ trước những rắc rối chỉ nằm trong trí tưởng tượng
Marcus Aurelius luôn tự nhắc nhở bản thân rằng: "Đừng để trí tưởng tượng của bạn bị đàn áp bởi thực tế cuộc sống. Hãy chỉ tập trung vào tình huống đang diễn ra." Tập trung vào từng khoảnh khắc. Đừng tốn thời gian nghĩ về những điều kinh khủng có thể xuất hiện phía trước hoặc không bao giờ xuất hiện.
6. Tập trung vào sự cố gắng của bản thân, không phải kết quả.
Đây là một nghịch lý kỳ lạ trong cuộc sống. Những người thành công nhất, những người đạt được nhiều thành tựu, những người giỏi nhất trong lĩnh vực mà họ làm việc - họ không quá quan tâm đến việc “chiến thắng”' và cũng chẳng màng đến kết quả. Việc đặt sự hạnh phúc và thịnh vượng của bạn vào những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chính bạn một là điều hết sức điên rồ. Nếu bạn đã hoạt động hết sức mình, nếu bạn đã nỗ lực hết mình, nếu bạn đã đưa ra những quyết định phù hợp nhất với sự phán đoán tốt nhất của bản thân - đó là một chiến thắng, bất kể kết quả tốt hay xấu.
7. Đặt câu hỏi trước những sự lựa chọn
Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius có sở thích sàng lọc các lựa chọn của mình thông qua những câu hỏi. Ví dụ: "Bạn sợ hãi trước cái chết vì một cuộc đời chỉ có thể chết một lần, không thể nào lặp lại cái chết?" Những câu hỏi theo dạng này khiến việc suy nghĩ về cái chết trở nên rõ ràng hơn. Hãy một ví dụ khác: “Nếu bạn có thời gian không giới hạn, có lẽ bạn sẽ không cảm thấy phiền phức khi mất hai tiếng mỗi ngày trong lúc tắc đường. Có lẽ bạn sẽ không phiền lòng khi cuốn mình trong vũng lầy của mạng xã hội. Nhưng nếu cái chết đột nhiên trở thành hiện thực và hiện diện rõ ràng trước bạn, nếu bạn chỉ còn sống thêm vài tháng hoặc vài năm, bạn sẽ ngừng dành thời gian quý báu cho những hoạt động nào?” Vậy nên, hãy cắt bỏ những điều vô bổ tiêu tốn thời gian của bạn ngay bây giờ.
8. Lựa chọn thông cảm thay vì phẫn nộ
Trong cuốn nhật ký “Suy Tưởng” của mình, Marcus Aurelius viết rằng việc đòi hỏi một thế giới không có người xấu hay không tồn tại hành động ác độc là đòi hỏi một điều không tưởng. Vị triết gia cũng thêm rằng những người làm hại người khác cuối cùng chỉ làm hại chính mình. Thực chất, những người này nên xứng đáng có được lòng thương của mọi người. Ông viết: "Khi người ta làm hại bạn, hãy cảm thông chứ không phải đáp trả bằng sự tức giận hay nổi nóng. Quan điểm về cái thiện và cái ác của bạn có thể giống họ, hoặc gần giống, trong trường hợp đó, bạn phải tha thứ cho họ. Nếu quan điểm của bạn về cái thiện và cái ác khác với của họ, trong trường hợp đó, họ đang lạc hướng và xứng đáng nhận được lòng trắc ẩn từ bạn."
9. Blow your own nose
Marcus Aurelius nhận ra ông thường xuyên cầu nguyện để có thể đạt được một điều gì đó. Nhưng nếu luyện tập cho bản thân mình thật mạnh mẽ đến độ không còn cảm thấy cần thiết những điều mình mong muốn các vị thần sẽ ban cho, như vậy có lẽ sẽ tốt hơn hay sao? Một triết gia khác của trường phái triết học Khắc Kỷ - Epictetus gọi điều này là "Blow your own nose". Đừng ngồi đợi ai đó tới cứu bạn. Thay vào đó, hãy nghe lời khuyên đầy quyền năng của Marcus Aurelius sau đây: "Hãy tự cứu lấy mình nếu bạn quan tâm đến bản thân và làm điều đó khi bạn còn có thể."
10. Nghĩ về sự tiến bộ, không phải sự hoàn hảo
"Đừng chờ đợi đến khi Cộng hòa của Plato hoàn hảo." - Marcus Aurelius luôn tự nhắc nhở bản thân như vậy. Nếu bạn chờ đợi, bạn sẽ chỉ tiếp tục... chờ đợi mà thôi. Đây là một trong những điều trớ trêu về tính cầu toàn, nó hiếm khi mang lại sự hoàn hảo mà chỉ có sự thất vọng, thất bại và dĩ nhiên là sự trì hoãn tồn tại. Vì vậy hãy hài lòng với tất cả những tiến bộ dù chỉ là nhỏ nhất. Bạn sẽ không bao giờ hoàn hảo, điều đó không có thực. Bạn là con người. Vì vậy, hãy chỉ hướng đến sự tiến bộ, dù chỉ là một chút.
11. Buông bỏ lo âu
Marcus Aurelius nói: “Hôm nay, tôi đã thoát khỏi lo âu. Hoặc không, tôi đã vứt bỏ nó, vì nó nằm ở bên trong tôi, trong cách nhìn của riêng tôi, không phải những điều bên ngoài." Bạn có biết, những dòng này được vị Hoàng đế đáng kính viết trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát. Chúng ta thường tự nhủ với mình rằng bản thân bạn căng thẳng và lo lắng là do áp lực từ sếp, hay do một deadline sắp tới, hay vì phải gặp nhiều người và đi nhiều nơi. Và rồi khi mọi thứ trở nên đơn giản hơn, bạn nhận ra sự thật: “Ồ không, lo âu đó là do chính tôi.” Hãy nhớ rằng lo âu bắt nguồn từ bên trong bạn và bạn có thể lựa chọn loại bỏ nó.
12. Thực hiện nhiều việc khó khăn hơn
Mỗi khi chúng ta đối mặt với một bước ngoặt nhỏ, một quyết định về cách làm việc và việc gì cần làm, Marcus Aurelius đưa ra lời khuyên rằng chúng ta nên chọn lựa phương án thách thức nhất. Nhảy vào bể nước lạnh. Đi bộ thay vì lái xe. Đọc sách thay vì cầm điện thoại. Chịu trách nhiệm thay vì hy vọng sự việc không bị phát hiện. Trong các vấn đề lớn và nhỏ của cuộc sống, một con người dũng cảm thể hiện ở việc lựa chọn phương án khó khăn hơn. Hãy biến việc này thành thói quen. Cuối cùng, bạn sẽ trở nên tốt hơn vì những lựa chọn này, không chỉ vì sự tiến bộ mà thách thức mang lại, mà còn vì ý chí bạn đang phát triển khi cố ý chọn lựa những lựa chọn khó khăn hơn.
13. Thức dậy sớm mỗi ngày
Nói về việc làm điều khó khăn, một trong những khoảnh khắc mà độc giả có thể dễ dàng đồng cảm nhất khi đọc tác phẩm “Suy Tưởng” chính là cuộc tranh luận của Marcus Aurelius với chính bản thân. Rõ ràng, đây là một cuộc tranh luận mà ông đã có rất nhiều lần, trong nhiều buổi sáng, giống như rất nhiều con người ở nhiều thời đại khác nhau và kể cả chúng ta ở thời điểm đều đã từng có cuộc tranh luận này: Bạn biết đã đến lúc phải thức dậy và rời khỏi giường nhưng bạn rất muốn tiếp tục ở lại giường và phủ lên người tấm chăn ấm áp. Trong hoàn cảnh của Marcus Aurelius, ông thực sự không phải phải ra khỏi giường và thậm chí không phải làm bất cứ điều gì. Đó đơn giản là quyền lợi của một vị Hoàng đế. Tuy nhiên ở đây, ông khăng khăng thức dậy sớm và bắt tay vào công việc. Tại sao ư? Bởi vì vị Hoàng đế đáng kính biết rằng chiến thắng được sự khó khăn của buổi sáng là chìa khóa để chiến thắng cả ngày và cả cuộc đời. Một ngày được khởi đầu tốt đẹp là một nửa ngày đã thành công. Bằng cách thúc đẩy bản thân làm điều không thoải mái và khó khăn ngay từ khi thức dậy mỗi buổi sáng, đây chính là chìa khóa dẫn tới quá trình của một cuộc đời thành công.
14. Hãy nghiêm khắc với bản thân và khoan dung đối với người khác
Đó chính là kỷ luật cá nhân và sự tự phát triển. Hãy nhớ rằng Chủ Nghĩa Khắc Kỷ là một triết lý cá nhân được tạo ra để định hướng hành vi của bạn. Sẽ có những thời điểm bạn muốn áp đặt những tiêu chuẩn của bản thân lên người khác, nhưng điều này không chỉ không công bằng mà còn thường xuyên phản tác dụng. Nhà sử học, triết gia người Pháp Ernest Renan khi tìm hiểu về triết học Khắc Kỷ và Hoàng đế Marcus Aurelius đã đưa ra lời giải thích đúng đắn như sau: "Hậu quả của những triết lý khắt khe có thể tạo nên sự cứng nhắc và nghiêm khắc. Nhưng ở đây, bản chất tốt lành hiếm có của Marcus Aurelius đã tỏa sáng rực rỡ. Sự nghiêm khắc của ông chỉ áp dụng cho bản thân ông." Đó chính là điểm mấu chốt cần ghi nhớ. Những tiêu chuẩn của bạn là dành cho bạn. Triết học chính là việc bạn nghiêm khắc với bản thân mình và tha thứ cho người khác. Đó không chỉ là cách sống tử tế nhất mà còn là cách sống hiệu quả nhất.
15. Đừng ngần ngại yêu cầu sự giúp đỡ
Người theo Chủ Nghĩa Khắc Kỷ rất mạnh mẽ. Họ là những người dũng cảm. Họ tự mình gánh vác trách nhiệm và khi cần, họ cũng sẵn lòng gánh vác cho người khác. Tuy nhiên, họ cũng cần phải biết cách yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác. Đôi khi đó lại là điều mạnh mẽ và dũng cảm nhất một con người có thể làm. Marcus Aurelius viết rằng: "Đừng xấu hổ khi cần sự giúp đỡ, như một người lính đang lao vào một trận chiến, bạn có nhiệm vụ cần hoàn thành. Nếu bạn bị thương và cần đồng đội giúp bạn đứng dậy, sẽ chẳng có vấn đề gì khi yêu cầu sự trợ giúp tự họ." Nếu bạn cần một phút giải lao và suy nghĩ, hãy mở lời. Nếu bạn cần một ân huệ, hãy mở lời. Nếu bạn cần điều trị tâm lý, hãy đến với các chuyên gia. Nếu bạn cần phải dựa vào ai đó hoặc cái gì đó, đừng ngần ngại.
16. Đối diện với thành công và thất bại giống nhau
Có những ngày đám đông cổ vũ và tôn thờ bạn. Còn những ngày khác, họ ghét và ném đá bạn. Đôi khi bạn may mắn nhận được nhiều sự chú ý và khen ngợi hơn bạn xứng đáng được nhận. Lúc khác, bạn sẽ phải đối mặt với những tiêu chuẩn không thể đạt được. Họ sẽ nâng bạn lên rồi hủy hoại bạn. Họ cư xử như thể đó là lỗi của bạn. Họ sẽ chỉ trích bạn công khai nhưng khi riêng tư, họ lại nói rằng mọi thứ chỉ là để trình diễn. Sẽ có những năm thành công và những năm thất bại. Sẽ có khi vận may liên tục đến với bạn những có ngày bạn liên tục gặp phải rắc rối. Đó chỉ đơn giản là quy luật của cuộc sống. Quan điểm của Marcus Aurelius về vấn đề này đơn giản là chấp nhận tất cả mọi thứ. Đón nhận những điều tốt đẹp mà không kiêu căng. Đối diện với những điều tồi tệ một cách thờ ơ. Thành công hay thất bại đều không nói lên bất cứ điều gì về bạn. Giống như một viên đá được ném lên trời, không có gì được thêm vào khi nó bay lên và cũng không mất đi gì khi nó rơi xuống.
17. Hãy tự do và tràn đầy tình yêu thương
Hoàng đế Marcus Aurelius không phải là một con robot vô cảm. Ông không đè nén cảm xúc của bản thân. Ông cũng giống như chúng ta là một người chồng và người cha. Ông viết những lời văn hay, có những nguyên tắc riêng, làm việc chăm chỉ và sẵn sàng hy sinh. Những điều này không thể xảy ra với người vô cảm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Marcus Aurelius và các triết gia Khắc Kỷ đã đề cập rất nhiều về việc quản lý cảm xúc, từ kiểm soát cơn giận, vượt qua nỗi buồn cho đến dập tắt ham muốn và xua tan nỗi sợ. Đó là một nghịch lý kỳ lạ nhưng thực sự rất tuyệt vời. Không phải cứ ai tuân theo các nguyên tắc của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ sẽ không còn cơn giận hay nỗi sợ. Điều đặc biệt quan trọng là họ biết cách kiểm soát những cảm xúc đó và thay thế chúng bằng tình yêu. Họ yêu số phận của mình, yêu mọi người, yêu từng phút giây mình sống. Tình yêu là điều tuyệt vời có thể vượt lên tất cả.
18. Trở ngại tạo ra lối đi
Khi bạn cảm thấy mình bị mắc kẹt trong cuộc sống, thực ra bạn không bị kẹt lại tại đó. Có thể một lối đi đã bị đóng lại, nhưng vẫn còn những con đường khác đang mở ra trước mắt. Marcus Aurelius có một câu nói rất nổi tiếng rằng: "Những trở ngại trong hành động lại thúc đẩy hành động." Những gì đang cản trở bạn có thể chính là lối đi tiếp theo. Điều này không có nghĩa là không có điều gì có thể cản trở bạn. Ý tưởng qua câu nói này đồng nghĩa với việc không có điều gì có thể ngăn bạn thích ứng và đối phó. Không có vấn đề gì là quá tồi tệ đến mức chúng ta không thể tìm ra điều tốt đẹp từ nó. Chúng ta có thể coi mọi vấn đề chính là cơ hội.
19. Luôn luôn làm điều đúng đắn
Ở phần cuối này, hãy để câu nói của Marcus Aurelius dẫn đường cho bạn: "Chỉ cần bạn làm điều đúng đắn, phần còn lại không quan trọng. Lạnh hay ấm. Mệt hay tỉnh táo. Bị khinh rẻ hay được tôn trọng. Đang héo mòn... hay bận rộn với những nhiệm vụ khác."
Lược dịch từ:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất