Tuổi trẻ, cũng vài ba lần lạc lối, dăm ba lần bước sai, nhưng như thế, mới tìm ra được những điều mới, những điều hay, và những bài học.
“Sau này, con muốn trở thành ai?” - Đó là câu hỏi chúng ta được hỏi hồi bé. Đương nhiên, khi người lớn hỏi những câu trên, phần lớn để là để nghe những chia sẻ dễ thương của bọn trẻ con chưa biết gì như: Con muốn thành siêu nhân, muốn thành lính cứu hỏa… Sau một thời gian, khi lên cấp 3, câu hỏi này dường như không “vui” như ban đầu nữa, và nó dần trở thành một nỗi ám ảnh của không ít các bạn trẻ, và đương nhiên, tôi cũng không phải ngoại lệ. 
Hồi cấp 3 (những năm tháng cuối), tôi cũng đã tự hỏi cho mình câu hỏi này và cũng đã cố tìm câu trả lời. Đoán xem? Tôi đã muốn trở thành đầu bếp, một Chef thực sự. Tôi tìm hiểu rất nhiều, đọc, hỏi, gặp gỡ những anh chị trong nghề rất nhiều… nhưng bố mẹ tôi lại có những định hướng khác cho một đứa trẻ “chưa biết làm gì sau này” như tôi. Tôi được cho vào trường Kinh Tế vì lý do “chưa biết gì”. Câu chuyện phía sau về việc làm bánh như thế nào thì tôi xin phép dành vào một bài post khác. 
Trong những năm tháng đại học, tưởng chừng như tôi đã chọn được con đường của mình (làm Marketing) khi tôi dồn sức để học hỏi, để tìm hiểu, và thậm chí, kiếm được một công việc tại một Agency có tiếng trong ngành, thì một lần nữa, tôi cảm giác không vui, không thỏa mãn và thấy lạc lõng vô cùng. Câu hỏi “tôi sau này muốn trở thành ai?” lại trở nên ám ảnh hơn bao giờ hết. Liệu tôi có muốn trở thành một Marketer trong suốt cuộc đời sau này của tôi không? Nếu không, vậy tôi là ai? Tôi sẽ làm gì? Làm thế nào để sống khi tôi không có lấy định hướng trong bản thân? 
Tự hỏi bản thân, để rồi tự dằn vặt. Tự đặt ra hàng đống câu hỏi, tự trả lời, những cảm giác vẫn vô cùng sai. Những lúc đó, tôi như đang đứng trước một câu hỏi trắc nghiệm với hàng nghìn kết quả với hy vọng sẽ chọn ra được đúng 1 câu trả lời đúng nhất cho bản thân. Tôi lo sợ rằng, chọn sai một bước thôi, thì tôi sẽ lên sai con tàu, sống một cuộc sống sai lầm, và tốn thời gian để quay lại điểm xuất phát. Tôi sợ tôi sẽ bị bế tắc. Ơ từ từ…. Tôi ĐANG bế tắc mà? Nên việc chọn cái gì tiếp theo, có thực sự quan trọng không?
Dường như tuổi này nó thế, vì những câu hỏi của tôi cho anh chị lớn hơn, vẫn không khác gì nhiều sau mỗi lần được tư vấn và khuyên nhủ. Vẫn một vấn đề, vẫn những lời khuyên gần như tương tự nhau, mà sao, tôi vẫn chưa thấy hướng đi. Tôi thường hay bảo rằng, mọi lời khuyên đều vô ích, cho đến khi, chính người đang gặp vấn đề, tự nhận thức ra được. Nếu anh chị bảo, em nên làm thế này thế nọ, nếu như không thực sự hiểu được, không nhận thức ra được giá trị của lời khuyên... thì thực sự, câu chuyện nó không đi đến đâu. Nếu như tôi được khuyên là mình cần kiên nhẫn, mà không thực sự, THỰC SỰ, hiểu được vì sao cần kiên nhẫn, thì những lời khuyên cũng như nước đổ đầu vịt.
Thế giới vẫn quay, cuộc sống vẫn vậy, và tôi vẫn bế tắc như thế. Cho đến khi, một người anh của tôi, nói với tôi rằng: Không cần bắt đầu ở đâu xa, hãy bắt đầu có trách nhiệm với bản thân mình trước.
“Chú hãy chăm sóc bản thân mình, như thể mình là một người mà bản thân phải chăm sóc. Hãy đối xử với mình như là một đứa em trai mà mình phải chăm sóc. Ví dụ như anh đưa lời khuyên cho chú, cái gì tốt thì anh mới bảo chú làm. Tương tự, chú hãy nghĩ là cái gì tốt mới để bản thân mình làm, như thế, sẽ dễ hơn việc nghĩ là: “Mình thì có cần gì ghê gớm đâu, sao chả được”. Cái đấy gọi là, có trách nhiệm với bản thân. Rồi sau này, những thứ khác, sẽ dần được thực hiện mà chú không phải lăn tăn gì nhiều. Làm điều mà mình thấy tốt nhất cho bản thân, mặc dù bản thân nó không muốn làm nó.” 
Sau cái đoạn dài dài ở trên, những gì đọng lại trong đầu tôi, chỉ còn lại câu: “Hãy sống trách nhiệm với bản thân”. Nếu muốn làm lớn, thì bắt đầu từ những cái nhỏ, cái trong tầm với. Mà cái trong tầm với nhất, thì chính là bản thân mình. Bạn có thể chưa có định hướng, bạn có thể chưa có một kế hoạch hoàn chỉnh trong tương lai nhưng cái cần có, là sự trách nhiệm, trước hết với bản thân mình, rồi đến hành động của mình, rồi trách nhiệm với những người xung quanh. Bạn không thể muốn xây to làm lớn nhưng trong đầu để mặc định, mình sống thế nào chẳng được. Khi đã hình thành trách nhiệm với bản thân, thì mới hình thành được những thứ khác (như định hướng). Cái gì cảm thấy cần làm, thì nên làm dù bạn không thoải mái đến đâu. 
Không có mô tả ảnh.
Ảnh chèn giữa
Phải mất một thời gian sau, tôi mới thực sự hiểu được những lời nói đấy và mọi thứ trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi chưa bao giờ muốn làm Marketer. Tôi làm vì tôi cần tiền, cần một công việc. Ờ ha, tôi cũng phải ăn, phải sống, phải chi tiêu chứ. Tuy vậy, điều thực sự tôi muốn làm là trong ngành FnB, muốn làm với đồ ăn, thức uống, muốn viết và chia sẻ những câu chuyện trong bếp… 
Thứ ngăn cản tôi, chính là bản thân mình đang “hài lòng” và chưa dám rời khỏi vùng an toàn của công việc hiện tại để làm tới. Hay nói một cách khác, tôi sợ. Nỗi sợ của việc không chắc chắn, nỗi sợ sự thất bại, sợ câu chuyện nó không đi đến đâu nếu thực sự mình theo đuổi nó. Trong một buổi Ted Talk của Isaac Lidsky, ông chia sẻ rằng: 
"Nỗi sợ thay thế sự không chắc chắn, bằng những suy diễn tồi tệ. Khi bạn đối diện nhu cầu hay mong muốn làm một điều gì đó vượt quá khả năng bản thân, nỗi sợ khiến bạn chùn bước. Nó sẽ thu hẹp và làm méo đi tầm nhìn của bạn, nhấn chìm khả năng nhận thức rành mạch với những cảm xúc tiêu cực. Khi bạn đối diện những cơ hội hấp dẫn yêu cầu bạn phải vươn lấy, nỗi sợ sẽ khiến bạn nhụt chí, kéo bạn vào cái vỏ bọc của bản thân và tự hoàn thành lời tiên tri: “Mình sẽ không làm được”. "
Uh, ai cũng biết sự tác hại của nỗi sợ, ai cũng ý thức được nhưng không phải ai cũng tìm được cách để bước qua những hoài nghi và sự không chắc chắn, và xua tan đi những nỗi sợ đấy. Trong một câu chuyện gần gũi hơn, khi chị Nga Levi chia sẻ với tôi về một phần quá trình xây dựng Spiderum: Nó như việc em đi vào một căn hầm tối như bưng và không nhìn thấy gì. Những gì em có thể làm là bước tiếp, vì em biết chắc, ánh sáng kiểu gì cũng sẽ ló thôi. Cho đến lúc đấy, em phải bước, bước trong sự nghi ngờ và nỗi sợ, bước đi với trách nhiệm của con đường mình chọn. Chỉ có cách đấy, em mới có thể tiến được tới ánh sáng ở cuối đường hầm kia. Như thế còn hơn việc ngồi mà không làm gì cả.  
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản và ngoài trời
Ảnh chèn giữa
Khi sống trách nhiệm với bản thân, tôi nghĩ mình cũng nên có trách nhiệm với những gì mình mong muốn của mình và từ đó, trách nhiệm trong từng quyết định mình đưa ra. Nếu mình muốn làm food blogger, vậy tại sao không? Mặc dù, tương lai của việc đi theo con đường đấy, nó không chắc chắn, mông lung... nhưng tôi nghĩ, nó sẽ dẫn tôi đến với nhiều thứ để chờ đợi hơn là công việc mình không thích.  Tôi không bảo là hãy vứt tất cả rồi đi nhưng ít nhất, đối với tôi, tôi thà làm phục vụ của một quán Craft Beer, hay một tiệm bánh, để học thêm về những thứ tôi muốn, hơn là ngồi điều hòa 8 tiếng, làm việc rồi đi về. 
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, giày và ngoài trời
Ảnh chèn giữa
Sau khi nhận ra được câu trả lời mà mình cần cho bài toán, tôi đã có một góc nhìn mới, những dự định mới, hướng đi mới cho bản thân. Còn hành trình và câu chuyện nó sẽ diễn ra như thế nào, chắc phải để một thời gian nữa tôi mới có thể biết được. Tôi cũng chỉ mong rằng, tháng 3 tới, khi tôi bước vào HCM, mọi thứ đừng lệch so với cái “dự định mới” này quá nhiều. 
Chúc các bạn năm mới, có trách nhiệm hơn với bản thân và trách nhiệm với những điều mình mong muốn.
Hẹn gặp các bác Nhện trong HCM sớm thôi!!!
Trong hình ảnh có thể có: 1 người

-------------------------------------------------------------------------------------------------
Một số bài viết cùng chủ đề: