Mình muốn lưu ý với bạn đọc rằng các ý tưởng nêu trong bài viết đã được làm đơn giản hóa ở mức tối đa, trên thực tế mọi thứ rất phức tạp. Các bạn nếu muốn bình luận xin hãy đọc hết, nếu các bạn chưa đọc nhưng đã hỏi, hay phản bác, mình sẽ không phản hồi.
Mình không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này. Bài viết này sẽ có sai sót, mong có những chuyên gia đọc được và thấy không ổn xin hãy đóng góp.
Năm 2017 là năm bùng nổ của tiền mã hóa điện tử, đi đầu là Bitcoin. Nó là thứ làm điên đảo giới đầu tư cũng như các bà mẹ nội trợ và ai ai cũng cố gắng được hưởng một phần miếng bánh béo bở dù rằng nó càng lúc càng trở nên đắt đỏ. Và nó cũng là thứ gây chia rẽ trong giới chuyên gia nhất. Chưa bao giờ các chuyên gia kinh tế, tài chính ngân hàng lại cãi nhau khốc liệt như vậy về Bitcoin, CEO của J.P Morgan Chase thì chỉ trích nó là trò lừa đảo, nhưng CEO của Goldman Sachs lại nói rằng nó mở ra cánh cửa mới cho tương lai. Ngay cả những nhà kinh tế học đoạt giải Nobel như Joseph Stiglitz cũng gọi nó là trò lừa đảo, nhưng dường như không ai quan tâm lắm.
Về bản thân mình, từ lúc mình đi thực tập mảng IT, mình bắt đầu tìm hiểu về cái này. Đơn giản là vì dân IT thì khi rảnh rỗi sẽ nói về những thứ liên quan tới công nghệ như Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và Bitcoin cũng là một trong những chủ đề đó. Sau đó thì mình ngồi nghe, rồi đọc thêm, và giờ mình rút ra 2 kết luận như thế này:
Thứ nhất: bạn đừng mua Bitcoin, ít nhất là hiện giờ.
Thứ hai: đa số mọi người đang tập trung vào sai chỗ, chữ B mọi người nên tập trung vào không phải là Bitcoin mà là Blockchain - Chuỗi Khối.
Chính BlockChain là thứ sẽ đưa loài người đến đỉnh cao mới như Internet đã làm cách đây 30 năm.

Khái niệm BlockChain và các vấn đề xã hội nó giải quyết

Mình dùng từ khái niệm là vì việc áp dụng nó vô cùng vô cùng phức tạp, nhưng khái niệm của nó là dễ hiểu và đơn giản. Bạn hãy tưởng tượng bạn đang thực hiện giao dịch trên máy tính. Máy tính của bạn có một tài khoản - hay còn gọi là ví điện tử. Khi bạn thực hiện giao dịch mua hàng từ Tiki, máy tính của bạn sẽ gửi thông tin đến máy chủ bên Tiki, sau đó các máy tính này sẽ tự động kiểm tra xem giao dịch có thể thực hiện được không, nếu nó thấy ổn, nó sẽ gửi thông báo cho hàng loạt các máy tính khác trong mạng lưới, và các máy tính này sẽ tham gia xác nhận cũng như mã hóa giao dịch để tránh gian lận. Mỗi một máy tính tham gia công việc xác nhận và mã hóa như vậy sẽ được gọi là "đào". Bitcoin là một loại tiền trong hệ thống đó và các máy tính tham gia "đào" sẽ được hưởng một chút ít cho công sức bỏ ra.
Vậy thì có gì đặc biệt, sao lại phải làm vậy cho tốn công mà không gửi tiền qua ngân hàng? 
Điều đặc biệt của tiền mã hóa điện tử (cryptocurrency) như Bitcoin đó là:
-Nó phân tán, không bị kiểm soát tổ chức nào cả như chính phủ, ngân hàng.
-Thông tin lưu trữ không thể bị sai lệch.

Cụ thể hơn. Thông tin giao dịch của bạn sẽ được lưu trên hàng nghìn máy tính khắp toàn cầu, và điều bắt buộc là tất cả thông tin này phải ăn khớp với nhau thành một chuỗi. Nếu một người muốn chỉnh sửa, làm giả thông tin, anh ta phải làm giả thông tin đó trên toàn bộ chuỗi, tức hàng nghìn máy tính khác nhau. Đó là lý do mà mình nói rằng thông tin không thể bị sai lệch. Nếu thông tin trong một khối (tức 1 máy tính) bị sửa mà thông tin ở 30,000 máy khác không bị sửa thì toàn bộ hành động đó sẽ bị từ chối.
Tại sao mình lại nói không nên mua Bitcoin từ giờ. Đó là bởi vì Bitcoin sử dụng công nghệ BlockChain đời đầu và đang gặp khó khăn khi sử dụng giao dịch ở mức lớn. Ngoài ra Bitcoin được cho ra đời cho một mục đích rất chung là thay thế tiền tệ toàn cầu. Trong khi đó những hệ thống BlockChain đời sau thì xài công nghệ tốt hơn và ứng dụng cho những lĩnh vực nhỏ hơn nhưng thực tế hơn. Ripple dùng để hỗ trợ giao dịch ngân hàng. Ethereum là hợp đồng thông minh. Stellar dùng cho giao dịch cá nhân. 
Nhiều người đang nhầm lẫn là Bitcoin sẽ thay thế tiền tệ trên thế giới, và nhìn vấn đề về tiền với góc nhìn cũ như quy Bitcoin ra USD. Trong khi thực chất chúng ta phải quy tiền ra sức mua. Bạn hãy hiểu rằng các công ty công nghệ đang xây dựng các mạng lưới riêng và mỗi mạng lưới đều sẽ được tích hợp với nhau qua các đồng tiền theo chuẩn ERC20. Mỗi mạng lưới này sẽ cung cấp một dịch vụ riêng và bạn sử dụng tiền của mạng lưới đó để mua hàng trong đó. Bạn sẽ không cần quy ra USD trong tương lai nữa. Một mình Bitcoin sẽ không thay thế được tiền tệ toàn cầu, nhưng hàng nghìn đồng tiền sẽ thay thế được. Bạn có thể đọc cụ thể hơn trong bài sau:
Hãy tưởng tượng như sau.
Các hãng hàng không sẽ lập ra mạng lưới BlockChain cho riêng mình và tạo ra đồng AirCoin.
Ngân hàng sử dụng Ripple để chuyển khoản và họ dùng đồng Ripple như tiền.
Bạn đi làm cho Microsoft và được trả lương bằng MiCoins.
Bạn về nhà và muốn đặt vé máy bay đi du lịch. Bạn lên mạng tìm kiếm thì thấy 1 vé máy bay là 20 AirCoins. Bạn tính ra nó sẽ tương đương 5 Micoins. Bạn bấm mua. Máy tính sẽ lập tức tự chuyển đổi 5 Micoins ra 5000 Ripples để ngân hàng chuyển khoản, sau đó hệ thống máy tính của hãng hàng không sẽ lại tự đổi 5000 Ripples ra 20 AirCoins. Và bạn có 1 vé máy bay. Như vậy bạn không quy đổi những đồng tiền này ra USD nữa mà bạn chỉ quan tâm đến sức mua của chúng. 
Bây giờ mình sẽ giải thích một cách dễ hiểu nhất cho các bạn về sức mạnh của Blockchain qua ba trường hợp cụ thể sau. Hiện nay trong xã hội có ba vấn đề mà bạn sẽ thấy rằng bạn đã trải qua ít nhất một lần:
Vấn đề 1: Trong các xung đột, người yếu bị ức hiếp, chèn ép 
Bạn đã đọc bài về bảo hiểm xã hội của cây bút hoanlac chưa?
Đọc bài đó bạn sẽ thấy sự quan trọng của bảo hiểm xã hội đối với công nhân, nhưng bạn cũng sẽ biết rằng hiện nay nhiều người chủ hoàn toàn không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, mà họ chả bị phạt gì cả. Người công nhân thì yếu ớt, bị ức hiếp thì đành ngậm ngùi bỏ qua vì tiếng nói yếu ớt, người chủ hoàn có quyền có tiền để khiến vụ này chìm xuồng.
Hay là vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm vào năm ngoái làm chấn động cả nước. Tất cả đều cãi nhau dữ dội về mặt pháp lý, ai bán đất cho ai, hợp đồng bán đất ra sao. Nhưng dù kết quả là gì thì đến giờ người dân Đồng Tâm là người bị thiệt nặng nhất và họ cảm thấy hầu như không có tiếng nói. 
Hay là vừa rồi có vụ Ariana Grande hủy show diễn, các fan Việt Nam thì ấm ức, thất vọng, cảm thấy bị coi thường, còn cô gái thì qua Bắc Kinh nhảy múa kiếm triệu đô.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều lúc bạn cảm thấy như thế, tiền trợ cấp bị ăn chặn, tiền thưởng bị ăn chặn. Đóng tiền cho con đi học bán trú thì bữa cơm của con bị cắt xén. Đi làm giấy tờ hành chính phải đóng thêm tiền đút lót. Bạn cảm thấy bị cả xã hội ức hiếp, nhưng chỉ biết ngậm ngùi bỏ qua.
Vấn đề 2: Những tên khốn nạn được hưởng hàng triệu USD vì sự khốn nạn
Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế được nuôi dưỡng bằng sự chú ý. Hằng ngày bạn vô Facebook và thấy một tá video về chó, về mèo, về 10 cách điên khùng để người trong mộng chú ý đến bạn, về cách người da đỏ đi săn, hay là 500 năm trước người ta làm tình như thế nào. Những thứ đó rất vui, rất giải trí, rất thú vị, nhưng giá trị nó đóng góp cho cuộc sống của bạn là con số 0. Người ta luôn cố gắng thu hút sự chú ý của bạn để có like, có views, và có lẽ bạn không nhận ra, like đó, views đó giúp họ hái ra tiền, bạc tỷ đấy. Chính vì thế ai cũng như gào hét: làm ơn like đi, chú ý tới page tôi đi, chú ý tới video tôi nhại giọng của 10 người nổi tiếng nè, hãy coi video tui dạy cách đọc tên 20 thương hiệu quần áo nổi tiếng nè, nghe tui nhận xét về đám cưới Trấn Thành và Hari Won nè. 
Tuy vậy nó vô hại cho bạn. Thôi cũng chấp nhận được. 
Nhưng rồi có những gã khốn nạn như Logan Paul, lấy cả nước Nhật ra làm trò đùa cợt, coi khinh văn hóa và xã hội Nhật Bản, đến mức quay cả video xác chết trong khu rừng Tự Tử ở Nhật Bản và cười đùa trên xác chết ấy. 
Nhưng đó chỉ là giọt nước làm tràn ly. Trước đó Logan Paul cùng những gã khốn khác đã làm hàng tá những thứ ngớ ngẩn, ngu xuấn, hành xử như một đứa vô học ngoài đường. Ấy vậy mà anh ta có hàng chục triệu người hâm mộ trên thế giới và kiếm 14.5 triệu USD trong năm 2017.
Hay ta có Kim Kardashian, một cô gái khoe mông và được hưởng triệu đô.
Nhưng đâu phải chỉ có ở nước ngoài, ở Việt Nam chúng ta đầy rẫy những kẻ không đóng góp được gì cho xã hội mà chỉ nổi trên mạng xã hội, kiếm trăm triệu nhờ views và likes. Hay là các trang bán hàng sẵn sàng phát tán tin giả để thu hút mọi người vào page mình, và kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm.
Xã hội hiện nay vận hành như thế, những người đóng góp cho xã hội và trở nên nổi tiếng cũng được lĩnh thưởng, nhưng những kẻ khốn nạn thu hút được nhiều views và likes cũng được lĩnh thưởng và thậm chí còn được thưởng nhiều hơn.
Vấn đề 3: Các ý kiến đều có sức nặng như nhau và cái chết của những chuyên gia
Điều đáng buồn hiện nay là một kẻ ngớ ngẩn không biết gì về kinh tế học cũng có thể thu hút được nhiều sự chú ý của mọi người và được tôn sùng như chuyên gia, giúp "giải ảo" không kém gì các vị chuyên gia kinh tế thật sự. Hay là những người vô lại lên mạng dạy người khác về cách chữa trị ung thư cũng được chú ý nhiều như bác sĩ. Người ta thích nghe mấy thanh niên trẻ nói về tình yêu và dạy cách cư xử hơn là nghe những người bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu về lĩnh vực đó và nói như thế.
Hiện tượng đó được gọi là "Cái chết của những chuyên gia". 
Một bệnh nhân có thể bị chấn thương chân và đến bệnh viện nhờ bác sĩ băng bó, nhưng khi bác sĩ đó dặn dò về chế độ dinh dưỡng thì anh ta sẽ nói rằng:
"Anh là ai mà đòi chỉ tôi phải ăn uống thế nào. Anh băng chân cho tôi là được rồi."
Khi NASA nói rằng sắp có bão, mọi người sơ tán. Khi NASA nói rằng sắp có nhật thực, hàng triệu người đổ ra đường và xem nhật thực. Nhưng khi NASA nói rằng trái đất ấm lên, hay là trái đất hình cầu, thì NASA bỗng nhiên trở thành một tổ chức dối trá, âm mưu lừa gạt mọi người để kiếm tiền.
Và tiếng nói chống lại khoa học, chống lại kiến thức, văn minh cứ lan truyền khắp nơi, những tên vô học bỗng nhiên có tiếng nói với sức nặng ngang ngửa những người dành cả đời cống hiến cho loài người.
Hẳn nhiều bạn đã thấy điều này trong cuộc sống, và có rất nhiều bài trong Spiderum nói về ba vấn nạn này trong cuộc sống. Chúng ta kêu gọi mọi người đóng góp thay đổi xã hội, nhưng mình tin rằng trong thâm tâm chúng ta cũng thấy rằng chúng ta thật nhỏ bé và chúng ta chỉ thay đổi được chút ít. Ngay cả chính phủ còn chật vật trong chuyện chặn đứng tin tức giả thì làm sao những cá nhân bé nhỏ của chúng ta làm được.
Nhưng tin mừng là mọi thứ sẽ không mãi như vậy.
Chúng ta đã có Trí Thông Minh Nhân Tạo, Dữ Liệu Lớn, Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin gần như tuyệt hảo, sắp tới sẽ có Vạn Vật Kết Nối Internet (Internet of Things) và mảnh ghép cuối cùng là BlockChain. Với những công cụ trên, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa thay đổi lịch sử văn minh loài người một lần nữa.

Giải quyết vấn đề số 1: Thay đổi thế giới bằng Hợp Đồng Thông Minh

Quay trở lại vấn đề số 1, vấn đề đó xảy ra là vì sự rắc rối của các cơ quan pháp lý. Có một sự thật hiện nay đó là: kiện tụng rất tốn tiền và không ai cũng muốn kiện tụng. Cô công nhân trong nhà máy bị trừ lương vô lý, cô biết cầu cứu ai? Ra cơ quan cảnh sát, làm thủ tục rồi ngồi đợi mấy ngày, hay mấy tuần để được bồi thường số tiền bèo bọt? Mà liệu cảnh sát có muốn giải quyết vụ tranh chấp 1,2 triệu không? 
Hay là Ariana Grande, ai sẽ bồi thường cho fan hâm mộ Việt Nam? Mà fan hâm mộ Việt Nam, bao nhiêu người quyết tâm đòi bồi thường cho bằng được hay chỉ là ngậm ngùi bỏ qua.
Với Hợp Đồng Thông Minh, những hành động như của Ariana Grande sẽ bị trừng trị.
Hãy nhắc lại hai đặc điểm của BlockChain ở trên (và mình sẽ luôn nhắc lại):
-Nó phân tán, không bị kiểm soát tổ chức nào cả như chính phủ, ngân hàng.
-Thông tin lưu trữ không thể bị sai lệch.
Vấn đề trong việc giải quyết hợp đồng là nó phụ thuộc vào bên thứ ba, bạn tranh chấp đất đai ư? Ra tòa kiện. Thế nhưng trong thế giới BlockChain, bạn không cần. Các nhà sáng lập ra tiền điện tử Ethereum đã tạo ra một mạng lưới để ứng dụng hợp đồng thông minh. Cụ thể hơn thì nguyên lí vận hành của smart contract có thể đem so sánh được với một chiếc máy bán hàng tự động.
Chúng chỉ tự động thực hiện những lệnh mà đã được lập trình sẵn từ trước.
Đầu tiên, tài sản và điều khoản hợp đồng đều được mã hóa và chuyển vào một khối thuộc Blockchain. Smart contract này tiếp đó sẽ được phân phối và copy lại bởi các node hoạt động trên nền tảng đó. Sau khi có nhận lệnh triển khai thì hợp đồng sẽ được triển khai theo đúng như điều khoản định sẵn. Đồng thời, hợp đồng thông minh cũng sẽ tự động kiểm tra quá trình thực hiện những cam kết nêu trong hợp đồng.
Quan tòa của bạn sẽ là hệ thống máy tính toàn cầu. Sử dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn, máy tính sẽ phát hiện ngay được các vi phạm về hợp đồng và tự đồng đưa ra hình thức bồi thường hợp lý. Cô công nhân bị trừ tiền oan ư? Nếu đến ngày trả lương mà cô ấy không lĩnh đủ lương như quy định, mà máy tính không phát hiện lỗi gì từ cô ấy, thì lập tức người chủ sẽ bị trừng phạt, ví dụ như bồi thường 1 tháng lương cho cô công nhân bằng cách tự động rút tiền của người chủ. Cô ấy không cần phải ra tòa án hay công an tranh cãi.
Sử dụng sức mạnh của dữ liệu lớn, vạn vật kết nối (Internet of Things) và trí thông minh nhân tạo, máy tính có thể kiểm tra được nhà trường có giữ đúng cam kết chi 50,000 VND cho mỗi suất ăn của trẻ hay không. Nếu nhà trường làm sai, hệ thống sẽ tự động báo cho bên chính quyền cũng như tự đưa ra trừng phạt theo cam kết trong hợp đồng.
Với việc hệ thống lưu trữ các hợp đồng làm ăn cũng như mua bán, các vi phạm về tranh chấp đất đai sẽ bị chặn lại. Không còn vụ lừa bán đất quy hoạch cho người không biết vì máy tính sẽ biết ngay đất đó đang nằm trong quy hoạch và không cho phép bán, máy tính sẽ chặn ngay tài khoản không cho giao dịch theo hợp đồng này. Không ai có thể làm giả giấy tờ vì để một giấy tờ trở nên hợp lệ, nó phải được chấp thuận bởi hàng trăm nghìn máy tính trong hệ thống, phải được đối chiếu với cơ sở dữ liệu lớn. 
Hoặc ở Đại Sứ Quán. Du học sinh cũng như người Việt ở nước ngoài đều biết rằng làm giấy tờ ở Đại Sứ Quán đều phải đút lót, và quá trình làm việc chẳng có tính minh bạch gì cả. Thế nhưng với hợp đồng thông minh, khi bạn đến làm dịch vụ A và dịch vụ A ghi giá là 0.1 BTC (BTC = Bitcoin), thì máy tính sẽ đảm bảo bạn chỉ phải chuyển 0.1 BTC, không cho ra thêm. 

Giải quyết vấn đề số 2: Hệ thống Internet phân tán 

Vấn đề của Facebook, Youtube, Twitter đó là họ là những mạng lưới Internet tập trung (Centralised Internet), nơi mà người dùng hầu như không được hưởng hoặc chỉ hưởng một phần rất ít lợi ích. Bạn tham gia Facebook và like, viết bài cả năm trên đó thì bạn được gì? Một số 0. Cái likes, cái views của bạn làm giàu cho người khác chứ không phải cho bạn. Facebook, YouTube là những nền tảng tập trung, nơi người dùng phải tuân theo những quy định của mạng lưới đó và hầu như không được lợi ích rõ ràng gì khi tham gia.
Nhưng với BlockChain thì nó hình thành được mạng lưới Internet phân tán (Decentralised Internet). Nói cho dễ hiểu là bạn tự tạo ra một mạng lưới cho riêng mình và tự kiếm tiền từ đó. Uhm....vậy thì khác gì tôi tự tạo ra một Website riêng?
Đây là TRON. 

TRON là một công ty quyết tâm xây dựng mạng lưới Internet phân tán dựa trên BlockChain và họ đã bắt tay với công ty cho thuê xe đạp lớn nhất Đông Nam Á, trụ sở chính ở Singapore là OBike.
Theo sự hợp tác này thì Obike sẽ tự xây dựng một mạng lưới Internet của riêng mình dựa trên TRON và người dùng xe đạp của Obike sẽ kiếm được Ocoin khi sử dụng xe đạp và từ Ocoin họ sẽ sử dụng các dịch vụ trên hệ thống Internet do TRON tạo ra. Nói ngắn gọn là những ai tham gia vào hệ thống đó sẽ được thưởng tiền từ hệ thống. Hãy tưởng tượng mỗi lần vô Youtube bạn bấm like là bạn có tiền.
Woa.....cái đéo gì đây? Ông viết truyện viễn tưởng à?

Hãy để mình giải thích. Bạn sử dụng dịch vụ của OBike, máy tính sẽ tự động thưởng cho bạn OCoins, bạn sẽ dùng OCoins đó để mua các dịch vụ khác trên hệ thống. OCoins sẽ tự động được chuyển thành các đồng tiền khác. OBike tất nhiên cũng sẽ có những đồng OCoins của riêng mình. Khi mà càng nhiều người sử dụng dịch vụ OBike tăng lên thì giá trị của công ty tăng lên, sức mua của đồng OCoins cũng tăng lên.
Nhưng như vậy thì khác gì lạm phát, tiền đẻ ra quá trời. Đó là lúc Trí thông minh nhân tạo và Dữ Liệu Lớn tham gia để giới hạn lượng cung của tiền nhằm ngăn chặn việc in tiền tràn lan. 
Bạn cũng sẽ thắc mắc vậy thì điều đó liên quan gì đến cha Longan Paul hay Kim Kardashian mà mình nói. Sự liên quan đó là giá trị của họ bây giờ thực sự bị gắn kết với giá trị mà họ mang lại cho người dùng. Không còn YouTube hay Facebook, chỉ còn các mạng lưới cá nhân. Bạn sẽ không phải mở tài khoản Facebook, bạn chỉ cần mở một mạng lưới của riêng mình và đăng video lên đó. Nếu mọi người thực sự thấy các video của bạn có ích, họ sẽ gửi like cho bạn, và cái like đó cho bạn tiền, và họ cũng sẽ được tiền. Còn nếu video đó chỉ toàn là những thứ nhảm nhí tồi tệ, thì giá trị của hệ thống của bạn bị làm yếu đi, và tiền vào cũng ít đi, hoặc nó rớt giá đến mức nó trở thành vô giá trị. 
Sở dĩ những bài báo lá cải bị chỉ trích, tẩy chay vẫn sống được là vì các tập đoàn lớn chống lưng cho họ và mọi thứ được trả theo USD. USD lên thì giá trị của họ lên. Nhưng bây giờ giả sử tiền không quy ra một hình thức chung là USD mà là tiền của riêng bạn, thì toàn bộ giá trị của đồng tiền đó phụ thuộc vào bạn. 
Bạn vẫn cảm thấy chưa thuyết phục? Đó là vì mình vẫn chưa nhắc đến tính năng này của BlockChain.

Giả quyết vấn đề 2 và 3: Điểm uy tín 

Có rất nhiều cây bút hay ở Spiderum, trên Facebook hay các diễn đàn khác, nhưng ngoài danh tiếng ra họ không nhận được gì hữu ích thực sự về mặt tài chính. Tuy nhiên với BlockChain thì lần này danh tiếng của họ có thể hái ra tiền.
Bloom là một startup về công nghệ sử dụng BlockChain để tạo ra điểm tín dụng cá nhân và phát hành đồng Bloom cho mục đích này. 
Tín dụng rất đơn giản: nó đo độ tin cậy của bạn là bao nhiêu. Tín dụng là vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Nếu gia đình bạn đi kinh doanh mà vay tiền ngân hàng bạn sẽ hiểu, ngân hàng sẽ xét cực kì kỹ vấn đề lịch sử tín dụng của bạn. Tất cả những gì bạn mua, bạn làm như mua nhà, mua đất, vay tiền kinh doanh, vay tiền đóng học phí, đều liên quan đến tín dụng.
Sử dụng BlockChain và dữ liệu lớn, Bloom sẽ giúp xây dựng được mạng lưới tín dụng của cá nhân từng người. Hãy tưởng tượng bạn là một du học sinh từ Việt Nam, bạn qua Anh Quốc du học rồi muốn khởi nghiệp bên đó. Bạn đi vay tiền từ ngân hàng hay các quỹ đầu tư, thì làm sao bạn có thể thuyết phục họ tin bạn được mà cho bạn cả trăm nghìn đô? Nhưng với việc tham gia vào các hệ thống như Bloom, các ngân hàng hay quỹ tín dụng có thể dễ dàng truy được lịch sử tín dụng của bạn. Dữ liệu này là đáng tin cậy bởi vì như ở trên mình đã ghi: nó bị kiểm soát bởi hệ thống nên mọi người không làm giả được, và mọi người có thể truy được toàn bộ lịch sử của bạn. Các ngân hàng ở UK không cần phải yêu cầu bạn làm hồ sơ từ Việt Nam, dịch thuật, công chứng, gửi chuyển phát nhanh bằng FedEx. Họ chỉ cần vào Bloom.
Tất nhiên đó tương lai xa của Bloom.
Mảng kinh doanh của Bloom cho thấy một thị trường đầy tiềm năng. Nếu Spiderum được đánh giá 4.5 sao trên Facebook thì chỉ được danh tiếng, nhưng việc Spiderum được đánh giá 4.5 sao trên hệ thống Bloom sẽ giúp diễn đàn có giá trị, đồng tiền Spidy do Spiderum phát hành sẽ lên giá. Còn các trang đưa tin tức giả, lừa đảo, không có uy tín, thì lập tức bị đánh giá thấp, Trí Thông Minh Nhân Tạo sẽ hạ thấp giá trị của những trang đó, khiến tiền họ thu về hầu như không dùng được gì. Hay như cô nàng Ariana Grande, danh tiếng của cô ta sẽ bị hạ thấp sau vụ hủy buổi trình diễn một cách vô trách nhiệm kia, và hệ thống sẽ trừng phạt cô ấy, cũng như bồi thường tiền cho người hâm mộ bằng tiền của cô ấy. Khi điểm danh tiếng đã bị hạ thấp, Ariana sẽ không còn dễ dàng kiếm tiền như trước nữa.
Sử dụng các mạng lưới BlockChain khác nhau và Dữ Liệu Lớn, lịch sử đóng góp cho xã hội của một người sẽ được ghi nhận và người đó sẽ có điểm danh tiếng cao. Trí Thông Minh Nhân Tạo sẽ giúp quảng bá người đó, và nâng cao giá trị đồng tiền của hệ thống do người đó tạo ra. Còn những kẻ vô công rồi nghề lên mạng chỉ mong chém gió kiếm views, kiếm likes ra tiền thì sẽ bị Trí Thông Minh Nhân Tạo tẩy chay, hạ bệ xuống và định giá tiền bằng 0. 
Như vậy bạn có thể tưởng tượng khi một tin tức xuất hiện, vì nó nằm trên mạng lưới BlockChain, lập tức nó sẽ bị hệ thống máy tính truy quét từng chuỗi để xem nguồn gốc tin tức đó từ đâu. Nếu nguồn gốc bị ẩn đi, lập tức hệ thống sẽ xóa ngay tin đó. Còn nếu nguồn gốc không bị ẩn, hệ thống sẽ lập tức đánh giá trình độ danh tiếng của người đó, đối chiếu với dữ liệu trong lịch sử cũng như dữ liệu cập nhật khắp nơi. Nếu đó không phải là tin giả, tin đó sẽ được cho lên nhưng với thang điểm uy tín thấp. Sau đó người đọc sẽ tham gia. Hãy giả sử 1 giáo sư đọc tin đó và thấy rằng tin đó sai bét nhè, giáo sư sẽ cho ngay 1 dislike, và cái dislike đó của giáo sư bằng 100 cái likes của những người danh tiếng thấp hơn. Nếu một người danh tiếng đã thấp, mà còn bị đánh giá thấp hơn nữa, thì gần như chắc chắn anh ta sẽ mãi dưới đáy xã hội. Do đó nếu muốn cuộc sống tốt đẹp lên, anh ta phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội, như đi lao động, quyên tiền từ thiện, giúp đỡ người nghèo.

Hiện thực và viễn tưởng 

Chúng ta đang ở thời kì đầu của những điều mình nói ở trên, giống như cha mẹ chúng ta hồi những năm 1990 khi Internet mới chớm xuất hiện. Những điều mình nói ở trên chỉ là phóng đại dựa trên trí tưởng tượng hiện giờ. Có thể tương lai những điều đó không xảy ra, hoặc có thể nó xảy ra và còn tuyệt vời hơn những gì mình nói. Những gì mình viết chỉ là giọt nước giữa dòng thác BlockChain đang thay đổi xã hội toàn cầu. Bitcoin chỉ là khởi đầu, trong vài năm nữa bạn sẽ cảm thấy sự thay đổi khổng lồ của xã hội.
Trong tương lai hàng loạt hệ thống BlockChain mới sẽ ra đời, mỗi hệ thống BlockChain sẽ có một đồng tiền riêng. Dần dần nó sẽ thay thế các đồng tiền chúng ta có hiện nay. Bạn sẽ không phải lo tính tỷ giá vì máy tính sẽ tính cho bạn. Giá trị của một đồng tiền hoàn toàn phụ thuộc vào giá trị của network. Bạn có thể tạo ra được đồng tiền riêng cho mình tự tạo ra hệ thống riêng, giá trị của đồng tiền đó nó phụ thuộc vào chất lượng hệ thống của bạn. Hoặc bạn tham gia vào một cộng đồng và đóng góp cho cộng dồng đấy để được thưởng tiền. 
Tại sao chúng ta phải cần BlockChain để làm những điều này.
Thứ nhất đó là vì chúng ta đang bị giới hạn bởi ngân hàng và hệ thống tiền tệ hiện nay. Rất đơn giản, hãy giả sử bạn like 1 video và được 0.1 USD, 1 tháng bạn like 1000 videos thì bạn được 100 USD. Nhưng chẳng lẽ ngân hàng ở Mỹ phải chuyển 100 USD cho 1 thằng nhóc ở Việt Nam. Và tưởng tượng có khoảng 1 triệu thằng nhóc như bạn, mỗi thằng cứ kiếm lắt nhắt 50 USD, 100 USD. Làm điều đó cực kì mất thời gian, và vô bổ đối với ngân hàng. Họ bỏ hàng tỷ USD xây dựng hệ thống giao dịch là để chuyển khoản hàng chục, hàng trăm hay là hàng triệu USD, chứ không phải là lo chuyển khoản lẻ tẻ 10-15 USD cho mấy thằng nhóc ngồi coi người mẫu trên YouTube.
Có một ví dụ thực tế. Dent là một Startup về BlockChain chuyên bán dữ liệu điện thoại qua đồng Dent. Hiện giờ điện thoại của mình đang có 4 GB không dùng đến do mình được khuyến mãi dịp Giáng Sinh. Sử dụng Dent, nó cho phép mình bán đi 3 GB dữ liệu cho bất kỳ ai tham gia hệ thống. Cho dù mình đang xài mạng Vodafone của Anh, mình hoàn toàn có thể chuyển dữ liệu cho chị gái mình ở Việt Nam với mạng Viettel. 

Tại sao bạn không thể làm được điều này với công nghệ hiện giờ. Hãy tưởng tượng việc bạn chuyển 5 USD từ Mỹ về Việt Nam để mua 500 MB dữ liệu chẳng  hạn, tiền phí của bạn sẽ cao gấp 4,5 lần tiền chuyển. Do đó chẳng ai điên mà làm điều này cả. Với Dent, bạn có thể bán dữ liệu cho bất kỳ ai ở trên thế giới, từ Brazil cho đến Afghanistan, đến Nga. Hợp Đồng Thông Minh sẽ được đưa ra áp dụng để tránh nạn lừa đảo, trí thông minh nhân tạo sẽ được áp dụng để tính giá phù hợp, nhằm đảm bảo bạn có lời ở mức vừa đủ, tránh trường hợp đầu cơ kiểu mua rẻ dữ liệu ở VN rồi bán giá quá cao ở Mỹ nhằm ăn chênh lệch 10 lần. 
Thêm nữa đó là như đã nói, với công nghệ hiện nay rất khó để đánh giá chất lượng một nội dung trên mạng xã hội. Rõ ràng khi bạn like 1 video quay cảnh 1 ông ăn mì bằng chân thì nó chẳng đóng góp gì choxã hội cả còn nếu bạn like 1 video về giáo dục giới tính thì nó rất là tốt cho hệ thống. Nhưng hiện nay nếu quy 1 like = 0.1 USD thì rõ ràng chẳng có gì khiến con người ta có động lực xem những video tốt đẹp. Sử dụng hệ thống đánh giá danh tiếng xây dựng trên nền tảng BlockChain và trí thông minh nhân tạo, video về bảo vệ môi trường sẽ được cộng đồng hưởng ứng đánh giá cao hơn, và 1 like trên video đó tương đương 10 USD, trong khi video về cảnh ăn mì bằng chân giảm giá trị, 1 like = 0.0001 USD. Mà mình dùng USD là để các bạn dễ hiểu, chứ sau này sẽ không ai trữ USD nữa.
Mọi thứ trong cuộc sống của bạn sẽ thay đổi hoàn toàn.
Những đứa quịt tiền bạn sẽ bị danh tiếng xấu và nó sẽ lan khắp hệ thống. Số tiền nó nhận được khi tham gia vào cùng 1 hệ thống với bạn sẽ bị ít đi do danh tiếng thấp. Không còn những tên khốn nạn chỉ ngồi nói nhảm nhí mà kiếm bạc triệu. 
Những người tốt đẹp, âm thầm đóng góp cho cộng đồng sẽ được ghi nhận và lĩnh thưởng xứng đáng. 
Những người nghèo không được tiếp cận với hệ thống tài chính cao cấp hiện nay sẽ được tiếp xúc với hệ thống thanh toán hiện đại của Stellar, hay là hệ thống tín dụng của Bloom mà không phải trả những khoản phí khổng lồ.
Sử dụng BlockChain bạn sẽ biết được tiền từ thiện của bạn sẽ đi về đâu, có bị ăn chặn hay không vì các giao dịch đều được lưu trữ và không thể bị xóa. Bạn sẽ biết tiền thuế mình đóng được làm gì.
Với điểm danh tiếng, các cô gái Việt đứng đắn, đàng hoàng không còn sợ nhập cảnh qua Singapore và bị tạm giữ ở sân bay vì nghi ngờ là gái mại dâm. 
Đây chỉ là dự đoán đầy lạc quan của mình về tương lai và chắc chắn không thể hoàn toàn đúng. Tuy vậy tiềm năng của BlockChain là vô cùng lớn và nhìn vào cách Internet đã thay đổi thế giới như thế nào, chúng ta cũng có thể kỳ vọng BlockChain như thế.
Chúng ta đang sắp bước vào thế giới viễn tưởng mà chúng ta hằng mong ước. Bạn thật may mắn vì được chiêm ngưỡng khoảnh khắc này.
Husky.
Mình biết sau này không ai dùng USD nữa nhưng hiện giờ nếu bạn đọc bài và thấy hay, mong các bạn ủng hộ bằng cách quyên góp cho Husky ;)
Hoặc các bạn có thể ủng hộ gửi coins cho mình vào địa chỉ:
My Ether Wallet: 0x928899d0CF299D21aa890C1DA1f5A733443D38E1

Dogecoins: DL7Qz3VZB5mBEpDnNuCS8bkqSiudFNFPbU

Các bạn có thể đọc thêm: