“Ta thật sự cần gì để sống hạnh phúc?” Đây là câu hỏi vẫn luôn xuất hiện trong mỗi chúng ta, và ngày càng đúng trong nhịp sống này. Tuy thế, nó không phải xuất hiện mới gần đây, mà đã có lịch sử hàng nghìn năm, khi các triết gia theo thuyết khoái lạc đặt những viên gạch đầu tiên.
Như một lối tư duy ngược đời, ý tưởng rằng đau đớn có thể là khoái lạc đã từng là một chủ đề gây tranh cãi trong tâm hồn con người. Mặc dù vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về điều này, nhưng có một số cách nhìn mà chúng ta có thể hiểu được tại sao đau đớn có thể được xem xét như một phần của khoái lạc.
Lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy phản ứng của não bộ khi con người chịu đau cũng như hưởng lạc khoái đều diễn ra ở cùng một khu vực. Điều này chứng minh quan điểm của triết gia Hà Lan Spinoza: "Lạc khoái là bạn với đau đớn"
Tiến sĩ Hans Breiter, thuộc trung tâm nghiên cứu não bộ của Đại học Havard (Mỹ), đã dùng phương pháp cộng hưởng từ (MRI) để chụp não bộ của những người tham gia thử nghiệm. Nhờ các thiết bị máy móc đặc biệt, kích thích khoái cảm cũng như gây đau đớn (nhẹ) cho cơ thể, nhóm khoa học phát hiện, trong cả hai trường hợp, trung tâm nhận phần thưởng (nucleus accumbens) của não bộ đều lóe sáng. Ở đàn ông, trung tâm này cũng phản ứng tương tự khi anh ta nhìn thấy tiền, phụ nữ đẹp và ma tuý. Điều đó cho thấy, một khu vực trong não bộ đồng thời chi phối cảm giác đau đớn cũng như sung sướng.
Phát hiện này lần đầu tiên đã xác nhận (bằng thực nghiệm) những điều bấy lâu vẫn được xem là "bệnh hoạn" nhất về con người. Thế kỷ 17, Baruch Spinoza - người phát hiện ra những khía cạnh "tăm tối khủng khiếp" về con người - đã miêu tả sự đau đớn và lạc khoái là hai mặt của một hiện tượng. Sau đó, Maquis de Sade - ông tổ của "nghệ thuật trác táng" - đã đi xa hơn nữa khi dựng nên một nền triết học về sự ăn chơi sa đọa, mà thân xác, sự lạc khoái, đau đớn được khai thác triệt để (trong đó có nghệ thuật thủ dâm, bạo dâm và ác dâm). Học thuyết của Maquis de Sade đã bị cấm lưu hành hàng thế kỷ ở Pháp và châu Âu. Đương thời, de Sade phải đi tù nhiều lần vì tội "phỉ báng đạo đức" và "gieo rắc những tư tưởng bệnh hoạn".
Con người chúng ta đang sống ở thể nhị nguyên, với những mặt đối nghịch khác nhau, Nếu một con người không biết cảm nhận nỗi đau, họ sẽ không biết thế nào là hạnh phúc. Nếu bóng tối là thứ khiến linh hồn cảm nhận được ánh sáng như thế nào, thì nỗi đau cũng tương tự như vậy, nó sinh ra để ta cảm nhận được hạnh phúc ra làm sao. Bởi vì, chỉ mình khoái lạc trong đời thì không thể nào khiến con người hạnh phúc. Nhưng bạn cũng đừng bao giờ lạc trôi trong nỗi đau mà quên mất rằng sống hạnh phúc mới là giá trị cuối cùng.
Có một câu chuyện kể lại rằng, có một người cha tiễn đứa con gái của mình ở sân bay để sang nước ngoài du học, ông tạm biệt con bằng lời chúc "Ba chúc con đủ". Người con gái đáp lại: "Ba ạ, con cũng yêu ba lắm. Và con cũng chúc ba đủ". Rồi cô gái ra đi. Đó là lời chúc "gia truyền" của gia đình ông, đã qua nhiều thế hệ. Khi ông nói "ba chúc con đủ", ông muốn chúc con gái mình có cuộc sống đủ những điều tốt đẹp và duy trì được nó. 
Rồi ông lẩm nhẩm đọc: "Ba chúc con đủ ánh mặt trời để giữ cho tâm hồn con trong sáng. Ba chúc con đủ những cơn mưa để biết yêu quý ánh nắng ban mai. Ba chúc con đủ hạnh phúc để giữ cho tinh thần con luôn "sống". Ba chúc con đủ những nỗi đau để biết yêu quý cả những niềm vui nhỏ nhất. Ba chúc con đủ những gì con muốn để con có thể hài lòng. Ba chúc con đủ mất mát để con yêu quý những gì con có. Và ba chúc con đủ lời "chào" để có thể vượt qua được câu nói "tạm biệt"."
Cuộc sống này có lẽ cũng giống như hai mặt của một đồng xu, nếu nửa bên này là buồn, nửa kia là vui. Nhưng khi chạm đến mặt buồn, ta phải lạc quan lên và nghĩ rằng, rồi mặt vui sẽ lại xuất hiện. Bữa tiệc nào cũng đến hồi kết thúc, cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tạm biệt. Chỉ có buông bỏ, và biết sự vô thường của cuộc sống, ta mới thật sự vững tâm.
Ảnh bởi
Nick Fewings
trên
Unsplash
Nỗi đau cũng khiến chúng ta kết nối với thế giới. Ở đâu có chiến tranh, ở đâu có hạn hán, lũ lụt, ở đó chúng ta bắt đầu thấy tình thương đồng loại. Sự đau đớn thu hút sự chú ý của chúng ta. Vì con người có xúc cảm, và họ có lòng trắc ẩn. Chẳng hạn, sự kiện 55.000 tình nguyện viên giúp thu dọn đống hoang tàn sau trận lụt ở Brisbane năm 2011 hay tinh thần cộng đồng phát triển mạnh ở New York như lời đáp trả trước sự kiện 9/11, tất cả đã nói lên mặt tích cực của nỗi đau.