Để trả lời câu hỏi của phóng viên báo Lao động về cảm giác khi nhận giải Fields, GS. Ngô Bảo Châu đã nói thế này: 
Vâng, thật ra tôi không mừng đâu, quả thật là không mừng. Tôi luôn nghĩ rằng mình phải trân trọng những vinh dự đó, nhưng có lẽ sự phấn chấn nó đã xảy đến ở những thời điểm khác, trước đó. Lúc mình làm ra, giải quyết một vấn đề. Hay lúc mình chia sẻ với đồng nghiệp. Thì đó là những niềm vui thực sự.
Trong lịch sử của giải Nobel, không ít người đoạt giải đã không đến lễ trao giải, có những người bỏ qua khoản tiền thưởng và chỉ nhận huy chương vàng cùng giấy chứng nhận. Thậm chí, có những trường hợp từ chối nhận giải. Liệu nguyên nhân nào đã khiến cho những con người tuyệt vời đó từ chối nhận một phần thưởng mà họ vô cùng xứng đáng? Sau khi trải qua nhiều năm công tác và gặp nhiều tấm gương yêu nghề, tôi đã trả lời được câu hỏi vì sao danh vọng và tiền bạc đối với một số người, chỉ là ưu tiên thứ yếu.
Mỗi người trong chúng ta sẽ có những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi về ý nghĩa của nghề nghiệp. Nhiều người có thể sẽ nghĩ đây là câu hỏi quá đơn giản. Có một công việc đồng nghĩa với bạn sẽ có thu nhập, có vị trí trong xã hội, có một chỗ đứng nhất định đủ để bạn tự hào khi nói về nghề của mình.
Nhưng liệu đó có phải là tất cả? Điều gì khiến cho ngay cả trong cùng 1 nghề , có những người thăng tiến liên tục và đạt nhiều thành quả từ rất sớm, có những người làm việc chăm chỉ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn không thăng tiến, và có những người cả đời không hạnh phúc với nghề mà mình theo đuổi?
Tôi đã chọn cho mình một nghề nghiệp rất hấp dẫn và nhiều thử thách: nghề lập trình viên. Rất nhiều thứ đã thay đổi từ năm tôi mới vào nghề, năm 2012, cho đến nay. Nhưng có một sự thật bất biến: những người đam mê và nhiệt huyết nhất luôn là những người thành công nhất, bất chấp xuất phát điểm của họ khi mới bắt đầu vô cùng khác nhau. 

Đọc thêm:

Nhiều lần tôi đã quan sát những thực tập sinh hoặc nhân viên mới bước vào công ty, và nhận ra rằng những người phát triển nhanh nhất là những người có thái độ cầu tiến và máu lửa nhất, không có trường hợp ngoại lệ. Đôi lúc, một số người có tư duy tốt sẽ làm việc rất thong dong và vẫn gây ấn tượng tốt trong thời gian đầu. 
Thế nhưng theo thời gian, khi các nhiệm vụ có độ khó ngày một cao, công việc ngày một căng thẳng và các deadline dồn dập, những người thể hiện tốt nhất luôn là những người đam mê công việc.
Dễ dàng nhận ra những người như vậy trong công sở, đó là những gương mặt lúc nào cũng đầy năng lượng và hứng khởi, ngay cả trong những lúc căng thẳng nhất. Họ ý thức rất rõ rằng công việc này giúp họ trưởng thành, nâng cấp bản thân và trở thành con người tuyệt vời họ muốn hướng đến. 


Đọc thêm:

Một số người, không có sẵn khả năng tư duy nhanh nhạy, nhờ làm việc hàng ngày với hàng loạt con số và biểu đồ trong nhiều năm, nay đã có thể tự hào về tốc độ tư duy. Một số người khác nhờ liên tục giao tiếp với khách hàng, từ người tự ti và không biết nói chuyện, nay đã có thể đảm nhiệm những vị trí quản lý. 
Bạn thấy đó, mọi việc sở dĩ khó vì bạn chưa có đủ phẩm chất mà thôi. Nếu bạn không ngừng cải thiện, thì mọi thứ đều có thể. Trí tuệ, nghị lực, bản lĩnh, kỷ luật và niềm vui sống, đều được tìm thấy trong những ngày tháng cháy hết mình, không ngừng nghỉ và không bỏ cuộc. Bởi vì vậy, như một lẽ tất nhiên. thành công sẽ đến với họ, những người xứng đáng nhất.
"Nhà văn duy nhất từ chối giải Nobel, Jean-Paul Sartre sau này đã giải thích đơn giản rằng ông luôn từ chối mọi sự tôn vinh. Thực tế, ông cũng đã từng từ chối nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Nhà nước Pháp trao tặng hồi năm 1945. Nguyên nhân sâu xa là bởi Sartre luôn sợ rằng những danh xưng, những sự tôn vinh sẽ làm hạn chế tư duy độc lập và khiến ông trở nên gò bó trong những sáng tác và nghiên cứu của mình." Với ông, sự tôn vinh không có ý nghĩa bằng tự bản thân hài lòng với những gì mình đã, đang, và sẽ cống hiến.

Vậy có bạn sẽ hỏi, với một người bình thường, mới bắt đầu một công việc mà chưa có một kinh nghiệm, niềm ham thích hay tố chất nào, thậm chí cũng không có ý muốn đua tranh, thì làm sao có thể vươn lên được? Và với những người không may mắn, gặp phải một môi trường làm việc đầy những tiêu cực và bất công, đến mức mọi động lực và cố gắng của họ đều là con số không trong mắt sếp và đồng nghiệp, thì họ phải phát triển thế nào đây? 
Với những thắc mắc như vậy, câu trả lời là hãy biết tiếc thời gian hữu hạn của mình, để mà chủ động dùng nó vào việc có ích nhất là cải thiện bản thân. Nhưng chủ động ở đây không có nghĩa bạn phải trở thành người nghiện công việc, mà là bạn làm việc để phát huy hết tiềm năng của mình. 
Chủ động, tức là bạn không chờ người khác nhắc mới làm việc. Chủ động, nghĩa là bạn không chờ có người chỉ cho bạn điểm cần cải thiện, bạn đã tự đi tìm và cải thiện. Chủ động, nghĩa là bạn tìm hiểu mọi thứ liên quan đến công việc, mà gợi cho bạn quan tâm và tò mò. Chủ động, tức là bạn luôn tận dụng mọi nguồn lực và sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, sếp, mentor, từ những khóa học và tài liệu đầy ắp trên không gian mạng. 
Chủ động, tức là khi một môi trường không giúp bạn phát triển được nữa, bạn sẽ mạnh dạn đi tìm môi trường khác. Chủ động, cũng là khi bạn nhận ra chính bản thân mình, luôn có thể thổi bùng ngọn lửa khát khao cống hiến, để khiến công việc không còn là những tháng ngày dài đằng đẵng, mà đầy hứng khởi và tươi mới. 
Khi đã trang bị cho mình sự chủ động ấy, bạn sẽ hạnh phúc nhận thấy rằng 2 chữ trưởng thành đã ở rất gần.

-----

REFERENCES:

1.https://laodong.vn/xa-hoi/gs-ngo-bao-chau-do-co-le-la-mot-tinh-yeu-qua-lon-833363.ldo

2.https://dantri.com.vn/van-hoa/tiet-lo-su-that-ve-nguoi-duy-nhat-tu-choi-giai-nobel-van-hoc-1421602561.htm

-----

Linh Đặng
Join my Group: https://www.facebook.com/groups/thevoiceinsideyou

Hãy tôn trọng công việc của các tác giả, cây viết, nhiếp ảnh gia và hoạ sĩ. Chúng tôi hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ hoặc sao chép nhưng hãy đảm bảo trích dẫn nguồn đầy đủ, phù hợp và đặc biệt là không cắt xén tên tác giả. Cảm ơn bạn.