Rác thải và Lối sống tối giản.
Những năm gần đây, khi phong cách sống tối giản lên ngôi, rất nhiều những bộ phim cũng như sách báo ra đời đề cập và hướng dẫn về lối...
Những năm gần đây, khi phong cách sống tối giản lên ngôi, rất nhiều những bộ phim cũng như sách báo ra đời đề cập và hướng dẫn về lối sống tối giản, tương tự kiểu “minimalism thế nào cho đúng”,…vân vân và mây mây.
Ngoại trừ một lần xem 2, 3 tập phim Tidying up with Marie Kondo trên Netflix series thì mình chưa đọc qua cuốn sách hay xem thêm bộ phim nào về lối sống tối giản. Dù là một đứa cũng hay tìm hiểu sách nên nghe nhiều về những cuốn như Lối sống tối giản của người Nhật, Nghệ thuật bài trí của người Nhật,… thế nhưng chẳng hiểu sao những cuốn sách đó không thu hút mình lắm, có lẽ vì sợ đọc xong không làm được như trong sách ^^
Thế nên mình chẳng có chuyên môn hay nghiên cứu gì về lĩnh vực này. Và cảm hứng cho bài viết này cũng là một sự vô tình. Trong một lần đọc tin tức có nhìn thấy những bài báo với tiêu đề như “ Rác nội thành Hà Nội bắt đầu ùn ứ vì dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn”, “Rác bủa vây trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội”,…. Và khi đó lượn ra đường, đúng thật: Một Hà Nội đầy rác đang ở trước mắt mình. Và mình bắt đầu nghĩ về vấn đề Rác thải và lối sống của con người hiện đại.
Vậy vấn đề là ở người dân Nam Sơn hay vấn đề là quá nhiều rác?
Khoan hãy bàn về vấn đề rác có vứt đúng nơi hay không, người Việt Nam có ý thức phân loại rác không,…chúng ta cùng nói về nguồn gốc của Rác trước
Khi mà cuộc sống đang càng trở nên hiện đại hơn, con người sản xuất ra nhiều vật dụng tiện nghi phục vụ và nâng cấp cho đời sống của mình. Rồi khi có những vật dụng không có cũng được, có thêm cũng không sao, nhưng chúng ta vẫn nhất định phải có, vì thằng hàng xóm nó có, mình thì không chịu thua nó. Thế rồi mua về vứt xó, sau một thời gian thấy vướng chân quá, cần chỗ cho một món đồ khác, chúng ta sẽ thải nó ra ở một trạng thái vô nghĩa (vì nó chưa mang lại lợi ích gì). Vậy là mình lại tạo ra rác, nếu cứ mỗi người như vậy là chúng ta có một thành phố rác.
Mình tuy không theo lối sống tối giản nào, nhưng luôn cảm thấy con người đang làm ra những tội ác với thiên nhiên và môi trường, nên luôn cố gắng sống “ít rác thải” theo cách riêng của mình.
Tại sao mình lại nói đến câu chuyện trên, vì mình cảm thấy dường như bây giờ con người đang trong trạng thái mua đồ vì những lý do hết sức ngớ ngẩn như: nó rẻ (không dùng nhưng rẻ là mua), nó hay?, đứa kia có mình cũng mua xem sao, thế rồi đôi khi chúng ta sẽ rơi vào trường hợp chẳng biết có thực sự cần tới hay không, nhưng vẫn mua.
Mình chưa đạt đến đỉnh cao giống nhiều bạn như hoàn toàn không dùng túi nilong, không shopping đồ chất liệu nhựa,….nhưng mình cũng xin mạn phép chia sẻ cách sống tối giản theo cách riêng của mình, mình hay gọi là “tối giản thoải mái”, lối sống này cũng đang giúp mình học cách tối giản và bảo vệ môi trường hơn, cũng như biết đâu giúp các bạn đang muốn sống một cách tối giản nhưng chưa từ bỏ được hoàn toàn đồ dùng có thể tham khảo.
Thứ nhất, mình không phải Fashionista và mình ăn mặc cũng rất đơn giản. Tiêu chí ăn mặc của mình là thoải mái và mình nhìn thấy nó “ổn”. Thế nên mình không quan trọng quá nhiều về việc một bộ quần áo mặc bao nhiêu lần, một chiếc váy không được trùng hai đám cưới, một tuần 5 ngày đi làm không được mặc lặp bộ nào. Vậy nên là con gái nhưng nhận thấy mình không shopping quá nhiều quấn áo, mình có thể mặc một chiếc áo 5-7 năm miễn là nó không rách. Đương nhiên không phải là mình không mua quần áo hay không đổi mới đồ, nhưng mình luôn cân đối trước khi mua, mà không phải riêng quần áo, cái gì mình cũng suy nghĩ rất kỹ mới mua =)). Ví dụ như mình có khoảng 5-6 cái áo phông, nhưng mình sẽ mua mỗi cái một màu và hay suy nghĩ kiểu không cần thiết đến 2 chiếc áo phông trắng (vì mình thấy nhiều người có logic cùng trắng nhưng hình khác nhau nên vẫn mua). Đó, vậy là khi nào một chiếc màu nào đó bị ố hoặc hỏng, mình sẽ mua chiếc mới thay thế. Tương tự với quần, váy hay túi cũng vậy, tất nhiên là không phải sưu tập đủ màu đâu nhé. À một lưu ý, trước đây mình mắc phải, đó là hãy mua một chiếc váy đẹp có thể mặc nhiều dịp, chứ đừng mua một chiếc váy cầu kì chỉ hợp cho một dịp, nó lãng phí lắm.
Thứ hai, mình không có đam mê sưu tập cái gì (không biết may mắn hay nên buồn), nên mình thường không mua một thứ quá nhiều. Chẳng hạn như son, mình thấy nhiều bạn nữ thích sưu tập nhiều màu son, trước đây cũng có đợt mình mua vài ba thỏi với tư tưởng mình chưa có màu này nên phải mua, thế rồi đã nhiều năm trôi qua, mình chưa đánh hết thỏi nào trong đống son mình từng mua. Có thể với những sự kiện khác nhau thì chúng ta sẽ đánh những màu son khác nhau, trừ việc là KOL hay Beauty blogger, thì sau khi tìm hiểu mình nhận thấy mỗi người thường theo một phong cách và thường chọn những thỏi son có gam màu hợp để đánh, chứ không thay đổi quá nhiều, vậy nên ví dụ như mình, mình chỉ cần khoảng 3 thỏi son màu khác nhau. Còn bình thường hàng ngày thì mình luôn đánh một thỏi duy nhất.
Nếu bạn là một người thích sưu tầm gì đó, thì cũng chẳng sao, khi bạn tăng một thứ nào đó, thì hãy giảm sử dụng những thứ khác, không thật sự cần thiết, thế là cân bằng.
Đúc kết cho điều thứ hai đó là: Chúng ta mua nhiều loại trong một dòng hàng chưa chắc phục vụ cho nhu cấu thực sự mà đôi khi là để phục vụ cho phần tư tưởng và suy nghĩ “phải có” của mỗi cá nhân. Vậy nên hãy tỉnh táo khi mua đồ, hãy nghĩ đến việc lãng phí và rác thải ^^
Thứ ba, mình là người hướng nội, nên thường có xu hướng ở nhà nhiều và ít khi tụ tập. Nhưng nếu bạn là người hướng ngoại hay giao lưu cũng đừng lo vì mình nghĩ như này: Chúng ta phải làm vậy, thì chúng ta hãy tìm cách làm giảm tác hại nhất. Giả dụ như, mình không phải fan trà sữa, mình ít khi uống, nên mình không thải ra nhiều cốc nhựa, hay ống hút nhựa. (mình thường đi uống trà sữa khi bạn chọn quán, chứ một mình thì gần như chẳng bao giờ uống hay gọi về). Mỗi lần hay tụ tập, có thể chọn những quán dùng cốc thủy tinh, ống hút giấy chẳng hạn, hoặc ăn những quán không thải đồ nhựa, hoặc trà sữa thì mang theo bình và ống hút của mình, thế là xong. Đừng ép mình phải dừng kiểu nhịn cái này cái kia một cách khó chịu, vì mình nghĩ như thế sẽ đến một lúc nào đó sẽ phản tác dụng ^^ (một điều mình luôn tự hào, đó là suốt 4 năm đại học, mình chưa từng cầm cốc trà đào hay trà quất ở cổng trường, dù chắc nó cũng ngon, vì mình thấy gần như hôm nào đi học cũng thấy đến 20-30% sinh viên mua vào lớp, đồng nghĩa với chúng ta có thêm cả đống cốc nhựa)
Thứ tư, mà lẽ ra là điều đầu tiên, nhưng mình chưa làm tốt nên mình đành cho xuống cuối. Đó là sử dụng túi vải, túi dù thay cho túi nilong. Mình luôn cố gắng mỗi lần đi siêu thị mang theo chiếc túi vải của mình đi đựng, nhưng cũng có rất nhiều lần quên L ít đồ thì còn có thể cầm tay không, không xin túi nhưng nhiều đồ thế là lại xách túi nilong về. Mỗi lần như vậy lại thấy rất tội lỗi, nên mình vẫn đang tập dần dần. Và suy nghĩ của mình ở điều này là khi đã tạo ra một túi nilong, thì hãy cố tái sử dụng nó hết công suất đến khi phải thải nó ra, chứ đừng ở trạng thái mang túi sạch về xong vứt đi vì túi nilong, xong hôm sau có việc cần túi nilong lại lôi cái túi khác ra dùng.
Mình không hoàn toàn dừng bất cứ gì, nhưng mình đang tập để cá nhân mình giảm rác thải nhất có thể. Quay lại câu chuyện ở đầu bài: Vậy vấn đề là ở người dân Nam Sơn hay vấn đề là quá nhiều rác?
Mình nghĩ rằng chúng ta cũng nên thông cảm cho họ, vì chính chúng ta khi ở trong nhà có một túi rác bốc mùi, mình đã thấy rất khó chịu, huống hồ gì họ phải sống ở một khu chứa rác cho cả thành phố, không chỉ ô nhiễm không khí, còn là nguồn nước và đất đai, dẫn đến bệnh tật. Mình chưa đủ khả năng hay tầm nhìn để đưa ra một hướng giải quyết cho các Bác cấp bộ, cấp nhà nước, để có một cách xử lý rác thải hợp lý cho người dân Hà Nội, thế nên mình đang cố gắng sống để giảm rác của chính cá nhân cũng như gia đình mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất