Xin hết sức bình tĩnh khi nghe tôi nói rằng, tôi vốn đã nghi ngờ cái đám có sở thích xé xác bất cứ thứ gì đào được từ dưới mặt đất lên ấy hẳn phải có dây mơ rễ má với giống loài bò sát to quá khổ đã làm chủ vỏ Trái Đất trong hơn 100 triệu năm, từ lúc mới học tiểu học.
Không hẳn là vì tôi được trời thiên phú cho một trí tuệ vượt tầm nhân loại, bởi vì một đứa trẻ dù có xán lạn thế nào nhưng sống trong thời đại chưa mảy may một gợn sóng internet thì cơ hội đi đến kết luận như trên theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt khoa học hiện nay cũng nhiều như là khả năng người ta đi bộ từ đây ra một bờ biển đầy nắng gió rồi quay lại cho kịp bữa tối vậy. Vậy thì làm sao tôi có thể động não ra cái ý tưởng lũ giật cục một cách đáng ngờ mỗi khi bước đi kia lại là hậu duệ cao sang và quyền quý của dòng dõi oai phong lẫm liệt bậc nhất từng tồn tại trên hành tinh xanh này với bốn liên đại ròng rã? Chuyện cũng giống như sự đột sinh đã kiến tạo nên dạng sống đầu tiên, thứ mà đã triển nở và phân hóa liên hồi dưới khung cửi đang dệt lên tấm lụa dài mướt mát của thời gian; tức rằng sự ngẫu nghiên. Nói một cách thẳng thớm ra thì, hồi đó tôi đọc Đô-rê-mon tập một truyện dài và theo một cảm hứng vô cớ sự, đã giả bộ lũ gà vườn sau nhà mình là đám khủng long trong truyện. Cái thú tưởng tượng và đắm chìm trong thế giới mộng ảo của cậu con nít đã sai khiến tôi đặt một con gà dáng người nhỏ nhắn, lông vàng xen kẽ lông nâu, lông đen đan với lông hung, tên là Pisu. Một con khác tên là Momo, một con khác tên là Lala, một con nữa là… ôi thôi, tôi cũng chẳng thể nào nhớ nổi nữa, lâu quá rồi!
Buồn thay, con Momo chết sau đó không lâu. Là lỗi của tôi! Tôi mang một nắm dây thun ra chơi sau vườn, rồi quên phéng mất mà bỏ chúng lại một góc. Con Momo rất tọc mạch, mà cũng nhanh nhạy nữa, ngay lập tức tìm được đống thun đó mà cứ tưởng là một đám giun nhung nhúc thơm ngon béo ngậy. Phải chăng trước khi ăn cái bữa ăn cuối đời mình ấy, nó đã tự hỏi, sao đám giun này quái lạ vậy nhỉ, màu sắc thì sặc sỡ, con nào con nấy mỏng dính mà vo tròn lại một cách hoàn hảo, có phải là biểu tượng Ouroboros cho sự vĩnh cửu luân hồi? Vậy, Momo mày đã được luân hồi chưa?
Con Momo đi trước rồi đến lượt con Pisu, rồi đến cả đàn gà. Năm đó cúm gà lần đầu tiên bùng phát tại Việt Nam, mẹ lần lượt giải tỏa đàn gà trước khi tụi nó có nguy cơ nhiễm bệnh. Phần lớn đàn gà kết thúc vòng đời của chúng trong dạ dày của tôi, và có lẽ đã trở thành những khối sinh học li ti kiến tạo nên tôi hiện nay. Ừ thì, hồi đó tôi cũng không nghĩ nhiều, phải rồi tôi còn tin đó là chuyện tự nhiên cần diễn tiến như vậy. Hai thập kỷ trước đây, loài người vốn dĩ chẳng có nhiều cái thứ như là lương tâm tỉnh thức giống như giờ. Một số người cho rằng chúng ta đang trở nên văn minh hơn. Một số người cho rằng chúng ta chỉ đang rủ rê, lôi kéo, ép buộc nhau qua một sân chơi tiêu khiển khác cho công cuộc tranh giành dạng thức quyền lực mới. Dù sao thì mọi chuyện đã xảy ra như vậy rồi, tôi cũng không nghĩ nhiều về sự kiện đó đến như vậy; chỉ là với mục tiêu kể chuyện thì viết lách chi tiết hơn một chút.
Thôi thì hãy nói về những kỷ niệm vui. Hồi đó mỗi lần đi học về, tôi thường chạy ra chơi với lũ gà. Thỉnh thoảng chị tôi cũng ra chơi cùng. Đàn gà bới đất, đàn gàn nằm ổ, đàn gà mổ giun, đàn gà mổ nhau, có lần nó còn mổ cả vào mỏ của tôi mà đến bây giờ vẫn còn có thể nhìn thấy vết sẹo màu trắng nho nhỏ ở phía bên trái môi dưới. Trò tôi thích nhất với lũ gà này là chụp tụi nó từ trên xuống, đôi bàn tay nhỏ bé ôm trọng cái thân hình bầu dục của lũ gia cầm, như thể đứa bé trong tranh Đông Hồ đương chụp con gà của hắn. Cái trò này không khác là mấy cái trò cảnh sát bắt cướp mà tôi hay chơi với đám cùng lớp hồi đó. Mấy con gà thì bị chụp lại, không cựa quậy được, không đi được, không dang cánh được, hẳn là ngứa ngáy lắm, thế là chúng giãy, cựa quậy, chạy tới, hoặc quay lại mổ tôi. Bản thân cái trò này vốn chẳng có gì vui, thế nhưng, hẳn là nó dạy cho đứa trẻ tôi hồi đó về ranh giới giữa những sinh vật sống với nhau, rằng tôi có thể xâm lấn mấy con gà đến mức độ nào và khi vượt quá cái ngưỡng đó thì tụi nó sẽ phản kháng ra sao. Một trò chơi đáng lẽ dạy cho tôi nhiều điều về mọi mối quan hệ trong đời sống mà tôi đã không học được.
Nhưng trò tiếp theo mới thật sự thú vị, tôi và chị dạy cho đám gà cách làm xiếc. Để hiểu được động tác diễn xiếc nhất mực tinh xảo ấy, bạn nhất thiết phải hiểu được bối cảnh nơi sân sau nhà tôi. Đó có thể coi là một mảnh vườn nhỏ khoảng 20 mét vuông, nhưng cây cối đã được dọn dẹp sạch sẽ, để lại một lớp đất cát vẫn còn khá dinh dưỡng với thi thoảng một vài con giun gợi cảm. Bao quanh mảnh vườn là các bức tường cao, được xếp chồng từ những viên gạch khối to bự làm bằng bê tông gồm đá lửa và xi măng, bề mặt xù xì màu xám, ở dưới bức tường được kè rộng hơn phía trên một chút nên để chừa một phần nhô ra tầm hơn một xăng-ti-mét. Đường này tôi tạm gọi là “đường chỉ”. Hầu hết mọi người đều có khả năng giữ thăng bằng để đi trên một đường đi mỏng khoảng 1 xăng, nhưng vì đường chỉ này bị chắn ngay bởi bức tường phía trên, nên khá chắc là không ai có thể bước đi trên nó, trừ khi phải dùng các ngón tay bám vào thành trên tường rồi khép khối cơ lõi lại một cách cật lực để chống lại điểm trọng lực của cơ thể đang chực chờ tuân theo định luật Niu-tơn. Nói chung là tôi không thể đi trên đường chỉ đến cuối chiều dài bức tường được, nhưng tôi muốn lũ gà nhà tôi làm chuyện đó.
Khó khăn đầu tiên là làm sao để giao tiếp với mấy con gà cái ý định ích kỷ của bản thân. Dù gì thì, chuyện chạy thăng bằng kiểu khinh công trên tường không có ảnh hưởng gì nhiều đến phúc lợi của đàn gà. Tôi cũng nghi ngờ rằng tự nhiên đã cài đặt sẵn cho chúng cái bản năng chinh phục bất kỳ chướng ngại vật nào thấy được trước mắt như những tay đam mê parkour may mắn sở hữu. Vậy thì làm sao để lũ gà hiểu được ý của tôi?
Một đứa trẻ thì không nghĩ nhiều như vậy. Lúc đó, tôi chỉ đơn giản đặt từng con gà lên đầu đường chỉ, thả tay ra, hơi đẩy chúng tiến lên nhẹ nhàng, và trước sự kinh ngạc của tôi, bọn chúng hoàn thành nhiệm vụ trong đầu tôi chỉ trong một hoặc hai lần đặt đầu tiên. Mỗi con đều có thể chạy luôn tuồn từ đầu này đến gần đầu kia của sợi chỉ, rồi mới chịu nhảy xuống và lỉnh đi chỗ khác cho xong chuyện. Quái lạ, cái lũ này biết thuật đọc tâm ư? Trông chúng thực hiện cái thao tác mà tôi cho rằng đầy chật vật ấy đơn giản như đang đào giun lên để đớp trong một chiều hè mát mẻ. Quá đỗi vui mừng trước thành tựu ăn may mới đạt được, tôi lấy làm tự hào rất lâu về khoảnh khắc đó, rằng tôi có thể dạy cho đám gà vô tri làm xiếc.
Gần hai chục năm sau, tôi ngồi ở đây gõ những dòng chữ này nhưng vẫn không khỏi thốt lên về tính tự phát của lũ gà có thể khiến chúng trình diễn một kỹ năng phức tạp như vậy, đặc biệt là khi kỹ năng đó không có lấy một sợi dây liên hệ với sinh kế của dòng dõi gà qué. Hay là phải chăng có một sợi dây liên hệ nào đó, dù nó chỉ mỏng manh như một mảnh da bong tróc khi bị xước măng rô? Suy cho cùng, khả năng giữ thăng bằng cũng là một trong những kiệt tác mà tự nhiên đã ban tặng cho lũ gà còn gì? Tôi dám cá rằng người ta có thể gắn một chiếc camera rẻ tiền vào đầu của đám này và vẫn sản xuất ra các thước phim chuẩn Hollywood. Nếu vậy thì trò xiếc nho nhỏ của tôi là một cách để chúng phát tiết ra hết những xu hướng kỳ bí mà thường ngày không có dịp bộc lộ. Nghĩ như thế thấy hợp lý hơn nhiều, bởi trên đời này chẳng ai ép ai học được cái gì, trừ khi người đó sẵn lòng muốn học hỏi từ ban đầu.
Cũng thật thú vị thay, khi đã được chứng kiến minh chứng hùng hồn hơn hàng vạn lý lẽ rằng, nếu một sinh vật sống có thể làm cái gì thì nó sẽ làm thế ấy. Kỹ năng leo tường tầm thấp tưởng chừng như dư thừa biết đâu được lại là cách lũ gà chuẩn bị cho một tương lai đầy biến động. Suy cho cùng thì chẳng phải đó là cơ chế của thuyết tiến hóa sao, một kỹ năng mới sẽ được đột sinh hoàn toàn thông qua tổ hợp của một loạt sự ngẫu nhiên, rồi dần dần trở nên hữu ích cho sinh vật trong môi trường sống, từ đó tạo thành lợi thế tiến hóa và được lưu truyền về mãi sau. Những con E. Coli nguyên sinh bất ngờ phát sinh một cơ chế tương đương với trí nhớ ngày nay và trở thành chuẩn mực cho toàn bộ sinh vật sống trên Trái Đất từ ấy về sau. Lũ đơn bào có roi này bỗng nhiên sở hữu một thụ thể phản ứng với các chất dinh dưỡng phù hợp, mà mỗi khi tiếp xúc với dinh dưỡng thì thụ thể này sẽ được chiếm giữ, kết hợp với một nhóm methyl khác để đóng vai trò như một biên bản ghi nhớ. Nhờ vậy, chúng có thể phát hiện khi đi vào một vùng nghèo nàn dinh dưỡng hơn, kích hoạt cơ chế lộn nhào để di chuyển sang hướng khác; sau một lúc, chúng sẽ dừng lộn nhào và tiếp tục cơ chế tiến lên phía trước, đẩy mình đi xa hơn trên cuộc hành trình để hy vọng tìm đến với vùng đất hứa hẹn mới mẻ. Cơ chế tuyệt nhiên đơn giản đánh dấu bước đột phá tuyệt diệu về khả năng học tập của sinh vật. Hoàn toàn ngẫu nhiên, hoàn toàn tự phát và hoàn thành tự chủ.
Trong môi trường tự nhiên, hoặc gần như là vậy, đàn gà của tôi đã phát sinh kỹ năng mới một cách tự phát. Nếu vậy thì, hãy cùng tôi chu du một vòng trong thế giới giả định, nơi mà lũ gà được lùa vào một thiết chế giáo dục chính quy, nén trong đó là hy vọng cho ra lò những chú gà chuẩn chỉ công dân thời đại mới. Chỉ là một thắc mắc vô hại: Liệu chúng nó có cơ hội nào để thu nạp được cái trò xiếc ngớ ngẩn của tôi không?
Hãy nhập tâm vào đám gà trong thế giới thể lý mới của chúng. Tiếc thay, chúng sẽ bị khóa chặt 6 tiếng một buổi, mỗi ngày hai buổi hoặc thậm chí ba buổi, trong những chiếc bàn chật chội, những chiếc ghế lạnh cứng, mà chiều cao thì lại không được điều chỉnh cho phù hợp từng cá nhân dẫn đến con này thì bị cong, con nọ thì bị vẹo cột sống. Rồi chúng sẽ bị bắt ngồi im, đi ngược lại hoàn toàn bản năng cử động vốn có của mọi loại sinh vật. Não bộ trước hết và trước nhất được thiết kế để di chuyển, nếu có bất động thì cũng là những giây phút rình rập con mồi hoặc lẩn khuất thú săn mồi; trong trường hợp này thì lũ gà là con mồi hay kẻ săn mồi? Khó trả lời, nhưng tôi biết chắc là chúng bắt buộc phải điều hướng toàn bộ sự chú ý của mình vào những trang sách nhàm chán và những lời nói giáo điều của giáo viên, nếu không mối đe dọa sẽ trở nên vô cùng lớn. À, còn một trạng thái khác mà sinh vật con nào con nấy cũng bất động im thin thít, đó là ngủ! Hẳn rồi, hơn bất kỳ nơi nào khác, lớp học là nơi dạy ta cách chống chọi với cơn buồn ngủ hiệu quả nhất.
Vậy, nội dung của những giáo điều đó có thể là gì? Liệu có cơ hội nào để phát sinh ra chuỗi hành động nho nhỏ mà tôi đang hướng đến kia? Tiếc rằng phước đức của lũ gà tích lũy suốt chiều dài lịch sử của chúng đã được vét cạn sử dụng trong thực tế của tôi, và vận may của chúng trong thế giới kia cũng nhiều như chúng ta trong cuộc sống của mình vậy. Giáo dục á mà, nếu cố gắng không nói về việc miệt thị và ghi đè tàn bạo những xu hướng rất tự nhiên của sinh vật, thì cũng phải nói đến cơ chế – ở một khía cạnh nào đó - chống đối mọi nhen nhóm đột phá. Một niềm tin kiểu duy vật biện chứng “tích lũy đủ về lượng sẽ biến đổi về chất” được cắt gọt may đo theo chuẩn chung của toàn bộ xã hội vốn dĩ không đồng nhất, đã hình thành một hệ tư tưởng chuyên chế của đa số mà tôi tạm gọi là “tịnh tiến tiến bộ”. Tất nhiên một thứ tồn tại thì sẽ có chức năng của nó, đôi khi chỉ là chức năng lịch sử.
Sự cố chấp mang tính phòng thủ nguyên trạng này có giá trị bảo vệ tương tự cơ chế miễn dịch của cơ thể; hay tạm gọi là các hành vi miễn dịch của xã hội. Cứ mỗi khi một giá trị xưa cũ, mà giá trị trong trường hợp này là những mảnh tri thức cũ kĩ, những kinh nghiệm nghèo nàn, từ một cá nhân hạn hẹp đi trước hay từ một hệ thống kiểm định khoa học đã lỗi thời, bị thách thức bởi những giá trị mới, hệ miễn dịch của xã hội oằn lại như con đỉa phải vôi, nó giải phóng cơn bão cytokine tấn công bất cứ thứ gì trước mặt để hy vọng đưa hiện trạng về trạng thái trước đó. Hẳn là nền văn minh con người được hình thành đến ngày nay là có lý do của nó, và không phải thứ gì mới lạ cũng được chào đón như thể hạt giống của sự tiến bộ. Hẳn không phải là một cá nhân cứ thích nói gì thì nói mà lời nói đều được xem xét với hàm lượng nghiêm túc như nhau. Hẳn không phải bất cứ nhóm người nào muốn thay đổi xã hội theo hướng cấp tiến hơn đều thật sự sẽ làm xã hội trở nên tốt hơn như lời họ nói. Hệ miễn dịch là cần thiết. Mọi thứ cần được xây dựng dựa trên nền tảng của tiến bộ cũ. Mọi thứ cần được phát triển dựa trên sự đồng thuận của những tiêu chuẩn cũ. Nếu không mọi nỗ lực sẽ bị phân rã và tản mác và hỗn loạn và cùng nhau kéo nhân loại đi xuống địa ngục. Hoặc suốt ngày cãi nhau “phụ nữ là gì?” rồi “đàn ông là gì?”. Ổn thôi, nó tốt cho nhân loại như một tổng thể, nhưng nó tốt gì cho một cá nhân đang trên con đường khai phá tiếng nói của bản thân?
Cái thứ được gọi là “giáo dục khai phóng” hiện nay cố gắng động chạm vào một vài kẽ hở không đáng là bao trên tấm áo giáp chắc chắn của nền “giáo dục nhà băng” vốn đang chiếm hữu toàn bộ ý tưởng thế nào là giáo dục của nhân loại, nơi giáo viên cố gắng mổ bụng học trò ra để nhét chữ vào, những chữ mà bản thân họ từng được mổ bụng ra và nhét vào bởi một ai đó khác. Cái sự tấn công ẻo lả đó khiến cái nồi thập cẩm giáo dục khai phóng nếm nghe nhợt nhạt có khác gì đâu món canh chua nhưng thiếu mất cà chua, và được chữa cháy bằng một nhúm muối?
Những nhà giáo tận tụy, những giảng viên tâm huyết cho dù có cố gắng bao nhiêu cũng không thể tranh đấu với một hệ thống, và đến lượt họ cũng trở nên ngán ngẩm và đầu hàng, trở thành tay sai – dù không mấy đắc lực thì cũng không phải là không góp phần – của cái nền giáo dục nhà băng. Rồi có cả những kẻ, những ả, những tên giáo không thèm giấu giếm vẻ hả hê, yên chí, biếng nhác, gò ép cả thảy người học mỗi người một vẻ về lại cái lộ trình và tiêu chuẩn đào tạo nhỏ nhen, hạn hẹp của mình. Rằng lũ học sinh miệng còn hôi mùi sữa thì làm gì rặn đẻ ra được bất cứ phát kiến nào có giá trị thật sự trong cuộc đời này cơ chứ, vậy tốt nhất là chúng bay cứ chỉ nên lặp lại những gì các bậc đi trước đã từng nói và thêm vào một chút bình luận, khen chê vô thưởng vô phạt của tụi bây, nhưng nhớ là cũng phải lấy từ miệng một bậc đi trước khác đấy! Nếu chúng bay có mảy may dám đưa vào trong đó một giọt quan điểm cá nhân, chúng bay sẽ được đối xử như kẻ đã làm ô uế dòng chảy thanh tao, lịch lãm, chứa trong mình toàn những kiến thức trong lành, cũ rích và nhất mực sáo rỗng của cả một hệ thống được ám muội bởi hằng hà sa số các hồn ma cố nhân. Rồi chúng bay sẽ bị đánh điểm dưới trung bình, bị đánh rớt và cuối cùng là đào thải ra khỏi hệ thống giáo dục. Người cười cuối cùng có lẽ là những tên sứ giả mù quáng của hệ thống quan liêu đó, chúng vỗ ngực tự hào rằng: “Tôi cung cấp cho học trò mọi điều chúng cần biết và không cung cấp mọi điều chúng không cần biết. Ai trải qua được quá trình đào tạo khiêm khắc của tôi cũng đều được phước lành lập trình cho một thái độ và tư duy đúng đắn và chính xác duy nhất về thế giới. Chỉ có lũ vô trị mới bị thải loại, và chúng xứng đáng bị vậy lắm, xứng đáng bị đẩy xuống tận cùng hoặc ra rìa xã hội, để chúng không lây lan cái thứ dịch bệnh đáng kinh tởm của mình cho bất kỳ ai khác.”
Như vậy, có lẽ mục đích cao nhất của giáo dục là duy trì hiện trạng trật tự ổn định xã hội, phòng chống mọi thay đổi bị xem là lệch lạc hoặc tiến bộ nhưng lại quá tiến bộ. Một sách lược triệt tiêu mầm mống phản loạn từ trong trứng nước, mà phản loạn ở đây không nhất thiết gói gọn trong lăng kính chính trị, chúng là tất cả mọi thứ quen thuộc trong bất kỳ lĩnh vực nào mà đám người ngự trị trong lĩnh vực đó quá sợ hãi để đối mặt với thay đổi. Cả cuộc đời của họ được xây dựng nên từ những thứ cũ kỹ như vậy mà, dù cho tương lai của sự thay đổi có thể tươi sáng đến thế nào, thì họ cũng đều thấy sự điêu tàn của mình trong tương lai đó.
Trong một bối cảnh như thế, một cá nhân để biểu lộ chính mình không thể đi qua quá trình giáo dục, thay vào đó không còn cách nào khác phải thông quá qua trình rút lui giáo dục hoặc đấu tranh chính trị trong bộ máy học thuật. Trí nhớ hạn hẹp của tôi ngay bây giờ chỉ có thể liệt kê được Copernicus và Galileo như dẫn chứng cho việc thay đổi trong học thuật chính là thay đổi trong chính trị học thuật.
Toàn bộ những vấn đề này phát sinh bởi cơ chế của tiến trình học thuật, của thiết kế giáo dục, của luật chơi tí ti giữa trường học và các thiết chế nhân danh khoa học. Trong một ngày tươi sáng, cơ chế này giúp ích trong công cuộc phổ biến thuyết tiến hóa. Trong một ngày u ám, cơ chế này gói gém chủ nghĩa dân tộc cực đoan vào một con chữ lẩn khuất giữa các trang sách. Đôi khi, một người lại yêu thích ngày u ám hơn ngày tươi sáng và cái khó ở đây là chưa chắc tươi sáng luôn tốt hơn u ám.
Nói vậy thôi chứ tôi không quá gay gắt về cơ chế giáo dục nhà băng ấy, bởi trí tưởng tượng hạn hẹp của tôi dù cho vắt kiệt cũng không nảy ra được bất kỳ ý tưởng nào vượt thoát khỏi cái viễn cảnh ấy. Gia tăng đối thoại ư? Tôi không tin. Thứ nhất nó không khả thi trên quy mô lớn. Thứ hai nếu không chốt cuộc đối thoại theo một vài định hướng lãnh đạm với các ý tưởng thiểu số, vẫn lại là rủi ro mất ổn định và hỗn loạn xã hội, và ngay cả chính cá nhân đó cũng sẽ không được tích hợp vào cuộc sống chung. Xã hội được xây dựng dựa trên cách mà các hệ tư tưởng thống trị triển khai quyền lực – không che dấu sự tàn bạo hoặc cố làm ra vẻ nhân văn – lên các hệ tư tưởng thiểu số. Bất cứ viễn cảnh giáo dục nào tôi hình dung ra thì ở nơi đó, giáo viên cũng sẽ mớm mồi cho học sinh về những thứ đang được hệ thống hiện tại cho là đúng. Đôi khi đó chính là thứ bạn cũng đang cho là đúng. Một cộng một bằng hai và mặt trời mọc đằng đông; Giơ tay lên xem, ai ở đây đang có nhã hứng muốn bảo vệ quan điểm đối lập?
Công bằng mà nói, cơ chế này là thành tựu gần như phép màu nếu so sánh với thực trạng giáo dục trong quá khứ, khi mà cơ hội được tẩy não còn không được phân bổ đồng đều, thậm chí còn không ai nghĩ rằng nó nên được phân bổ đồng đều. Nghĩ thử xem, khi chúng ta nhận ra rằng bị tẩy não là tấm vé để được thăng tiến trong xã hội, rất nhiều người tình nguyện và hứng khởi để được đổ vài tấn Omo vào bộ não nhỏ bé của mình. Những bánh răng phù hợp sẽ được lắp ghép vào những vị trí thích hợp. Khai phóng và bị đẩy ra rìa xã hội. Hay xiềng xích và có một cuộc sống dễ chịu. Chọn đi nào! Cơ chế này không hoàn hảo, nhưng nó đã làm rất tốt vai trò dịch chuyển xã hội trong kỷ hiện đại. Nếu cho tôi toàn quyển sửa đổi, tôi thậm chí còn chẳng muốn và chẳng biết sửa gì. Suy cho cùng thì nó cũng chỉ là một định chế được xây dựng dựa trên sự đồng thuận xã hội, hoàn thành được nhiệm vụ ban đầu đã là tốt rồi, còn những điều khác có lẽ cần được tìm kiếm ở nơi khác.
Trong bối cảnh như vậy, tôi đành quay lại cái máng lợn của mình. Tôi có trách nhiệm tự giáo dục đàn gà của mình. Tôi sẽ yêu cầu chúng đặt gần như toàn bộ mục tiêu học tập xung quanh việc tự học. Mà tự học, suy cho cùng, là việc đọc và việc viết.
Hãy nói về chuyện đọc. Khốn cùng thay cho những diễn ngôn mà tới tận ngày nay vẫn còn đau đáu so sánh giữa việc đọc các gạch đầu dòng gọn ghẽ tóm tắt một vài ý chính với việc đọc trọn vẹn nguyên bản cùng đầy đủ sắc thái diễn tiến của nó. Sự khổ sở nằm ở chỗ các diễn ngôn này soi rọi hai hiện tượng dưới ánh sáng của tính chi tiết giữa hai văn bản; trong khi đó, bản thân các văn bản đóng góp rất hạn chế vào tiến trình phát sinh tri thức của cá nhân. Lợi ích của việc đọc nằm hoàn toàn ở bản thân hành động đọc. Và hành động đọc chỉ mang lại lợi ích khi cá nhân dành một số tiếng trong cuộc đời mình chỉ để tập trung đắm chìm vào một cuộc hội thoại – giữa người đọc với toàn bộ cảnh huống sinh hoạt của bản thân và một lát cắt của tác giả đã được bắt chụp trong các trang sách – từ đó, phản tư và phản biện để đúc rút ra những suy ngẫm giá trị cho và chỉ cho một mình mình. Như vậy, nội dung của quyển sách vốn chẳng chứa đựng giá trị gì tự thân nó, vốn dĩ cũng vô nghĩa khi phân biệt sách hay và sách dở cùng những tiêu chí làm ra vẻ khách quan. Sẽ là hữu ích hơn nếu đánh giá các đầu sách dưới con mắt thực dụng chủ nghĩa, nghĩa là hỏi rằng nó sẽ khơi gợi được bao nhiêu mẩu hội thoại sâu sắc trong tôi khi tôi toàn tâm toàn ý giao kết với nó trong khoảng thời gian chiều nay?
Đọc. Như một tuần tự tự nhiên, theo sau đó là viết. Tương tự như đọc, hầu hết mọi giá trị của việc viết đến từ chính hành động đặt bút xuống và kẻ ra dòng suy nghĩ lộn xộn của bản thân, sắp xếp chúng lại, đưa ra một vài luận điểm, nhận thấy bất nhất, nhận thấy đứt gãy, nhận thấy hời hợt, lại gạch gạch xóa xóa, rồi lại kẻ từ đầu những dòng suy nghĩ tuy vẫn lộn xộn nhưng ở một góc cạnh khác, sắp xếp lại, đưa ra một vài luận điểm mới. Nhìn một người đang viết với mọi dáng vẻ bình thản của người ấy, nhưng bên trong lại là bão giông và rỉ máu, khi anh ta giết đi và hồi sinh không biết bao nhiêu lần mảnh linh hồn của mình trên trang giấy chằng chịt. Alfred North Whitehead nói rằng, “mục đích của suy nghĩ là để cho những ý tưởng chết đi thay vì chúng ta” và có lẽ viết lách là cách tốt nhất để đấu tố và vạch trần những suy nghĩ ngây thơ như vậy; trên một trang giấy trắng, một ý tưởng hiển lộ rõ ràng đến từng chân tơ kẽ tóc và bị tấn công từ tất cả mọi phía, không giống như khi nó được gói gém trong một câu nói lấp lửng, nơi mà thái độ và cảm xúc của người nói có thể che lấp mọi khiếm khuyết trong lập luận.
Hãy cùng xem xét chính ngay văn bản này. Liệu có cần thiết để tôi thực hành một lối hành văn rối rắm, ngoằn ngoèo và luôn tuồn tuột không một quãng nghỉ vậy không, khi mà toàn bộ mục đích tồn tại của sự thiếu hụt dấu chấm câu chỉ đơn giản là chứng minh rằng tôi có thể làm điều đó? Viết những câu như vậy, thú thật mà nói, thỏa mãn cũng như một tay leo núi cừ khôi sau khi đã chinh phục hàng trăm đỉnh núi không nhỏ một giọt mồ hôi, giờ chỉ còn có thể tạo giả cảm giác khao khát bằng cốc bia mát lạnh tê tái đang chờ trên đỉnh núi lúc tờ mờ sương sáng. Văn vẻ dù có đam mê đến thế nào rồi cũng có lúc phai tàn, đặc biệt với một người không rồ dại si mê văn học như tôi, thế nên dù rằng có đầy đủ khả năng ngồi rị mọ phân tách câu này thành sáu mươi câu tủn mủn khác nhau, nhưng như vậy thì còn đâu cảm giác rằng mình đang làm bất cứ thứ gì có tính thử thách, hay viết bất cứ thứ gì có tính giá trị. Chuyện viết dài thật ra chỉ là một ham muốn ích kỷ của cá nhân người viết, để thỏa mãn cái dục vọng ái kỷ của bản thân, để nối dài dòng hội thoại miên man trong đầu hắn, để kiến thiết nên các lược đồ phức tạp hơn về thế giới, để phục vụ công tác tự đào tạo bản thân, để phát triển những khả năng chưa rõ mục đích như đàn gà phát triển kỹ xảo leo tường. Nhưng hắn cũng sẽ thật sự biết ơn những người bất chấp cái thú cá nhân ấy mà vẫn đọc, vẫn thưởng thức và vẫn hiểu những gì được viết ra ẩn sau câu chữ rối rắm, cũng giống như nét đẹp ẩn tàng của một lạch nước trong rừng sâu, phải tìm tòi, phải dấn thân, phải phát cây cỏ rậm rạp trên đường đi mới sở thị mục kích.
Giáo phái viết sao cho dễ đọc, đọc sao cho dễ hiểu chỉ là một biểu lộ vô hại hơn của một thế giới thiếu vắng sự trân trọng sắc thái; nơi mọi người yêu chiều cái sự đơn giản đến mực đáng khinh bỉ. Các cá nhân bị gom nhóm và gán nhãn một cách tàn bạo dưới con mắt người khác, để có thể lười biếng sắp xếp thế giới gọn gẽ dưới hai thái cực nhàm chán. Buồn thay, chính những người học cao lại mang trong mình cái xu hướng thiếu hụt trí tuệ này. Liệu thật sự có người chọn được người yêu và những người thân cân bên mình chỉ cần thông qua quan điểm chính trị của người kia? Thật nực cười! Trong những người tôi tránh xa thì đây là đối tượng đầu tiên; bởi vì họ không xem tôi như con người với đầy đủ sự phức tạp và năng động cá nhân, mà chỉ xem tôi như một vật chủ chuyên chứa những tư tưởng trừu tượng và đối tượng để họ vật lộn với cuộc chiến biểu tượng trong đầu họ. Melanie Klein hẳn sẽ ưu ái gọi họ là những người lớn nhưng chưa vượt qua được giai đoạn huyễn tưởng của trẻ một tuổi. Đám này quả là đáng bị đàn gà của tôi mổ cho tới tấp. À mà thật ra nếu vậy thì chính bản thân tôi cũng xứng đáng bị mổ lắm chứ? Không lo, tôi vốn đã bị mổ rồi, mỏ tôi còn vết sẹo cơ mà.
Dù sao thì, kể từ ngày nhận thấy thế giới là phức tạp, và tạo tác của con người nên hướng đến mục tiêu tái hiện trọn vẹn sự phức tạp ấy hơn là đơn giản hóa chúng trở thành những mô hình trừu tượng nghèo nàn và lợt lạt, tôi đâm ra mê mẩn cái văn phong lê la chữ nghĩa như một vụ lúa chờ đợi mỏi mòn thời mà người ta chưa phát hiện các giống biến đổi gien siêu ngắn ngày như hiện nay.
Ngồi đây suy nghĩ vu vơ. Tôi nhớ đến một cảnh huống khác, lũ gà đang ăn uống thư thái trong một buổi chiều mát mẻ, một con gà trống nhảy lên đạp một con gà mái khác, nhưng có vẻ chưa được đồng thuận nên con gà mái chạy hoảng loạn, còn phọt ra một quả trứng chưa hình thành trọn vẹn lớp vỏ, cứ thế mà được phẹt thẳng xuống lớp đất, phí hoài một sinh mạng. Tôi nghĩ gì về điều này nhỉ? Mà thôi, câu chuyện hôm nay dừng lại ở đây là được rồi.
Cục ta cục tác! Cho ta nắm thóc, ta kể cho nghe!
----surphi10, 10.07.2023
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất