(Truyện ngắn).
---
Nằm trong một gốc hẻm sâu của phố đường lồng đèn Lương Nhữ Học, lúc này là giờ tan tầm năm rưỡi chiều. Một cơn mưa ì ạch vừa dứt, các ánh vàng xanh đỏ từ những trụ đèn bật lên làm phản chiếu ánh sáng dưới mặt nước, để lại khu người Hoa Kiều một mớ ngổn ngang đăm chiêu, xen kẽ đôi chút lung linh huyền ảo.
(Một người mẹ cất tiếng)
"Trời tối om rồi, mà vẫn chưa bán được cái lồng đèn nào, mai mẹ con mình không biết lấy gì mà đi chợ đây".
"Vậy năm sau mình còn làm nữa không mẹ".
(bé gái đang phụ mẹ làm lồng đèn nói với vẻ mặt buồn xo)
"Mẹ chưa biết, nghề này từ hồi ông bà mình truyền lại, không nỡ bỏ con à, thôi thì ráng tới đâu hay tới đó".
''Dạ''.
Sau khi trút ra vài câu nói có phần não nề, hai mẹ con lại cặm cụi đan tre nứa, khuấy màu vào hồ để chuẩn bị vẽ những chú bướm trắng hồng lên thành phẩm. Một lúc sau, bé gái đang hơ lửa những tấm giấy kiếng bằng đèn cầy cho lồng đèn căng ra thì bị cháy sém. Lửa phựt lên một đoạn làm thiêu rụi 1 phần 3 chiếc lồng đèn còn đang dở trên tay. Người mẹ không nóng dận, mà cảm thấy nhẹ nhõm vì con mình không bị bỏng, và hơn nữa không cháy lan ra các lồng đèn chung quanh. Nghĩ bụng
''Dù sao nhà mình cũng không bán hết được, nay đã là ngày 12 tháng Qúy Dậu mà vẫn chưa bán được cái nào. Còn ba hôm nữa là đến ngày Qúy Thân. Không biết kịp thu hồi một phần vốn liếng không đây''.
Trong khi còn tư lự, một tiếng pô xe nổ giòn giã cắt phăng đi mạch suy nghĩ ấy. Hiện diện trước hiên nhà là một người đàn ông không rõ mặt mũi vì bận đeo khẩu trang, áo mưa vẫn còn chưa lột ra. Chạy một chiếc xe đặc trưng mà những ai đến tuổi đọc chữ vào những năm 80-90 đều nhận ra và ấn tượng. Đó là chiếc ''Đê đê đỏ'' một dòng Cub của Honda có màu sơn đỏ tươi, kết hợp với yếm màu trắng khiến chiếc xe có ngoại hình rất bắt mắt. Để nói thêm vì sao lại ấn tượng. Đó là trong khi những chiếc xe máy ở thời điểm đó thường có màu đen hoặc xanh đậm, thì sự xuất hiện của những chiếc “Đê đê đỏ” này đã lập tức thu hút người dân thành phố, tạo nên một bước ngoặt trong nhận thức giá trị "chơi xe" tại Việt Nam thời kỳ sau bao cấp lúc bấy giờ.
''Làm gì mà hai mẹ con mặt buồn thế''
(Người đàn ông kỳ bí cất giọng)
''À, chuyện là còn mấy hôm nữa là đến lễ tết Trung thu, mà buôn bán ế quá, đã vậy con bé nhà còn vừa làm cháy mất một cái lồng đèn. Nên rầu ấy mà''.
(Người mẹ đáp với giọng điệu lịch sự, nhưng vẫn có chút hoài nghi, thắc mắt)
''Hừmm.. Để coi nào''.
(Người đàn ông vừa nói, vừa bước xuống chiếc ''Đê đê đỏ''. Tay chân cởi bỏ bộ áo mưa đang mặc trên mình sắp sửa vừa ráo khô)
Đảo một vòng khu xưởng làm lồng đèn thủ công trong nhà, mặt dù diện tích nhỏ, nhưng đồ đạc bày trí sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Ông nhìn từ những chiếc mặt nạ, đến cái đầu lân thiếu nhi. Rồi từng bộ lồng đèn giấy kiếng hình cá chép, bươm bướm, ngôi sao. Đồ truyền thống nếu làm tốt thì đúng là nhìn hoài không thấy chán. Từng chiếc được vẽ rất tinh xảo, nét mựt mỏng, độ đậm nhạt tinh tế. Trình độ này phải là tầm họa sĩ lành nghề thì mới có thể xử lý nguyên liệu một cách cần kiệm, nhưng vẫn bộc phá được hết tiềm năng, cái hồn và cái chất của một món đồ làm tay. Nếu không vì vị trí góc khuất, hẻm sâu thì nơi này cũng không đến nổi ế. Cộng với việc bây giờ lồng đèn dần chuyển sang công nghệ hiện đại, đèn chiếu âm nhạc, giá rẻ từ Trung Quốc tràn qua nên thị trường lồng đèn truyền thống Việt Nam dần bị lấn át và mai một.
Chuyển hướng mắt về phía bé gái, thấy em đang trộn màu vào trong hồ và chấm thử lên mặt giấy. Chỉ một nét ăn ngay mà không cần phải lụp chụp trộn lại lần thứ hai, đủ cho thấy người dạy em trộn màu lành nghề đến mức nào. Thậm chí, người đó có thể còn là người đã dạy nghề luôn cho cả mẹ em. Người mà em sẽ gọi là, ông ngoại.
''Cái này bao tiền một cái thế?''
(Người đàn ông cầm một lồng đèn giấy kiếng hình con thỏ và ngôi sao lên hỏi giá)
''Dạ, cái nhỏ ba lăm, cái lớn năm lăm. Hai cái anh đang cầm là cái lớn. Tổng tiền là một trăm mười nghìn, em chỉ lấy anh chẵn một trăm thôi''.
(Người mẹ đáp)
''Thôi, lấy đúng tiền đi, khỏi thối !''
(Người đàn ông rút ra tờ hai trăm, nói một câu mâu thuẫn như trên rồi dứt khoác rời đi mặc dù người mẹ vẫn muốn trả lại tiền thừa)
Hai hôm sau, đúng ngày Quý Mùi 14 âm lịch. Chỉ còn ngày mai nữa là Trung thu, sáng hôm đó hai mẹ con vẫn còn lo lắng cho đống hàng làm rồi mà không ai thèm mua, hay nói đúng hơn là không ai biết để mua. Những năm trước vì nhờ gia đình bỏ mối cho các thương buôn, người quen nên trụ được lâu đời. Nhưng bây giờ đa số họ đã đổi qua lồng đèn hiện đại, hoặc lấy nơi rẻ hơn, những nơi có đầu tư vào máy móc thiết bị nên không còn ai đặt hàng nữa.
Đang rầu, thì bỗng có một cặp đôi trẻ, trên tay cầm một chiếc máy ảnh Sony đến để mua hàng và chụp hình. Nối tiếp sau, là một nhóm bạn trông cũng đứng tuổi, đọc nhiều, đến tiếp chuyện và mua hàng. Theo sau đó nữa là một lứa bạn học đại học, đồng phục trông có vẻ là trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Một lúc sau, có thêm vài người đàn ông và phụ nữ làm nghề giáo đến. Buổi hôm đó, còn có thêm cả phóng viên của tòa soạn VNP đến để hàn huyên và ghi hình. Hôm sau, gần đến khuya của Trung thu. Hai mẹ con tất bật bán gần hết số hàng tồn trong vài năm qua chỉ trong hai ngày gần đây. May mà còn có họ hàng ở gần nên nhờ qua phụ giúp, Trung thu mà còn dài, không chừng hàng làm ra không kịp để bán thêm cho khách.
Hai mẹ con vui mừng, nhưng không quên suy nghĩ về người đàn ông kỳ lạ đó. Tại sao từ khi gặp người đàn ông đó thì lồng đèn nhà mình được nhiều người biết đến, thậm chí có những khách ở từ Tỉnh khác chạy sang chỉ để nói chuyện, chụp hình, và mua duy nhất một chiếc lồng đèn. Từ sau Trung thu, hai mẹ con ngày nào cũng trông người đàn ông ấy đến một lần nữa để nói lời cảm ơn chân thành, và hỏi han tận tình sự việc. Nhưng dường như chuyện này rất khó khăn, vì hôm đó ông ấy đeo khẩu trang nên không nhìn rõ khuôn mặt. Chỉ nhớ là có đeo kính cận, giọng nói trầm ấm, tầm trên 50, dáng người lịch duyệt. Mặc chiếc quần jean trông như mới. Mang đôi giày da bò, khoác thêm một chiếc áo gile xanh bên ngoài trông tựa như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhiều buổi chiều sau đó, khi người mẹ ngồi nghỉ mệt trước hiên nhà vì dọn dẹp nốt đống đồ đạc hậu Trung thu. Cô con gái đi học về liền hối hả cho mẹ xem một tờ báo, nhìn số phát hành là nhằm ngày Nhâm Ngọ 13 âm lịch. Tức là sau ngày người đàn ông kỳ lạ ấy đến một hôm. Tiêu đề bài báo ở trang chính in đậm một dòng:
''NGHỀ VIẾT, MÓN NỢ ÂN TÌNH VÀ LỒNG ĐÈN''.
Tác giả: Nhà Báo Nguyễn Hồng Lam
Người mẹ xao động, dường như đã hiểu ra được điều gì đó khi nhìn thấy bức hình mà bài báo đăng chính là hai chiếc lồng đèn mình đã bán cho người đàn ông đó. Dù làm nhiều, nhưng hai chiếc lồng đèn ấy rất dễ nhận ra. Vì hoa văn của nó bị ám khói đen lúc nằm gần cái lồng đèn bị cháy sém, do cô con gái sơ ý chiều hôm đó.
''Không còn nghi ngờ gì nữa rồi con à, ông ấy chính là một nhà báo''.
(Người mẹ lên tiếng, nhưng vẫn còn mơ hồ và chưa tin điều mình đang thấy lắm)
Trải qua nửa tiếng đọc và nghiền ngẫm từng câu chữ, lời văn mà tác giả gửi gắm. Cuối cùng người mẹ cũng nhớ lại về một chuyện cách đây hơn hai thập kỷ trước, khi ông Ngoại còn sống, khi mẹ vẫn còn là một cô bé chạc tuổi con gái hiện tại. Có một lần, khi cả nhà đang ngủ vào lúc nửa đêm. Một tiếng kêu cứu thất thanh đã đập tan cơn ngái ngủ của ông, ông vội mở cửa, thấy một chàng thanh nhiên tầm 30 đang thương tích khắp mình xin vào trốn tạm vì có người đang đuổi theo. Vì tình hình khẩn cấp, ông không nghĩ ngợi nhiều và bảo cậu thanh niên đó chui vào đống giấy đang được làm khô để chuẩn bị mai lấp làm đầu lân cho khách.
Một lúc sau có nhóm giang hồ chợ lớn vào làm rùm ben cả một con hẻm. Chúng nó đe dọa và gặng hỏi ông ngoại nhưng đương nhiên là ông tỏ ra không liên quan. Chúng nó có hăm he người mẹ, nhưng khi ấy người mẹ đã đủ hiểu biết và giả vờ như ông, nói dối qua loa để bảo vệ mạng sống cho người thanh niên đó.
Hôm sau, người thanh niên đó cứ im lặng và bí mật rời đi trước lúc bình minh mà không nói một lời từ biệt. Sau này ông ngoại mới kể cho người mẹ biết rằng người thanh niên đó chính là một Sĩ quan công tác báo chí. Vì âm thầm làm mật vụ trong hang ổ của tên trùm Năm Cam mà bị phát hiện, nên bị chúng nó truy sát. Thông tin mà đêm đó người thanh niên ấy đem về, đã giúp cho tổ trọng án nắm được thế thắng và tóm gọn hang hùng của một băng đảng tội phạm khét tiếng nhất Sài Thành lúc bấy giờ.
Người mẹ đọc tờ báo, xúc động vì ký ức ngày bé cùng ông ùa về trên những trang báo được người thanh niên năm nào gói gọn. Ở đoạn cuối, chắc đây chính là phần đã khiến cho một đọc giả phải ra quyết định từ Đồng Nai chạy về Lương Nhữ Học Quận 5 chỉ để mua một chiếc lồng đèn giấy kiếng truyền thống.
''Cải lương là một đại thụ của loại hình văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong suốt 100 năm trở lại đây. Nhưng dường như hành trình chễm chệ ấy đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mà nói theo một cách đỡ luyến tiếc hơn thì đó là giai đoạn.. Đóng hộp để bảo tồn.
Với lồng đèn truyền thống thì lâu đời hơn một chút, có chiều dài lịch sử tại Việt Nam hơn 200 năm. Nó ít kén chọn, người người nhà nhà đều chơi, đều thích mỗi dịp lễ tết thiếu nhi về. Tuy vậy, nó là một thứ hàng không phải nhu yếu phẩm, cũng không phải là một phạm trù văn hóa cần học hỏi sâu rộng như cải lương. Nó không có rào cản kiên cố để chắc rằng mình không bị so sánh với những thứ mới mẻ, hiện đại. Vì vậy dù có bề dày lịch sử, in đậm ký ức đẹp đẽ với con người Việt Nam. Chúng vẫn dễ dàng bị thay thế bởi những thứ phù phiếm khác trong phút chốc.
Tuy vậy, đâu đó vẫn còn những nơi kiên định làm nghề, duy trì chế tạo lồng đèn truyền thống qua bao năm tháng nhọc nhằn. Chính nhờ những người thợ đèn lồng yêu nghề ấy mà tôi được ý thức rằng giai đoạn chuyển sang đóng hộp để bảo tồn của lồng đèn vẫn chưa đến lúc. Người ta vẫn sống, vẫn yêu, vẫn sài, và sử dụng lồng đèn như một chìa khóa thông hành thời gian vẫn còn hữu hạn. Xưởng Đèn Lồng Như Lan, tọa lạc tận cuối hẻm đường 137-phố lồng đèn Lương Nhữ Học. Đây là nơi mà tôi sẽ còn lui tới thường xuyên mỗi dịp Trung Thu đến, vì nơi chốn này. Giúp tôi nhận ra lồng đèn truyền thống vẫn chưa đến hồi kết''.
Truyện ngắn Mai Văn Liêm
---
Ảnh: 1 4Chu Việt Hà; 2 3 5-Trung thu trên phố Hàng Gai, Hà Nội năm 1915.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất