Tôi nên tìm người bạn đời của mình ở đâu?
Cô gái độc thân đang có nhu cầu tìm người đồng hành. Và nhà tư vấn khuyên cô nên đến viện dưỡng lão!!!
Đây là một câu hỏi trong quyển sách mình đang đọc. Cô gái độc thân đang có nhu cầu tìm người đồng hành và nhờ đến sự giúp đỡ của tư vấn. Vấn đề của cô là “Anh nào mà tôi gặp trên mạng hầu hết là kẻ lập dị, kiểu thích ngồi máy tính hơn bên người yêu; Còn anh tôi gặp ở vũ trường thì khó duy trì mối quan hệ lâu dài".
Sau cuộc trao đổi, câu trả lời của tư vấn là: “Bạn cần đến nhà dưỡng lão"!!!
Tò mò đọc tiếp. Tác giả hỏi về nhu cầu khi tìm bạn đời của cô gái. Cô chia sẻ cảm thấy cô đơn, muốn tìm người bầu bạn sau những giờ tan sở.
Điều cô muốn có là sự bầu bạn. Vậy trước tiên, cô cần gieo hạt giống dành cho sự bầu bạn, rồi cô sẽ gặp được chàng trai đó, ở bất cứ đâu. Và một trong những cách tốt nhất để cho đi sự bầu bạn đó là đến nhà dưỡng lão.
Nơi đó, “hãy hỏi thăm một cụ già, một người mà không ai muốn đến thăm, một người thở ra có mùi hôi vì hàm răng bị hỏng, một người da dẻ rúm ró và bị lãng quên, một người mà bất cứ lúc nào bạn đến thăm là lại kể đi kể lại một câu chuyện".
Mình không bàn về kết quả hay mức độ thành công của ý tưởng này. Nhưng mình cực thích tinh thần này. Đó là, nếu bạn muốn có được điều gì đó, trước tiên bạn hãy cho đi nó. Hay nói cách khác, bạn muốn gặt quả gì, bạn hãy gieo hạt giống đó.
MỐI QUAN HỆ CỦA GIEO HẠT VÀ HÁI QUẢ
Câu chuyện gieo hạt và gặt quả thực ra là một hình thức của nhân quả, được truyền đạt ý nhị và nhẹ nhàng hơn. Nhưng nó lóe lên trong mình một góc nhìn mới. Đó là bạn cần gieo đúng cái hạt mà bạn cần.
Rất nhiều người không tin vào luật nhân quả vì cho rằng tôi làm rất nhiều việc tốt nhưng đổi lại tôi vẫn không suôn sẻ, không có được cái mình muốn. Vấn đề ở đây là bạn đã gieo đúng hạt cần gặt hay không?
Nếu bạn muốn ăn dưa hấu, bạn sẽ đi mua một quả dưa hấu hoặc mua hạt dưa hấu về gieo. Bạn không thể gieo xuống hạt xoài, cóc, ổi, sầu riêng rồi ngồi mong chờ một cây dưa hấu mọc lên trong vườn nhà.
Và khi gieo hạt, hãy chọn nơi nào thật sự cần thiết, những người đang thật cần sự cho đi của bạn. Trong trường hợp trên, tác giả đã gợi ý nhà dưỡng lão. Vì cô gái đã gieo hạt bầu bạn ở đó nên việc cô tìm bạn đời ở đâu không quan trọng nữa. Có thể là vũ trường, có thể là trên mạng hoặc bất cứ đâu.
Đó sẽ là người mang đến cho cô quả ngọt của sự bầu bạn.
Hầu hết những người bạn đang thành công trong lĩnh vực viết lách mà mình biết đều có quãng thời gian cần mẫn viết và chia sẻ miễn phí rất nhiều trên các nền tảng. Bạn viết mỗi ngày, chia sẻ câu chuyện bản thân, kinh nghiệm viết, tư vấn về kỹ năng đọc và ghi chép cho những câu hỏi inbox. Bạn chỉ đang thực hiện một điều đơn giản: Bạn muốn viết tốt hơn nên bạn gieo hạt giúp những người khác viết tốt hơn.
VẤN ĐỀ LÀ, LÀM SAO TÔI CHO ĐƯỢC CÁI TÔI ĐANG THIẾU?
Khi nói về việc cho đi, nhiều ý kiến cho rằng tôi đang là người thiếu thốn mà, tôi làm gì có cái gì để cho? Tôi đang tìm kiếm điều gì đó nghĩa là tôi đang thiếu cái đó, làm sao tôi có thể cho cái tôi đang thiếu?
Nói như nhà văn Nam Cao “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?
Nói về việc thiếu thốn, mình nghĩ hầu hết chúng ta có suy nghĩ thiếu thốn hơn là thật sự thiếu thốn.
Thứ nhất, ý nghĩ rằng mình thiếu chỉ xảy ra khi chúng ta so sánh mình với một chủ thể nào đó.
Khi có nhiều hơn 2 điểm, chúng ta mới dùng đến hệ tọa độ và từ đó phân cao thấp. Hầu hết trường hợp, mình nghĩ là những gì chúng ta có đều phù hợp với hoàn cảnh, gia đình, xuất thân và quan trọng nhất là những điều mình đã làm (trừ những trường hợp đặc biệt thuộc về số mệnh).
Bạn cảm thấy mình thiếu khi nhìn sang người bên cạnh, so sánh số dư tài khoản của mình với cô ấy. Bạn đi họp lớp và thấy so với các bạn đồng trang lứa, mình đang thiếu cái này cái kia. Bạn cảm thấy bất công khi người khác làm ít hơn bạn nhưng lại được hưởng nhiều hơn, cuộc đời nhàn nhã hơn.
Bạn đã từng nhìn thấy một người đang đứng nước? Bạn bơi hùng hục, tay chân vận động rất mất sức, còn người kia thì đứng nước một chỗ, nhàn tản ngắm trời mây. Nếu học bơi, bạn sẽ thấy rằng kỹ năng đứng nước khó gấp vài lần và cũng tốn sức hơn kỹ năng bơi rất nhiều. Để bản thân giữ thăng bằng và trông có đang hưởng thụ trên mặt nước, bạn phải vận động chân liên tục với tốc độ nhanh.
Và quan trọng, chỉ khi bạn biết bơi thành thạo, bạn mới có thể học đứng nước. Nghĩa là để có được cái thư thái như bạn thấy, người ta đã trải qua những giờ hùng hục như bạn rồi. Những gì bạn thấy trên mặt nước không phải là tất cả.
Tuy nhiên, không phải tất cả cảm giác so sánh và thấy thiếu thốn đều là không nên. Nhiều trường hợp, nó sẽ tạo động lực phấn đấu và học hỏi (như cảm thấy thiếu kiến thức, kỹ năng). Chỉ là, đừng để ý nghĩ rằng mình đang thiếu nên không thể cho đi. Hãy vừa làm đầy vừa làm vơi nó, vì cái thiếu của bạn nhiều khi lại rất đủ đầy và cần thiết với một ai đó.
Thứ hai, sẽ không bao giờ là đủ với những người luôn cảm thấy thiếu.
Khi bạn bè rủ mình mua cái này cái kia hay đi du lịch, mình hay trả lời, khi nào có tiền mình sẽ làm. Nhưng mình không biết khi có tiền là khi nào và có bao nhiêu tiền là sẽ làm.
Khi mình lương 5 triệu, mình nhủ khi lương 10 triệu là có tiền. Khi mình lương 10, mình nghĩ mình đợi tới 20 triệu đã. Mình nhủ khi nào có tiền mình sẽ làm từ thiện. Nhưng mà có tiền là có bao nhiêu thì mình cũng không biết.
Cũng giống như những người thích đọc sách, thích tìm tòi kiến thức thì đọc bao nhiêu vẫn là không đủ. Tất cả những cái thiếu khác cũng vậy.
Chúng ta đều đang loay hoay và cố gắng mỗi ngày. Tuy nhiên, còn được loay hoay, còn được cố gắng nghĩa là mình vẫn còn cơ hội. Mỗi ngày, mình cố gắng gieo một hạt mầm. Rồi tưới tắm nó. Cái cây, có thể lớn, có thể ra quả hoặc có thể không. Nhưng nếu không gieo hạt nào, bạn sẽ chẳng bao giờ có cái cây nào.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất