Đối với tất cả các lĩnh vực thì số liệu khảo sát hay thống kê đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thuyết phục một người nào đó. Tuy nhiên hầu hết các bài viết của mình thiên hướng của nó là trải nghiệm cá nhân rồi tự rút ra bài học. Mình viết mong muốn đem lại cho bản thân cũng như người đọc cho người đọc một góc nhìn khác trong cuộc sống. Và thường thì thất bại hay trải nghiệm của mỗi người là thứ mình thấy học được từ họ nhiều nhất.
Mình có đọc nhiều sách không? Mình có
Mình có nghiên cứu nhiều tài liệu không? Mình có
Mình có tham gia nhiều khóa học không? Mình có
Mình có ứng dụng những thứ mình học không? Mình có
Mình có tạo ra kết quả không? Mình có
Nhưng … mình vẫn thấy bản thân lạc lối, sự phát triển rất chậm hoặc dừng lại, cảm thấy không đủ giỏi, không đủ cố gắng, nhớ trước quên sau, tư duy chung chung, tóm lại vẫn có một cái gì đó nó sai sai ở đây nhưng thời gian trước thực sự mình không biết được cách thoát khỏi nó.
Chỉ mới thời gian gần đây mình mới nhận ra được vấn đề và trong quá trình thay đổi rồi khắc phục nó. Mình cảm thấy rất vui vì điều này. Cho tới thời điểm hiện tại thì sự thay đổi này nhìn qua tưởng chừng nó không nhiều, nhưng đối với cá nhân mình thì đây là sự thay đổi đã được tích lũy dần dần qua thời gian và chỉ tới thời điểm hiện tại nó mới thành hình được. Nó không phải chuyện một sớm một chiều kiểu ví dụ hôm nay đọc trên mạng đâu đó câu: “Cần sự nỗ lực mới có thành quả” thì ngay lập tức ngay mai xóa fb, tắt mạng rồi làm việc, kiếm tiền điên cuồng được. Có thể xảy ra đó nhưng mình cam đoan chắc chỉ được 5-7 ngày là căng, rồi lại quên ngay câu seo hép đã truyền động lực nửa vời đó.
Quá trình thay đổi này nó dựa vào 1 thói quen đó chính là: TƯ DUY ĐỘC LẬP (và nếu chỉ được chọn duy nhất 1 thì mình sẽ chọn thói quen này). Mình chắc rằng bạn cũng đã nghe đến kỹ năng này rồi. Nó không xa lạ, tuy nhiên đối với mình đây là một thói quen cực kỳ khó thực hiện. Nhưng không phải là không có cách, phía cuối mình sẽ chia sẻ.
Để trả lời cho câu hỏi lý do vì sao thói quen này khó thực hiện thì do 3 nguyên nhân chính sau:

1. Giáo dục từ bé đến lớn

Mình là một người bình thường, ở một gia đình bình thường cho nên phần đông lớn lên như thế nào thì mình cũng y như thế. Đến tuổi thì đi học mẫu giáo, tiểu học, trung học. Và tất cả những gì còn đọng lại cho đến bây giờ là chỉ nhớ những thú vui chơi ngoài giờ và mình học trường gì thôi.
Tất cả các môn học mình đều bị động tiếp thu theo sự bắt buộc của người lớn mà không còn lựa chọn nào khác - vì đây là cách duy nhất để lên lớp. Để nói những sự lựa chọn khác mang tính sáng tạo như các môn nhạc, vẽ, khoa học rồi sao? Rồi cũng được vài ba hôm đến lúc cũng phải học đủ môn để lên lớp thôi, không còn thời gian mà sáng tạo hay tư duy nữa.
Bố mẹ mình cũng là người bình thường không học đại học mà chỉ đi làm những công việc tay chân thôi cho nên cách dạy vẫn là: “yêu cho roi cho vọt”.
