Từ ngày tốt nghiệp, mình có một vài dịp nói chuyện cùng các em học sinh cấp 3 và các cô chú bác phụ huynh về một vài chủ đề: học truyền thông như thế nào? Môi trường học ở RMIT ra sao? Lợi ích và bất cấp của việc tham gia chương trình trao đổi sinh viên. Sau một thời gian tham gia những buổi trò chuyện như thế này, mình nhận ra một vài câu hỏi chung chung, mà hầu như buổi nào mình cũng sẽ được hỏi. Một trong những câu hỏi đó là: “Người hướng nội có theo nghề truyền thông được không?”.
Một số dạng khác của câu hỏi trên là “Con bác ở nhà nó ít nói lắm, có nên học truyền thông không cháu?”, “Em đang học ban A, mà em thấy truyền thông cần giao tiếp nhiều, liệu em có học được không anh?”, “Học truyền thông là lúc nào cũng cần phải năng động, chạy nhảy như tăng động đúng không cháu?”.

1) Tìm hiểu type tính cách

Do tác động của báo đài, các kênh thông tin cộng với việc chưa tìm hiểu sâu, mình thấy rằng đang có một sự nhầm lẫn, thiếu thông tin về việc dùng 2 cụm từ hướng nội, hướng ngoại để đánh giá về một người. Mọi người có vẻ đang tự cho rằng người hướng nội là người trầm tính, ít giao tiếp (hoặc kém giao tiếp), ít tham gia các hoạt động xã hội, do đó sẽ không năng động, dẫn đến ít thành công hơn trong nghề nghiệp. Trong khi đó người hướng ngoại là người năng nổ, giỏi nói năng, chịu khó tham gia các hoạt động xã hội, nên dễ dàng có được thành công hơn. Thế nhưng, Susan Cain, nhà tâm lý học và là tác giả cuốn sách The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking, mạnh mẽ tuyên bố: “Không hề có mối liên hệ nào giữa việc “một người giỏi nói năng” với “một người có ý tưởng hay”!”. Người hướng nội chỉ khác người hướng ngoại ở điểm: họ thường nhìn vào bên trong chính mình, xem xét lại suy nghĩ và cảm xúc của bản thân và ít quan tâm đến những sự kiện xã giao. Họ có xu hướng tập trung trong tĩnh lặng, lắng nghe nhiều hơn nói và suy nghĩ kỹ trước khi phát biểu.
Mình là người hướng nội – và mình tốt nghiệp ngành Truyền thông. Hỏi mình có thích và làm được ngành và nghe như chỉ rằng cho những người hướng ngoại không – mình xin trả lời là có. Mình biết mình là người hướng nội thông qua 2 điều: 1) thông qua một số bài test cá nhân 2) thông qua việc mình đã làm.
  1. Bài test cá nhân: 16Personalities (http://www.16personalities.com/free-personality-test) là một trang khá hay mình giới thiệu để các bạn có thể làm. StrengthsFinder (http://www.strengthsfinder.com/home.aspx) cũng là một bài test rất chất lượng nữa các bạn có thể thử (cái này thì mất phí).
  2. Đi làm việc, trải nghiệm là cách tốt nhất để chiêm nghiệm bản thân. Không cần test, chúng mình cũng có thể tự suy đoán được mình thuộc tuýp người nào qua cách mình giao tiếp, hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên những suy đoán đó chưa chắc đã đúng, vậy nên mới cần làm việc để củng cố thêm. Ví dụ hồi mình mới học Truyền thông, mình thấy mình rất là sáng tạo, hướng ngoại và hợp với các công việc như chạy event, làm quảng cáo. Tuy nhiên sau khi trải nghiệm một số công việc như làm marketing cho một trung tâm tiếng Anh, làm ad cho cùng một agency và chạy sự kiện trong 2 tháng cho một hãng phim, mình nhận ra là mình chẳng hợp với những công việc đó – và mình không phải là người hướng ngoại như mình tưởng. Tức là với những công việc như kể trên, mình có thể làm tốt, nhưng mà mình không thích.

2) Đặc thù ngành truyền thông

Khi nghe tới từ truyền thông, với các bạn trẻ – đó là làm quảng cáo, vẽ vời những thứ sáng tạo, chạy event, etc. Thậm chí với các bác phụ huynh, truyền thông có thể là đi phát flyers, dán posters, làm viễn thông @@. Khi nghe đến truyền thông, mọi người nghĩ đến một công việc cần ra ngoài nhiều, cần nói nhiều, cần gặp gỡ mọi người nhiều – và tự cho đó là những công việc chỉ phù hợp cho người hướng ngoại.
Những công việc, loại hình liệt kê ở trên là đúng – nhưng chưa đủ. Trong ngành truyền thông, tuỳ vào lĩnh vực bạn theo đuổi là báo chí, quảng cáo, marketing hay PR – có vô vàn loại hình công việc bạn có thể theo đuổi. Ví dụ riêng nhà báo thì có rất nhiều loại – viết báo thể thao, thu thập tin tức giải trí, marketing thì vô kể công việc – digital marketing, marketing executive, quảng cáo thì có art director, copywriter, creative director, vân vân và vân vân.
Có những công việc đòi hỏi bạn phải giao tiếp nhiều như gặp gỡ khách hàng, tổ chức sự kiện – nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những công việc cần những tính cách của người hướng nội ví dụ như làm research chẳng hạn.

3) Lời kết

Mình luôn tự nhắc nhở bản thân mình rằng, mình là một – là duy nhất. Có thể kết quả những bài test của mình có thể giống một số người khác, nhưng mình vẫn có những điểm khác biệt so với họ. Có những người thích tiệc tùng, đi bar, gặp gỡ bạn bè mỗi ngày, còn mình thích thấy thoải mái hơn khi ở một mình (hoặc cùng một vài người thân thiết), đọc một cuốn sách hay, hoặc làm công việc mình thích (như viết blog này đây).
Mình nghĩ rằng, việc tự ép một người hướng nội trở thành hướng ngoại, chỉ để thoả mãn với một nhu cầu công việc nào đó – là một việc sai lầm, có thể có kết quả ngay, nhưng không tốt về lầm dài. Những người hướng nội như chúng mình có những thế mạnh riêng, và chỉ khi bạn chấp nhận mình, dành thời gian tìm hiểu về bản thân, thì bạn mới có thể phát huy được tốt nhất những khả năng bạn có.
“Chúng ta đã biết, trong truyền thuyết và những câu chuyện cổ tích, rằng có rất nhiều loại sức mạnh khác nhau trên thế giới này. Đứa trẻ này có thể được trao cho một thanh gươm ánh sáng trong khi đứa trẻ kia nhận được sự dẫn dắt của một vị pháp sư tài ba. Bí quyết thực sự không phải là cố tập hợp tất cả mọi loại sức mạnh khác nhau mà bạn có thể tiếp cận, mà là tận dụng tốt nhất loại sức mạnh mà bạn được thiên phú cho. Những người hướng nội là những người được trao cho chiếc chìa khóa mở cánh cửa tới những khu vườn bí mật rộng lớn và màu mỡ. Việc sở hữu một chiếc chìa khóa như vậy cũng giống như việc Alice rơi xuống Hang thỏ. Alice không hề lựa chọn đi đến Xứ sở Diệu kỳ, nhưng cô bé vẫn biến chuyến đi đó trở thành một cuộc phiêu lưu mới lạ, kỳ diệu, và độc nhất của riêng mình.” (Sucan Cain)