Có lẽ tôi đã quen với cái cảm giác đó rồi, nhưng tất nhiên vẫn sẽ stress. Không biết có phải vậy không mà ngày hôm sau, tôi ngộ độc thực phẩm, nằm quằn quại trên giường hồi lâu. Đi móc họng ói ra được chút, cũng đỡ hơn. Trước Tết chưa đầy một tháng, khách hàng chiếm gần 80% thu nhập của tôi thông báo dừng hợp tác. Dù đã quen với việc rớt khách khi làm tự do, dù tự dặn mình “không chết được đâu mà lo”, thì lo lắng cùng đủ thứ cảm xúc tiêu cực vẫn kéo tới.
Cùng ngày hôm đó, bạn gái tôi rớt đề cương luận văn thạc sĩ. Việc này cũng được dự báo từ trước, bởi khoá thạc sĩ Tâm lý lâm sàng đầu tiên của trường, của một ngành cũng chỉ mới được cấp mã vài tháng trước, việc viết ra được một đề cương đạt chuẩn thực sự rất khó. Dù biết trước, nhưng tất nhiên vẫn rất buồn. Sự buồn này, cùng với một vài sự buồn khác diễn ra gần đây, bạn tôi vừa chạy xe về vừa khóc, đến nỗi chảy máu cam giữa đường.
Nhớ lại lúc hai đứa gặp nhau, hơn 7 năm về trước, hoặc gần 8 năm về trước, khi chúng tôi học năm nhất đại học. Cả hai học cùng một lớp (Quản trị kinh doanh) và tham gia chung một câu lạc bộ (clb Tiếng Nhật). Hồi đó, trường tôi cho sinh viên năm nhất chọn hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Anh để học trong 4 năm đại học. Tôi chọn tiếng Nhật bởi tôi chán tiếng Anh lắm rồi, bạn gái tôi cũng vậy. Mặc dù sau này tôi đứng chót lớp tiếng Nhật, thi N2 5 lần đều rớt, thực tập đi tiếp khách Nhật thì nói không được câu nào hoàn chỉnh, và đến giờ thì đảm bảo là quên sạch, tôi vẫn nghĩ lựa chọn của mình là sáng suốt.
Quản trị kinh doanh, với bạn tôi là một sự thúc ép của cha, với tôi là một sự giải thoát sau 3 năm học chuyên Tin. Mẹ thấy tôi không hợp với ngành này chút nào, mới nói tôi học thêm một trường công nghệ thông tin nữa. Tôi gào lên: “Sức người có hạn. Học sao được 2 trường một lúc cơ chứ!!!” Bạn gái tôi thì trốn cha đăng ký học thêm ngành tâm lý.
Hồi đó tôi cũng thắc mắc không biết nhỏ này là yêu quái phương nào. Nhà ở Suối Tiên, cấp 3 bắt xe buýt lên Quận 5 học từ 5 giờ sáng, giờ thì chạy con xe cà tàng lên Bình Thạnh học một trường, rồi chạy ra Quận 1 học thêm một trường nữa, còn đi dạy thêm và tham gia câu lạc bộ. Sau này tôi không thắc mắc nữa, bởi tôi hiểu với một số hoàn cảnh, lựa chọn duy nhất của cá nhân là trở thành siêu nhân.
Về phần tôi, tôi giỏi nhất là món ngủ ngày, cúp tiết, và trì hoãn. Người ta bảo khi lớn lên thì nhân cách con người gần như không thể thay đổi, trừ khi ở cạnh người yêu/hôn phu có thiên hướng Tận tâm (chăm chỉ) cao. Tôi cũng hy vọng thế. Mà có lẽ là vậy thật, không thì sao tận 30 Tết tôi còn ngồi làm việc.
***
Không nên định nghĩa con người mình bằng sự nghiệp hay việc học; bởi cuộc sống thì không chỉ bao gồm công việc hay học tập. Nhưng không cách nào mà tôi có thể ngừng định nghĩa bản thân bằng những gì mình từng học và từng làm. Bởi mỗi thứ, trong một khoảng thời gian, đều là tâm huyết của tôi.
Đầu tiên là môn Lý. Tôi đặc biệt thích môn Lý. Nếu không phải là do cô Lý năm lớp 6 khen “Lập luận của em không bắt bẻ chỗ nào được!” thì cũng là tại tôi thích sự tưởng tượng màu mỡ của Vật Lý. Tôi thích Lý hơn Toán. Toán với tôi là logic. Còn Lý là logic + trí tưởng tượng. Tôi mày mò trên mạng đọc về Anh-xtanh, thuyết tương đối và thuyết lượng tử ánh sáng, để rồi lên lớp khi cô hỏi về lực ma sát, tôi lý giải một hồi xoay quanh thuật ngữ “năng lượng”. Tôi chẳng nhớ mình nói gì hồi ấy. Nhưng nhớ rõ cái cảm giác ngầu lòi lúc đó. Rồi tôi vẫn nhớ cái cảm giác đang nằm ngủ trưa, thấy mặt trời chiếu qua ô chiếu sáng trên cửa, tạo thành cầu vồng; lúc chạy xe đạp vào buổi chiều, thấy cầu vòng trên tóc mình; thử làm cho nước nóng đông đá nhanh hơn nước lạnh. Vật Lý với tôi thật kỳ diệu.
Năm lớp 8, trường không mở lớp bồi dưỡng Lý. Tôi có thể học đội tuyển Toán với bạn bè, nhưng tôi quyết định ở nhà và tự cày sách nâng cao Lý. Tôi không nhớ đó là sách gì nhưng chắc chắn là cuốn sách tham khảo hay nhất thời học sinh mà tôi từng đọc. Tác giả chỉ cho tôi cách xác định nồng độ vàng và nồng độ đồng trong vương miệng bằng định luật Ác-si-mét, tính công và lực qua đủ thứ ròng rọc, đòn bẩy, mặt phẳng nghiêng, v.v.. Lúc đó, nhà tôi gần trường, mỗi buổi chiều thứ 3 và 5 có thể nghe thấy tiếng bạn bè đi học đội tuyển về. Không hiểu sao lúc đó tôi không cảm thấy cô đơn và tủi thân. Nếu bây giờ thì chắc là có. Chắc như những nhà thần kinh học phát biểu, rằng sau 25 tuổi, con trai sẽ phát triển khía cạnh cảm xúc trong mình mạnh mẽ.
Tôi là một thằng bệnh suốt. Nên hồi đó, tôi tự nhủ với mình rằng phải học điên cuồng làm sao mà đến lúc thi, dù bệnh đến mức không còn tỉnh táo, thì vẫn đạt được điểm tuyệt đối. Cuối cùng thì lúc thi tôi bệnh thật, nhưng kết quả thì không được như trong mơ. Tôi rớt. Sau đó, tôi trốn thầy dạy Lý của mình. Trốn luôn môn Lý, và đăng ký thi chuyên Toán với đám bạn. Nhưng việc đột ngột chuyển môn như vậy thì gần như đồng nghĩa với việc rớt. Kết quả tôi thiếu 0.25 điểm. Không sao. Tôi vẫn đủ điểm vào chuyên Tin - “chắc chuyên Tin cũng không đến nỗi nào”, tôi an ủi mình. Mặc dù có những đêm sau đó, tôi xuống nhà uống nước; xuống được nửa cầu thang thì hết sức lực, và cứ ngồi đó một lúc lâu.
Nói về môn Tin, không biết gọi là luân hồi hay vòng tuần hoàn của cuộc đời có được không. Nhưng thật ra, năm lớp 3 tôi nằng nặc đòi theo chị đi học Tin học bằng A. Đa số thầy cô đều rất vui vẻ khi dạy con nít, chỉ trừ một ông thầy đã nổi cáu vì tôi học Excel chậm mà chửi tôi ngu. Nhưng mà một đứa trẻ cấp 1 thì không có khả năng “tư duy hình thức”, nghĩa là khả năng tư duy bằng khái niệm và tách biệt khỏi thực tế, vậy nên cái hàm if là một thứ rất xa xỉ đối với tôi lúc đó. Dù sao thì bằng một cách nào đó, tôi cũng lo liệu được cái bằng B loại giỏi vào năm lớp 4. Và rồi tôi tạm biệt môn Tin.
Cho đến khi cấp 3. Nói chung thì Tin cũng vui. Rồi tôi trở nên thích môn Tin hơn Toán. Học Tin đòi hỏi sự can đảm, chính xác là vậy; bởi nó đòi hỏi người học phải bắt đầu gõ bừa các phím dù không biết chương trình của mình sẽ thành ra thế nào. Vậy nên chương trình của bọn tôi hồi đó thường là một nồi thập cẩm, chắp vá và chỉnh sửa. Đó cũng là lý do không ai dạy Tin mà đi đọc chương trình của học sinh, thay vào đó thầy cô sẽ cho các Input test xem ra Output đúng bao nhiêu phần trăm. Tôi thích cách làm thế này, làm thế nào là chuyện của người làm, còn người đánh giá sẽ chỉ đánh giá trên kết quả.
Tin ấy mà, có đủ mọi loại thuật toán nghe rất kêu - chia để trị, quy hoạch động, luồng, cây nhị phân, và vân vân... Nhưng thuật toán cơ bản và mạnh mẽ nhất phải kể đến… duyệt. Hay một cái tên nghe ngầu hơn là “vét cạn” - sinh ra tất cả trường hợp và kiểm tra xem trường hợp nào thoả mãn. Mẹo của thuật toán này là phải biết sử dụng hàm if đến lão luyện. If mọi nơi, If mọi chỗ, if bất chấp cho dù tạp nham, if nhiều bao nhiêu thì chương trình chạy nhanh bấy nhiêu.
Nghe có phần thiểu não, nhưng chiến lược như vậy đủ để mang về từ giải cấp lớp đến giải cấp quốc gia - chỉ cần người làm bài đủ khiêm tốn để chấp nhận rằng “mình sẽ chỉ nhắm đến 20-30% số điểm”. Đây cũng là điểm nữa mà tôi thích ở môn Tin - nó dạy con người ta về sự tự nhận thức, về sự đánh đổi, và sự ra quyết định. Đứng trước một bài Toán thì một người chỉ có thể biết làm hoặc không biết làm. Nhưng đứng trước một bài Tin, người đó phải tự hỏi “mình giải được bao nhiêu phần của bài này?” và ra quyết định giữa “tốc độ hay sự chính xác?” cho chương trình của mình. Một người phải đủ khiêm tốn để có thể ra được quyết định tối ưu.
Nhưng nói vậy thôi, chứ tôi thì chẳng bao giờ khiêm tốn. Đúng hơn thì tôi khá tự mãn về sự khiêm tốn của mình. Tức tôi tự mãn về khả năng ra quyết định của mình. Tôi từng tự vỗ ngực rằng mình chưa bao giờ ra quyết định sai. Nhưng tất nhiên đó hẳn chỉ là một thiếu sót có chọn lọc trong trí nhớ mà thôi.
Và thật ra, tôi cũng chẳng có quyền khiêm tốn. Những kỳ vọng và những sự so sánh. Nếu tôi không tự đưa mình ra khỏi phạm vi so sánh của mọi người, thì tôi có lẽ đã chẳng có bạn bè. Có lẽ vì vậy mà ai cũng tưởng tôi là vua Midas - sờ vào cái gì là biến cái đó biến thành vàng. Có lẽ vì vậy không ai hiểu cho nỗ lực của tôi, nhưng dù sao ít nhất họ cũng không so sánh với tôi nữa.
Khoảng 5 năm, từ lớp 8 đến lớp 12 là một quãng thời gian kỳ lạ, năm nào tôi cũng có một (vài) giải Quốc gia hoặc khu vực gì đó, không Toán thì Tin. Nghĩa là vào cái khoảng thời gian mà một vị thành niên học được cách vượt qua chứng “vị kỷ trung tâm”, thì tôi lại được củng cố. Không trách sau này tôi khó thích nghi đến vậy.
Bước ngoặt có lẽ là vào lúc đó. Thằng tôi năm 17 tuổi ấy, được ông thầy đội tuyển Tin quốc gia khen. Từ lúc ấy, nó quyết định bỏ Tin, bỏ luôn các môn tự nhiên và các ngành kỹ thuật. Nó không muốn chơi trò chơi đó nữa, và cũng không muốn cả đời trông mong vào sự công nhận của người khác. Nó muốn chủ động và tự quyết cuộc đời của mình. Nhưng học gì để chủ động và tự quyết? Thằng tôi năm 17 tuổi ấy nghĩ “chắc chắn là kinh tế rồi”, bởi nó thấy mấy ông CEO trên báo chí và youtube ngầu lòi ra mà. Thế là nó đi đăng ký học Quản trị kinh doanh.
Quản trị kinh doanh, nói chung như mọi người vẫn nói: học xong chả biết làm mẹ gì. Nhưng dù sao tôi vẫn thấy nó đáng học. Ít nhất nó nâng cao ý thức về việc đánh giá nguồn lực và mục tiêu trong đời sống. Thật ra trên trường tôi học về quản trị không được bao nhiêu, chủ yếu qua học qua youtube, từ Lê Thẩm Dương là chính.
***
Kỳ thực tập của tôi kết thúc bằng một email có lôi luật ra đe doạ CEO. Cái ông CEO suốt ngày chửi bới và quát nạt nhân viên đó, sau khi nhận được cái email ấy, lại tỏ ra hết sức nồng nhiệt, thậm chí còn bày tỏ ý muốn tôi quản lý cho công ty sắp mở của ông; thì ra cái hiện tượng hai mặt bạo dâm - khổ dâm là đây chứ đâu. Dù sao thì tôi vẫn rất biết ơn lời đề nghị này, tôi cảm thấy năng lực của mình được công nhận. Chỉ là tôi nhận ra việc xin việc và đi làm như một công dân lương thiện có lẽ không phải lựa chọn của mình.
Tôi cũng từng thử kinh doanh đủ thứ chứ, từ xe đẩy Takoyaki tự chế, bán Takoyaki trong lễ hội, làm page nội dung. Làm một cái app giúp việc nhà là điểm đến cuối trong chặng đường cố gắng kinh doanh của tôi. Tôi làm đúng mọi thứ được miêu tả trên báo chí - tận tay đi dọn nhà cho khách, lên kế hoạch, làm sản phẩm khả thi tối thiểu, được cả bạn bè ngỏ ý đầu tư (mà tôi không dám nhận). Nhưng vẫn thất bại; Thì ra để startup được quan trọng nhất là vốn. Thằng tôi năm 23 tuổi ấy, sau khi thất bại, nằm trong phòng cả tuần; 2 giờ sáng mới lết khỏi giường để qua quán cơm tấm đêm cạnh nhà. Tôi nhận ra mình ghét cay ghét đắng việc kinh doanh lẫn chẳng có năng khiếu gì cho việc này.
Thằng nhóc 23 tuổi lúc ấy nhận ra nó chẳng thích gì ngoài học. Nó đứng trước hai lựa chọn là học lên thạc sĩ kinh tế phát triển, ngành mà nó cho là đỡ vô nghĩa nhất trong các ngành kinh tế. Hoặc học một cái gì đó khác hẳn. Vậy là nó đi học văn bằng 2 tâm lý học. Vậy là nó quyết định vừa làm tự do vừa đi học tâm lý. Nó quyết tâm sẽ học tới năm 30 tuổi rồi sẽ tính tới sự nghiệp; bởi nó thấy cuộc sống xung quanh thật kỳ lạ và đầy rẫy vấn đề, nó không thể nào chịu được cuộc sống như vậy nữa. Sau này nó mới nhận ra chính nó mới là người có vấn đề.
Từ đó đến nay đã hơn 2 năm. Hai năm đó có lẽ là quãng thời gian nó trải nghiệm cảm giác self-esteem (ý thức về giá trị bản thân) của mình xuống thấp nhất có thể. Tệ đến mức thấy tội lỗi mỗi khi cảm thấy vui vẻ, thấy xấu hổ với những sở thích của mình, tự xem nỗ lực và tài năng của bản thân là vô nghĩa. Hồi còn nhỏ nó có thể bỏ ra cả tuần lên youtube học moon walk của Michael Jackson và tự hào về điều đó, thì giờ đây bỏ một buổi tối ra nghiên cứu khai cuộc Vienna Gambit nó lại thấy tội lỗi vì lãng phí thời gian.
Làm freelancer là một công việc cô đơn và đáng sợ. Những ngày rảnh rỗi mà còn nhiều tiền thì sẽ ra cafe từ sáng sớm, ngồi đó mà chẳng biết làm gì. Những ngày deadline chất chồng, thì sẽ hoảng loạn sợ không làm kịp; mà khi đã hoảng loạn rồi thì chẳng thể nào viết được cái gì cho ra hồn. Còn những ngày mà khi sắp kết thúc dự án, lại lo lắng sợ sắp tới không biết kiếm được dự án gì mới không.
Cô đơn và lo lắng khi chụp fMRI không khác gì những cơn đau, mà như Nam Cao miêu tả “khi có cái chân đau thì ta chẳng thể nào nghĩ điều gì khác ngoài cái chân đau đó”. Freud thì gọi đây là một dạng ái kỷ tạm thời. Đúng là như vậy. Lúc đó tôi chẳng nghĩ được gì khác, ngoài việc tự thương bản thân mình, lo lắng cho bản thân mình, và thu nạp những món đồ sở hữu vào diện “bản thân mở rộng”. 
Những ngày đó, tôi có cảm tưởng mình yêu cái laptop và con xe của mình vô bờ bến. Rồi ngày mà tôi mua con chuột Logitech G102 có đèn chớp chớp vô số màu, rồi ngày mà tôi mua một chai nước inox để có nước uống dù đi đến đâu. Tôi có cảm tưởng vậy là đủ; trên đời này mình chỉ cần cái balo của mình, với đủ đồ đạc bên trong, cùng chiếc xe, là có thể lang thang khắp chốn, thế giới vậy là an toàn. Những ngày laptop của tôi hỏng. Rồi con xe của tôi hỏng. Cơn hoảng loạn ập đến. Như thể một phần trong tôi bị tổn thương.
Những cảm xúc hỗn độn, những lo âu không biết sao giải toả, tôi bắt đầu viết nhật ký để sắp xếp lại tâm trí. Hơn hai năm trôi qua, tôi viết được hết vài cuốn sổ. Hiện tại, tôi sắm cho mình một cuốn sổ màu hồng và một cái kẹp giấy A5 màu tím, để thể hiện sự nam tính của mình. Tôi nghĩ đây là một trong những bước tiến lớn nhất của bản thân. Làm bạn và trò chuyện với chính mình rất quan trọng. Chỉ khi nào cái thế giới riêng tư của cá nhân giàu có, màu mỡ, và có chiều sâu, cá nhân mới thôi việc đòi hỏi thế giới xung quanh phải chiều lòng mình.
Để vượt qua cái cảm giác mất phương hướng, không có gì để dựa vào, tôi tự nhủ mình rằng tôi vẫn luôn có thể tự dựa vào năng lực và sự chăm chỉ của bản thân. Nếu sau một dự án, tôi thấy mình phát triển năng lực hay chăm chỉ và bền bỉ hơn, tôi có thể yên tâm.
***
Ai quê ở Vũng Tàu mới hiểu được cái thú buổi tối ra ngoài bờ ghè bãi trước, mua 50k thập cẩm cá viên và một ly nước mía 15k, ngồi ngắm sóng biển chửi đời. Tôi ngồi với một thằng bạn, bàn về chuyện làm và chuyện học của cả hai. Tôi nhắc lại lời một giảng viên: “Cấp 3 trở xuống đáng ra là thời gian để vui chơi và khám phá xã hội thì lại ép trẻ em cắm đầu vào học. Đại học đáng ra là thời gian để nghiên cứu chuyên sâu, thì lại nghỉ xả hơi.”
Tôi mới nói mình may mắn thế nào khi thi vô một trường kinh tế, chứ không phải Bách Khoa như nó. Suốt cả tuổi thơ, tôi với nó cùng cắm đầu vào học. Nhưng ít nhất, đến đại học thì tôi chỉ toàn xả hơi và khám phá xã hội. Nó thì lại tiếp tục cắm đầu vào học. Rồi sau đó, khi ra trường là công việc và trách nhiệm. “Cuộc đời chỉ có vậy thôi!” - tôi và nó thống nhất như vậy, “Không thành công cũng thành c*c!” - cái này thì hơi bậy.
Một điều kỳ lạ của cuộc đời rằng như thể nó là những phân mảnh được ghép lại với nhau, và sự liên kết thì rời rạc. Khi bắt đầu bước chân vào thị trường việc làm, dường như mọi ký ức và thành tựu của thời đi học đều rơi vào một thế giới khác, trở nên không liên quan. Rồi tôi nghĩ sau này, khi bước chân ra khỏi thị trường việc làm, mọi ký ức và thành tựu của thời đi làm rồi cũng sẽ trôi về một thế giới khác, cũng sẽ không liên quan nữa. Vậy thì có cái gì là liên quan và xuyên suốt trong cuộc đời này nhỉ? Vậy thì sao ta phải nỗ lực cho một quãng đời rồi sẽ trở nên không liên quan?
Mọi người hay có câu nói tự động viên chính mình “Những bạn học xuất sắc hồi xưa, khi lớn lên cũng bình thường như bao người khác”. Đúng là vậy. Tôi là minh chứng đây. Và điều này cũng là một minh chứng cho việc các mảnh ghép của cuộc đời vốn chẳng liên quan với nhau. Hoặc là… chúng có liên quan, nhưng theo một logic khác. Liên quan theo cái cách mà tôi từ chối và quyết định từ chối mọi con đường có thể tiếp nối thành công khi xưa, từ chối viết lên một mạch truyện xuyên suốt. Thành tích học tập mang đến cho tôi hai cái học bổng, trong đó là một học bổng dầu khí đi Nga, học về địa chất với tương lai được đảm bảo rõ ràng. Hoặc tôi có thể được tuyển thẳng vào ngành CNTT ở bất kỳ trường nào, để nối dài cái sự nghiệp IT của mình. Nhưng tôi từ chối với lý do không muốn tiếp tục con đường làm kỹ thuật. Vậy nên thành ra tôi lang thang.
Một thằng bạn khác của tôi, cái thằng mà suốt những năm cấp 3 tôi đã cố tiêm nhiễm cái tư tưởng hư vô về cuộc đời cho nó, cái thằng mà vẫn kiên định gắn bó với Tin học từ cấp 2 tới giờ, hiện đang làm sếp sòng trong một công ty lập trình ở Nhật, nhận xét “Ai ngờ đâu hồi xưa học chuyên Tin, giờ đi viết báo”. Tôi đáp lại “Sắp tới còn thấy học Kinh doanh ra, rồi vô Bệnh viện tâm thần làm”. Kỳ lạ thay, tôi lấy sự không liên quan của cuộc đời mình ra làm điều tự hào. Cũng như cách tôi lấy sự lộn xộn trong bài viết để làm văn phong riêng.
Nếu học tập không tạo thành một câu chuyện xuyên suốt. Thì những hoạt động ngoài học tập dường như có ít nhiều sự liên quan hơn. Đó là năm lớp 12, tôi làm biên đạo múa cho cả lớp trong buổi cắm trại của trường; khá là dễ, mỗi đứa đóng góp một động tác mà nó cảm thấy thú vị, một động tác trong Tom&Jerry, hay một động tác hài hước trên mạng; tôi sẽ ghép chúng lại; cuối cùng lớp tôi về chót trong cuộc thi, nhưng mà vui. Đó là thời đại học, mỗi khi có cơ hội chịu trách nhiệm cho chương trình gì đó, tôi tống vô đó mọi ý tưởng có thể tống vô; cả nhóm điêu đứng khi cố làm cho cái đống bầy nhầy đó khả thi; phần lớn trường hợp không được thành công như mong đợi, nhưng mà vui; có đợt tôi biến teambuilding của câu lạc bộ thành một buổi đầu cơ và lũng đoạn thị trường và kết thúc là màn bắn tên lửa nước; có đợt tôi dắt vài chục sinh viên đến từ nhiều trường khác nhau ra hồ con rùa, đứng trên mấy cái thanh nhỏ hẹp mà nhảy, hên là chưa ai rớt xuống. Đó là khi tôi hết tiền, rủ bạn bè tham gia các cuộc thi sinh viên để kiếm tiền trả nợ; kết quả là chúng tôi tiêu hết số tiền thưởng ngay trong buổi chiều hôm đó. Đó là khi tôi thuyết trình trên lớp, mà cay một thằng đặt câu hỏi quá (thủ khoa lận cơ mà), nên cãi nhau tay đôi với nó, bất chấp cô và bất chấp điểm số. Dù sao thì chúng rất vui, và tôi cho là khá xuyên suốt.
***
Hồi xưa tôi rất ghét văn. Bởi tôi đoán con trai thì phải vậy: Học các môn tự nhiên và ghét môn văn.
Tôi vẫn nhớ kỳ thi học sinh giỏi năm lớp 5 khi ấy; tôi đạt điểm rất thấp môn toán mặc dù tôi dành hết thời gian cho nó, và tôi đạt điểm rất cao môn văn mặc dù không ôn một chữ. Tất cả những gì tôi viết trong bài văn ngày hôm đó chỉ là miêu tả lại con chim cánh cụt đang há mỏ với dòng chữ “cho tôi rác” ngoài bãi trước. Và bằng một cách nào đó, tôi lờ nó đi và tiếp tục niềm tin rằng con trai thì phải học toán.
Tôi vẫn nhớ bài thi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã miêu tả Mị lấy lá ngón để thổi kèn và bảo A Sử giống với Từ Hải (thú thật hồi đó tôi còn chưa đọc hết tác phẩm). Hên là vẫn đủ 6 điểm để tốt nghiệp.
Vậy mà khi lớn lên, tôi lại lấy chuyện viết văn làm cần câu cơm. Có lẽ còn hơn cả vậy, với tôi, viết là để bộc lộ bản thân và luyện tập cách bộc lộ bản thân. Cái kỹ năng mà có lẽ tôi rất kém, từ việc bộc lộ cảm xúc đến quan điểm cá nhân. Nhưng nếu không bộc lộ, tôi sẽ chẳng bao giờ sống được một cuộc đời thành thật với chính mình, thay vào đó sẽ chịu sự uống nắn của người khác; tôi cho rằng đó là tàn nhẫn, còn họ thì cho là đang cố giúp tôi.
Bên cạnh đó, viết cũng là một cách để tôi tìm thấy sự liên quan trong cuộc đời không liên quan của mình.
Thời học sinh, thứ văn tôi khá nhất là văn tự sự. Bởi dù sao thì tôi vẫn có khả năng tưởng tượng ra các tình tiết câu chuyện khá tốt. Nhưng văn miêu tả thì tôi chịu chết. Sau này tôi hiểu ra sự kém trong văn miêu tả nó tương đương với sự kém trong việc để ý vào chi tiết; bởi nếu không chú ý chi tiết, sao có thể miêu tả chi tiết được. Giờ thì tôi muốn tập viết văn miêu tả. Bởi cuộc sống nhìn chung cũng chỉ có vậy. Nếu không thể miêu tả chi tiết thì có lẽ đã đánh mất đi một phần sống động của cuộc sống.
Trong một đoạn video trên youtube, tôi có thấy một nhân vật trong phim miêu tả Van Gough: “Ông ấy chuyển nỗi đau từ cuộc đời bi kịch của mình thành vẻ đẹp ngây ngất. Nỗi đau thì dễ để miêu tả, nhưng để sử dụng cả đam mê và nỗi đau để miêu tả sự ngất ngây và vui thú và hùng vĩ của thế giới... Chưa ai làm được như vậy trước đây; sau này cũng sẽ không ai làm được.” Nghe thật ngầu.
***
Việc mất khách hàng lớn cũng có điểm tích cực. Nó thúc đít tôi, bắt tôi đi tìm khách hàng mới. Đôi khi, nỗ lực dẫn đến may mắn; và lần này thì may mắn đã mỉm cười. Tôi kiếm được một dự án biên tập cho một cuốn sách. Chủ đề về kinh doanh và khởi nghiệp. Nó đích xác là sách self-help mà mọi người (cả tôi) hay chửi. Tuy nhiên, tôi tin đó là một quá trình mà mỗi cá nhân đều phải trải qua - đọc sách self-help, sau đó chửi sách self-help, rồi lại viết sách self-help.
CEO của nhà xuất bản nhỏ này là một doanh nhân người miền Tây, tính tình dễ chịu, cởi mở, không tính toán. Có thể đây không phải kiểm tính cách xây dựng lên công ty kỳ lân, nhưng chắc chắn là kiểu tính cách rất dễ để làm ăn cùng.
Anh CEO có chia sẻ rằng cuốn sách đầu tiên anh viết, thậm chí, anh còn không muốn giới thiệu cho ai; bởi chẳng lẽ bao năm kinh nghiệm kinh doanh và bao nhiêu kiến thức của mình lại chỉ căn bản và có bấy nhiêu thôi sao. Rồi trên Tiki, khi có người vào bình luận “thông tin trong sách chẳng có gì để đọc”, ai mà chẳng nóng máu.
Đây là lúc mọi người sử dụng cụm từ “sợ bị đánh giá”, tôi thì biết một cụm từ thú vị hơn: “sợ bị xác nhận danh tính”.
Cái nhìn có sức mạnh rất kỳ diệu. Cứ mỗi lần bị nhìn, một hình ảnh của cá nhân được tạo thành và lưu trữ trong ký ức của một người khác; một mảnh danh tính của cá nhân được mang đến trong sự tồn tại. Vậy nên, con người có cái xu hướng phải sửa soạn một diện mạo thật tốt trước khi gặp ai đó, và khi nói chuyện, cũng phải thể hiện ra cái phiên bản tốt đẹp nhất của mình. Họ hy vọng rằng cái mảnh danh tính sắp, hoặc đang, hoặc vừa mới được tạo ra là một mảnh danh tính mà họ có thể tự hào về.
Các bài viết cũng là một mảnh danh tính; mà nó không chỉ bị nhìn bởi một người, mà có khi bởi vài ngàn người, thậm chí vài vạn người. Tôi có thể cảm nhận được áp lực khi đặt tay lên bàn phím gõ một bài viết, khi bấm đăng tải, khi có người upvote, khi có người bình luận, lo sợ rằng liệu cái mảnh danh tính vừa mới được tạo ra bởi sự tương tác giữa tôi và người đọc có phải một mảnh danh tính mà tôi có thể hài lòng? Việc này, một mặt, nó khiến người viết rất đắn đo và kháng cự khi viết bài đầu tiên - viết xong một đoạn, cá nhân sẽ nghĩ: “Không, đây không thể là toàn bộ con người mình được. Mình hơn như thế nhiều.”; một mặt nó thúc đẩy cá nhân viết thêm bài thứ hai, thứ ba, thứ tư sau khi đăng tải bài đầu tiên, để bộc lộ thêm một phần nào đó của mình, bổ sung thêm cho cái mảnh danh tính thứ nhất. Dù sao thì con người ai cũng có khao khát được nhìn một cách tuyệt đối và trọn vẹn. Đôi khi, cũng xảy ra trường hợp ngược lại, khi bài viết đầu tiên quá hoàn hảo, ta lại sợ khi viết bài sau sẽ phá hỏng cái mảnh danh tính hoàn hảo đầu tiên ấy.
Việc viết đòi hỏi sự can đảm là như vậy. Can đảm đối diện với chính bản thân mình. Và can đảm để mọi người nhìn thấy. Phải là một người vững tin vào bản sắc cá nhân lắm thì mới có thể viết xuống thật lòng điều mình suy nghĩ, mà không quan tâm tới việc nó có được đón nhận hay không. Và tôi cho rằng những bài viết như vậy thì tuyệt đối giá trị.
Dù sao thì, tôi có 330 trang, biên tập (thực ra là dịch lại gần như toàn bộ) trong vòng 30 ngày. Song song với đó là một dự án khác nữa. Phải làm xuyên Tết. Cũng chẳng sao, Covid mà, cũng đâu đi chơi nhiều. Một điều tôi tự hào là tôi bền bỉ hơn lúc trước nhiều, có thể làm ngày qua ngày trong vòng một tháng liên tục mà chỉ trải qua một đợt kiệt sức nhỏ.
Đây có lẽ là lúc nghe bài “Happy New Year”, tương lai rất đáng sợ và đầy lo lắng. Nhưng thôi, hãy vẫn cứ tận hưởng. Tận hưởng những ngày tháng cuối của tuổi 25.
----Surphi10, 12/02/2021

Sunflowers; Vincent van Gogh