Cho phép tôi hỏi bạn mấy câu, bạn đã bao giờ có cảm giác có người nhìn mình từ đằng sau trong lớp học? Bạn có phải luôn đặt mình vào vị trí của người khác, sợ lời nói của mình làm ảnh hưởng tới người ấy? Đã có chuyện gì bạn gặp phải ghi sâu vào ký ức của bạn mà 10 năm sau bạn vẫn nhớ?
Nếu bạn có ít nhất một trong các đặc điểm trên, bạn chính là một người nhạy cảm. Nhiều người bạn tôi, và chính bản thân tôi, là người nhạy cảm. Tuổi thơ của những người nhạy cảm thực sự có một hương vị rất khác. Tôi đã từng ân hận về rất nhiều lỗi lầm của mình, ở cái tuổi trẻ con mà nhiều người khi nghe kể lại, đều cười cho rằng mọi lỗi lầm ở tuổi đó đều đáng để tha thứ và bỏ qua. Tôi từng tìm trăm phương ngàn kế, chỉ để có thể đi tham gia một buổi đi chơi với bạn bè, mà bố mẹ tôi không thể biết được là tôi đi đâu. Tôi từng chán nản và mất tinh thần như thế giới này không ai cần mình nữa, khi có một học kì tệ hại hồi năm lớp 7.


Nhạy cảm là một điều khiến cho mọi trải nghiệm cảm xúc của bạn đều có vẻ được đi qua một cái kính lúp. Theo khoa học giải thích, đó là một đặc điểm của tổ tiên chúng ta. Trong hoàn cảnh đầy nguy hiểm khi con người còn sống trong hang đá và tự vệ bằng những cục đá, nhạy cảm là thứ mọi cá thể đều có, như một kĩ năng sinh tồn. Sau nhiều thay đổi của lịch sử, cùng với sự phát triển của ngành giao thông vận tải, thế giới này ngày càng phẳng hơn, bản năng nhạy cảm của các thế hệ loài người dần giảm xuống. Vì đơn giản, não của bạn không thể phản ứng với hàng ngàn, hàng vạn kích thích, giữa thế giới bùng nổ thông tin và mỗi ngày bạn chạm mặt khoảng chừng vài chục đến chừng trăm người.
Ở thời đại hiện nay, nhạy cảm chỉ còn xuất hiện ở một số người.Tôi tin là rất nhiều trong số những người đó đã từng cảm thấy thất vọng và khó chấp nhận bản thân là người nhạy cảm. Thậm chí cố tìm cách tránh xa xã hội, tìm cách sống lý trí hơn, “máu lạnh” hơn, vì trong họ có một niềm tin thế này: nhạy cảm đồng nghĩa với dễ bị tổn thương.
Suốt 20 năm đầu cuộc đời, với cái combo nhạy cảm và hướng nội, tôi đã chịu tổn thương rất nhiều lần. Đến một ngày tôi không thể chịu nổi nữa, tôi muốn mình sống khác, tôi không muốn sợ sệt và dè dặt trong mọi cuộc trò chuyện. Tôi không muốn luôn nhìn đi đâu đó khi đang nói chuyện với người đối diện. Nó là 1 quá trình rất chậm, tôi tham gia hội nhóm trong trường, nói chuyện với thầy cô bạn bè, ban đầu khá dè dặt và câu chuyện chỉ được đôi câu, nhưng dần dần tôi bước ra khỏi đc trạng thái ngại ngùng. Khi đã sẵn sàng chủ động thay đổi, tôi tình cờ thấy người bạn cùng ĐH nói chuyện có duyên với con gái và biết đánh guitar. Thế là tôi lẽo đẽo theo nó đi tham gia các CLB trong trường như hình với bóng. Nói thật chứ toàn bị trêu là 2 thằng pede =))). Tôi cũng học guitar dù sau đó bỏ. Tôi cũng viết báo, làm thơ trong clb Báo trường. Tôi bắt đầu thấy cuộc sống của mình hoàn toàn có thể thay đổi tích cực, dù tôi là người nhạy cảm.
Sau này khi đã đi làm, tôi nhận ra một điều khác nữa, nhạy cảm là một món quà lớn dành cho những người được nhận nó. Trí thông minh cảm xúc(EQ) làm thế nào có thể gia tăng được? Chính là nhờ việc liên tục trải qua những trải nghiệm về mặt cảm xúc và ngày một thành thạo trong việc quan sát, làm việc với cảm xúc cá nhân. Nhiều lần tôi làm hài lòng khách hàng của mình nhờ việc nhận ra thông điệp đằng sau một biểu cảm trên gương mặt họ và điều chỉnh cách giao tiếp cho phù hợp. Và nhiều lần khác, sau khi vượt qua những thời điểm khó khăn, căng thẳng của công việc, tôi nhận ra cảm xúc là thứ có thể điều chỉnh chỉ bằng cách hít thở sâu và tập trung vào việc mình đang làm. Hơn tất cả những thứ đó, tôi nhận ra nhạy cảm như một sức mạnh khiến tôi có thể vào vai trò người tư vấn tâm lý, người truyền cảm hứng và người có tiềm năng ảnh hưởng đến mọi người mà tôi gặp.Cám ơn ông trời đã cho tôi sinh ra nhạy cảm và hướng nội, và tôi cũng chúc mừng bạn nếu bạn là một người nhạy cảm. Như một thần tượng của tôi, cô Ruby Nguyen từng nói: 
"Thế giới này cần bạn và những giá trị mà chỉ bạn mới có thể tạo ra."
Bài viết có sử dụng ý tưởng và nội dung nghiên cứu của anh Nguyễn Hữu Trí(AYP) ở video: https://www.youtube.com/watch?v=Q2YIe0VVKsY