Ở đây có 2 ý mình muốn nhấn mạnh. Thứ nhất mình không đổ lỗi cho nên giáo dục vì đó là cả hệ thống như thế rồi (bây giờ sẽ có trường tốt hơn). Thứ hai là thời ông bà dạy bố mẹ mình như nào thì mình cũng sẽ bị tương tự vậy thôi, vì giữa 2 thế hệ này chưa có gì thay đổi lớn như thời bây giờ của mình (bây giờ có nhiều cách dạy văn minh hơn).
Lên đến đại học cũng vậy, cái tư duy phụ thuộc (bị động) nó ăn luôn vào trong máu. Và nếu tính tới thời điểm khi đó thì tức là tư duy phụ thuộc nó đã được hình thành trong 16 năm học - hơn cả quy luật 10.000 giờ để master, tức là phần đông đã trở thành chuyên gia trong tư duy phụ thuộc. Chắc chắn sẽ có trường hợp số ít những người thoát ra sớm hơn nhưng mình lúc đó thì chưa :))

2. Môi trường xã hội

Xã hội về bản chất được tạo nên từ những con người với nhau. Và những người này (bao gồm cả mình) đã được “đào tạo” để ra đời với tư duy phụ thuộc.
Bạn biết chuyện gì đang xảy ra ở đây không? Mình nghĩ bạn đã biết. Đó chính là các quy chuẩn xã hội dành cho người trưởng thành: giàu có, thành công, vợ thảo, con ngoan,... Những quy chuẩn này đã được sắp xếp sẵn từ A-Z, tức là qua bước này sẽ đến bước kia. Đây là một cuộc chạy đua đã được sắp đặt. Tư duy phụ thuộc á? Thời gian đâu mà quan tâm nữa. Cứ kệ và cứ sống.
Và môi trường xã hội là nơi phù hợp để khiến cho kỹ năng mình xem là quan trọng nhất bị lãng quên. Hậu quả ư? Phần dưới mình sẽ cho bạn thấy.

3. Hệ thống các vòng lặp

Đây là một trong những điều mà mình thấy nó tác động cực kỳ lớn tới cuộc sống của mỗi người. Chủ đề này mình sẽ dành riêng 1 bài viết để đào sâu cho nó vì mình thực sự bất ngờ khi hiểu điều này.
Vòng lặp sẽ có vòng lặp tích cực và vòng lặp tiêu cực. Vòng lặp tiêu cực sẽ sản sinh ra tư duy phụ thuộc và ngược lại. Một vòng lặp tiêu cực thì không sao nhưng nó là hệ thống rất nhiều vòng lặp tiêu cực đan xen lẫn nhau vì nó có liên quan. Mình ví dụ:
Vòng 1: Lướt mạng xã hội -> Giết thời gian -> Thoải mái, vui vẻ -> Lướt mạng xã hội
Vòng 2: Giết thời gian không đúng nơi -> Ít thời gian cho sự phát triển bản thân -> Không thấy mình phát triển -> Cảm thấy áp lực, cần tìm nơi để xả stress -> Lướt mạng xã hội
Vòng 3: Không thấy bản thân phát triển -> Đọc sách -> Không dành thời gian nghiền ngẫm, ngâm cứu, ứng dụng -> Không thấy bản thân phát triển
Vòng 4: Không tập thể dục -> Mệt mỏi, bề ngoài xuống cấp -> Cần tìm nơi xả stress -> Giết thời gian không đúng nơi -> Không có thời gian đi tập thể dục
Vòng n:
Mình bị dính tất tần tật và bây giờ vẫn còn :)) Mình là một người bình thường đang cố gắng để tốt hơn từng chút từng chút.
Như bạn có thể thấy ở trên thì khi phá vỡ 1 vòng lặp tiêu cực thì các vòng lặp khác cũng sẽ bị phá vỡ. Vì vậy để nói thoát khỏi tư duy phụ thuộc không phải chuyện một sớm một chiều. Khi đang sống dễ dàng quen rồi chuyển qua sống khổ thì đâu phải ai cũng làm được. Đây chính là lý do mà mọi người hay bảo với nhau là: “Đừng cố gắng thay đổi người khác” vì nó đúng. Bạn nghĩ rằng mình sẽ chỉ cố gắng thay đổi 1 thói quen của họ thôi, nhưng không biết rằng thói quen đó nó được tạo bởi nhiều thói quen khác nữa.
Khó thay đổi như vậy thì tại sao phải thay đổi? Tác hại của tư duy phụ thuộc nó buồn cười ở chỗ là mình và bạn sẽ luôn trong trạng thái bất ổn như phần đầu mình có nói: lạc lối, mệt mỏi, chậm phát triển, tư duy linh tinh, không đủ đầy tinh thần,... Đây là những trạng thái sẽ bị gặp phải nếu còn tư duy này. Nếu bạn không bị gì thì mình nghĩ chúng ta không thuộc về nhau :)) Đùa thôi haha.
Tư duy phụ thuộc khiến mình luôn cảm thấy thiếu thiếu bất kỳ lúc nào. Dẫn đến việc không tự tin vào hành động hay quyết định của bản thân. Lúc nào cũng chờ đợi một sự chắc chắn đến từ một nguồn kiến thức hay từ một người nào đó uy tín xác nhận thì mới dám làm, mới dám xông pha. Nếu không có đủ sự an toàn thì chỉ quyết định những gì bản thân chắc chắn hoàn toàn, điều này khiến cho khi phải đưa ra các quyết định lớn hơn (chắc chắn cuộc đời luôn bắt chúng ta phải lựa chọn) thì tư duy đầu tiên đó là đi hỏi, đi học, đọc sách nhiều nhất có thể để có thể chắc chắn. Và rồi mình lại bị ngộ độc kiến thức :)) Mình bị thế nhưng cái thời điểm đấy mình không biết là mình đang bị mới sợ.
Tư duy phụ thuộc khiến cho việc học tập, làm việc hay nắm bắt cơ hội trở nên không có hiệu quả. Họa chăng là do mình đang làm theo công thức nào đó trong các công việc định kỳ rồi nó hiệu quả thôi. Chứ về lâu dài thì sự phát triển đó chỉ là con số 0.000001. Thế mới thấy rằng số năm làm việc không phản ánh kinh nghiệm mà một người nào đó có được. Suốt ngày làm theo checklist thì nếu mình không có checklist chắc cũng mông lung như một trò cười.
Suy nghĩ đơn giản có làm cho cuộc sống đơn giản hơn không? Mình nghĩ là không. Tư duy phụ thuộc tương đương với việc không tư duy. Việc không tư duy sẽ khiến cuộc sống bị người khác, bị môi trường điều khiển chứ không phải bản thân. Khi đối diện với khó khăn thì không còn cách nào khác phải quay lại trong cái vỏ bọc an toàn rồi chờ ngày khó khăn đi qua - và thường nó sẽ đi nhưng quay trở lại nhanh thôi.
Tư duy phụ thuộc về bản chất là việc tin vào bất kỳ thứ gì phù hợp với cái tôi của mỗi người. Mà cái tôi của người đó đã được hình thành từ ngày còn bé, từ giáo dục, từ xã hội, từ môi trường xung quanh mà không thông qua bộ lọc nào cả.
Tư duy phụ thuộc có xấu không? Nếu theo tất cả những gì mình chia sẻ phía trên thì đối với mình là xấu, thì xấu mới thay đổi chứ :)). Tuy nhiên nếu bạn không gặp các vấn đề mình gặp phải thì có nghĩa nó chưa chưa xấu đến mức vậy. Có thể cái tôi của bạn đã được hình thành từ một môi trường rất tốt.
Nhưng nếu để mà nói khách quan thì đối với mình thì đây là một chuyện tốt. Vì đây là trải nghiệm, là bài học mà mình cần trải qua để trưởng thành thêm một chút, lớn hơn một chút. Mình vẫn tin vào câu nói rằng mọi chuyện xảy ra với mình ở bất kỳ thời điểm nào đều hợp lý. Tâm thế của mình là sẽ luôn sẵn sàng đón nhận những chuyện đó, cơ mà đôi lúc cũng vật lộn thật vì cảm xúc lúc lên lúc xuống mà haha.
Tư duy độc lập là sự tự nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, suy nghĩ của một cá nhân mà không phụ thuộc, không bắt chước tới bất kỳ khái niệm nào khác (văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, giáo dục, kinh nghiệm, kiến thức,...)
Ở đây chắc sẽ có bạn liên tưởng tới tư duy phản biện - là tư duy giúp khẳng định lại tính chính xác của 1 vấn đề. Đương nhiên đây cũng là một thói quen quan trọng tuy nhiên như mình nói ở tiêu đề thì mình chỉ được quyền chọn 1, đôi khi thì tư duy phản biện mà kết hợp với cái tôi cao thì không tốt bởi vì mình sẽ dùng sự phản biện chỉ để bảo vệ cái tôi mà thôi - ranh giới này rất mong manh (và mình cũng không giỏi phản biện lắm vì góc nhìn của mình thật sự chưa rộng, ví dụ bài viết này cũng là cách để mình tự phản biện bản thân để luyện tập). Còn đối với mình thì tư duy độc lập nó ở cấp độ cao hơn và giúp mình phát triển nhiều hơn cũng như nó không bị mâu thuẫn khái niệm khác.
Vậy mình đã làm cách nào để có thể thay đổi và cải thiện thói quen tư duy độc lập? Dưới đây là 2 cách mà mình thấy nó thật sự có tác động rất lớn tới việc thay đổi từ tư duy phụ thuộc qua độc lập. Thực ra có nhiều cách hơn nhưng mình nghĩ áp dụng được 1 cách một cách đều đặn cũng là đủ rồi.

1. Mở rộng khoảng cách

Bạn có biết con người có đặc điểm đặc biệt so với các loài động vật là gì không? Đó chính là khả năng “lựa chọn hành động” khi gặp kích thích từ yếu tố bên ngoài. Còn các loài động vật thì chỉ có khả năng “phản ứng” khi gặp kích thích thôi.
Ví dụ khi mình đi làm về nhà mệt thì “phản ứng” tự nhiên không cần suy nghĩ là đâm mặt vào gối và cầm điện thoại lướt fb đến giờ tắm giặt hay ăn cơm. Còn đôi khi sẽ “lựa chọn hành động” là xỏ giày vào chạy bộ ra công viên tầm 30 phút gì gì đó. Tương tự như việc khi nói “Để mai làm” rồi ngày mai không làm là phản ứng tự nhiên.
Phản ứng tự nhiên ở thời đại hiện nay ngày càng dễ dàng bởi sự phát triển của công nghệ khi mọi thứ đều nhanh: ship 3 giờ, tóm tắt phim 5 phút, lắc eo 30s,... Khi mọi thứ càng nhanh thì sự phản kháng của cơ thể ngày càng yếu, vì nó luôn mưu cầu mức độ kích thích cao hơn.
Ví dụ điển hình cho trường hợp này đó là thí nghiệm thiên đường chuột hay một dân tộc ở Úc khi người ta cho sẵn mọi thứ vật chất: ăn uống, nhà ở - tức là không cần phải lo nghĩ bất kỳ thứ gì cả. Thì kết quả lại khiến cho nhiều tệ nạn hơn, nhiều vấn đề tiêu cực hơn. Ý nghĩa của nó là khi chúng ta đã đạt đến một ngưỡng rồi thì muốn ngưỡng cao hơn để kích thích cảm giác dù nó có tiêu cực đi chăng nữa. Đây chính là phản ứng tự nhiên của động vật lẫn con người.
Cuộc sống của mình 1 năm trước là hệ thống những vòng lặp vô hạn dễ đoán. Các vòng lặp tiêu cực cũng được xây dựng trên các phản ứng tự nhiên của mình. Các phản ứng này nhằm giúp chúng ta được cảm giác thoải mái, an toàn, thỏa mãn, vui vẻ trong ngắn hạn. Các vòng lặp chính là nhân tố khiến mình và bạn thấy thời gian trôi đi cực kỳ nhanh nhưng thấy cái gì đó sai sai mà không biết sai chỗ nào. Cho đến khi gặp vấn đề hay khó khăn thì rất khó để xoay xở bởi năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm không đủ đáp ứng. Tiếp theo đó dẫn đến áp lực, âu lo, suy sụp về tinh thần - đây chính là những hậu quả đến không báo trước.
Có một khoảng cách mong manh giữa “phản ứng tự nhiên” và “lựa chọn hành động”.
Nhiệm vụ của mình là kéo dài cái khoảng cách này ra để mình có thời gian đưa ra quyết định. Khoảng cách này càng ngắn thì phản ứng tự nhiên sẽ xảy ra dễ dàng.
Để kéo dài khoảng cách này thì có 2 cách một cái có giá trị dài hạn, một cái ngắn hạn.
+ Cách ngắn hạn là dừng lại ở mỗi khoảng cách - không làm bất kỳ cái gì cả. Ví dụ khi mình vừa mới về nhà trước khi đâm đầu vào gối và cầm điện thoại thì mình cứ đứng lại không làm gì cả. Giờ sẽ có quyền lựa chọn hành động, có thể là đi tập thể dục hoặc không - nhưng điểm chính ở đây là mình đã có quyền độc lập với lựa chọn của mình. Tương tự với các quyết định khác - cứ dừng lại đã tính sau.
+ Cách dài hạn là tập thiền tĩnh, tập thở hoặc thiền động: Mình đã có nhiều lần cảm thấy thời gian trôi cực kỳ nhanh mà nhìn lại chả làm cái gì ra ngô ra khoai cả. Đó chính là những cái vòng lặp mình nói ở trên. Việc tập thiền sẽ giúp mình chậm lại 1 nhịp giữa các vòng lặp. Giúp mình nhận thức các vấn đề hiện tại có ảnh hưởng gì tới cuộc sống của mình. Chậm 10 phút cũng đã giúp mình tiết kiệm được hàng chục giờ đi mông lung rồi. Thiền động cũng được nè như đi bộ chẳng hạn - tức là tạm gác mọi thứ qua một bên. Sống chậm lại một chút để tiết kiệm nhiều chút :))

2. Sự kết nối thật

+ Kết nối với bạn bè, người thân: Lần cuối cùng bạn nói những câu chuyện về chiều sâu là lúc nào? Lần cuối cùng bạn thấy mình được đồng cảm, được chia sẻ, được thấu hiểu là lúc nào? Thật sự đây là những khoảnh khắc phải nói thời gian như ngừng lại luôn. Những mối quan hệ này với mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nó là những câu chuyện trực tiếp 1:1 chứ không phải hời hợt qua mạng xã hội, hay là việc tụm năm tụm ba chếch in sang chảnh nói những chuyện công việc đời thường. Đó không chỉ đơn thuần là những cuộc trò chuyện mà là sự giao thoa giữa 2 thế giới quan cùng hoặc khác nhau, là sự nhìn nhận lại bản thân của mỗi cá nhân để học hỏi, để phát triển hơn.
Khi sự kết nối thật được nuôi dưỡng đúng cách thì tư duy độc lập của mình và bạn sẽ càng được củng cố vì có người đã đối chiếu và trao đổi giúp mình cải thiện tư duy một cách lành mạnh.
Về bản chất con người sống luôn cần cộng đồng - nhưng đó phải là nơi họ là chính họ chứ không cố gắng làm ai khác cả. Và mình cũng như bạn cần phải phát triển những mối quan hệ như vậy. Chất lượng luôn tốt hơn số lượng khi nói đến sự kết nối thật và thời gian chúng ta là có hạn mà hì hì.
+ Kết nối với chính mình - đây là sự kết nối quan trọng nhất. Về việc hiểu mình là ai, mình thích gì, mình không thích gì, mình giỏi gì, không giỏi gì, mình cần gì, mình muốn cuộc sống như thế nào, định nghĩa thành công, hạnh phúc của mình là gì, mình có tham vọng không, mình có đam mê không, vân vân, mây mây?
Vô vàn câu hỏi. Và điều phần đông mọi người thường sẽ làm đó là chờ 1 thời điểm nào đó thích hợp để trả lời. Đơn giản là việc trả lời những câu trên cực kỳ khó và mất cực kỳ nhiều thời gian, nhưng mà thường những cái gì khó và cần nhiều thời gian thì lại là những cái quý giá nhất.
Trở về với bản thể của chính mình là một điều mình cảm thấy đang dần hướng được đến: Mình đã hiểu mình thích gì, mình đã biết mình cần gì, mình đã biết mình không thỏa hiệp với gì,... Vẫn còn câu hỏi mình chưa trả lời được nhưng mình biết rằng rồi sẽ tới thôi.
Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau nhưng mình nghĩ cách tìm câu trả lời đa số là giống nhau. Đó là việc đối diện với các câu hỏi và trả lời qua việc trải nghiệm va vấp thực tế rút ra bài học rồi cứ quay đi quay lại quá trình này cho đến hết câu hỏi. Một công cụ nữa có thể giúp mình đi nhanh hơn thì đó chính là viết lách. Viết là để mình sắp xếp suy nghĩ, viết là để mình tự tư duy độc lập, viết là để hiểu bản thân mình hơn.
Trên chặng đường khám phá bản thân thì tư duy độc lập sẽ được hình thành dần dần. Mình càng cố gắng hiểu bản thân, có niềm tin vào bản thân bao nhiêu thì tư duy độc lập càng mạnh bấy nhiêu.
Có 1 điều mình cảm thấy khá thú vị đó là: Nếu bạn đang cảm thấy mình bị ngộ độc kiến thức thì đó là một điều tốt bởi đây có thể là dấu hiệu để đi đến bước tiếp theo. Đương nhiên mình không nói rằng cứ học nhiều làm nhiều không quan tâm bất kỳ thứ gì xung quanh là con đường duy nhất. Đó chỉ là con đường mình đã đi, có một câu mình hay nhắc đến đó là: “Chúng ta không biết những gì chúng ta không biết”. Cho nên việc biết nhiều cũng có cái lợi của biết nhiều vì khi bắt đầu vỡ ra một thứ gì đó mới, thì rất rất nhiều thứ mà bay lung tung trong đầu lúc trước giờ nó được liên kết lại thành 1 thể thống nhất.
Cho nên mình nghĩ rằng trải nghiệm nào cũng đáng quý, bài học nào cũng đáng học, thất bại nào cũng đáng trân trọng. Không có cái gì là phí, không có cái gì là sai, không có cái gì là đáng trách hay phải xấu hổ cả, như mình thì mình viết ra hết ai đọc được thì đọc hihi. Mình vẫn cứ từ từ tận hưởng quá trình này thôi, vì dù gì thì cuối cùng rồi mọi chuyện đều sẽ ổn bằng cách này hay cách khác. Mình cứ sống tử tế với người khác, hết mình với những điều mình tin tưởng rồi cuộc sống sẽ tự vận hành.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Viết bởi một người bình thường ^^