#30dayswritingchallenge 

"ảnh lượm từ Pinterest"
*Lưu ý bài viết hoàn toàn dựa trên quan điểm và hiểu biết cá nhân, cũng là lý do mình khá confused khi viết về chủ đề vĩ mô và có tầm ảnh hưởng như thế này.
Nhìn chung, khi nhận định vấn đề này, thì trước hết phải hiểu được "Hiệu ứng đám đông" là gì đã, và mình phải thừa nhận rằng, mình đã phải tìm hiểu và đọc lại rất nhiều post, và 2 cuốn sách liên quan đến vấn đề này trước khi viết bài là "Tâm lý học đám đông" của tác giả Gustave Le Bon và "Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi" được viết bởi Sigmund Freud (vì lúc nghĩ ra chủ đề này mình chỉ đang nghĩ đến một hiện tượng của vấn đề này). Việc này tương đối mất thời gian vì để hiểu được những cuốn sách về tâm lý thật sự là một việc tương đối khó khăn.
"Hiệu ứng đám đông" là một phần (hoặc cũng có thể là, cái này mình nghĩ tuỳ theo góc nhìn vì mình chưa tìm được câu trả lời rõ ràng do việc dịch chuyển ngôn ngữ khoa học vốn rất khó nói) của "Tâm lý học đám đông" (hay Tâm lý học xã hội), vì vậy, để hiểu được rõ ràng hơn về Hiệu ứng đám đông, mình sẽ đi sâu và bắt đầu từ Tâm lý học đám đông và sự lên ngôi của nó. 
Về Tâm lý học đám đông là một ngành được "thành lập sau" trong ngành lớn Tâm lý học, mà trong đó, các đối tượng nghiên cứu liên quan đến mối quan hệ của mỗi cá nhân với xã hội. Về bản chất, mỗi cá nhân đều tồn tại các mối quan hệ chia ra đơn giản thành: Thần tượng, Đối tượng, Người hỗ trợ và Đối thủ (nhìn chung với mình thì điều này rất đúng khi mình xem xét lại tất cả mối quan hệ.) Và mỗi cá nhân, đều bị ảnh hưởng bởi các cá nhân khác xung quanh, điều này thật sự đều rất rõ ràng với từng người. Chính vì thế, hai chủ thể của tâm lý là "Tâm lý học cá nhân" và "Tâm lý học xã hội" luôn tác động qua lại lẫn nhau và ảnh hưởng đến quyết định, từ đó là cả cuộc sống của mỗi cá nhân. Vì điều này, mình tin rằng đây là một vấn đề rất quan trọng và nên được tìm hiểu và trau dồi để "kiểm soát" được những điều "khuyết thiếu" của bản thân mỗi người.
Sau đây, mình sẽ bắt đầu đi vào topic chính: "Hiệu ứng đám đông"
Trước hết, để hiểu được định nghĩa này rõ ràng nhất, cần phải hiểu được từng từ cấu thành nên chính bản thân nó:
- Hiệu ứng: (cái này khó giải thích quá mà chắc ai cũng hiểu ^^) Là một hiện tượng khi một thực thể (có thể là sự vật, sự việc, hiện tượng...) biến đổi khi chịu một tác động hay một sự thay đổi nào đó. 
- Đám đông: Là một tập hợp một số lượng lớn các cá nhân, trong đó, không hề được thành lập trên bất cứ một tiêu chí chung nào. Hay chỉ đơn giản là một nhóm người tập hợp ngẫu nhiên, không dựa trên sắc tộc, các chỉ số cá nhân, tôn giáo...
Vậy "Hiệu ứng đám đông" hiểu đơn giản nhất là một sự thay đổi của một cá nhân dưới sự tác động của nhiều cá nhân khác, không có bất kì mối quan hệ nào từ trước. Tuy nhiên, trong trường hợp được sử dụng của cụm từ này tại Việt Nam, thường mang ý nghĩa không tốt lắm, hay là những ảnh hưởng tiêu cực của đám đông đến suy nghĩ, hành động của một cá nhân riêng lẻ.
Nhìn chung, dưới góc nhìn của "Tâm lý học đám đông" thì sự tác động của một đám đông cũng dễ ảnh hưởng xấu nhiều hơn là tốt. Bởi, tác động của đám đông sẽ khiến cho tư duy riêng lẻ của cá nhân bị giảm xuống, họ mất dần đi khả năng tư duy và nhìn nhận đúng vấn đề. Việc này sẽ dễ dàng khiến cho những đám đông trở nên dễ bị "dắt mũi" và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Dù rằng, trong Hiệu ứng đám đông cũng có những mặt tích cực, khiến con người trở nên "trượng nghĩa hơn", "dũng cảm hơn"... Nhưng dưới góc nhìn của mình, những trường hợp này thường ít hơn.
Và dưới phân tích của tác giả Gustave Le Bon, mình nhận ra mỗi "đám đông" cần có mỗi người dẫn dắt và chỉ huy, vì vậy tác động của người chỉ huy là rất lớn và sẽ là yếu tố quyết định tác động các hành động của đám đông với xã hội. 
Ví dụ dễ thấy nhất, một trong những trường hợp dễ thấy là người lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, Bác Hồ, một người đã gắn kết và dẫn dắt thành công một dân tộc "tưởng như nhỏ bé", được so sánh là "châu chấu đá xe" khi đứng lên giành lại độc lập. Dân tộc ấy cũng là một "đám đông" với rất nhiều thành phần, từ nông dân, công nhân, tiểu tư sản, phụ nữ, đàn ông, trẻ em, người già... Không phân định bất cứ tầng lớp, giới tính, tuổi tác... nào. "Đám đông" ấy có một tác động vô cùng tích cực với xã hội và đem dến cho chúng ta hạnh phúc ngày hôm nay. "Đám đông" ấy đã được truyền một năng lượng tích cực, trở nên dũng cảm và tràn đầy sinh lực hơn bao giờ hết. Mình thật sự đã rất cảm động với tinh thần của nhân dân ta ngày ấy, nhất là sau khi xem bộ phim "Mùi cỏ cháy" (vừa có trên Netflix nha cả nhà >.<) và rất rất nhiều bộ phim khác ngày đi học quân sự. 
Tuy nhiên, đó là phần tốt, và trước khi phân tích về tác động xấu, mình muốn nhắc một chút đến sự phát triển "địa vị" của "đám đông" hay là tác động và vị trí với xã hội. Điều này, chúng ta có thể để ý trong quá trình hình thành và phát triển của loài người, đầu tiên, chúng ta khởi đầu với xã hội nguyên thuỷ - đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của Hiệu ứng đám đông, chúng ta sống và hành động, làm theo đám đông, không có bất kỳ ý thức hay tư duy nào, không có sự phát triển của kinh tế hay sự vượt trội về tư duy, địa vị xã hội. Bỏ qua giai đoạn chiếm hữu nô lệ, sau đó chúng ta có thể thấy trong thời kì phong kiến, sự phân chia xã hội và giai cấp được hình thành theo kiểu "kim tự tháp", người đứng "đỉnh của chóp" là vua, dưới đó là quan lại, vì vậy, tác động của "đám đông" của xã hội là rất nhiều những nông dân, nô lệ ở dưới là rất thấp, họ không được coi trọng, địa vị của "đám đông" gần như bằng không, họ không được lên tiếng về quyền lợi của mình. Dần dần, khi sự mâu thuẫn dấy lên cao, việc này dẫn đến rất nhiều cuộc khởi nghĩa (như trong Marx, khi sự biến đổi về lượng đủ nhiều chúng ta sẽ có sự biến đổi về chất! ^^) Sự thay đổi về hình thái xã hội được hình thành, và dần dần quyền lợi của xã hội nói chung và đám đông nói riêng được ưu tiên hơn rất nhiều, điển hình nhất như gần đây với các cuộc bỏ phiếu để quyết định tổng thống trong cuộc bầu cử của Mỹ.
Và đến đây, chính là lý do mình quyết định nói về topic này, chúng ta có thể thấy dễ dàng việc cộng đồng mạng vô cùng ưu ái và ủng hộ Trump với lý do "Trump sẽ vùi dập Trung Quốc và giúp Việt Nam". Thành thực mà nói, mình cảm thấy bản thân không đủ khả năng để bình luận hay ủng hộ Trump hay Biden trong cuộc bầu cử này, nhưng mình nhìn thấy rất rõ ràng, việc những bài post của một số page mà "ai cũng bit là ai" up những bài vô cùng "thiếu khách quan" khi rất nhiều post nói Trump tốt đẹp ra sao, dạy con như thế nào, buồn tủi thế nào khi rời Nhà Trắng... tất nhiên mình biết, đó là quyền tự do ngôn luận, họ có quyền viết và nói những gì họ muốn, và mình cũng không dám bình luận vì chẳng rõ hết về chính sách của Trump, càng chưa có một thông tin nào về chính sách của Biden sau này. Nhưng những post đó đã định hướng và đem dư luận Việt Nam rất phản đối và "không vui" khi Biden giành thắng lợi với cuộc bầu cử này. Và mình cũng không ủng hộ ai, đây là cái nhìn rất cá nhân của mình, mình cũng xin phép không bình luận thêm về vấn đề này, mà chỉ phân tích dưới góc nhìn của "tâm lý đám đông". Nhưng rõ ràng, chúng ta nên đặt ra câu hỏi về tác động của Mạng xã hội và những "đám đông" mà đến chính chúng ta còn không rõ mặt, không rõ tên, để lại những bình luận và quan điểm của mình trên mạng xã hội đã tác động đến chúng ta như thế nào? Và điều này là tốt hay xấu?
(Nhắc đến vấn đề này, chắc hẳn phải kể đến khả năng thần kì của việc thâu tóm tâm lý của giới Showbiz á, nhưng mình không nói nữa đâu =))) hông lại gây war hí hí! Nói vậy để mọi người nghĩ thêm thui chứ hông có ý gì đâu ạ!)
Và đó là những suy nghĩ của mình về vấn đề "Hiệu ứng đám đông", mình tin rằng, một người khi vừa hiểu được tâm lý cá nhân và cả tâm lý xã hội, từ đó kết hợp và sử dụng nhuần nhuyễn cả hai sẽ có một cuộc sống đơn giản và dễ dàng hơn, cũng sẽ sống theo tầm nhìn và suy nghĩ của chính mình mà không bị bất cứ ai thao túng hay tác động. (với mình thì đây là hạnh phúc nhỏ bé mà lớn lao) 
Mình cũng rất xin lỗi bản thân ngu ngốk đã đặt ra cái topic này để thua mất challenge cho việc dành thời gian đọc 2 cuốn tâm lý đau đầu kia. (nhưng hay lắm mng ah ^^) Nhưng mình vẫn sẽ tiếp tục viết, dù bản thân xác nhận đã thua rồi. Nên mong mọi người vẫn sẽ đọc cái bài viết của tui nhaaa! =))