Bên trong công viên nhỏ giữa lòng thành phố nơi tôi lớn lên, có một con voi cầu trượt, hay đúng hơn là cầu trượt có hình dáng của con voi, với chiếc vòi là đường trượt, thẳng băng, không uốn lượn. Con voi cầu trượt làm bằng đá, xam xám, đứng im lìm giữa bãi cỏ xanh. Nó đã đứng ở đó từ rất lâu, trong cái công viên cũ kĩ và buồn tẻ. Nó đã luôn ở đó, khi tôi cùng các bạn đạp xe hối hả dưới những hàng cây, mon men ra phía hồ nước, hay ngồi thành vòng tròn trên mặt sân, vừa tâm sự vừa cười ngặt nghẽo sau bữa tiệc chia tay năm lớp 9. Mỗi khi trời mưa, con voi đứng bất động trong làn nước mịt mờ, trông ra những bập bênh, ghế đá, con đường loang loáng và vắng lặng.
Thế rồi một ngày, con voi biến mất. Từ phía ngoài đường, tôi nhìn vào công viên nay đã được sửa sang thành một nơi thoáng đãng, đẹp đẽ hơn hẳn trước kia, chỉ để nhận ra con voi cầu trượt không còn ở trên bãi cỏ quen thuộc hôm nào. Từ bao giờ, nó đã lẳng lặng đi mất, cùng với những năm tháng niên thiếu của tôi, và với những sân chơi thuộc về quá khứ mà tôi không còn có thể bước vào.
Tôi không rõ chuyện gì đã xảy ra với con voi. Tôi những muốn nhắn tin cho một người bạn mà kể lể một cách ngớ ngẩn rằng: “Này, cậu biết không, con voi cầu trượt biến mất rồi, ở chỗ sân chơi từng là của chúng ta!”. Nhưng tôi không tìm được ai để gọi. Cuộc trò chuyện tưởng tượng cũng tan biến vào hư vô.
*
Luôn luôn, có những sân chơi từng là của chúng ta, hoặc ta hồi đó cứ thích nghĩ là như vậy, rằng nơi chốn này là lãnh địa của riêng tụi trẻ con bọn mình thôi nhé. Một khoảng sân trước nhà. Những con đường quanh xóm vắng vẻ, ngoằn ngoèo, phủ đầy bóng mát. Đoạn đường trồng nhiều cây sấu và bằng lăng, vào một trưa nắng chang chang. Một căn gác xép chật chội. Một khu vườn đầy hoa. Một công viên có bập bênh và cầu trượt. Một bãi đất ngổn ngang. Một ban công tầng hai vào buổi tối. Một góc sân trường.


Ở những nơi đó, có đứa trẻ tóc đen, chân tay gầy nhẳng từng đi hái hoa dại, đuổi theo những cánh chuồn chuồn mỏng tang, chạy nhảy đến mướt mải mồ hôi mà chỉ cần một cốc nước và chút quạt mát là đã đủ để nhào ra chơi tiếp, cùng bạn bè đạp xe lòng vòng khắp nơi và rỉ tai nhau về những địa điểm bí ẩn, chia cho nhau từng viên kẹo cao su, gói ô mai, miếng xoài dầm, que kem ốc quế, trèo qua trèo lại những cái ban công để róc rách tâm sự những chuyện trên giời dưới bể, leo lên leo xuống một cái cầu trượt mà không biết chán. Vẫn là đứa trẻ ấy đưa ánh mắt bồng bềnh theo những đám mây đủ hình thù cùng vài cánh diều no gió, ngồi đọc truyện tranh và mơ mộng về những vùng đất xa xôi, vài chuyến phiêu du đến tương lai hay về quá khứ, những hành tinh, ngôi sao và các sinh vật kì lạ nhất trên đời.


Ở những sân chơi ấy, chúng ta như cậu bé con tò mò trong bộ phim Dreams của Akira Kurosawa, lang thang trong khu rừng xanh mướt, nấp sau một thân cây to, xù xì để xem trộm lễ cưới của bầy cáo. Những con cáo hiện ra sau màn sương trắng mờ ảo, vận những bộ lễ phục cầu kì, rực rỡ, chầm chậm bước đi trong cái nhìn sửng sốt của cậu bé loài người. 


Cũng chính cậu bé ấy đã từng chạy ra vườn đào sau nhà vào ngày hội búp bê, để rồi chứng kiến từng gốc đào trơ trụi biến thành những linh hồn nổi giận vì cha mẹ cậu đã chặt cây, và do đó họ sẽ không quay trở lại đây thêm một lần nào nữa. 

Cậu bé khóc òa: “Quả đào thì có thể mua được, nhưng làm sao mua được cả vườn đào?”, và thế là những linh hồn trong hình dáng những con búp bê thôi không còn giận dữ, bắt đầu múa trong điệu nhạc truyền thống để gọi hoa đào quay về. Cả một mùa xuân bừng lên trong nháy mắt, những cánh hoa ào ạt rơi cho cậu bé con biết thương nhớ thiên nhiên và những điều đẹp đẽ sắp bị mất đi. 
Những sân chơi thời thơ ấu luôn cất giấu các phát giác lóng lánh, nhiệm màu, từng giấc mơ trong trẻo, và dấu chân của lũ trẻ có trái tim thơ ngây, trong sáng.
Những sân chơi từng là của chúng ta.
Những sân chơi đến một ngày không còn thuộc về chúng ta nữa.
Thời gian lạnh lùng trôi, và lũ trẻ năm nào đồng loạt biến thành người lớn. Những sân chơi vẫn còn đó, chỉ là lũ trẻ đã lớn quá nhanh, không thể nào mãi bé bỏng như các nhân vật trong cuốn truyện tranh cũ mèm. Giờ đây, dẫu tôi có đứng giữa sân chơi ấy, cũng không có bàn tay nào tìm đến, kéo tôi đi trốn tìm, đuổi bắt, không có chiếc xe đạp màu xanh nào vòng vèo chạy qua rủ tôi nhập bọn, không có ai vẫy tay hẹn ngày mai gặp lại, để tiếp tục trò chuyện rả rích về những thế giới chỉ có trong tưởng tượng. Nếu cậu bé con trong phim của Akira Kurosawa có lớn lên, bước vào khu rừng và vườn đào năm xưa, thì có lẽ cũng sẽ không còn thấy được đám cưới bầy cáo và linh hồn của những cây hoa đào. Phép màu mãi đóng băng trong những sân chơi thời thơ ấu.
*
Ở thành phố New York, Hoa Kỳ, có một nơi chốn cũng từng là sân chơi của rất nhiều đứa trẻ, và là ốc đảo xanh tươi của những người lớn: Công viên Trung tâm (Central Park). Tôi không nhớ rõ đã bao lần bắt gặp hình ảnh về công viên đô thị rộng lớn này trong các bộ phim, khi những nhân vật nằm dài sưởi nắng, ngồi dưới bóng cây và ăn trưa với miếng bánh sandwich, nhảy múa, hát ca giữa con đường rộng thênh thang, hay trượt băng trên mặt hồ mùa đông trắng toát và lạnh cóng. Một nơi được tạo ra để ôm lấy con người với cây xanh và không khí trong lành, để người lớn đến đó và không cần làm gì cả, tạm tách mình khỏi những tiếng vọng từ thế giới huyên náo ngoài kia. Một nơi để trẻ con được vui chơi vô tư trên bãi cỏ xanh rờn, bên vườn thú, hồ nước, vườn nhà kính, những cây cầu, đài phun nước, khu vui chơi dành cho thiếu nhi.
Một nơi đẹp đẽ, yên bình, tràn đầy sức sống như vậy, hóa ra cũng từng có lúc ảm đạm đến đáng thương. Đầu thế kỉ 20, Công viên Trung tâm của thành phố New York giống một đứa trẻ tội nghiệp bị người lớn bỏ rơi và quên lãng. Không còn ai để tâm đến việc chăm sóc cây cối và thay thế những loài thực vật đã chết, và công viên cứ ngày một xơ xác, những bãi cỏ cứ thế tàn úa dần, chỉ còn lại hàng loạt vùng đất trơ trọi, lởm chởm cỏ dại, những bức tường bẩn thỉu, hàng đống rác bừa bãi bị xả ra ở khắp mọi nơi. Một công viên thực ra cũng chẳng khác gì những con người, những loài động vật, những ngôi nhà, những vì sao, hay cả vũ trụ này: có lúc thịnh vượng, có lúc suy tàn, và không bao giờ bất định.
Vẫn là nơi chốn đó, nhưng giữa công trình công cộng thảm thương năm 1934 và Công viên Trung tâm xinh đẹp, rạng rỡ hiện giờ đã là một khoảng thời gian thật dài, đủ để các bãi cỏ được hồi sinh, từng bức tường được rửa sạch, những cây cầu được sửa chữa.


Sân chơi của chúng ta vẫn ở nguyên một chỗ, nhưng cũng không còn là sân chơi năm nào. Chúng ta vẫn là chính mình, không biến thành siêu nhân hay cao thủ võ lâm, nhưng cũng không còn là chúng ta của nhiều năm về trước. Đâu có gì là không thay đổi? Heraclitus nói rằng, không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông, vì những dòng nước khác nhau luôn không ngừng chảy qua con sông đó. Còn học trò của Heraclitus là Cratylus cho rằng, bạn không thể tắm trong cùng một dòng sông dù chỉ một lần, bởi thế giới này luôn biến đổi đến chóng mặt. Một dòng sông ư? Dưới tốc độ ghê gớm của thời gian, ta thậm chí còn không thể chắc chắn về một dòng sông.
Thời gian cũng là một dòng chảy không màu, không mùi, không vị, chảy hoài, chảy mãi, ngày càng đưa những người lớn ra xa khỏi đứa trẻ năm nào. Khi bạn 12 tuổi, nghĩa là bạn không còn 11, hay 10, hay 9 tuổi, và khi bạn 22, thì tuổi thơ đã vĩnh viễn trở thành một bảo tàng trong quá khứ. Con người chỉ có thể lớn lên, già đi, chứ không tài nào trẻ lại, càng không thể mở ngăn kéo bàn học mà leo lên một cỗ máy thời gian, chu du về bất kì quãng đời tươi đẹp nào. Những sân chơi ngày xưa mênh mông và hấp dẫn đến thế, cũng dần trở nên bé nhỏ trước thế giới ngoài kia, và đứa trẻ hồn nhiên từng đuổi bắt những cánh chuồn chuồn, chạy nhảy không biết mệt dường khi không còn nhiều sợi dây nối với phiên bản người lớn trưởng thành, bận rộn và hối hả. Chỉ là tuổi thơ, chỉ là ngày hôm qua, chỉ là quá khứ, chỉ là những gì đã qua không bao giờ quay trở lại…
Khi bạn 22, nghĩa là bạn không còn 12, hay 10, hay 9.
Nhưng khi bạn 22, bạn cũng mang theo cả tuổi 12, 10 và 9 bên mình, như chất đầy những va li hành lý lên một chuyến tàu tiến về phía trước.
Trên chuyến tàu ấy, mỗi người chúng ta đều đang nắm tay đứa trẻ ngày xưa, như cách cô gái Taeko 27 tuổi trong Only Yesterday mang theo những hồi ức và hoài niệm về thời thơ ấu, suối nước nóng, mối tình đầu, nỗi ấm ức trẻ con, môn Toán khó nhằn, vị rát của món dứa, người bạn kì lạ cùng giấc mơ đóng kịch không thành. Những kí ức bâng khuâng, khi vui tươi, khi day dứt về tuổi thơ đã giúp Taeko trăn trở của hiện tại nhìn thấu bản thân mình và quyết định thay đổi để được sống hạnh phúc và chân thành với cả trái tim.


Đôi khi, tôi nhìn lại những “ngày hôm qua” và ngạc nhiên nhận ra rằng, càng lớn mình lại càng sống gần hơn với đứa trẻ tóc đen nhiều năm về trước, vẫn nhạy cảm, vẫn say mê những hình ảnh và những câu chuyện, vẫn coi âm nhạc là một món quà đẹp đẽ và kì diệu trên đời, vẫn hiếu kì về thế giới, vẫn còn rất nhiều câu hỏi chờ được giải đáp và cả những giấc mơ như lũ cá nhỏ bơi trong lòng đại dương. Những ngày hôm qua, đứa trẻ vô tư cùng những sân chơi đều ở lại trong kí ức mà ta có thể tìm về bất cứ lúc nào, để nhớ lại từng giấc mơ, niềm vui thơ bé, từng xúc cảm đầu đời, để đối thoại với chính mình và sống cho một tương lai trọn vẹn hơn.   
*
Tôi vẫn không rõ chuyện gì đã xảy ra với con voi. Nó hẳn đã không bay được lên trời, vào vườn thần tiên mà ăn hoa trái khổng lồ như con voi trắng trong cổ tích Ấn Độ. Có thể giờ đây nó đang ở một bãi phế liệu, hay một sân chơi của lũ trẻ. Cũng có thể nó đã tan tành thành từng mẩu đá vụn, hay không còn là một con voi, hoặc đang đứng im lìm trong một vùng đất thăm thẳm có tên là hoài niệm.
Việt Anh